Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 4164/UBND-CN
V/v hướng dẫn lập và quản lý chi phí xây dựng, điều chỉnh dự toán xây dựng công trình

Mỹ Tho, ngày 01 tháng 9 năm 2010

 

 Kính gửi:

- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công.

 

Căn cứ Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Công văn số 920/BXD-KTXD ngày 25/5/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh dự toán xây dựng công trình theo mức lương tối thiểu mới từ 01/01/2010;
Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, điều chỉnh dự toán xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước theo mức lương tối thiểu mới từ 01/01/2010 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo văn bản này bao gồm: tổng mức đầu tư xây dựng công trình (gọi tắt là tổng mức đầu tư), dự toán xây dựng công trình (gọi tắt là dự toán công trình), định mức xây dựng và giá xây dựng công trình của các dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên, bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là vốn ODA), vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh và vốn đầu tư khác của nhà nước.

2. Đối với dự án sử dụng vốn ODA, nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có những quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình khác với quy định của văn bản này thì thực hiện theo các quy định tại điều ước quốc tế đó.

3. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thanh toán vốn đầu tư xây dựng công trình của các dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên.

4. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của các dự án sử dụng ít hơn 30% vốn nhà nước áp dụng theo văn bản này.

5. Việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình bao gồm: tổng mức đầu tư, dự toán công trình, định mức xây dựng và giá xây dựng công trình đều phải tuân thủ các điều khoản quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (gọi tắt là Nghị định số 112/2009/NĐ-CP) và Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (gọi tắt là Thông tư số 04/2010/TT-BXD).

II. LẬP TỔNG MỨC ĐẦU TƯ

1. Tổng mức đầu tư là chi phí dự tính để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, được tính toán và xác định trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình phù hợp với nội dung dự án và thiết kế cơ sở; đối với trường hợp chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, tổng mức đầu tư đồng thời là dự toán xây dựng công trình được xác định phù hợp với nội dung báo cáo kinh tế - kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công.

2. Tổng mức đầu tư là một trong những cơ sở để đánh giá hiệu quả kinh tế và lựa chọn phương án đầu tư; là cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình.

3. Nội dung các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư, phương pháp lập tổng mức đầu tư được quy định tại Điều 4, Điều 5 và được hướng dẫn cụ thể tại Phụ lục số 1 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD.

4. Khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đối với các trường hợp không phải lập dự án, chủ đầu tư phải xác định tổng mức đầu tư để tính toán hiệu quả đầu tư xây dựng. Tổng mức đầu tư được ghi trong quyết định đầu tư do người quyết định đầu tư phê duyệt là chi phí tối đa mà chủ đầu tư được phép sử dụng để đầu tư xây dựng công trình và là cơ sở lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình.

5. Nội dung, thẩm quyền thẩm định tổng mức đầu tư quy định tại Điều 6 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP.

Người quyết định đầu tư giao cho đơn vị đầu mối tổ chức thẩm định tổng mức đầu tư trước khi phê duyệt.

6. Trường hợp thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm chuyên môn để thẩm tra tổng mức đầu tư thì nội dung thẩm tra như nội dung thẩm định; chi phí thẩm tra được xác định trên cơ sở định mức chi phí tỷ lệ hoặc bằng cách lập dự toán theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

7. Kết quả thẩm định hoặc thẩm tra tổng mức đầu tư theo hướng dẫn tại Phụ lục số 7 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD .

8. Tổng mức đầu tư được điều chỉnh đối với một trong các trường hợp sau đây:

- Ảnh hưởng của động đất, bão, lũ, lụt, sóng thần, hỏa hoạn, địch họa hoặc sự kiện bất khả kháng khác;

- Xuất hiện các yếu tố đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án;

- Khi quy hoạch xây dựng thay đổi trực tiếp ảnh hưởng đến địa điểm, quy mô, mục tiêu của dự án;

- Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

9. Nội dung, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh được quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 7 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP .

Trường hợp khi thay đổi cơ cấu các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư, kể cả sử dụng chi phí dự phòng để điều chỉnh mà không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư được quyền quyết định việc điều chỉnh; trường hợp vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét, quyết định.

10. Tổng mức đầu tư điều chỉnh được xác định bằng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt cộng (hoặc trừ) phần tổng mức đầu tư bổ sung. Giá trị phần tổng mức đầu tư bổ sung được xác định thành một khoản chi phí riêng và phải được tổ chức thẩm định hoặc thẩm tra trước khi quyết định phê duyệt.

III. LẬP DỰ TOÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

Dự toán công trình được tính toán và xác định theo công trình xây dựng cụ thể, trên cơ sở khối lượng các công việc, thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, nhiệm vụ công việc phải thực hiện của công trình, hạng mục công trình và hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng công trình.

Dự toán công trình là cơ sở để xác định giá gói thầu, giá xây dựng công trình, là căn cứ để đàm phán, ký kết hợp đồng, thanh toán với nhà thầu trong trường hợp chỉ định thầu.

Nội dung và phương pháp lập dự toán công trình theo Điều 6, Điều 7 và được hướng dẫn cụ thể tại Phụ lục số 2, Phụ lục số 3 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD .

1. Chi phí xây dựng: được xác định cho công trình, hạng mục công trình, bộ phận, phần việc, công tác của công trình, hạng mục công trình đối với công trình chính, công trình phụ trợ, công trình tạm phục vụ thi công, nhà tạm để ở và điều hành thi công. Chi phí xây dựng bao gồm: chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước và thuế giá trị gia tăng.

a) Chi phí trực tiếp gồm chi phí vật liệu (kể cả vật liệu do chủ đầu tư cấp), chi phí nhân công, chi phí máy thi công và chi phí trực tiếp khác. Chi phí vật liệu, nhân công, máy thi công trong chi phí trực tiếp được xác định theo khối lượng hao phí vật liệu, nhân công, máy thi công và đơn giá xây dựng công trình áp dụng cho công trình, hạng mục công trình:

- Chi phí vật liệu: Giá vật liệu xây dựng được xác định phù hợp với tiêu chuẩn, chủng loại và chất lượng vật liệu sử dụng cho công trình xây dựng cụ thể. Giá vật liệu xây dựng xác định trên cơ sở giá thị trường nơi xây dựng công trình do tổ chức có chức năng cung cấp, báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp hoặc giá của loại vật liệu có tiêu chuẩn, chất lượng tương tự đã và đang được sử dụng ở công trình khác. Giá vật liệu đến hiện trường xây dựng được tính theo phương pháp lập đơn giá xây dựng công trình.

- Chi phí nhân công trong Đơn giá xây dựng công trình - Phần xây dựng và lắp đặt đã công bố tại Công văn số 381/UBND-CN ngày 22/01/2008 của Ủy ban nhân tỉnh Tiền Giang khi lập dự toán công trình được điều chỉnh với hệ số:

Hệ số điều chỉnh chi phí nhân công: KĐCNC = 1,958 (tương ứng mức lương tối thiểu là 730.000 đồng/tháng theo Nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của Chính phủ).

- Chi phí máy thi công trong Đơn giá xây dựng công trình - Phần xây dựng và lắp đặt đã công bố tại Công văn số 381/UBND-CN ngày 22/01/2008 của Ủy ban nhân tỉnh Tiền Giang khi lập dự toán công trình được điều chỉnh với hệ số:

Hệ số điều chỉnh chi phí máy thi công: KĐCMTC = 1,062 (tương ứng mức lương tối thiểu là 730.000 đồng/tháng theo Nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của Chính phủ).

- Chi phí trực tiếp khác là chi phí cho những công tác cần thiết phục vụ trực tiếp thi công xây dựng công trình như chi phí di chuyển lực lượng lao động trong nội bộ công trường, an toàn lao động, bảo vệ môi trường cho người lao động và môi trường xung quanh, thí nghiệm vật liệu của nhà thầu và chi phí bơm nước, vét bùn không thường xuyên và không xác định được khối lượng từ thiết kế.         

Chi phí trực tiếp khác được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng chi phí vật liệu, chi phí nhân công, chi phí máy thi công. Tùy theo đặc điểm, tính chất của từng loại công trình như hướng dẫn tại Bảng 3.7 Phụ lục số 3 Thông tư số 04/2010/TT-BXD.

Đối với các công trình sử dụng vốn ODA đấu thầu quốc tế, chi phí trực tiếp khác được lập thành một khoản mục riêng thuộc chi phí xây dựng và được xác định bằng dự toán hoặc định mức tỷ lệ tùy theo đặc điểm cụ thể của từng công trình và yêu cầu của việc tổ chức đấu thầu quốc tế.

b) Chi phí chung bao gồm: chi phí quản lý của doanh nghiệp, chi phí điều hành sản xuất tại công trường, chi phí phục vụ công nhân, chi phí phục vụ thi công tại công trường và một số chi phí khác.

Chi phí chung được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên chi phí trực tiếp hoặc bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên chi phí nhân công (đã nhân hệ số) trong dự toán theo quy định đối với từng loại công trình như hướng dẫn tại Bảng 3.8 Phụ lục số 3 Thông tư số 04/2010/TT-BXD.

Trường hợp cần thiết nhà thầu thi công công trình phải tự tổ chức khai thác và sản xuất các loại vật liệu cát, đá để phục vụ thi công xây dựng công trình thì chi phí chung tính trong giá vật liệu bằng tỷ lệ 2,5% trên chi phí nhân công và máy thi công (sau khi đã điều chỉnh chi phí nhân công và máy thi công).

Đối với các công trình sử dụng vốn ODA đấu thầu quốc tế thì chi phí chung được xác định bằng định mức tỷ lệ hoặc bằng dự toán hoặc theo thông lệ quốc tế.

c) Thu nhập chịu thuế tính trước: là khoản lợi nhuận của doanh nghiệp xây dựng được dự tính trước trong dự toán xây dựng công trình tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên chi phí trực tiếp và chi phí chung theo quy định đối với từng loại công trình như hướng dẫn tại Bảng 3.8 Phụ lục số 3 Thông tư số 04/2010/TT-BXD.

Trường hợp cần thiết phải tự tổ chức khai thác và sản xuất các loại vật liệu cát, đá để phục vụ thi công xây dựng công trình thì thu nhập chịu thuế tính trước tính trong giá vật liệu bằng tỷ lệ 3% trên chi phí trực tiếp và chi phí chung (sau khi điều chỉnh chi phí nhân công và máy thi công ).

d) Thuế giá trị gia tăng: là khoản thuế phải nộp theo quy định của nhà nước và được tính trên tổng giá trị các khoản mục chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước. Thuế giá trị gia tăng cho công tác xây dựng được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) theo quy định hiện hành.

2. Chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công: là chi phí để xây dựng nhà tạm tại hiện trường hoặc thuê nhà hoặc chi phí đi lại phục vụ cho việc ở và điều hành thi công của nhà thầu trong quá trình thi công xây dựng công trình.

Chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công được tính bằng tỷ lệ 2% trên tổng chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước đối với các công trình đi theo tuyến như đường dây tải điện, đường dây thông tin bưu điện, đường giao thông, kênh mương, đường ống, các công trình thi công dạng tuyến khác và bằng tỷ lệ 1% đối với các công trình còn lại.

Đối với các trường hợp đặc biệt khác (như công trình có quy mô lớn, phức tạp, các công trình ngoài hải đảo, các công trình sử dụng vốn ODA đấu thầu quốc tế) nếu khoản mục chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công tính theo tỷ lệ trên không phù hợp thì chủ đầu tư căn cứ điều kiện thực tế tổ chức lập và phê duyệt dự toán chi phí này.

Đối với trường hợp đấu thầu thì khoản mục chi phí này phải tính trong giá gói thầu, giá dự thầu.

3. Chi phí thiết bị: Chi phí thiết bị được tính cho công trình, hạng mục công trình bao gồm: chi phí mua sắm thiết bị công nghệ (kể cả thiết bị công nghệ cần sản xuất, gia công); chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ; chi phí lắp đặt và thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị và các chi phí khác có liên quan. Chi phí mua sắm thiết bị bao gồm: giá mua (kể cả chi phí thiết kế và giám sát chế tạo), chi phí vận chuyển từ cảng hoặc nơi mua đến công trình, chi phí lưu kho, lưu bãi, lưu container tại cảng Việt Nam (đối với các thiết bị nhập khẩu), chi phí bảo quản, bảo dưỡng tại kho bãi ở hiện trường, thuế và phí bảo hiểm thiết bị công trình.

Chi phí lắp đặt thiết bị và thí nghiệm, hiệu chỉnh được xác định bằng cách lập dự toán như đối với dự toán chi phí xây dựng.

Trường hợp thiết bị đã được lựa chọn thông qua đấu thầu thì chi phí thiết bị bao gồm giá trúng thầu và các khoản chi phí theo các nội dung nêu trên được ghi trong hợp đồng.

4. Chi phí quản lý dự án bao gồm: các khoản mục chi phí như quy định tại điểm 3.4 khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD.

Chi phí quản lý dự án được xác định bằng cách lập dự toán hoặc tham khảo các định mức chi phí tỷ lệ do Bộ Xây dựng công bố như Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009 của Bộ Xây dựng công bố Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình hoặc những công bố khác (nếu có).

5. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng bao gồm: các khoản mục chi phí như quy định tại điểm 3.5 khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD .

Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được xác định trên cơ sở tham khảo định mức chi phí tỷ lệ do Bộ Xây dựng công bố như Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009 của Bộ Xây dựng công bố Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình hoặc những công bố khác (nếu có).

Trường hợp các công trình của dự án phải thuê tư vấn nước ngoài thực hiện một số công việc thì chi phí tư vấn được lập dự toán theo quy định hiện hành phù hợp với yêu cầu sử dụng tư vấn cho công trình hoặc giá trị hợp đồng tư vấn đã ký kết để ghi vào dự toán.

Đối với các dự án có nhiều công trình thì chi phí tư vấn đầu tư xây dựng của dự toán công trình không bao gồm: chi phí lập báo cáo đầu tư, chi phí lập dự án hoặc lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật; chi phí thẩm tra tính hiệu quả và tính khả thi của dự án; chi phí tư vấn quản lý dự án. Các chi phí này được dự toán trong quá trình lập báo cáo đầu tư, lập dự án hoặc lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật.

6. Chi phí khác bao gồm: các khoản mục chi phí như quy định tại điểm 3.6 khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD. Đối với các dự án có nhiều công trình thì chi phí khác của dự toán công trình không bao gồm: chi phí rà phá bom mìn, vật nổ, chi phí kiểm toán, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư, chi phí nghiên cứu khoa học công nghệ liên quan đến dự án; vốn lưu động ban đầu đối với các dự án đầu tư xây dựng nhằm mục đích kinh doanh, lãi vay trong thời gian xây dựng; chi phí cho quá trình chạy thử không tải và có tải theo quy trình công nghệ trước khi bàn giao (trừ giá trị sản phẩm thu hồi được), các khoản phí và lệ phí. Các chi phí này được dự toán trong quá trình lập báo cáo đầu tư, lập dự án hoặc lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật.

7. Chi phí dự phòng bao gồm: chi phí dự phòng cho yếu tố khối lượng công việc phát sinh chưa lường trước được và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian xây dựng công trình.

a) Chi phí dự phòng cho yếu tố khối lượng công việc phát sinh được tính chung bằng tỷ lệ 5% trên tổng chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác.

b) Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được tính theo thời gian xây dựng công trình (tính bằng tháng, quý, năm) và chỉ số giá xây dựng phù hợp với loại công trình, theo từng khu vực xây dựng.

Chỉ số giá xây dựng dùng để tính chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong dự toán công trình được xác định như quy định tại khoản 4 Điều 5 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD .

8. Đối với dự án có nhiều công trình xây dựng, chủ đầu tư có thể xác định tổng dự toán của dự án để phục vụ cho việc quản lý chi phí. Tổng dự toán của dự án được xác định bằng cách cộng các dự toán chi phí của các công trình và các chi phí có liên quan thuộc dự án.

9. Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, dự toán công trình có thể được xác định bằng dự toán các gói thầu đấu thầu quốc tế, dự toán các gói thầu đấu thầu trong nước và dự toán các phần việc không tổ chức đấu thầu. Tùy theo yêu cầu và phạm vi đấu thầu, dự toán các gói thầu chỉ bao gồm chi phí xây dựng hoặc bao gồm cả chi phí xây dựng, chi phí thiết bị và chi phí khác phân bổ cho từng gói thầu như nội dung trong khoản 1, khoản 5 Điều 7, khoản 3 Điều 16, khoản 1 Điều 17 và Phụ lục số 6 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD.

10. Thẩm định, phê duyệt dự toán công trình: Nội dung thẩm định, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán công trình quy định tại Điều 10 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP .

Chủ đầu tư tổ chức thẩm định dự toán công trình. Trường hợp thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm chuyên môn để thẩm tra dự toán công trình thì nội dung thẩm tra như nội dung thẩm định của chủ đầu tư; chi phí thẩm tra được xác định trên cơ sở định mức chi phí tỷ lệ hoặc bằng cách lập dự toán theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Kết quả thẩm định hoặc thẩm tra dự toán công trình theo hướng dẫn tại Phụ lục số 7 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD .

11. Điều chỉnh dự toán công trình: Dự toán công trình được điều chỉnh đối với một trong các trường hợp sau đây:

- Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 13 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD .

- Các trường hợp được phép thay đổi, bổ sung thiết kế không trái với thiết kế cơ sở hoặc thay đổi cơ cấu chi phí trong dự toán nhưng không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt, kể cả chi phí dự phòng.

Dự toán công trình điều chỉnh được xác định bằng dự toán công trình đã được phê duyệt cộng (hoặc trừ) phần dự toán công trình bổ sung.

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định hoặc thẩm tra và phê duyệt dự toán công trình điều chỉnh.

Dự toán công trình điều chỉnh là cơ sở để điều chỉnh giá hợp đồng, giá gói thầu và điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Phương pháp xác định dự toán công trình bổ sung được hướng dẫn tại Phụ lục số 4 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD .

IV. LẬP DỰ TOÁN CHI PHÍ KHẢO SÁT XÂY DỰNG

Dự toán chi phí khảo sát xây dựng lập theo Đơn giá xây dựng công trình - Phần khảo sát xây dựng của Ủy ban nhân tỉnh Tiền Giang công bố tại Công văn số 382/UBND-CN ngày 22/01/2008. Trong đó đơn giá của từng loại công việc khảo sát bao gồm chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước:

1. Chi phí trực tiếp: được lập trên cơ sở khối lượng từng loại công việc khảo sát nhân với chi phí vật liệu, nhân công, máy hoặc thiết bị khảo sát tương ứng, trong đó chi phí nhân công khảo sát lập theo Đơn giá xây dựng công trình - Phần khảo sát xây dựng của Ủy ban nhân tỉnh Tiền Giang công bố tại Công văn số 382/UBND-CN ngày 22/01/2008 được điều chỉnh với hệ số:

Hệ số điều chỉnh chi phí nhân công khảo sát: KĐCNCKS = 1,958

2. Chi phí chung: của công tác khảo sát tính bằng 70% chi phí nhân công trực tiếp (sau khi đã điều chỉnh với hệ số KĐCNCKS).

3. Thu nhập chịu thuế tính trước bằng 6 % của chi phí trực tiếp và chi phí chung.

4. Chi phí lập phương án báo cáo kết quả khảo sát (PA) được tính bằng tỷ lệ 5% theo giá trị của tổng khối lượng của từng loại công vệc khảo sát nhân với đơn giá từng loại công việc khảo sát tương ứng.

5. Chi phí chỗ ở tạm thời (LT) được tính bằng 5% theo giá trị của tổng khối lượng của từng loại công vệc khảo sát nhân với đơn giá từng loại công việc khảo sát tương ứng.

6. Thuế giá trị gia tăng (VAT): thuế suất giá trị đối với công việc khảo sát xây dựng theo quy định hiện hành.

V. LẬP DỰ TOÁN CÔNG TÁC SỬA CHỮA CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Khi lập dự toán công tác sửa chữa công trình xây dựng, chi phí nhân công, máy thi công tham khảo áp dụng bảng tiền lương công nhân, bảng giá ca máy thiết bị trong Đơn giá xây dựng công trình - Phần xây dựng, phần lắp đặt đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang công bố tại văn bản số 381/UBND-CN ngày 22/01/2008 nhân với hệ số KĐCNC và KĐCMTC như quy định ở phần trên cho phù hợp theo nội dung văn bản này từ ngày 01/01/2010.

Hoặc áp dụng Định mức dự toán xây dựng công trình - Phần sửa chữa công bố kèm theo Quyết định số 1129/QĐ-BXD ngày 07/12/2009 của Bộ Xây dựng (gọi tắt là ĐM 1129), Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Chi phí nhân công và máy thi công công tác sửa chữa công trình xây dựng bằng mức hao phí lao động (nhân công) và hao phí máy thi công trong ĐM 1129 nhân với tiền lương thực hiện theo Nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của Chính phủ (tương ứng mức lương tối thiểu là 730.000 đồng/tháng). Trong đó chi phí tiền lương, ngoài tiền lương cơ bản (hệ số lương cấp bậc công việc nhân với tiền lương tối thiểu) được tính thêm các khoản phụ cấp không ổn định sản xuất bằng 10% lương cơ bản, lương phụ (nghỉ phép, lễ, tết...) bằng 12% lương cơ bản, và chi phí khoán trực tiếp cho công nhân bằng 4% lương cơ bản.

VI. LẬP DỰ TOÁN CÔNG TÁC DỊCH VỤ CÔNG ÍCH ĐÔ THỊ

Dự toán công tác dịch vụ công ích đô thị lập theo các đơn giá dịch vụ công ích đô thị được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang công bố và hướng dẫn quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

Trường hợp các đơn giá dịch vụ công ích đô thị chưa được công bố thì áp dụng các Định mức dự toán duy trì hệ thống thoát nước đô thị - Công bố kèm theo công văn số 2271/BXD-VP ngày 10/11/2008 của Bộ Xây dựng; Định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chôn lấp rác thải đô thị - Công bố kèm theo công văn số 2272/BXD-VP ngày 10/11/2008 của Bộ Xây dựng; Định mức dự toán duy trì cây xanh đô thị - Công bố kèm theo công văn số 2273/BXD-VP ngày 10/11/2008 của Bộ Xây dựng; Định mức dự toán duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng - Công bố kèm theo công văn số 2274/BXD-VP ngày 10/11/2008 của Bộ Xây dựng và các Thông tư số 06/2008/TT-BXD ngày 20/3/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị; Thông tư số 06/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng công trình.

Chi phí nhân công, máy thi công công trình đô thị thực hiện theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước và Nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của Chính phủ. Trong đó chi phí tiền lương, ngoài tiền lương cơ bản (hệ số lương cấp bậc công việc nhân với tiền lương tối thiểu) được tính thêm các khoản phụ cấp trách nhiệm bằng 1% lương tối thiểu, lương phụ (nghỉ phép, lễ, tết...) bằng 12% lương cơ bản, và chi phí khoán trực tiếp cho công nhân bằng 4% lương cơ bản.

VII. LẬP ĐỊNH MỨC XÂY DỰNG VÀ GIÁ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

1. Lập định mức xây dựng

a) Hệ thống định mức xây dựng bao gồm: định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí tỷ lệ.

- Định mức kinh tế - kỹ thuật là mức hao phí cần thiết về vật liệu, nhân công và máy thi công để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng.

Định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm: định mức dự toán xây dựng công trình phần xây dựng, lắp đặt, khảo sát, sửa chữa, thí nghiệm vật liệu, cấu kiện và kết cấu xây dựng và các định mức xây dựng khác.

- Định mức chi phí tỷ lệ dùng để xác định chi phí của một số loại công việc trong hoạt động xây dựng bao gồm: định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công và một số định mức chi phí tỷ lệ khác.

b) Phương pháp lập định mức kinh tế - kỹ thuật được hướng dẫn cụ thể tại Phụ lục số 5 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD. Định mức chi phí tỷ lệ được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

c) Quản lý định mức xây dựng:

- Chủ đầu tư, nhà thầu và các tổ chức tư vấn căn cứ vào phương pháp xây dựng định mức theo hướng dẫn tại Phụ lục số 5 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD tổ chức điều chỉnh đối với những định mức đã được công bố nhưng chưa phù hợp với biện pháp, điều kiện thi công, yêu cầu kỹ thuật của công trình, xây dựng các định mức chưa có trong hệ thống định mức đã được Bộ Xây dựng công bố hoặc vận dụng các định mức xây dựng tương tự đã và đang sử dụng ở công trình khác để áp dụng cho công trình.

- Chủ đầu tư có thể thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm chuyên môn để thực hiện lập, điều chỉnh, thẩm tra các định mức xây dựng nói trên và tổ chức tư vấn chịu trách nhiệm về tính hợp lý, chính xác của các định mức đã thực hiện.

- Chủ đầu tư quyết định việc áp dụng, vận dụng định mức xây dựng được công bố hoặc điều chỉnh, xây dựng mới để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

- Trường hợp sử dụng các định mức được điều chỉnh hoặc xây dựng mới nói trên để lập đơn giá xây dựng trong các gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước áp dụng hình thức chỉ định thầu, thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét, quyết định. Hồ sơ trình phê duyệt các định mức đã được điều chỉnh hoặc xây dựng mới theo hướng dẫn tại Phụ lục số 8 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD .

- Đối với các gói thầu sử dụng vốn ODA đấu thầu quốc tế, trường hợp sử dụng, vận dụng định mức của nước ngoài cho một số công tác xây dựng đặc thù riêng biệt để lập đơn giá và dự toán xây dựng công trình thì các định mức này phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công, điều kiện thi công của công trình và được chấp nhận trước của chủ đầu tư.

2. Hệ thống giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng công trình

a) Hệ thống giá xây dựng công trình bao gồm: đơn giá xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp được dùng để lập, điều chỉnh chi phí xây dựng trong tổng mức đầu tư, dự toán công trình.           

- Đơn giá xây dựng công trình là chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tổng hợp, bao gồm toàn bộ chi phí trực tiếp về vật liệu, nhân công và máy thi công để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng của công trình xây dựng cụ thể.

- Giá xây dựng tổng hợp là chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật bao gồm toàn bộ chi phí cần thiết để hoàn thành một nhóm loại công tác xây dựng, một đơn vị kết cấu, bộ phận của công trình.

- Phương pháp lập giá xây dựng công trình được quy định tại Điều 11 và hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục số 6 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD .

b) Chỉ số giá xây dựng là chỉ tiêu phản ánh mức độ biến động của giá xây dựng theo thời gian và là cơ sở cho việc xác định, điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán công trình, giá hợp đồng xây dựng và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

- Chỉ số giá xây dựng bao gồm: chỉ số giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng theo cơ cấu chi phí (bao gồm chỉ số giá phần xây dựng, chỉ số giá phần thiết bị, chỉ số giá phần chi phí khác), chỉ số giá xây dựng theo yếu tố chi phí (gồm chỉ số giá vật liệu xây dựng công trình, chỉ số giá nhân công xây dựng công trình, chỉ số giá máy thi công xây dựng công trình) và chỉ số giá loại vật liệu xây dựng chủ yếu.

- Phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

c) Quản lý giá xây dựng công trình:

- Chủ đầu tư và tổ chức tư vấn căn cứ vào yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công cụ thể của công trình và phương pháp lập đơn giá xây dựng công trình, giá xây dựng tổng hợp theo hướng dẫn tại Phụ lục số 6 của Thông tư 04/2010/TT-BXD để tổ chức lập đơn giá xây dựng công trình, giá xây dựng tổng hợp làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư, dự toán công trình.

- Chủ đầu tư có thể thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm chuyên môn thực hiện các công việc hoặc phần công việc liên quan tới việc lập hoặc thẩm tra đơn giá xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp, chỉ số giá xây dựng cho công trình theo phương pháp xây dựng chỉ số giá do Bộ Xây dựng công bố. Tổ chức, cá nhân tư vấn chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật trong việc đảm bảo tính hợp lý, chính xác của các đơn giá xây dựng công trình, giá xây dựng tổng hợp và chỉ số giá xây dựng do mình lập.

- Đối với các đơn giá xây dựng trong dự toán gói thầu đấu thầu quốc tế, chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra hoặc thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm chuyên môn thẩm tra về tính hợp lý, chính xác của các đơn giá xây dựng này trước khi sử dụng.

- Nhà thầu xây dựng thực hiện quản lý giá xây dựng công trình như quy định tại Điều 27 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP .

VIII. ĐIỀU CHỈNH DỰ TOÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THEO MỨC LƯƠNG MỚI TỪ 01/01/2010

1. Việc điều chỉnh dự toán xây dựng công trình theo mức lương tối thiểu mới 730.000 đồng/tháng từ ngày 01/01/2010 áp dụng đối với những công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước thuộc thẩm quyền UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, UBND các xã, phường, thị trấn quản lý được áp dụng kể từ ngày 01/01/2010.

2. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình thực hiện việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, Chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh dự toán xây dựng trên cơ sở điều chỉnh chi phí nhân công, chi phí máy thi công (phần nhân công) theo mức lương tối thiểu mới đối với những khối lượng còn lại của dự án, gói thầu thực hiện từ ngày 01/01/2010; đồng thời phê duyệt để áp dụng.

3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình thực hiện việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định trước ngày Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình có hiệu lực thi hành, Chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh dự toán xây dựng trên cơ sở điều chỉnh chi phí nhân công, chi phí máy thi công (phần nhân công) theo mức lương tối thiểu mới đối với những khối lượng còn lại của dự án, gói thầu thực hiện từ ngày 01/01/2010 và báo cáo Người quyết định đầu tư xem xét, quyết định.

4. Điều chỉnh dự toán xây dựng công trình đã được lập theo Đơn giá xây dựng công trình - Phần xây dựng, phần lắp đặt của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang công bố tại công văn số 381/UBND-CN ngày 22/01/2008 với mức lương tối thiểu 350.000 đồng/tháng được điều chỉnh theo hệ số sau:

- Hệ số điều chỉnh chi phí nhân công: KĐCNC = 1,958

- Hệ số điều chỉnh chi phí máy thi công: KĐCMTC = 1,062

5. Điều chỉnh dự toán xây dựng công trình đã được lập theo Đơn giá xây dựng công trình - Phần khảo sát xây dựng của Ủy ban nhân dân tỉnh công bố tại công văn số 382/UBND-CN ngày 22/01/2008 với mức lương tối thiểu 350.000 đồng/tháng được điều chỉnh theo hệ số sau:

- Hệ số điều chỉnh chi phí nhân công: KĐCNCKS = 1,958

6. Các hệ số Knc = 1,743 và Km = 1,048 (tương ứng mức lương tối thiểu 650.000 đồng/tháng theo Nghị định số 110/2008/NĐ-CP ngày 30/10/2008 của Chính phủ) trong văn bản số 4527/UBND-CN ngày 18/9/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh được thay bằng các hệ số điều chỉnh theo khoản 4 và 5 phần VIII văn bản này khi áp dụng mức lương tối thiểu 730.000 đồng/tháng (theo Nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ). Phương pháp điều chỉnh được hướng dẫn tại Phụ lục số 2 kèm theo văn bản này.

7. Những công trình, hạng mục công trình đã được tổ chức mở thầu (đấu thầu hoặc chỉ định thầu) và những khối lượng công trình, hạng mục công trình đã được giao thầu (đấu thầu hoặc chỉ định thầu) thì những khối lượng còn lại theo hợp đồng thực hiện kể từ ngày 01/01/2010 được điều chỉnh lại giá hợp đồng, giá thanh toán theo các hệ số điều chỉnh quy định ở trên nhưng phải phù hợp với nội dung hợp đồng đã ký giữa các bên và chỉ được điều chỉnh chi phí nhân công, chi phí máy thi công. Các chi phí định mức tỷ lệ % khác như: chi phí trực tiếp khác, chi phí chung… vẫn giữ nguyên theo định mức tỷ lệ % đã được phê duyệt hoặc được giao thầu.

8. Dự toán công trình điều chỉnh là cơ sở để điều chỉnh giá hợp đồng, giá gói thầu và điều chỉnh tổng mức đầu tư.

9. Việc điều chỉnh giá hợp đồng, giá thanh toán cho khối lượng thực hiện từ ngày 01/01/2010 thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết giữa các bên.

IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Những dự án đầu t­ư xây dựng đang lập hoặc đã lập như­ng đến ngày 15/7/2010 (thời điểm hiệu lực của Thông tư số 04/2010/TT-BXD) chư­a đ­ược cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai thực hiện­ thì tổng mức đầu t­ư của dự án đ­ược lập lại dự toán xây dựng công trình theo mục II, III, IV, V của văn bản này.

2. Những công trình, hạng mục công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tổng dự toán, dự toán nhưng đến ngày 15/7/2010 (thời điểm hiệu lực của Thông tư số 04/2010/TT-BXD) chưa tổ chức đấu thầu (hoặc chỉ định thầu) thì chủ đầu tư lập lại tổng dự toán, dự toán theo nội dung mục II, III, IV, V của văn bản này để phê duyệt lại.

3. Đối với công trình xây dựng được lập đơn giá riêng (đơn giá xây dựng công trình), chủ đầu tư căn cứ vào chế độ, chính sách được Nhà nước cho phép áp dụng ở công trình và nguyên tắc điều chỉnh dự toán chi phí xây dựng công trình theo hướng dẫn của văn bản này, xác định mức điều chỉnh chi phí nhân công, chi phí máy thi công và các khoản chi phí khác (nếu có) trong dự toán xây dựng công trình.

4. Văn bản này thay thế Văn bản số 459/UBND-CN ngày 25/01/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc hướng dẫn quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và Văn bản số 4527/UBND-CN ngày 18/9/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh dự toán xây dựng công trình.

Trong quá trình thực hiện, giao cho Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo kịp thời những vướng mắc phát sinh đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phòng

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4164/UBND-CN hướng dẫn lập và quản lý chi phí xây dựng, điều chỉnh dự toán xây dựng công trình do Ủy ban nhân dân Tiền Giang ban hành

  • Số hiệu: 4164/UBND-CN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 01/09/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Nguyễn Văn Phòng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/09/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản