Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3858/BNN-HTQT
V/v Bổ sung tăng nguồn kinh phí thực hiện dự án phòng chống dịch cúm gia cầm do FAO quản lý

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2011

 

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) nhận được công hàm số FAOR 56/11 ngày 29/11/2011 của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp quốc tại Việt Nam (FAO) thông báo Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) quyết định tiếp tục tài trợ Giai đoạn V của dự án “Hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp nhằm nâng cao sự chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp để ứng phó với cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) tại Việt Nam” (OSRO/RAS/604/USA) về phòng chống cúm gia cầm độc lực cao do FAO quản lý với tổng kinh phí bổ sung là 1.900.000 USD. Hoạt động của dự án này tại Việt Nam được tóm tắt như sau:

1. Tên dự án: Hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp nhằm nâng cao sự chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp để ứng phó với cúm gia cầm độc lực cao (HPAI).

2. Cơ quan đối tác thực hiện Dự án tại Việt Nam: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Cơ quan quản lý dự án: Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO)

4. Mục tiêu của dự án:

Mục tiêu tổng thể của dự án là nhằm giảm thiểu và ngăn chặn sự lây lan của cúm gia cầm độc lực cao ở gia cầm, giảm nguy cơ lây nhiễm và tác động đến con người và tránh khả năng xảy ra đại dịch cúm ở người do vi-rút H5N1.

5. Quá trình thực hiện dự án:

Giai đoạn I: Dự án được bắt đầu triển khai tại Việt Nam từ tháng 10 năm 2006 đến hết tháng 9 năm 2007 với tổng kinh phí tài trợ cho Việt Nam là 2.000.000 USD.

Giai đoạn II: Dự án được USAID tiếp tục hỗ trợ 3.100.000 USD để thực hiện từ tháng 10 năm 2007 đến tháng 9 năm 2008.

Giai đoạn III: Dự án tiếp tục được thực hiện với nguồn kinh phí bổ sung là 3.300.000 USD cho giai đoạn từ tháng 10 năm 2008 đến hết tháng 9 năm 2009. Tiếp đó, dự án được gia hạn thêm 1.075.000 USD cho đến hết tháng 9 năm 2010.

Giai đoạn IV: Dự án tiếp tục được phê duyệt thực hiện từ tháng 10 năm 2010 đến hết tháng 9 năm 2011 với đóng góp bổ sung của Chính phủ Hoa Kỳ là 2.200.000 USD.

Tính đến tháng 10 năm 2011, Dự án đã được thực hiện qua 4 giai đoạn với tổng kinh phí hỗ trợ là 11.675.000 USD. Qua 5 năm thực hiện dự án từ tháng 10 năm 2006 đến tháng 9 năm 2011, dự án đã góp phần đáng kể vào nỗ lực khống chế và phòng chống dịch cúm gia cầm độc lực cao tại Việt Nam cũng như tăng cường năng lực ứng phó dịch bệnh cho các cơ quan Chính phủ của Việt Nam.

Hiện tại, theo thông báo từ phía nhà tài trợ (USAID) và cơ quan quản lý dự án (FAO), dự án sẽ được hỗ trợ tiếp tục thực hiện giai đoạn V với tổng kinh phí cho 12 tháng (từ tháng 10 năm 2011 đến hết tháng 9 năm 2012) là 1.900.000 USD, nâng tổng đóng góp của Nhà tài trợ cho toàn bộ thời gian thực hiện dự án lên 13.575.000 USD.

6. Nội dung Giai đoạn V của dự án tại Việt Nam:

Mục tiêu:

Mục tiêu của dự án trong giai đoạn này là tiếp tục kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm nhằm giảm thiểu sự lây lan và nguy cơ lây nhiễm sang người và góp phần giảm đáng kể nguy cơ đại dịch cúm ở người từ vi-rút cúm gia cầm H5N1 vào cuối tháng 9 năm 2012 và tiếp tục tăng cường sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về cúm gia cầm ở Việt Nam cũng như các mối đe dọa bệnh dịch khác tác động đến sức khỏe con người và nền kinh tế.

Thời gian thực hiện: 12 tháng (từ tháng 10 năm 2011 đến hết tháng 9 năm 2012).

Kinh phí bổ sung: 1.900.000 USD (Một triệu chín trăm nghìn Đô la Mỹ)

Cơ quan quản lý dự án: FAO

Cơ quan đối tác thực hiện dự án tại Việt Nam: Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Các hoạt động chủ yếu của dự án tại Việt Nam:

Trong giai đoạn V, dự án vẫn tiếp tục triển khai các hợp phần hoạt động như các giai đoạn trước, dự án sẽ tập trung nhiều hơn vào việc hỗ trợ xây dựng năng lực khống chế dịch bệnh theo vùng. Giai đoạn V sẽ duy trì những hoạt động quan trọng đối với công tác phòng chống cúm gia cầm độc lực cao như giám sát, phát hiện, điều tra, ứng phó dịch, hỗ trợ phòng thí nghiệm, điều tra dịch tễ học và xây dựng năng lực. Các hoạt động của các hợp phần đã được điều chỉnh dựa trên kết quả các hoạt động đã thực hiện cho đến nay và phát triển cho phù hợp với tình hình hiện tại.

Cụ thể, Dự án sẽ hỗ trợ kỹ thuật, triển khai tập huấn, mua sắm và hỗ trợ chi phí hoạt động cho các hoạt động chủ yếu sau:

a) Hỗ trợ xây dựng các kế hoạch, chiến lược phòng ngừa và ứng phó dịch phù hợp, các chương trình khống chế dịch theo vùng;

b) Hỗ trợ đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh cúm gia cầm tại các cấp;

c) Tăng cường năng lực điều tra dịch bệnh và mạng lưới dịch tễ;

d) Thúc đẩy công tác an toàn sinh học và tăng cường năng lực phòng thí nghiệm chẩn đoán bệnh động vật;

e) Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho công tác giám sát và xét nghiệm;

f) Tăng cường hoạt động điều phối và truyền thông phòng chống dịch bệnh.

Phạm vi thực hiện:

Trong giai đoạn này, dự án sẽ triển khai thí điểm chương trình phòng chống cúm gia cầm theo vùng tại khu vực miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, dự án vẫn duy trì thực hiện tại 5 tỉnh thí điểm gồm Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Trị, Cần Thơ và Kiên Giang.

Phân bổ kinh phí thực hiện: Tổng kinh phí hỗ trợ không hoàn lại cho Giai đoạn V là 1.900.000 USD để thực hiện các nội dung sau:

Stt

Mã hoạt động

Nội dung thực hiện

Số tiền (US$)

1

PP1

Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó cúm gia cầm

150.000

2

PP2

Điều phối và hợp tác

350.000

3

AS1

Giám sát đàn gia cầm trong nước

350.000

4

AS3

Hỗ trợ hậu cần/ hàng hóa cho giám sát gia cầm và phòng thí nghiệm

150.000

5

AR1

Hỗ trợ hậu cần/ hàng hóa cho ứng phó cúm gia cầm

150.000

6

AR2

Ứng phó dịch bệnh

350.000

7

AR3

An toàn sinh học

400.000

 

 

TỔNG

1.900.000

Tổ chức thực hiện:

Việc quản lý dự án sẽ được thực hiện thông qua Văn phòng đại diện của FAO tại Việt Nam và các cơ quan đối tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT). Tư vấn kỹ thuật của FAO sẽ giúp giám sát kỹ thuật đối với các hoạt động dự án tại Việt Nam, đồng thời Đại diện của FAO sẽ giám sát chung việc quản lý Dự án và thực hiện các hoạt động mua sắm, hợp đồng, tuyển dụng và quản lý tài chính.

FAO sẽ chủ trì, hợp tác với các Cục, Vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT trong việc thực hiện. Trung tâm phòng chống khẩn cấp các bệnh động vật truyền lây qua biên giới (ECTAD) của FAO tại Băng-cốc, Thái Lan, dưới sự giám sát của Trưởng ban thú y (AGAH) và điều hành của Trưởng ban hoạt động khẩn cấp (TCEO) sẽ là cơ quan trực tiếp điều hành việc thực hiện dự án.

Việc mua sắm trang thiết bị sẽ được FAO trực tiếp quản lý thực hiện theo quy định của FAO.

Dự án sẽ duy trì liên lạc và mối quan hệ chặt chẽ với Nhà tài trợ và các cơ quan có trách nhiệm điều phối cấp quốc gia trong công tác chuẩn bị phòng đại dịch cúm ở người (Bộ Y tế) cũng như với Văn phòng Điều phối Cúm gia cầm thuộc Văn phòng Điều phối thường trú của các cơ quan Liên Hợp quốc và những cơ quan có liên quan khác (Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, các đối tác của USAID, v.v…).

Trách nhiệm của phía Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và PTNT):

Theo yêu cầu thực hiện và quản lý dự án của FAO, Nhà tài trợ đề nghị Chính phủ Việt Nam:

- Cung cấp hoặc tạo điều kiện lấy mẫu từ vật nuôi nghi nhiễm H5N1 và gửi mẫu cho các phòng thí nghiệm tham chiếu.

- Cử cán bộ hưởng lương ngân sách làm điều phối viên, đảm bảo chất lượng chuyên gia trong nước, hỗ trợ nguồn nhân lực phù hợp để tạo điều kiện thực hiện các hoạt động;

- Miễn thuế Hải quan đối với vật tư, máy móc nhập để phục vụ dự án;

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia FAO đến làm việc cho dự án;

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động dự án tại địa phương;

- Hợp tác chặt chẽ và chia sẻ thông tin liên quan đến cúm gia cầm độc lực cao.

7. Tác động và kết quả dự kiến:

Dự án sẽ góp phần nâng cao lực các cấp về lập kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng, ứng phó và khống chế dịch bệnh, góp phần vào Chương trình phòng chống cúm gia cầm tại Việt Nam và khu vực, giảm nguy cơ tác động đối với ngành gia cầm quốc gia và sức khỏe cộng đồng. Mạng lưới dịch tễ thú y, quan hệ hợp tác giữa khu vực nhà nước - tư nhân, giữa ngành y tế và thú y, đảm bảo an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh lây qua biên giới, cũng sẽ được tăng cường thông qua việc thực hiện dự án.

Dự án sẽ góp phần xây dựng nền móng cho các chương trình quản lý dịch bệnh, giám sát và khống chế các mối đe dọa dịch bệnh khác gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người và nền kinh tế Việt Nam, tạo điều kiện thực hiện Chương trình Các mối đe dọa đại dịch mới nổi (EPT), cũng do USAID tài trợ.

Dự án sẽ tác động trực tiếp đến những người chăn nuôi, người buôn bán gia cầm. Thông qua cải thiện an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường hiểu biết, người chăn nuôi gia cầm sẽ tăng cơ hội tiếp cận thị trường, tăng thu nhập và giảm nghèo. Việc khống chế dịch lây lan sẽ góp phần hạn chế thiệt hại kinh tế cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

8. Tính hiệu quả và bền vững của dự án:

Từ năm 2005 Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) thông qua FAO đã hỗ trợ các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Dự án OSRO/RAS/604/USA đã đáp ứng được tính kịp thời trong giai đoạn khẩn cấp và đã có những đóng góp đáng kể vào việc khống chế bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam. Dự án đã được thiết kế phù hợp với công tác phòng chống dịch cúm gia cầm của khu vực cũng như của Việt Nam. Ngân sách Giai đoạn V của dự án nhằm tiếp tục củng cố các kết quả đạt được của những năm trước và góp phần đáp ứng những yêu cầu của công tác phòng chống dịch trong hoàn cảnh hiện tại ở Việt Nam khi mà cúm gia cầm vẫn là một mối đe dọa tới nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng, bên cạnh đó xuất hiện nhiều mối đe dọa dịch bệnh mới trong khi nguồn ngân sách viện trợ không hoàn lại (ODA) lại đang dần hạn chế.

Kèm theo công văn này là các tài liệu liên quan. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Nông nghiệp và PTNT được tiếp tục tham gia Dự án OSRO/RAS/604/USA - Giai đoạn V với nguồn vốn bổ sung 1.900.000 USD trong thời gian từ tháng 10 năm 2011 đến hết tháng 9 năm 2012.

Cảm ơn sự hợp tác của Quý Bộ.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TC, NG;
- Lưu: VT, HTQT (VTHH-05)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Diệp Kỉnh Tần

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3858/BNN-HTQT bổ sung tăng nguồn kinh phí thực hiện dự án phòng chống dịch cúm gia cầm do FAO quản lý do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 3858/BNN-HTQT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/12/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Diệp Kỉnh Tần
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản