Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4028/BKHĐT-TH
V/v Khung hướng dẫn đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch năm 2019

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2018

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các cơ quan, đơn vị (dưới đây gọi tắt là bộ, ngành trung ương và địa phương) đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2019 như sau:

Phần I

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

A. ĐÁNH GIÁ GIỮA KỲ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. Đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020

Căn cứ các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển trong các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp (đối với các địa phương) về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, các nghị quyết của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch hằng năm; trên cơ sở tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2 năm 2016, 2017 và ước thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, đề nghị các bộ, ngành trung ương và địa phương quán triệt tinh thần Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội khách quan, trung thực; nêu ra các tồn tại, hạn chế; phân tích các nguyên nhân khách quan và chủ quan trong các năm 2016, 2017 và ước thực hiện 2018. Các nội dung chủ yếu cần tập trung đánh giá bao gồm:

1. Đánh giá tình hình triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, cải cách hành chính và quốc phòng an ninh đã đề ra. Riêng đối với chỉ tiêu tốc độ tăng giá trị tăng thêm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh - GRDP), các địa phương sử dụng số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê công bố cho các năm 2016, 2017 và ước tính 6 tháng năm 2018 theo ngành kinh tế cấp I.

2. Kết quả thực hiện các cân đối lớn của nền kinh tế, gồm: tích lũy, tiêu dùng, tiết kiệm nội địa; vốn đầu tư phát triển, bao gồm cả huy động và sử dụng; thu chi ngân sách nhà nước; cán cân thanh toán quốc tế; nguồn điện; nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ chính quyền địa phương,... giai đoạn 2016 - 2018.

3. Tình hình và kết quả kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bao gồm các nội dung chủ yếu như: điều hành các chính sách tiền tệ, tài chính, giá cả; sự phối hợp giữa các chính sách kinh tế vĩ mô; phân tích chất lượng tăng trưởng của từng ngành, địa phương; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ yếu; năng suất lao động; hợp tác phát triển và liên kết vùng;...

4. Tình hình và kết quả thực hiện 3 đột phá lớn về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Cần nêu rõ những kết quả cụ thể đã đạt được, như: nghiên cứu tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật; xây dựng các đề án, chương trình kế hoạch đổi mới; huy động các nguồn lực; tổ chức triển khai và tiến độ thực hiện, đặc biệt là các dự án lớn, quan trọng quốc gia;...

5. Những kết quả về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ. Trong đó đi sâu đánh giá tình hình phát triển và đổi mới giáo dục đào tạo; trình độ khoa học công nghệ, đánh giá về các kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng trong thực tiễn; đóng góp của khoa học công nghệ đến tăng trưởng kinh tế; khai thác và sử dụng các cơ sở vật chất - kỹ thuật, ứng dụng thành tựu khoa học và đổi mới công nghệ.

6. Tình hình thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững văn hóa, xã hội, y tế gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, gồm: công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giảm chênh lệch giàu nghèo; kết quả đạt được trong các lĩnh vực thông tin, văn hóa, thể dục thể thao,...; tình hình thực hiện các quyền của trẻ em, phát triển thanh niên, chăm sóc người có công và bình đẳng giới; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng,...

7. Đánh giá hoạt động quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; ngăn ngừa xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

8. Các kết quả thực hiện cải cách hành chính, công tác thi hành pháp luật. Cơ chế quản lý và công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch, quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực; chất lượng đội ngũ cán bộ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,…

9. Tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; công tác đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế.

10. Trên cơ sở tổng kết đánh giá các nội dung cụ thể nêu trên, đánh giá tổng quát giữa kỳ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, những kết quả đạt được, các hạn chế, yếu kém; các nguyên nhân chủ quan và khách quan; rút ra những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

11. Dự báo tình hình trong nước, thế giới và khu vực trong giai đoạn tới ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước; dự báo khả năng thực hiện mục tiêu phát triển của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và đưa ra các giải pháp phấn đấu, nỗ lực hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Các Bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực và địa phương mình quản lý, gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo tiến độ được đề ra tại văn bản này.

Hệ thống biểu mẫu đánh giá giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của các bộ, ngành và địa phương[1] trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại địa chỉ: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=40073&idcm=131).

II. Đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020

1. Nguyên tắc đánh giá

Việc đánh giá giữa kỳ 03 năm thực hiện quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 dựa trên các nguyên tắc sau:

- Đánh giá theo các tiêu chí rõ ràng, có thể đo lường, so sánh được kết quả triển khai các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế giữa các Bộ, ngành Trung ương và địa phương;

- Việc đánh giá dựa trên các nhận định khách quan, số liệu chính xác, cập nhật do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp;

Kết quả đánh giá là căn cứ để đưa ra khuyến nghị chính sách, biện pháp tổ chức thực hiện đến năm 2020 nhằm đạt được các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế tại Nghị quyết 24/2016/QH14 của Quốc hội.

2. Nội dung đánh giá

Các nội dung đánh giá gồm:

- Đánh giá việc triển khai các nhiệm vụ được giao: Đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ/nhóm nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế của Bộ, ngành, địa phương được giao tại Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 21 tháng 2 năm 2017 về Chương trình hành động của Chính phủ Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 (sau đây gọi là Nghị quyết 24).

- Đánh giá việc thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại ngành, lĩnh vực kinh tế gồm: (i) Cơ cấu lại ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; (ii) Cơ cấu lại các ngành kinh tế gồm cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại các ngành công nghiệp, và cơ cấu lại các ngành dịch vụ.

Các mục tiêu cơ cấu lại ngành, lĩnh vực kinh tế được xác định tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội và các văn bản cơ cấu lại ngành, lĩnh vực có liên quan.

Chi tiết hướng dẫn đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của các Bộ, ngành, địa phương tại Phụ lục I kèm theo văn bản.

B. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2019

Các Bộ, ngành trung ương và địa phương căn cứ Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Khung hướng dẫn kế hoạch này, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 trong đó lưu ý báo cáo đầy đủ một số nội dung dưới đây:

1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

Đánh giá và ước tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của ngành, địa phương, bao gồm: tình hình triển khai thực hiện kế hoạch; các kết quả đạt được; tồn tại và khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm, cập nhật tình hình đến thời điểm báo cáo; phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế; ước cả năm 2018; đề xuất các giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm.

Đề nghị các bộ, ngành trung ương báo cáo tình hình thực hiện 6 tháng và cập nhật tình hình đến thời điểm báo cáo, ước thực hiện cả năm đối với chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 48/2017/QH14 ngày 10 tháng 11 năm 2017 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 Chính phủ đã trình Quốc hội.

2. Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019

Căn cứ đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 nêu trên và mục tiêu tổng quát, các nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 quy định tại Chỉ thị số 13/CT-TTg, xây dựng mục tiêu phát triển, các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn, nhiệm vụ và định hướng phát triển, giải pháp thực hiện của ngành, địa phương trong năm 2019 (Báo cáo đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, mục tiêu và dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 cấp quốc gia tại Phụ lục II kèm theo văn bản). Đối với các chỉ tiêu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 phải phù hợp với hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, trong đó lưu ý chỉ đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu, có phương pháp tính toán rõ ràng, có khả năng thu thập được, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của ngành, địa phương và quốc gia.

Thực hiện Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về quy định chi tiết việc lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể về xây dựng và tổng hợp kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2019 – 2021 các ngành, các cấp. Các bộ, ngành trung ương và địa phương xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu trong thời gian 03 năm 2019 - 2021 gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm căn cứ xây dựng kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2019 – 2021 cấp quốc gia.

3. Các tài liệu kèm theo

Kèm theo nội dung báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu trong thời gian 03 năm 2019 - 2021, đề nghị các bộ, ngành trung ương và địa phương báo cáo đầy đủ các số liệu của ngành, địa phương theo hệ thống biểu mẫu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Hệ thống biểu mẫu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của các bộ, ngành và địa phương[2] trên Cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=40073&idcm=131.

C. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

Căn cứ Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và các quy định tại văn bản hướng dẫn này, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 theo tiến độ như sau:

1. Ngay sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Khung hướng dẫn đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, các bộ, ngành trung ương và địa phương khẩn trương hướng dẫn cơ quan, đơn vị cấp dưới thực hiện báo cáo theo quy định tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2018 và hướng dẫn tại phần I của Khung hướng dẫn này; thực hiện đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của bộ, ngành và địa phương mình ((Nội dung đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2016-2020 xây dựng báo cáo riêng) và gửi Báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2 bản) bằng văn bản và qua địa chỉ thư điện tử thktxh@mpi.gov.vn, và gửi Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 7 năm 2018. (Riêng đối với các địa phương gửi thêm qua địa chỉ thư điện tử diaphuong@mpi.gov.vn).

Đối với Báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) bằng văn bản và qua thư điện tử bandautuciem@mpi.gov.vn trước ngày 31 tháng 7 năm 2018.

2. Trong tháng 8 năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức làm việc để thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của các bộ, ngành trung ương và địa phương và tiến hành tổng hợp Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của cả nước.

3. Trước ngày 10 tháng 9 năm 2018, các bộ, ngành trung ương và địa phương, tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 gửi lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

4. Trước ngày 20 tháng 9 năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, đánh giá giữa kỳ kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 để Chính phủ cho ý kiến, hoàn chỉnh, trình Quốc hội theo quy định.

5. Trong tháng 12 năm 2018, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 cho các Bộ, ngành trung ương và địa phương.

Phần II

KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG

A. ĐÁNH GIÁ GIỮA KỲ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. Ngân sách trung ương (bao gồm cả trái phiếu chính phủ):

1. Đánh giá tình hình thực hiện:

a) Kết quả đạt được:

- Tổng số vốn NSTW (bao gồm cả TPCP) được giao (bao gồm cả dự phòng 10% tại các bộ, ngành, địa phương) trong KH đầu tư công trung hạn (tính đến thời điểm báo cáo), trong phân loại chi tiết theo nguồn vốn, ngành, lĩnh vực, chương trình.

- Tổng số dự án có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, phân theo nguồn vốn, ngành, lĩnh vực, chương trình; theo nhóm A, B, C; Số dự án đầu tư theo hình thức PPP.

- Số dự án dự kiến hoàn thành (hoặc đã hoàn thành) trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn;

- Số dự án khởi công mới trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn (trong đó, số dự án vừa khởi công mới vừa hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020).

- Số vốn đã bố trí kế hoạch; số vốn đã giải ngân thực tế các năm 2016, 2017, ước giải ngân năm 2018, nhu cầu còn lại 02 năm 2019, 2020 (phân theo từng năm).

b) Đánh giá:

- Nguồn lực đầu tư huy động, nguồn ngân nhà nước so với kế hoạch đề ra;

- Công tác tổ chức thực hiện, các giải pháp thực hiện;

- Kết quả đạt được so với mục tiêu đã đặt ra trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, mặt tích cực;

- Những mặt còn hạn chế; khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân và kiến nghị hướng giải quyết (bao gồm cả sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn);

2. Đánh giá 02 năm còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn:

a) Nguyên tắc chung:

- Dự kiến khả năng giải ngân của từng dự án thuộc từng nguồn vốn, ngành, lĩnh vực, chương trình phân theo từng năm 2019, 2020.

- Tổng hợp kế hoạch giải ngân nguồn vốn NSTW (bao gồm cả TPCP) của từng năm 2019, 2020 (riêng năm 2019, phù hợp với hướng dẫn nêu tại mục 2 Phụ lục III kèm theo văn bản này).

- Tổng số vốn ngân sách trung ương dự kiến giải ngân của từng năm không vượt quá số vốn bằng khoảng 105% tổng số vốn kế hoạch nguồn ngân sách trung ương năm trước. (Đây là số dự kiến để đánh giá, không phải số thông báo kiểm tra, hoặc số giao kế hoạch).

b) Triển khai thực hiện:

- Đối với công tác thông tin, số liệu, các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác rà soát, dự kiến kế hoạch giải ngân trên Hệ thống thông tin về đầu tư công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (https://dautucong.mpi.gov.vn).

Biểu mẫu báo cáo[3] tại Cổng thông tin điện tử của Bộ theo địa chỉ: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=40073&idcm=131.

- Đối với báo cáo đánh giá và phụ biểu tổng hợp, các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo tiến độ được nêu tại Mục C, Phần II của văn bản này. Trong đó, nêu rõ chênh lệch giữa nhu cầu kế hoạch 02 năm 2019, 2020 (phần Kế hoạch trung hạn còn lại) và khả năng giải ngân thực tiễn của 02 năm 2019, 2020; số vốn dự kiến giải ngân sau năm 2020 trên cơ sở tiến độ thực hiện của từng dự án.

B. LẬP KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2019

I. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2018

Các bộ, ngành và địa phương đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2018 gồm các nội dung sau:

1. Tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2018 theo từng nguồn vốn: vốn ngân sách nhà nước (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ), vốn trái phiếu chính quyền địa phương và các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước.

Báo cáo chi tiết thông tin, số liệu thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2018 theo biểu mẫu số 16.b (áp dụng cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương) và biểu mẫu số 38.b (áp dụng cho các địa phương) kèm theo Thông tư số 03/2017/TT-BKHĐT ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Tình hình huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác phục vụ cho đầu tư phát triển.

3. Các kết quả đạt được, các khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2018, trong đó làm rõ nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế này.

4. Các giải pháp, kiến nghị để triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trong những tháng cuối năm 2018.

II. Lập Kế hoạch đầu tư công năm 2019

Căn cứ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Thông tư số 03/2017/TT-BKHĐT ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về quy định chế độ báo cáo việc lập, theo dõi và đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công, đề nghị các bộ, ngành và địa phương triển khai việc lập kế hoạch đầu tư công năm 2019 theo các quy định dưới đây:

1. Nguyên tắc chung về lập kế hoạch đầu tư công năm 2019

a) Kế hoạch đầu tư công năm 2019 phải nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu và các định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, phù hợp với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. Gắn việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2019 với việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

b) Xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2019 phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua và khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư năm 2019; phù hợp với khả năng thực hiện và tiến độ giải ngân của từng dự án trong năm 2019. Đối với các dự án khởi công mới, chỉ bố trí vốn kế hoạch năm 2019 cho các dự án thật sự cần thiết đáp ứng đủ các điều kiện: (i) Đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; (ii) Đến ngày 31 tháng 10 năm 2018 có quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công; (iii) Không bố trí vốn kế hoạch đầu tư công cho các dự án không thực hiện trình tự lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành.

c) Việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2019 phải thực hiện theo các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công và các Nghị định khác hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

2. Dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2019

Căn cứ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2018, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, khả năng cân đối nguồn vốn trong năm 2019; khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án trong năm 2019, đề nghị các bộ, ngành và địa phương xây dựng và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2019 theo Phụ lục III kèm theo văn bản.

C. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

Căn cứ các quy định tại Luật Đầu tư công, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và các quy định tại văn bản hướng dẫn này, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và lập kế hoạch đầu tư công năm 2019 theo tiến độ sau:

I. Tiến độ triển khai thực hiện

1. Các bộ, ngành và địa phương hướng dẫn cơ quan, đơn vị cấp dưới đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và lập kế hoạch đầu tư công năm 2019 theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

2. Các bộ, ngành và địa phương tổ chức đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2018; xây dựng và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2019 theo các hướng dẫn nêu trên gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 7 năm 2018 theo quy định tại Luật Đầu tư công. Riêng đối với kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2019, ngoài quy định trên, đề nghị bộ, ngành và địa phương đồng gửi báo cáo Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội.

3. Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội tổng hợp báo cáo dự kiến kế hoạch đầu tư vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2019, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 10 tháng 8 năm 2018.

4. Trong tháng 8 năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan tổ chức làm việc với các bộ, ngành và địa phương về đánh giá kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, kế hoạch đầu tư công năm 2019 (nếu cần thiết).

5. Trước ngày 10 tháng 9 năm 2018, căn cứ kết quả thảo luận tại điểm 4 nêu trên (nếu có), các bộ, ngành và địa phương hoàn chỉnh dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2019 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

6. Trước ngày 20 tháng 9 năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tổng hợp báo cáo đánh giá kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và tổng hợp kế hoạch đầu tư công năm 2019 trình Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ.

7. Căn cứ nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước ngày 20 tháng 10 năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho các bộ, ngành và các địa phương dự kiến tổng mức kế hoạch vốn đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019 theo từng ngành, lĩnh vực, chương trình.

8. Các bộ, ngành và địa phương, trên cơ sở tổng mức vốn được thông báo, dự kiến mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án, gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 20 tháng 11 năm 2018.

9. Trước ngày 05 tháng 12 năm 2018, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN và vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của các bộ, ngành năm 2019.

10. Trước ngày 20 tháng 12 năm 2018, căn cứ Quyết định giao kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chi tiết kế hoạch đầu tư nguồn NSNN và vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của các bộ, ngành năm 2019.

11. Trước ngày 31 tháng 12 năm 2018, các bộ, ngành và địa phương giao và thông báo kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ năm 2019 cho các cấp, các ngành và các đơn vị cơ sở triển khai thực hiện.

II. Hình thức báo cáo

1. Các báo cáo của các bộ, ngành và địa phương theo quy định về nội dung và thời gian trên đây gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo 02 hình thức báo cáo trực tuyến trên Hệ thống thông tin về đầu tư công (https://dautucong.mpi.gov.vn) và báo cáo bằng văn bản theo quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BKHĐT ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư không tổng hợp kế hoạch đầu tư vốn năm 2019 đối với bộ, ngành và địa phương không cập nhật báo cáo trực tuyến trên Hệ thống thông tin về đầu tư công, trừ các chương trình, dự án có tính chất mật không cập nhật thông tin trên Hệ thống.

Trên đây là nội dung khung hướng dẫn đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Đầu tư công năm 2019. Đề nghị các Bộ, ngành trung ương và địa phương căn cứ vào Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn thi hành, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, Khung hướng dẫn này, hướng dẫn của Bộ Tài chính về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và tình hình, đặc điểm cụ thể của từng Bộ, ngành trung ương và địa phương, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên và gửi Báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đúng thời gian quy định để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c TTg và các PTTg);
- Sở KHĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lãnh đạo Bộ KHĐT;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ (danh sách kèm theo);
- Lưu VT, Vụ THKTQD (3b).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Chí Dũng

 

DANH MỤC PHỤ LỤC

(Kèm theo văn bản số 4028/BKHĐT-TH ngày 14 tháng 6 năm 2018)

PHỤ LỤC I - NỘI DUNG ĐỀ NGHỊ ĐÁNH GIÁ GIỮA KỲ 03 NĂM THỰC HIỆN CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2016-2020 CỦA CÁC BỘ, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG

Các Bộ, ngành (gồm: Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Xây dựng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; Bộ Nội vụ; Bộ Ngoại giao; Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Tư pháp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Y tế; Bộ Thông tin và Truyền thông) và Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

PHỤ LỤC II – ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2018, MỤC TIÊU VÀ DỰ KIẾN CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU TRONG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2019

 

PHỤ LỤC III – LẬP KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2019 THEO TỪNG NGUỒN VỐN

 

 

 



[1] Gồm: tệp file A.1_KTXH_bieumaugiuaky_bonganh và A.2_KTXH_bieumaugiuaky_diaphuong.

[2] Gồm: tệp file B.1_KTXH_bieumau2019_bonganh và B.2_KTXH_bieumau2019_diaphuong.

[3] Tệp file: C_DTC_bieumaugiuaky_bonganhdiaphuong.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4028/BKHĐT-TH năm 2018 về Khung hướng dẫn đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch năm 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 4028/BKHĐT-TH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/06/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Người ký: Nguyễn Chí Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản