Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4058/BTP-VĐCXDPL
V/v trả lời kiến nghị của doanh nghiệp

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2020

 

Kính gửi: Công ty trách nhiệm hữu hạn THM QUANG HƯNG
Địa chỉ: Tổ 2, Phường Đồng Mai, Thành phố Hà Nội

Trả lời câu hỏi của Quý Công ty trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia về việc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ quy định thẩm quyền giải thích luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không quy định việc giải thích nghị định, thông tư và thẩm quyền giải thích các văn bản này trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như trong Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:

Thứ nhất, khoản 2 Điều 74 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ủy ban thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn ra pháp lệnh giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh”. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 dành 04 điều (Điều 158, Điều 159, Điều 160 và Điều 161) quy định về các trường hợp và nguyên tắc, thẩm quyền đề nghị, trình tự, thủ tục giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, và đăng công báo, đưa tin về nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích pháp luật.

Giải thích pháp luật được hiểu là việc làm rõ hơn về tinh thần, nội dung, phạm vi, ý nghĩa và mục đích của các quy định trong Hiến pháp, luật, pháp lệnh, giúp mọi người hiểu và thực thi các quy định của pháp luật một cách đúng đắn và thống nhất. Giải thích luật, pháp lệnh là giải thích chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Văn bản giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bị giới hạn những vấn đề cần giải thích và có hiệu lực thi hành đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thứ hai, trên thực tế, quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành cũng có trường hợp chưa rõ ràng, cụ thể, có cách hiểu khác nhau. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các cơ quan nêu trên không có thẩm quyền giải thích văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, để bảo đảm áp dụng thống nhất, các cơ quan này thường ban hành công văn hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp thông qua các lớp tập huấn hoặc trả lời kiến nghị của cử tri, trả lời công dân. Thông qua việc làm rõ nội hàm của các quy phạm pháp luật, các công văn hướng dẫn của các cơ quan nêu trên sẽ giúp các chủ thể pháp luật hiểu đúng và thống nhất các quy định của pháp luật, qua đó nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức pháp luật của các chủ thể, giúp họ tuân thủ nghiêm và thi hành đúng pháp luật, giảm nguy cơ vi phạm pháp luật và xảy ra tranh chấp trong xã hội. Nội dung hướng dẫn này không mang tính quy phạm.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tư pháp về câu hỏi của Công ty trách nhiệm hữu hạn THM QUANG HƯNG.

Bộ Tư pháp xin trân trọng cảm ơn Quý Công ty.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- TT Phan Chí Hiếu (để b/c);
- Lưu: VT, Vụ VĐCXDPL.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ CÁC VẤN ĐỀ CHUNG
VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT




Nguyễn Hồng Tuyến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4058/BTP-VĐCXDPL năm 2020 trả lời kiến nghị của doanh nghiệp do Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 4058/BTP-VĐCXDPL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 03/11/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Nguyễn Hồng Tuyến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản