Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI NGUYÊN
VÀ MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3659/BTNMT-TCMT
V/v hướng dẫn một số nội dung thành phần Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TN&MT

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2022

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 22 tháng 02 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Nhằm hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện Chương trình, xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn lực; chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, khắc phục những tồn tại của giai đoạn 2010 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, góp phần đạt được các mục tiêu, tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao (cấp huyện và cấp xã) giai đoạn 2021 - 2025 (theo các yêu cầu tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025), Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện một số nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công tại Quyết định số 263/QĐ-TTg nêu trên (chi tiết tại Phụ lục kèm theo).

Trong quá trình triển khai thực hiện, có vấn đề vướng mắc, phát sinh, đề nghị quý Cơ quan gửi văn bản về Bộ Tài nguyên và Môi trường (thông qua Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường, địa chỉ liên hệ: Phòng B308, số 10 Tôn Thất Thuyết, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tổng hợp, rà soát, hoàn thiện hướng dẫn đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn và các quy định của pháp luật hiện hành.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà (để báo cáo);
- Lưu: VT, TCMT, P(68).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Tuấn Nhân

 

PHỤ LỤC.

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NỘI DUNG THÀNH PHẦN TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 263/QĐ-TTG NGÀY 22 THÁNG 02 NĂM 2022 THUỘC TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(Kèm theo Công văn số 3659/BTNMT-TCMT ngày 28 tháng 6 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)

1. Nội dung 11 (thuộc nội dung thành phần số 02 tại Quyết định số 263/QĐ-TTg): Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn; thu hút các doanh nghiệp đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên huyện, liên tỉnh; đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung (cấp huyện và liên huyện), ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp 1

1.1. Hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn2, gồm: hệ thống thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải3, quan trắc môi trường và công trình bảo vệ môi trường khác

- Hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn là một nội dung của Quy hoạch chung cấp huyện, cấp xã, được xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định về quy hoạch hạ tầng nông thôn4;

- Cụm dân cư nông thôn phải có hệ thống thoát nước đồng bộ, nạo vét thường xuyên, đảm bảo không để tình trạng ứ đọng, ô nhiễm;

- Hệ thống các điểm tập kết, trung chuyển chất thải được phân bố hợp lý, đầu tư hạ tầng và giữ gìn vệ sinh thường xuyên;

- Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Không khuyến khích đầu tư cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ có phạm vi phục vụ trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp xã5.

1.2. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên huyện, liên tỉnh

- Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt6;

- Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh ngành, nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải được hướng các ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Điều 141 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Ngoài ra, có thể áp dụng các quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

1.3. Đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt

- Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải có các khu vực khác nhau để lưu giữ các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, bảo đảm không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại với nhau7;

- Hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải phải đảm bảo không để rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, gây phát tán bụi, mùi, hoặc nước rò rỉ gây ảnh hướng xấu đến môi trường (có tường bao, lót đáy mềm hoặc lót đáy cứng, mái che; các ô lưu chứa phù hợp, hàng rào cây xanh hạn chế phát tán mùi, thường xuyên vệ sinh, phun thuốc diệt côn trùng, khử khuẩn, chế phẩm sinh học và áp dụng các biện pháp tạo dựng cảnh quan thân thiện cho khu vực lưu chứa).

1.4. Xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung (cấp huyện và liên huyện), ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường

- Hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần tuân thủ các quy định tại Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các quy định của pháp luật có liên quan. Trong đó, “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vân hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn”.

- Việc đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải tuân thủ theo các quy định về quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã, huyện và quy định về thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt;

- Các biện pháp, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng:

Có khả năng tiếp nhận, phân loại chất thải, xử lý mùi, nước rỉ rác, khí thải, linh hoạt trong kết hợp các công nghệ khác, xử lý các loại chất thải rắn khác nhau; có khả năng mở rộng công suất, thu hồi năng lượng, xử lý các chất thải thứ cấp; mức độ phù hợp về quy mô xử lý;

Mức độ tự động hóa, nội địa hóa của dây chuyền thiết bị; tỷ lệ xử lý, tái sử dụng, tái chế, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt; mức độ tiên tiến của công nghệ xử lý; độ bền của thiết bị, dây chuyền công nghệ; xuất xứ của các trang thiết bị; tính đồng bộ của thiết bị trong dây chuyền công nghệ, khả năng sử dụng, thay thế các loại linh kiện, phụ tùng trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của hệ thống công nghệ, thiết bị;

Ưu tiên công nghệ đã được ứng dụng thành công, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường về thiết bị xử lý, tái chế chất thải và phù hợp với điều kiện Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, pháp luật về chuyển giao công nghệ; công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo qu y định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

1.5. Đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp

- Hệ thống thu gom, thoát nước thải sinh hoạt gồm mạng lưới thoát nước (đường ống, cống, kênh, mương, hồ điều hòa...), các trạm bơm thoát nước mưa, nước thải, các công trình xử lý nước thải và các công trình phụ trợ khác nhằm mục đích thu gom, chuyển tải, tiêu thoát nước mưa, nước thải, chống ngập úng và xử lý nước thải)8;

- Việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom, thoát nước thải sinh hoạt phải tuân thủ các quy định tại về quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã, huyện và quy định về thoát nước;

- Công viên, khu vui chơi, giải trí, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác phải lắp đặt công trình xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường9;

- Nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình tại khu dân cư tập trung phải được thu gom, đấu nối với hệ thống thu gom, xử lý nước thải10;

- Nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình tại khu dân cư không tập trung phải được thu gom, xử lý tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận11;

- Đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho khu dân cư tập trung đảm báo các yêu cầu sau đây:

Công nghệ phù hợp với loại hình, đặc tính nước thải cần xử lý;

Công suất hệ thống xử lý nước phải phù hợp với lượng nước thải phát sinh tối đa;

Xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

Vận hành công trình xử lý nước thải theo đúng quy trình kỹ thuật;

Có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sợ cố môi trường đối với hệ thống xử lý nước thải; điểm xả thải phải có tọa độ, biển báo, ký hiệu rõ ràng, thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát xả thải.

2. Nội dung 01 (thuộc nội dung thành phần số 07 tại Quyết định số 263/QĐ-TTg): Xây dựng và tổ chức hướng dẫn thực hiện các Đề án/Kế hoạch tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn huyện đảm bảo theo quy định; phát triển, nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn phát sinh

2.1. Xây dựng và phê duyệt Đề án/Kế hoạch phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn huyện, gồm các hoạt động sau:

- Điều tra, thống kê, đánh giá hiện trạng phát sinh, thực trạng tình hình thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và quản lý chất thải trên địa bàn;

- Dự báo khối lượng, thành phần chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và đề xuất phương án kỹ thuật phù hợp để phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải sinh hoạt;

- Xây dựng phương án thực hiện việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt (bao gồm xác các hoạt động cần phân bổ kinh phí, hạng mục công trình cần đầu tư; trang thiết bị, hóa chất, nhân lực cần thiết để thực hiện).

- Xác định lộ trình thực hiện, phân công trách nhiệm; trình phê duyệt để tổ chức thực hiện. Chú trọng xác định vai trò, trách nhiệm để huy động sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức đoàn thể và người dân đối với công tác vệ sinh môi trường, phân loại, thu gom và xử lý chất thải khu vực nông thôn.

2.2. Triển khai thực hiện Đề án/Kế hoạch phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn huyện

- Xây dựng quy định chi tiết về quản lý chất thải hộ gia đình và cá nhân; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; quy định hình thức và mức kinh phí chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải12 phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế tại địa phương.

- Đầu tư các hạng mục công trình nhằm thực hiện việc phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải, bao gồm hạ tầng các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phù hợp; đầu tư các phương tiện, trang thiết bị lưu chứa rác tại khu vực công cộng đảm bảo thuận tiện, thân thiện môi trường và mỹ quan;

- Xây dựng quy định, quy chế và giao trách nhiệm tổ chức mạng lưới thu gom triệt để và hiệu quả; hình thành và hoàn thiện các phương thức thu gom phù hợp với đặc thù của từng địa phương;

- Xây dựng mô hình và triển khai nhân rộng hoạt động phân loại, tận thu, tái chế, tái sử dụng chất thải tại nguồn phát sinh (theo các cấp từ hộ gia đình, cụm dân cư, xã, huyện…);

- Đầu tư xây dựng mô hình/khu xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện hoặc liên huyện, áp dụng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Áp dụng hoặc xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích và huy động mọi nguồn vốn của cộng đồng, xã hội vào quản lý chất thải rắn; thực hiện ưu đãi đầu tư để đẩy mạnh tư nhân hóa trong quản lý chất thải rắn ở các khâu thu gom, vận chuyển và xử lý; cộng đồng là chủ thể thực hiện công tác quản lý chất thải rắn; doanh nghiệp (tổ chức) tham gia quản lý chất thải rắn thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng, chịu sự giám sát của cộng đồng và kiểm tra của Nhà nước;

- Tổ chức và bố trí kinh phí duy trì thường xuyên các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường thông qua thực hiện nhiệm vụ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tổ chức hỗ trợ hoạt động cộng đồng tham gia công tác vệ sinh môi trường.

3. Nội dung 03 (thuộc nội dung thành phần số 07 tại Quyết định số 263/QĐ-TTg): Đẩy mạnh xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường tại những khu vực tập trung nhiều nguồn thải, những nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các khu vực mặt nước bị ô nhiễm; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên

3.1. Khu vực tập trung nhiều nguồn thải, những nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các khu vực mặt nước bị ô nhiễm

- Khu vực tập trung nhiều nguồn thải bao gồm: khu sản xuất, kinh doanh dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề, khu chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tập trung;

- Khu vực môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải, nước mặt bị ô nhiễm cần được xử lý, phục hồi và cải thiện môi trường được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP;

- Khu vực ô nhiễm môi trường đất được đánh giá, xác định theo quy định tại Điều 16 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các quy định tại Điều 12, Điều 13 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP;

3.2. Xác định, xử lý, cải tạo và phục hồi các các khu vực ô nhiễm môi trường đất nghiêm trọng13

- Điều tra, đánh giá, phân loại khu vực ô nhiễm môi trường, xác định nguyên nhân, phạm vi và mức độ ô nhiễm, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường;

- Thực hiện biện pháp kiểm soát khu vực ô nhiễm môi trường gồm khoanh vùng, cảnh báo, không cho phép hoặc hạn chế hoạt động nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe con người;

- Lập, thực hiện phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường; ưu tiên xử lý các khu vực có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng, ô nhiễm đặc biệt n ghiêm trọng;

- Tổ chức quan trắc, theo dõi chất lượng môi trường sau xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường14.

3.3. Điều tra, đánh giá, xác định các khu vực nước mặt ô nhiễm môi trường15

- Thống kê, đánh giá, giảm thiểu và xử lý nước thải xả vào môi trường nước mặt;

- Quan trắc, đánh giá chất lượng nước, trầm tích, môi trường thủy sinh của nguồn nước mặt và công khai thông tin phục vụ quản lý, khai thác và sử dụng nước mặt đối với những khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao16;

- Xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi và cải thiện môi trường nước mặt bị ô nhiễm trên địa bàn.

 

 

 



1 Mục tiêu đến năm 2025 tại Quyết định số 263/QĐ-TTg: (i) Cấp xã: có ít nhất có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM; 50% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 17 về môi trường thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao; (ii) Cấp huyện: có ít nhất 60% số huyện đạt tiêu chí số 7 về môi trường sống thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM; có 25% số huyện đạt tiêu chí số 7 về môi trường sống thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao

2 Khoản 24, Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường 2020

3 Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác, được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt, hoặc hoạt động khác (Khoản 18, Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường 2020)

4 Thông tư số 02/2017/TT-BXD ngày 01/3/2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về quy hoạch xây dựng nông thôn

5 Khoản 3, Điều 78, Luật Bảo vệ môi trường 2020

6 Khoản 1, Điều 78, Luật Bảo vệ môi trường 2020

7 Điều 76, Luật Bảo vệ môi trường 2020

8 Khoản 10, Điều 2, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải

9 Điều 59, Luật Bảo vệ môi trường 2020

10 Khoản 2, Điều 86, Luật Bảo vệ môi trường 2020

11 Khoản 4, Điều 86, Luật Bảo vệ môi trường 2020

12 Khoản 6, Điều 79, Luật Bảo vệ môi trường 2020

13 Điều 18, Luật Bảo vệ môi trường 2020

14 Thực hiện theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT về nước mặt ; QCVN 03-MT:2013/BTNMT về không khí xung quanh; QCVN 03-MT:2015/BTNMT về đất và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan khác

15 Điều 8, Luật Bảo vệ môi trường 2020

16 Thực hiện theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT về nước mặt; QCVN 43 -MT:2017/BTNMT về trầm tích và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan khác

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3659/BTNMT-TCMT năm 2022 hướng dẫn nội dung thành phần Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường

  • Số hiệu: 3659/BTNMT-TCMT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/06/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Người ký: Võ Tuấn Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/06/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản