Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42241/CT-TTHT
V/v trả lời chính sách thuế TNDN

Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2020

 

Kính gửi: Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Ngân Lực
Đ/c: Tầng 6, Số 263 đường Cầu Giấy, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội - MST: 0102306332

Cục Thuế TP Hà Nội nhận được công văn số 48/2020/CV-NIAD ngày 25/2/2020; công văn số 13/CV-NIAD ngày 13/1/2020 bổ sung thông tin cho công văn số 458/CV-NIAD ngày 13/12/2019 của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Ngân Lực (sau đây gọi là Công ty) hỏi về chính sách thuế. Sau khi báo cáo, xin kiến của Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/08/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp:

+ Tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 2 quy định:

“2. Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư: là dự phòng phần giá trị bị tổn thất có thể xảy ra do giảm giá các loại chứng khoán doanh nghiệp đang nắm giữ và dự phòng tổn thất có thể xảy ra do suy giảm giá trị khoản đầu tư khác của doanh nghiệp vào các tổ chức kinh tế nhận vốn góp (không bao gồm các khoản đầu tư ra nước ngoài).

3. Dự phòng nợ phải thu khó đòi: là dự phòng phần giá trị tổn thất của các khoản nợ phải thu đã quá hạn thanh toán và khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng có khả năng không thu hồi được đúng hạn.”

+ Tại Khoản 1 Điều 3 quy định:

“1. Các khoản dự phòng quy định tại Thông tư này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ báo cáo năm để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong kỳ báo cáo năm sau; đảm bảo cho doanh nghiệp phản ánh giá trị hàng tồn kho, các khoản đầu tư không cao hơn giá trên thị trường và giá trị của các khoản nợ phải thu không cao hơn giá trị có thể thu hồi được tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm.”

+ Tại Khoản 1 Điều 6 quy định dự phòng nợ phải thu khó đòi như sau:

“1. Đối tượng lập dự phòng là các khoản nợ phải thu (bao gồm cả các khoản doanh nghiệp đang cho vay và khoản trái phiếu chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán mà doanh nghiệp đang sở hữu) đã quá hạn thanh toán và các khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng có khả năng doanh nghiệp không thu hồi được đúng hạn, đồng thời đảm bảo điều kiện sau:

a) Phải có chứng từ gốc chứng minh số tiền đối tượng nợ chưa trả, bao gồm:

- Một trong số các chứng từ gốc sau: Hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ; cam kết nợ;

- Bản thanh lý hợp đồng (nếu có);

- Đối chiếu công nợ; trường hợp không có đối chiếu công nợ thì phải có văn bản đề nghị đối chiếu xác nhận công nợ hoặc văn bản đòi nợ do doanh nghiệp đã gửi (có dấu bưu điện hoặc xác nhận của đơn vị chuyển phát);

- Bảng kê công nợ;

- Các chứng từ khác có liên quan (nếu có).

b) Có đủ căn cứ xác định là khoản nợ phải thu khó đòi:

- Nợ phải thu đã quá thời hạn thanh toán từ 06 tháng trở lên (tính theo thời hạn trả nợ gốc ban đầu theo hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ hoặc các cam kết nợ khác, không tính đến thời gian gia hạn trả nợ giữa các bên), doanh nghiệp đã gửi đối chiếu xác nhận nợ hoặc đôn đốc thanh toán nhưng vẫn chưa thu hồi được nợ.

- Nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng doanh nghiệp thu thập được các bằng chứng xác định đối tượng nợ có khả năng không trả được nợ đúng hạn theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

- Riêng đối với các khoản nợ mua của doanh nghiệp mua bán nợ (có đăng ký ngành nghề và hoạt động mua bán nợ theo đúng quy định của pháp luật), thời gian quá hạn được tính kể từ ngày chuyển giao quyền chủ nợ giữa các bên (trên cơ sở biên bản hoặc thông báo bàn giao quyền chủ nợ) hoặc theo cam kết gần nhất (nếu có) giữa doanh nghiệp đối tượng nợ và doanh nghiệp mua bán nợ.

2. Mức trích lập

a) Đối với nợ phải thu quá hạn thanh toán, mức trích lập dự phòng như sau:

- 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm.

- 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm.

- 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm.

- 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 3 năm trở lên.

…”

- Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính như sau:

“ “Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.1. Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.

2.19. Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng: dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp và dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.

...”

- Thực hiện hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại công văn số 1931/TCT-CS ngày 13/5/2020.

Căn cứ các quy định trên:

- Về nguyên tắc, khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi theo đúng quy định của Bộ Tài chính thì khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi này được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

- Trường hợp Công ty phát sinh khoản nợ phải thu từ Công ty CP thống nhất 508 theo Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của Tòa án nhân dân thành phố Tuy Hòa, Tỉnh Phú Yên. Nếu khoản nợ phải thu này đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/08/2019 của Bộ Tài chính thì Công ty được trích lập dự phòng và tính vào chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN, mức trích lập dự phòng theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 48/2019/TT-BTC. Nếu khoản nợ phải thu không đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/08/2019 của Bộ Tài chính thì Công ty không được trích lập dự phòng và không được tính vào chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN.

Đề nghị Công ty căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị, đối chiếu với các quy định của pháp luật để thực hiện theo đúng quy định. Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, đề nghị đơn vị liên hệ với Phòng Thanh tra - Kiểm tra số 5 để được hướng dẫn cụ thể.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Ngân Lực được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng TKT5;
- Phòng DTPC;
- Lưu: VT, TTHT(2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Tiến Trường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 42241/CT-TTHT năm 2020 trả lời chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 42241/CT-TTHT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 27/05/2020
  • Nơi ban hành: Cục thuế thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Tiến Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/05/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản