Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3867/TCHQ-GSQL
V/v thủ tục hải quan đối với máy móc, thiết bị miễn thuế làm tài sản bảo đảm chuyển tiêu thụ nội địa

Hà Nội, ngày 03 tháng 07 năm 2018

 

Kính gửi: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.
(đ/c: số 2 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội)

Trả lời công văn số 4448/NHNo-TD ngày 22/5/2018 của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Agribank) về việc đề nghị hướng dẫn thủ tục hải quan đối với máy móc, thiết bị miễn thuế thuộc các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư do Ngân hàng Agribank nhận làm tài sản bảo đảm khi bán, chuyển tiêu thụ nội địa, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về người khai hải quan và thủ tục hải quan:

- Căn cứ theo khoản 1 Điều 295 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 của Quốc hội quy định “tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu”.

- Căn cứ theo Điều 299 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 của Quốc hội quy định các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm:

“1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

3. Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định”.

- Căn cứ theo Điều 303 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 của Quốc hội quy định phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp:

“1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:

a) Bán đấu giá tài sản;

b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;

c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

d) Phương thức khác.

2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

- Căn cứ theo khoản 3 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ và Điều 5 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định người khai hải quan gồm:

“1. Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hải quan.

2. Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hoặc người được chủ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh ủy quyền.

…”

- Căn cứ theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì:

“b) Việc chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chỉ được thực hiện sau khi người khai hải quan hoàn thành thủ tục hải quan đối với tờ khai hải quan mới;

Theo đó, trường hợp Ngân hàng Agribank là bên nhận bảo đảm được quyền xử lý tài sản bảo đảm và là chủ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 295, Điều 299, Điều 303 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13, các quy định có liên quan khác và theo thỏa thuận với bên bảo đảm thì có thể được kê khai là người khai hải quan theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và và Điều 5 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

Việc chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa nhập khẩu miễn thuế thuộc các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đã thông quan thì phải khai tờ khai hải quan mới và chỉ được thực hiện sau khi chủ hàng hóa hoàn thành thủ tục hải quan đối với tờ khai hải quan mới và phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định.

2. Về chính sách quản lý hàng hóa nhập khẩu:

Căn cứ theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ và khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì hàng hóa nhập khẩu miễn thuế thuộc các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đã thông quan khi chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng phải thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.

Hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép nhập khẩu khi chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng phải được cơ quan cấp giấy phép nhập khẩu đồng ý bằng văn bản đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật phải có giấy phép khi chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng. Trường hợp hàng hóa nếu theo quy định của Bộ Công Thương phải có giấy phép khi thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa thì phải nộp văn bản đồng ý của Bộ Công Thương, nếu pháp luật không quy định thì không phải nộp chứng từ này.

Tổng cục Hải quan trả lời để Ngân hàng Agribank được biết, thực hiện. Trường hợp còn vướng mắc về thủ tục hải quan đề nghị Ngân hàng Agribank liên hệ với Chi cục Hải quan nơi dự kiến làm thủ tục hải quan để được hướng dẫn cụ thể./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Vũ Thị Mai (để báo cáo);
- Cục HQ các tỉnh, thành phố qua Edoc (để biết);
- Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Mai Xuân Thành

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3867/TCHQ-GSQL năm 2018 về thủ tục hải quan đối với máy móc, thiết bị miễn thuế làm tài sản bảo đảm chuyển tiêu thụ nội địa do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 3867/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 03/07/2018
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Mai Xuân Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản