Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
CỤC CÔNG NGHIỆP

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 408/CN-CNTP
V/v chính sách nhập khẩu rượu

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2020

 

Kính gửi: Cục Giám sát quản lý về Hải quan
(Tổng cục Hải quan)

Trả lời Công văn số 3561/GSQL-GQ1 ngày 06 tháng 11 năm 2020 của Cục Giám sát quản lý về Hải quan - Tổng cục Hải quan về việc chính sách nhập khẩu rượu, Cục Công nghiệp có ý kiến như sau:

1. Về hoạt động nhập khẩu, phân phối rượu độ cồn từ 5,5 độ trở lên

Điều 1 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu (Nghị định số 105/2017/NĐ-CP) quy định phạm vi điều chỉnh như sau:

1. Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ.

2. Nghị định này không áp dụng đối với:

a) Hoạt động xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh rượu;

b) Nhập khẩu rượu để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế;

c) Nhập khẩu rượu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, mua bán rượu giữa các khu phi thuế quan; hoạt động kinh doanh rượu tại khu phi thuế quan, hoạt động gửi kho ngoại quan;

d) Rượu nhập khẩu là hành , tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng, hàng mẫu trong, định mức được miễn thuế; xét miễn thuế, không chịu thuế.

Khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 30 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP quy định:

1. Doanh nghiệp có Giấy phép phân phối rượu được phép nhập khẩu rượu và phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn thực phẩm của rượu nhập khẩu. Trường hợp nhập khẩu rượu bán thành phẩm, doanh nghiệp chỉ được bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp.

2. Doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp được phép nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu rượu bán thành phẩm để sản xuất rượu thành phẩm.

4. Rượu chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế”

Khoản 1, khoản 2 Điều 15 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 8 Điều 16 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương) quy định doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quyền và nghĩa vụ như sau:

“1. Được bán rượu do doanh nghiệp sản xuất (trực tiếp hoặc thông qua công ty thành viên, chi nhánh trực thuộc) cho các thương nhân có Giấy phép phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ và thương nhân mua rượu để xuất khẩu.

2. Được trực tiếp bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ đối với rượu do mình sản xuất tại các địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.”

Vì vậy, đối với rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên:

- Ngoại trừ các trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, Nghị định số 105/2017/NĐ-CP điều chỉnh hoạt động nhập khẩu rượu thành phẩm và rượu bán thành phẩm không phân biệt mục đích nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên nằm ngoài các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP phải đáp ứng các điều kiện và đi qua cửa khẩu theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP.

- Doanh nghiệp có giấy phép phân phối rượu được nhập khẩu rượu (thành phẩm và bán thành phẩm). Doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp được nhập khẩu rượu bán thành phẩm để sản xuất rượu thành phẩm.

- Doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp nhập khẩu rượu nguyên liệu phục vụ sản xuất, sau khi sản xuất thành rượu thành phẩm, doanh nghiệp bán rượu của mình sản xuất ra thị trường trong nước thực hiện theo Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp quy định tại khoản 8 Điều 16 của Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, Điều 15 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP. Đối với trường hợp sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu đã cấu thành lên sản phẩm, khi thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 04 năm 2018 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu) và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Về dán tem rượu

Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP) quy định: “Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu được sản xuất thủ công bán cho cơ sở có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại.”

Theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định việc in, ban hành tem, dán tem và quản lý sử dụng tem đối với rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu.

Ngày 23 tháng 3 năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu.

Vì vậy, liên quan đến nội dung này, đề nghị Quý cơ quan xin ý kiến của Bộ Tài chính để thực hiện theo quy định.

Trên đây là ý kiến của Cục Công nghiệp gửi Cục Giám sát quản lý về Hải quan - Tổng cục Hải quan để nghiên cứu, tham khảo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTr. Cao Quốc Hưng (để báo cáo);
- Cục trưởng (để báo cáo);
-
Các đơn v: PC, TTTN, XNK;
- Công ty CP rượu Bình Tây;
- Lưu: VT, CNTP.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Ngô Khải Hoàn