Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 405/TCHQ-GSQL
V/v thống kê khó khăn, vướng mắc liên quan đến C/O

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2010

 

Kính gửi:

Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

 

Thực hiện đề nghị của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về việc thống kê những khó khăn, vướng mắc liên quan đến C/O, Tổng cục Hải quan có báo cáo và đề xuất một số nội dung như sau:

1. Về sự cần thiết sửa đổi Thông tư số 45/2007/TT-BTC ngày 07/05/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Thông tư số 45/2007/TT-BTC được ban hành trong bối cảnh cơ quan Hải quan phải nhanh chóng tăng cường quản lý xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa có C/O để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Khi đó Việt Nam mới ký kết các Hiệp định thương mại tự do CEPT/AFTA, ASEAN- Trung quốc (ACFTA), Việt Nam – Lào. Quy định tại Thông tư số 45/2007/TT-BTC phù hợp với các Hiệp định này và Hiệp định ASEAN- Hàn Quốc (AKFTA) vừa ký kết (AKFTA bắt đầu thực hiện từ tháng 07/2007). Sau đó Việt Nam tiếp tục tham gia ký kết nhiều Hiệp định khác với nhiều quy định mới về xuất xứ như Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Úc – New Zealand (AANZFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA); hiện đang đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Việt Nam – Chi Le, …. Hiệp định CEPT/AFTA cũng đã được thay thế bởi Hiệp định ATIGA có bổ sung thêm nhiều quy định mới. Các Hiệp định ACFTA và AKFTA cũng đang được rà soát sửa đổi theo hướng Hiệp định ATIGA. Do vậy, Thông tư số 45/2007/TT-BTC không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay và rất cần thiết phải sớm bổ sung sửa đổi. Các vướng mắc cơ bản trong việc thực hiện Thông tư là:

- Thời hạn hiệu lực của C/O: Thông tư số 45/2007/TT-BTC quy định là 06 tháng kể từ ngày cấp C/O trong khi một số FTA quy định 01 năm.

- Chế tài xử phạt hành vi chậm nộp C/O gồm 04 biện pháp (xử phạt vi phạm hành chính, đưa vào danh sách doanh nghiệp không chấp hành tốt pháp luật hải quan, kiểm tra sau thông quan và không chấp nhận bảo lãnh thuế đối với lô hàng phải nộp thuế ngay) tại Thông tư số 45/2007/TT-BTC là quá chặt và khó thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Chế tài xử phạt này đã được sửa đổi theo Quyết định số 80/2008/QĐ-BTC ngày 22/09/2008 của Bộ Tài chính (chỉ áp dụng 02 biện pháp là xử phạt vi phạm hành chính và kiểm tra sau thông quan). Tuy nhiên, để đảm bảo về mặt thủ tục pháp lý thì cần chính thức đưa vào nội dung Thông tư.

- Việt Nam đã chấp nhận C/O cấp theo hình thức điện tử (C/O mẫu AK, AJ, JV) nhưng Thông tư số 45/2007/TT-BTC chưa có quy định nào hướng dẫn về loại C/O này.

- Thông tư số 45/2007/TT-BTC chưa có quy định kiểm tra đối với hàng xác nhận trước xuất xứ trong khi một số Hiệp định thương mại tự do đã cho phép thực hiện xác nhận trước xuất xứ (C/O mẫu AANZ), chưa có quy định về lưu giữ chứng từ và bảo mật thông tin, …

- Cần xem xét lại quy định về thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các chi tiết, linh kiện rời đồng bộ nhập khẩu để lắp ráp sản phẩm cơ khí, điện, điện tử;

- …

Đề xuất:

Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) sẽ nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 45/2007/TT-BTC để đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật.

2. Về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ

ASEAN đang dự kiến triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cho phép doanh nghiệp tự khai và tự chịu trách nhiệm về khai báo của mình về xuất xứ hàng hóa (thay vì phải xin cấp C/O do cơ quan có thẩm quyền cấp như trước đây). Đây là vấn đề mới chưa có trong Quy chế xuất xứ ASEAN hiện hành, chưa phổ biến rộng rãi trên thế giới và tăng rủi ro về việc doanh nghiệp lợi dụng gian lận về xuất xứ.

Đề xuất:

- Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối về xuất xứ của Việt Nam, Tổng cục Hải quan là cơ quan thực hiện, cần phối hợp chặt chẽ tham gia đàm phán với các nước ASEAN, xây dựng cơ chế để đảm bảo tính khả thi.

- Việt Nam (Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan) cần đề nghị quy định Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong Hiệp định ATIGA. Bộ Công Thương sẽ chịu trách nhiệm nội luật để thực hiện trong nước.

- Để đảm bảo thực hiện đúng cam kết quốc tế về tạo thuận lợi thương mại cũng như quản lý hiệu quả, cần tăng cường kiến thức cho cán bộ hải quan về xuất xứ như tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, … và tham gia khảo sát tại các nước đã triển khai hiệu quả cơ chế này để học tập và trao đổi kinh nghiệm.

3. C/O có vận tải đơn (B/L) được cấp bởi một nước thứ ba.

- Theo quy định tại Điều 12, Phụ lục 7, Thông tư số 12/2009/TT-BCT ngày 22/5/2009 về Quy chế xuất xứ ASEAN và các Thông tư hướng dẫn Quy chế xuất xứ thực hiện các FTA khác: “Để được hưởng ưu đãi thuế quan, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu, người nhập khẩu phải nộp cho cơ quan Hải quan nước nhập khẩu C/O mẫu D kèm các chứng từ chứng minh (như hóa đơn thương mại, vận tải đơn chở suốt được cấp tại nước thành viên xuất khẩu) và các tài liệu khác theo quy định của pháp luật nước thành viên nhập khẩu”.

Trên thực tế, C/O có vận tải đơn (B/L) được cấp bởi một nước thứ ba là hiện tượng thương mại phổ biến nhưng quy định về xuất xứ ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do khác chưa cho phép về việc chấp nhận này. Doanh nghiệp thường xuyên gặp vướng mắc và kiến nghị cho phép sử dụng chứng từ này. Việt Nam đã đề nghị các nước ASEAN khác xem xét để thống nhất về việc này nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc có liên quan.

Đề xuất:

- Việt Nam (Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan) cần đưa ra thảo luận tại phiên họp Nhóm chuyên trách Quy tắc xuất xứ ASEAN (Task Force on Rules of origin) để thống nhất cách hiểu và thống nhất thực hiện giữa các cơ quan có liên quan cũng như cần sửa đổi quy định về thủ tục cấp và kiểm tra C/O (OCP) để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.

- Trong trường hợp này, quan điểm của Tổng cục Hải quan là có thể chấp nhận C/O có vận tải đơn (B/L) được cấp bởi một nước thứ ba, miễn là C/O đáp ứng các quy định khác của Quy chế xuất xứ. Điều này là phù hợp với thông lệ quốc tế và sẽ tạo thuận lợi cho thương mại.

4. Vận tải đơn chở suốt

Điều 18, Phụ lục số 7, Thông tư số 12/2009/TT-BCT ngày 22/5/2009 quy định: Khi hàng hóa được vận chuyển qua lãnh thổ của một hoặc nhiều nước trung gian không phải là nước thành viên, các chứng từ sau phải được nộp cho cơ quan Hải quan nước thành viên nhập khẩu:

- Vận tải đơn chở suốt do nước thành viên xuất khẩu cấp;

- C/O mẫu D do Tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu cấp;

- Bản sao của hóa đơn thương mại;

- Các chứng từ liên quan khác chứng minh rằng các yêu cầu của điểm c, khoản 2, Điều 7 của Phụ lục 1 đã được đáp ứng.

Tuy nhiên, chưa có văn bản quy định hướng dẫn cụ thể về chứng từ vận tải đơn chở suốt (định nghĩa về vận tải đơn chở suốt cũng như các quy định khác có liên quan) nên cơ quan Hải quan trong quá trình kiểm tra gặp nhiều khó khăn và doanh nghiệp cũng không được hướng dẫn cụ thể để thực hiện đúng quy định.

Đề xuất:

- Việt Nam (Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan) cần đưa ra thảo luận tại phiên họp Nhóm chuyên trách Quy tắc xuất xứ ASEAN (Task Force on Rules of origin) để thống nhất cách hiểu và thống nhất thực hiện giữa các cơ quan có liên quan của các nước thành viên.

- Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cần có hướng dẫn thực hiện cụ thể theo kết quả phiên họp và/hoặc theo quy định tại Luật Hàng hải (nếu phiên họp chưa kết luận được vấn đề này).

5. Chữ ký trên C/O.

Cơ quan Hải quan gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong việc kiểm tra tính hợp lệ của các chữ ký trên C/O vì trên nhiều C/O không có tên người cấp trong khi có quá nhiều mẫu chữ ký trong cơ sở dữ liệu, đặc biệt là chữ ký trên C/O mẫu E của Trung Quốc.

Tại các phiên họp Nhóm chuyên trách Quy tắc xuất xứ ASEAN, ACFTA Việt Nam phản ánh những khó khăn trong việc kiểm tra chữ ký trên CO của hàng nhập khẩu từ một số nước ASEAN và Trung Quốc, do trên CO không thể hiện tên của người ký. Việt Nam cũng đã đề nghị các nước thực hiện ghi tên người ký dưới chữ ký trên CO để tạo thuận lợi cho việc kiểm tra và thông quan nhanh. Tuy nhiên, phiên họp cho rằng đề nghị của Việt Nam không phải là quy định của Quy chế CO hiện hành, phía Trung Quốc cũng có khó khăn nếu phải ghi tên người ký, một số nước thành viên chưa ủng hộ đề nghị của Việt Nam. Hiện nay có một số nước đã thực hiện ghi tên người ký trên C/O như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc. Malaysia cũng nhất trí với quan điểm của Việt Nam và sẽ xem xét thực hiện trong thời gian tới.

Đề xuất:

- Tổng cục Hải quan cần nghiên cứu thực hiện một số biện pháp giải quyết: cập nhật kịp thời mẫu dấu, chữ ký cho cơ sở dữ liệu, tra cứu theo phòng cấp thay vì tên người ký như hiện nay, cách thức cập nhật bổ sung mẫu chữ ký trên cơ sở dữ liệu, …

- Về lâu dài, Việt Nam (Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan) cần đề nghị Ban thư ký ASEAN nghiên cứu triển khai hệ thống kiểm tra C/O qua mạng Internet cho toàn bộ khối ASEAN và các nước đối tác.

Trên đây là một số nội dung khó khăn vướng mắc liên quan đến C/O Tổng cục Hải quan đã tổng hợp được qua quá trình tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật và các chính sách có liên quan. Kính chuyển Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Trân trọng.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC;
- Bộ Công Thương (Vụ XNK- để phối hợp);
- Lưu: VT, GSQL (03 bản).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Hoàng Việt Cường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 405/TCHQ-GSQL về thống kê khó khăn, vướng mắc liên quan đến C/O do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 405/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 21/01/2010
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Hoàng Việt Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/01/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản