Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TỔ ĐIỀU PHỐI NGUỒN NHÂN LỰC THAM GIA PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4143/TĐP
V/v tổng hợp phản ánh và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 9 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các sở - ngành Thành phố;
- Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.

Căn cứ Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV và Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Tổ Điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh1 (gọi tắt là Tổ Điều phối nguồn nhân lực) đã ban hành các quyết định về cử các đoàn công tác2 tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương.

Qua theo dõi báo cáo của các đoàn công tác và cập nhật thông tin phản ánh trên các kênh khác nhau, Tổ Điều phối nguồn nhân lực tổng hợp được những khó khăn, vướng mắc cơ bản, đã được ghi nhận, phản ánh nhiều lần, có ảnh hưởng lớn đến công tác đảm bảo an sinh xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 như sau:

I. NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

1. Các vấn đề khó khăn trong khâu đảm bảo an sinh xã hội

1.1. Các khó khăn trong cung ứng, phân phát nhu yếu phẩm cho người dân

a) Thiếu nhân lực đi chợ hộ, giao hàng và hỗ trợ phân chia nhu yếu phẩm, các túi an sinh do cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn quá tải hoặc bị nhiễm bệnh nên không đủ lực lượng thực hiện các hoạt động an sinh xã hội.

b) Số lượng hàng hóa thiết yếu, lương thực hỗ trợ và số lượng túi an sinh của Thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu của địa phương, đặc biệt là các địa bàn đông dân cư, có nhiều người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu nhà trọ ở thành phố Thủ Đức; Quận 7; quận Bình Tân; quận Tân Phú; huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn...

c) Các siêu thị, cơ sở bán hàng không đáp ứng đủ nhu cầu, chất lượng và chủng loại hàng hóa chưa đảm bảo nên công tác “đi chợ hộ” chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, người dân chưa hài lòng về thời gian giao hàng cũng như chất lượng hàng hóa.

1.2. Các khó khăn khi triển khai chính sách hỗ trợ cho người dân

a) Hình thức tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội chưa phù hợp, nhiều người dân nhầm lẫn, hiểu sai về đối tượng và mức áp dụng của từng đối tượng khác nhau nên thường xuyên khiếu nại, thắc mắc. Một số phường, xã vẫn còn tình trạng người dân kéo lên trụ sở để khiếu nại, gây áp lực đòi chi trả các khoản hỗ trợ, gây mất trật tự, an ninh và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh như: tại phường Tân Thuận Tây Quận 7; Phường 6 Quận 10; các phường Bình Hưng Hòa B, Tân Tạo A quận Bình Tân; quận Gò Vấp; phường Linh Xuân thành phố Thủ Đức...

b) Công tác triển khai chi trả hỗ trợ cho người dân của các địa phương còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ chăm lo an sinh xã hội. Nhiều trường hợp (nhất là các đối tượng khó khăn, thất nghiệp, ở nhà trọ...) phải chờ đợi thời gian dài mà chưa nhận được hỗ trợ nên rất bức xúc, dễ phát sinh các “điểm nóng” khiếu nại đông người như tại các phường của Quận 7: Tân Thuận Tây, Tân Thuận Đông,...; của quận Bình Tân: Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B, Tân Tạo, Tân Tạo A..., quận Tân Phú và thành phố Thủ Đức: phường Linh Đông, Linh Xuân…; các xã của huyện Bình Chánh...

c) Việc triển khai thực hiện các gói hỗ trợ rất khó khăn và thiếu nhất quán do văn bản hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiều nội dung còn khó hiểu, chưa rõ ràng nên các địa phương có nhiều cách hiểu khác nhau và rất lúng túng khi rà soát, thống kê đối tượng được hưởng, nhất là gói hỗ trợ lần 3 của Thành phố.

d) Kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt tại các địa bàn đông dân cư, có nhiều người lao động khó khăn như: Quận 12, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh..., số lượng đăng ký xin hỗ trợ rất đông, vượt quá nguồn kinh phí được cấp.

đ) Công tác rà soát, tổng hợp đối tượng hưởng chính sách mất nhiều thời gian, dễ trùng lắp, chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm áp lực cho cán bộ, công chức thực hiện. Một số địa phương thực hiện rà soát có thiếu sót khiến người dân bức xúc đã được báo chí phản ánh (Bài viết ngày 18 tháng 9 năm 2021 của Báo Thanh niên “Dấu hiệu bất thường trong chi tiền hỗ trợ người dân” tại Phường 2 Quận 8).

2. Các vấn đề khó khăn trong phòng, chống dịch COVID-19

2.1. Các khó khăn trong điều trị bệnh nhân COVID-19 và công tác tiêm chủng

a) Số lượng túi thuốc chưa đủ cung cấp cho người bệnh F0 điều trị tại nhà, đặc biệt là các địa phương có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân đông như quận Bình Tân, huyện Bình Chánh...

b) Công tác tuyên truyền về tăng cường phòng, chống dịch chưa thực hiện tốt, một số người dân còn tâm lý kén chọn vắc xin.

2.2. Các khó khăn trong đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho các đoàn công tác tại phường, xã, thị trấn

Một số địa phương thiếu trang thiết bị y tế theo yêu cầu phòng, chống dịch (đồ bảo hộ, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn...) do đó chưa đảm bảo an toàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, tình nguyện viên tại cơ sở (phản ánh của Đoàn công tác tại Quận 4; Quận 8; quận Gò Vấp; quận Bình Tân, quận Tân Bình tại Phường 2, huyện Hóc Môn tại xã Đông Thạnh, Xuân Thới Đông; huyện Nhà Bè tại xã Hiệp Phước...). Một số phường, xã, thị trấn chưa thực hiện đầy đủ việc xét nghiệm thường xuyên cho các thành viên tổ công tác theo quy định (phản ánh của Đoàn công tác tại Quận 4, Quận 8, quận Bình Tân, quận Gò Vấp; Đoàn huyện Bình Chánh...), ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần nỗ lực cống hiến của công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ.

II. KIẾN NGHỊ GIẢI QUYẾT

Để thực hiện tốt an sinh xã hội và sớm đạt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn Thành phố, Tổ Điều phối nguồn nhân lực đề nghị các sở - ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận - huyện khẩn trương xem xét, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc nêu trên, cụ thể:

1. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện giải quyết những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương

1.1. Về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân

a) Huy động, bố trí thêm lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ các phường, xã, thị trấn trong cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu và túi an sinh cho người dân, đảm bảo thực hiện tốt an sinh xã hội, đồng thời giảm áp lực công việc, duy trì sức khỏe cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

b) Tăng cường các công tác tuyên truyền, thông tin phù hợp bằng các hình thức đơn giản, phù hợp, tạo thuận lợi cho người dân hiểu rõ nội dung từng chính sách và đối tượng được hưởng, tránh tình trạng khiếu nại, so bì.

c) Bổ sung nhân lực cho các phường, xã, thị trấn và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong rà soát, tổng hợp danh sách và quản lý thông tin các cá nhân, hộ gia đình thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ của Thành phố để đảm bảo cập nhật chính xác và đầy đủ thông tin; tránh trùng lắp và tiết kiệm thời gian.

d) Khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành gói hỗ trợ lần 1 và lần 2. Tập trung thống kê, thẩm định đối tượng và chuẩn bị nguồn lực triển khai sớm gói hỗ trợ lần 3, không để người dân khiếu nại, bức xúc vì chưa nhận được hỗ trợ.

1.2. Về thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19

a) Triển khai thực hiện kế hoạch tiêm chủng bảo đảm khoa học, thuận lợi cho người dân và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch (rà soát, thống kê chính xác danh sách; thông tin thống nhất và kịp thời về lịch tiêm chủng cho người dân; tổ chức điều phối khoa học, trật tự, an toàn...). Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia tiêm chủng, không kén chọn vắc xin.

b) Kịp thời cung ứng, hỗ trợ kinh phí cho phường, xã, thị trấn mua sắm trang thiết bị bảo hộ y tế để đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, tình nguyện viên khi thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục quan tâm, đảm bảo cơ sở vật chất, địa điểm ăn nghỉ cho các đoàn công tác theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Khẩn trương tổ chức xét nghiệm định kỳ, thường xuyên để công chức, viên chức yên tâm và đảm bảo sức khỏe thực hiện nhiệm vụ.

c) Phối hợp với các lực lượng chức năng của Thành phố và của địa phương đảm bảo an ninh trật tự, không để tái diễn tình trạng tập trung khiếu nại đông người tại trụ sở cơ quan Nhà nước. Tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các đối tượng kích động, gây rối, lợi dụng tình hình đăng tải thông tin sai sự thật.

2. Đối với những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các sở - ngành và Ủy ban nhân dân Thành phố

Đề nghị các sở - ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp, giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quy định hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, chỉ đạo thực hiện:

2.1. Về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân

a) Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, khẩn trương giải ngân, cấp bổ sung kinh phí, tập trung hoàn thành chi trả các gói hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.

Đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời; công khai đường dây nóng; tổ chức trao đổi, giải đáp thắc mắc thường xuyên về chính sách hỗ trợ để các địa phương thực hiện thống nhất, nhanh chóng, chính xác, đúng đối tượng, đặc biệt là gói hỗ trợ lần 3.

b) Bổ sung túi an sinh, lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho các địa phương để kịp thời chăm lo, ổn định đời sống cho người dân.

c) Đổi mới công tác tuyên truyền, thông tin đến người dân bằng nhiều hình thức sinh động, phù hợp với tình hình và đặc thù của các địa bàn dân cư như: Trang thông tin, chuyên mục, cẩm nang... để phát sóng trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; Áp phích niêm yết công khai tại các địa điểm công cộng, khu dân cư; Tờ rơi, sổ tay... phát cho từng hộ gia đình để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ từng nhóm đối tượng và chính sách hỗ trợ, giảm thiểu khiếu nại, thắc mắc và chia sẻ cùng Thành phố.

2.2. Về thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19

Bổ sung các túi thuốc cho F0 và các loại thuốc điều trị để phát cho các bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà; đồng thời nhanh chóng phân bổ vắc xin đến các địa phương để kịp thời triển khai tiêm vắc xin cho người dân.

Trên đây là ý kiến của Tổ Điều phối nguồn nhân lực đề nghị các cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTUB: CT, các PCT;
- Các đoàn công tác tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố;
- Thành viên Tổ Điều phối nguồn nhân lực;
- Sở Nội vụ: P. TCBC&TCPCP (để phối hợp);
- Lưu: VT, P. CCVC, H.

TỔ TRƯỞNG




GIÁM ĐỐC SỞ NỘI VỤ
Huỳnh Thanh Nhân

 



1 Được thành lập theo Quyết định số 2617/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố

2 Gồm Đoàn công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trở lên với 1.198 thành viên và Đoàn lãnh đạo, quản lý cấp phòng gồm 312 thành viên tại 312 phường, xã, thị trấn.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4143/TĐP năm 2021 về tổng hợp phản ánh và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 do Tổ Điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 4143/TĐP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 22/09/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Huỳnh Thanh Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/09/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản