Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3800/TCT-HTQT
V/v chính sách miễn, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2011

 

Kính gửi: Công ty Sony Holding (Asia) B.V.

Trả lời công văn số CV_MOF 01/2011 ngày 17/8/2011 của Công ty Sony Holding (Asia) B.V. (sau đây gọi là Sony Hà Lan) đề nghị hướng dẫn về chính sách miễn, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Hà Lan (sau đây gọi là Hiệp định) đối với thu nhập Sony Hà Lan thu được từ việc tái cơ cấu các công ty trong cùng tập đoàn Sony (hoán đổi cổ phần giữa Sony Hà Lan và Công ty TNHH Điện tử Sony Singapore - sau đây gọi là Sony Singapore), Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về nghĩa vụ thuế quy định tại Hiệp định:

Khoản 4, Điều 13 (Lợi tức từ chuyển nhượng tài sản) của Hiệp định quy định:

“4. Trường hợp một đối tượng cư trú của một Nước ký kết sở hữu toàn bộ hay gần như toàn bộ số cổ phần của một công ty là đối tượng cư trú của Nước ký kết kia (trừ công ty có các cổ phần được đăng ký tại thị trường chứng khoán) và tài sản của công ty đó bao gồm chủ yếu là bất động sản nằm tại Nước kia, bất kỳ khoản lợi tức nào do đối tượng cư trú đó thu được từ việc chuyển nhượng các cổ phần tại công ty đó có thể bị đánh thuế tại Nước kia. Theo nội dung của khoản này, từ “bất động sản”, không bao gồm bất động sản mà tại đó việc kinh doanh của công ty được thực hiện. Quy định của khoản này sẽ không áp dụng nếu khoản lợi tức đó thu được trong quá trình tổ chức lại công ty, sát nhập công ty, phân chia hay các hoạt động tương tự.”

Theo quy định nêu trên, nghĩa vụ thuế đối với thu nhập Sony Hà Lan thu được từ việc chuyển nhượng phần vốn góp của mình trong Sony Việt Nam như sau:

- Nếu vào thời điểm chuyển nhượng vốn, Công ty TNHH Điện tử Sony Việt Nam (sau đây gọi là Sony Việt Nam) có giá trị bất động sản bằng hoặc thấp hơn 50% giá trị tài sản của bản thân Công ty thì thu nhập của Sony Hà Lan từ việc chuyển nhượng phần vốn góp của mình trong Sony Việt Nam không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại Việt Nam.

- Nếu vào thời điểm chuyển nhượng vốn, Sony Việt Nam có giá trị bất động sản chiếm trên 50% giá trị tài sản của bản thân Công ty và thu nhập Sony Hà Lan thu được (từ việc chuyển nhượng phần vốn góp của mình trong Sony Việt Nam) trong quá trình tổ chức lại công ty, sát nhập công ty, phân chia hay các hoạt động tương tự sẽ được áp dụng quy định tại Khoản 5, Điều 13 của Hiệp định, tức là không phải chịu thuế TNDN tại Việt Nam. Cụ thể như sau:

“5. Lợi tức thu được từ việc chuyển nhượng bất kỳ tài sản nào khác với tài sản được nêu tại các khoản 1, 2, 3 và 4 sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước ký kết nơi đối tượng chuyển nhượng là đối tượng cư trú.”

- Nếu vào thời điểm chuyển nhượng vốn, Sony Việt Nam có giá trị bất động sản chiếm trên 50% giá trị tài sản của bản thân Công ty và thu nhập Sony Hà Lan thu được (từ việc chuyển nhượng phần vốn góp phần của mình trong Sony Việt Nam) không phải thu được trong quá trình tổ chức lại công ty, sát nhập công ty, phân chia hay các hoạt động tương tự sẽ phải chịu thuế TNDN tại Việt Nam.

2. Về khái niệm “tổ chức lại công ty, sát nhập công ty, phân chia hay các hoạt động tương tự” nêu tại câu cuối Khoản 4, Điều 13 của Hiệp định, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Khoản 2, Điều 3 (Các định nghĩa chung) của Hiệp định quy định như sau:

“2. Trong khi một Nước ký kết áp dụng Hiệp định này, bất kỳ thuật ngữ nào chưa được định nghĩa trong Hiệp định này sẽ có nghĩa theo như định nghĩa trong luật của Nước đó đối với các loại thuế mà Hiệp định này áp dụng, trừ trường hợp ngữ cảnh đòi hỏi có sự giải thích khác.”

Theo quy định nêu trên, do tại Hiệp định không có khái niệm về “tổ chức lại công ty” nên khái niệm này sẽ được hiểu theo nội luật của Việt Nam vì trong trường hợp này Sony Hà Lan đề nghị áp dụng Hiệp định tại Việt Nam.

Theo quy định tại Điểm 16, Điều 4 của Luật Doanh nghiệp năm 2005, khái niệm “tổ chức lại công ty” được hiểu là “việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi doanh nghiệp”.

Liên quan đến việc chia, tách, hợp nhất, sát nhập hoặc chuyển đổi doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định như sau:

- Điều 150 (Chia doanh nghiệp): “1. Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể được chia thành một số công ty cùng loại.”

- Điều 151 (Tách doanh nghiệp): “1. Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty mới cùng loại (sau đây gọi là công ty được tách); chuyển một phần quyền và nghĩa vụ của công ty bị tách sang công ty được tách mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.”

- Điều 152 (Hợp nhất doanh nghiệp): “1. Hai hoặc một số công ty cùng loại (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty hợp nhất, đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.”

- Điều 153 (Sáp nhập doanh nghiệp): “1. Một hoặc một số công ty cùng loại (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.”

- Điều 154 (Chuyển đổi công ty): “Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể được chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc ngược lại.”

Theo các quy định nêu trên, việc hoán đổi cổ phần giữa Sony Hà Lan và Sony Singapore không thuộc bất kỳ trường hợp nào để được coi là “tổ chức lại công ty” nhằm mục đích áp dụng quy định tại câu cuối Khoản 4, Điều 13 của Hiệp định. Do vậy, thu nhập Sony Hà Lan thu được từ việc chuyển nhượng vốn trong Sony Việt Nam liên quan đến việc tái cơ cấu các công ty trong cùng tập đoàn sẽ phải chịu thuế TNDN tại Việt Nam nếu vào thời điểm chuyển nhượng vốn, Sony Việt Nam có giá trị bất động sản chiếm trên 50% giá trị tài sản của bản thân Công ty như nêu tại gạch đầu dòng thứ 3, điểm 1 của công văn này.

3. Về nghĩa vụ thuế của Sony Hà Lan theo quy định tại nội luật:

Điểm 2.1, Phần E, Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn tính thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn như sau:

Thu nhập tính thuế = Giá chuyển nhượng - Giá mua của phần vốn chuyển nhượng - Chi phí chuyển nhượng

Tại Thỏa thuận chuyển nhượng vốn giữa Sony Hà Lan và Sony Singapore không xác định rõ trị giá vốn chuyển nhượng từ Sony Việt Nam sang Sony Singapore, trị giá cổ phần Sony Singapore cấp lại cho Sony Hà Lan nên chưa đủ cơ sở để xác định thu nhập tính thuế từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp theo hướng dẫn tại Điểm 2.1, Phần E, Thông tư số 130/2008/TT-BTC nêu trên. Do đó, Tổng cục Thuế đề nghị Sony Hà Lan bổ sung hồ sơ chi tiết để có đủ căn cứ xác định nghĩa vụ thuế của Sony Hà Lan tại Việt Nam.

Tổng cục Thuế thông báo Sony Hà Lan biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Bộ (để b/c);
- Vụ PC, Vụ CST - Bộ TC;
- Các Vụ: CS, DNL, PC - TCT;
- Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh;
- Website TCT;
- Lưu: VT, HTQT (2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Lê Hồng Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3800/TCT-HTQT về chính sách miễn, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 3800/TCT-HTQT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 24/10/2011
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Lê Hồng Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/10/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản