Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3674/BYT-KH-TC
V/v góp ý vào dự thảo Đề án phát triển KT-XH các huyện nghèo theo QĐ 293/QĐ-TTg ngày 5/2/2013.

Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 2013

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

Bộ Y tế nhận được công văn số 480/UBND-KTN ngày 27 tháng 5 năm 2013 về việc tham gia ý kiến vào dự thảo Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo bền vững các huyện Bình Gia và Đình Lập giai đoạn 2013 - 2017 theo danh sách của Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2013. Sau khi nghiên cứu, Bộ Y tế cơ bản thống nhất với nội dung của Đề án. Để hoàn thiện thêm, Bộ Y tế có một số góp ý như sau:

1. Một số những góp ý chung:

- Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 đã đề ra các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, bao gồm: (1) Tiếp tục thực hiện các chế độ, chính sách hiện hành về hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo ở các huyện nghèo và có sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng mức hỗ trợ, mức đầu tư; và (2) Một số cơ chế, chính sách, giải pháp đặc thù đối với các huyện nghèo.

- Về các chính sách y tế: thực hiện chính sách đào tạo cán bộ tại chỗ, bao gồm đào tạo cán bộ y tế cơ sở cho con em ở các huyện nghèo và tăng cường nguồn lực thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động kết hợp cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình để nâng cao chất lượng dân số của các huyện nghèo.

- Về các chính sách, cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng ở cả thôn, bản, xã và huyện: Sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách hàng năm (bao gồm vốn cân đối ngân sách địa phương và hỗ trợ từ ngân sách trung ương), vốn trái phiếu Chính phủ, vốn từ các chương trình, dự án, vốn ODA để ưu tiên đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội sau đây: (1) Đối với cấp huyện: bệnh viện huyện, bệnh viện khu vực, trung tâm y tế dự phòng huyện đạt tiêu chuẩn; (2) Đối với cấp xã và dưới xã: trạm y tế xã đạt tiêu chuẩn (gồm cả nhà ở cho nhân viên y tế).

- Tại Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2013 quy định về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, theo đó sẽ hỗ trợ vốn đầu tư phát triển cho mỗi huyện bằng 70% mức bình quân của các huyện theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Như vậy, ngoài việc xác định nhu cầu đầu tư phù hợp với khả năng cân đối ngân sách thì các UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo các huyện và các Sở, Ban, Ngành đồng thời triển khai thực hiện và xây dựng các cơ chế, chính sách về đầu tư cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo ngành, theo lĩnh vực và hỗ trợ cho người hưởng lợi.

2. Một số các góp ý cụ thể về lĩnh vực y tế:

- Đề án nên có phần đánh giá rất cụ thể về việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách y tế đang được triển khai trên địa bàn, nêu những khó khăn, thuận lợi và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.

- Tỷ lệ xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế là rất thấp (hầu như chưa có xã đạt), như vậy thì đòi hỏi cần phải quan tâm hơn nữa cả về đầu tư cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị, đào tạo cán bộ và hỗ trợ cho các hoạt động thường xuyên của trạm y tế xã để tăng tỷ lệ xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế qua các năm đến 2017.

- Ngoài việc đầu tư thì các huyện nghèo đang được quan tâm triển khai các chính sách về hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo theo Quyết định 14/2012/QĐ-TTg; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo mua thẻ Bảo hiểm y tế, vì vậy các Đề án cũng cần có đánh giá thực trạng, xác định đối tượng thụ hưởng để tính toán nhu cầu hỗ trợ cho các đối tượng hưởng lợi.

- Một số các chính sách hỗ trợ phụ nữ nhằm cải thiện tình trạng sức khoẻ phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn thông qua việc giảm thiểu đến mức thấp nhất sự khác biệt trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ CSSS giữa các vùng miền góp phần hiện thực hóa chủ trương công bằng, hiệu quả và phát triển trong CSSK. Các nội dung ưu tiên sẽ bao gồm: (1) Chủ trương về hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số, đang cư trú ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, huyện nghèo (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) sẽ được hỗ trợ một lần khi sinh con đúng chính sách dân số; (2) Tăng cường khả năng tiếp cận dịch và sử dụng vụ y tế có chất lượng cho phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; (3) Nâng cao chất lượng dịch vụ CSSK cho phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số cư trú tại những khu vực trên; (4) Cải thiện các chỉ số về tình trạng sức khỏe của phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số cư trú tại những vùng có đặc điểm kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

- Xây dựng, trình ban hành các chính sách để tạo điều kiện bảo đảm về con người, trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất để tổ chức các dịch vụ công áp dụng cho tất cả các đối tượng: (1) Chế độ luân phiên có thời hạn đối với cán bộ chuyên môn công tác tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên hỗ trợ cho tuyến dưới, từ vùng có điều kiện không khó khăn, khó khăn ít tới vùng có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg; (2) Chế độ hỗ trợ cô đỡ thôn, bản theo Thông tư số 07/2013/TT-BYT; (3) Chương trình đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác ở các huyện nghèo theo Quyết định số 585/QĐ-BYT về thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Trên đây là một số các cơ chế chính sách, chủ trương, định hướng lớn đã, đang và sẽ triển khai trong lĩnh vực y tế để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, trước mắt là tập trung ưu tiên cho các huyện nghèo, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bộ Y tế, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các huyện nghèo, các Sở, Ban, Ngành tham khảo để làm cơ sở cho việc định hướng triển khai thực hiện các chính sách: xác định cụ thể các chỉ tiêu đầu vào, chỉ tiêu đầu ra và tính toán nhu cầu kinh phí để triển khai thực hiện từng chính sách hỗ trợ cho các nội dung và các đối tượng đích trên địa bàn để tổng hợp và hoàn thiện vào Đề án Phát triển kinh tế - xã hội từng huyện gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét thẩm định trước khi phê duyệt./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Bộ KH-ĐT;
- Lưu: VT, KH-TC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Long

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3674/BYT-KH-TC năm 2013 góp ý vào dự thảo Đề án phát triển kinh tế - xã hội huyện nghèo theo Quyết định 293/QĐ-TTg do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 3674/BYT-KH-TC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/06/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Thanh Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản