Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3650/LĐTBXH-PCTNXH
V/v thực hiện mô hình thí điểm hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy

Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2018

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Thực hiện Công văn số 1957/VPCP-KGVX ngày 01 tháng 3 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ về việc Chương trình công tác năm 2018 của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ “khảo sát, nghiên cứu, xây dựng mô hình thí điểm hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy”, dự kiến triển khai tại các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Đề cương kế hoạch thí điểm mô hình gửi kèm theo Công văn này.

Để triển khai thực hiện thí điểm mô hình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện được chọn thí điểm xây dựng, phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện mô hình; đồng thời thường xuyên báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, tầng 10, nhà số 3, Ngõ 7, phố Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, điện thoại: 02438241697).

Trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an (để phối hợp);
- Bộ Y tế (để phối hợp);
- Trung tâm sáng kiến PTCĐ (để phối hợp);
- Lưu: VT, Cục PCTNXH (03b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Hà

 

ĐỀ CƯƠNG KẾ HOẠCH

THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH HỖ TRỢ, TƯ VẤN PHÁP LÝ VÀ XÃ HỘI, CHUYỂN GỬI ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM GIA CAI NGHIỆN MA TÚY
(Kèm theo Công văn số 3650/LĐTBXH - PCTNXH ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ

1. Sự cần thiết

Tội phạm ma túy, nghiện ma túy là hiểm họa của các quốc gia dân tộc trên toàn cầu; là nguyên nhân chính làm lây nhiễm HIV/AIDS và phát sinh nhiều loại tội phạm; hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe, giống nòi dân tộc.

Thời gian qua, công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, kiên trì và đạt được kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy, nghiện ma túy tại Việt Nam hiện nay diễn biến rất phức tạp. Xuất hiện nhiều loại ma túy mới; việc buôn bán, vận chuyển, sản xuất ma túy tổng hợp gia tăng; người sử dụng và người nghiện ma túy tổng hợp tăng nhanh, nhất là trong thanh, thiếu niên và học sinh gây bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, quan điểm của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về sử dụng ma túy, nghiện, cai nghiện ma túy chưa đầy đủ, chưa thống nhất; trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được đề cao; hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách chậm đổi mới, chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền chưa đạt được hiệu quả mong muốn; việc huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Công tác cai nghiện ma túy là công việc khó khăn, phức tạp bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ từ y tế, tâm lý, xã hội liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều Bộ, ngành khác nhau. Bộ Tư pháp có trách nhiệm quản lý việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người sử dụng, người nghiện ma túy. Bộ Công an chịu trách nhiệm về công tác thống kê, quản lý tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý hướng dẫn chỉ đạo việc áp dụng biện pháp xử hành chính, giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện; số người nghiện ma túy đang trong các cơ sở cai nghiện, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về quản lý người nghiện ma túy tham gia điều trị nghiện các chất thay thế dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, tổ chức điều trị ARV cho người nhiễm HIV, điều trị viêm gan, điều trị lao.... Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý về công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy và các chính sách hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng như: vay vốn, tạo việc làm, dạy nghề... Việc giao trách nhiệm cho nhiều Bộ, ngành quản lý, hỗ trợ người nghiện ma túy song không có cơ chế phối hợp đã dẫn đến tình trạng người cai nghiện không được hưởng đầy đủ chính sách, chế độ theo quy định của pháp luật hiện hành hiệu quả không cao. Vì vậy, việc kết nối các dịch vụ thành một hệ thống đồng bộ cung cấp đầy đủ dịch vụ theo nhu cầu của người nghiện là hết sức quan trọng và là yếu tố quyết định hiệu quả của công tác cai nghiện.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý, y tế và xã hội, chuyển gửi đối với người cai nghiện ma túy tại cộng đồng là hết sức cần thiết.

2. Cơ sở pháp lý

- Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020;

- Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 07/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020;

- Công văn 1957/VPCP-KGVX ngày 01/3/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc Chương trình công tác năm 2018 của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

II. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI MÔ HÌNH

- Tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý người nghiện ma túy, cai nghiện ma túy;

- Huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại địa phương để triển khai thực hiện mô hình không phát sinh tổ chức biên chế mới;

- Tận dụng cơ sở vật chất, nhân lực sẵn có của địa phương để triển khai thực hiện mô hình.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thông qua mô hình hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả công tác quản lý người sử dụng ma túy trái phép, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy, góp phần kiềm chế gia tăng số người nghiện mới, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người dân trong công tác phòng, chống ma túy;

- Nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia chương trình thí điểm;

- Tăng cường năng lực của mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ;

- 90% số người sử dụng ma túy trái phép trên địa bàn thí điểm được phát hiện, tiếp cận, phân loại, sàng lọc, đánh giá, chuyển gửi đến các dịch vụ điều trị thích hợp.

IV. PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi

Mô hình được triển khai tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh. Mỗi địa phương lựa chọn 02 quận, huyện có hệ thống cung cấp dịch vụ cho người sử dụng ma túy đa dạng, thuận tiện, dễ tiếp cận.

2. Thời gian thực hiện

Từ năm 2018 đến hết năm 2020.

V. HOẠT ĐỘNG

1. Xây dựng khung kỹ thuật của mô hình

- Tổ chức Hội thảo nghiên cứu, trao đổi về mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy;

- Hội thảo góp ý xây dựng khung mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người nghiện ma túy;

- Khảo sát đánh giá khả năng thực hiện mô hình;

- Hoàn thiện khung mô hình.

2. Rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực của các cơ sở cung cấp dịch vụ tham gia vào mô hình thí điểm

3. Lựa chọn và phê duyệt cán bộ xã hội cấp xã, phường để điều phối các hoạt động chuyển gửi. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, tiêu chí lựa chọn cán bộ xã hội

4. Đào tạo đội ngũ cán bộ tham gia mô hình

- Đào tạo cho cán bộ quản lý;

- Đào tạo cho cán bộ của các cơ sở cung cấp dịch vụ tại địa bàn thí điểm;

- Đào tạo cho cán bộ xã hội tham gia mô hình.

5. Triển khai chương trình hỗ trợ tư vấn, pháp lý và xã hội, chuyển gửi theo nhu cầu của người nghiện ma túy

- Xây dựng cơ chế điều phối giữa các bên liên quan trong việc tổ chức thực hiện và giám sát;

- Thực hiện việc tiếp cận, sàng lọc, đánh giá;

- Thực hiện việc chuyển gửi và cung cấp dịch vụ;

- Thực hiện chương trình giám sát, đánh giá hiệu quả của mô hình.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trung ương

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội chủ trì, phối hợp với:

- Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ; Cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, Bộ Công an và Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế thành lập tổ kỹ thuật để hướng dẫn, giám sát việc triển khai thực hiện mô hình thí điểm;

- Cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội; Bộ Công an và Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Công an thành phố khảo sát, xây dựng mô hình và hướng dẫn triển khai thực hiện;

- Các cơ quan đơn vị liên quan, xây dựng, hỗ trợ tập huấn, giới thiệu mô hình “Tòa ma túy” liên quan đến mô hình chuyển gửi đang thí điểm tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, giám sát, kết quả hoạt động của mô hình;

- Tổng hợp, đánh giá kết quả thí điểm.

b) Cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, Bộ Công an

- Chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thí điểm;

- Chỉ đạo, hướng dẫn công an thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh chuyển gửi người sử dụng ma túy đến cơ sở, dịch vụ điều trị ma túy phù hợp.

c) Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế

- Chủ trì, tổ chức đào tạo, tập huấn và hỗ trợ chuyên môn về y tế trong công tác điều trị nghiện ma túy;

- Chỉ đạo, hướng dẫn Sở Y tế trong việc tiếp nhận chuyển gửi người sử dụng ma túy;

- Hỗ trợ triển khai các hoạt động điều trị Methadone, ARV, Lao... cho người sử dụng ma túy.

d) Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI): chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia mô hình thí điểm; hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí quản lý hành chính tại mô hình thí điểm được lựa chọn; cán bộ giám sát thí điểm... theo quy định của SCDI và nhà tài trợ.

2. Ở địa phương

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp để triển khai, tổ chức thực hiện mô hình thí điểm;

- Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện tổ chức triển khai thí điểm;

- Phối hợp với Phòng cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội (PC 64) và Sở Y tế trong chỉ đạo, hướng dẫn các xã phường (công an phường, Điểm tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ điều trị tại cộng đồng), các trung tâm y tế quận, huyện, cơ sở điều trị nghiện ma túy chuyển gửi các dịch vụ điều trị, hỗ trợ tư vấn, pháp lý, hỗ trợ hồi phục trên địa bàn thí điểm và các đơn vị liên quan trong các hoạt động triển khai mô hình thí điểm;

- Phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, xây dựng, hỗ trợ tập huấn, giới thiệu mô hình “Tòa ma túy” liên quan đến mô hình chuyển gửi đang thí điểm tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;

- Phối hợp với Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội kiểm tra, giám sát, kết quả hoạt động của mô hình;

- Tổng hợp, đánh giá kết quả thí điểm;

- Sơ kết, tổng kết báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...

b) Sở Y tế, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS

- Chủ trì, tổ chức đào tạo, tập huấn và hỗ trợ chuyên môn về y tế trong công tác điều trị nghiện ma túy;

- Chỉ đạo các bệnh viện liên quan, Trung tâm Y tế trong việc tiếp nhận chuyển gửi người sử dụng ma túy;

- Hỗ trợ triển khai các hoạt động điều trị Methadone, ARV, Lao... cho người sử dụng ma túy.

c) Công an thành phố

- Chỉ đạo, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn;

- Chỉ đạo, hướng dẫn công an các xã, phường chuyển gửi người sử dụng ma túy đến cơ sở, dịch vụ điều trị ma túy phù hợp.

d) Ủy ban nhân dân quận, huyện tham gia thí điểm

- Chỉ đạo Công an xã, phường chuyển gửi người sử dụng ma túy vào điều trị;

- Chỉ đạo Điểm tư vấn giao cho điều phối viên tiếp nhận người được chuyển gửi từ công an, sàng lọc, đánh giá và chuyển gửi dịch vụ điều trị phù hợp;

- Quản lý, hỗ trợ các hoạt động do điều phối viên thực hiện;

- Tổng hợp và báo cáo kết quả chuyển gửi, tuân thủ điều trị đối với các trường hợp đã chuyển gửi dựa trên báo cáo của các điều phối viên;

- Cung cấp các dịch vụ điều trị cho người sử dụng ma túy được tiếp nhận dựa trên nhiệm vụ hiện có của Điểm tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ điều trị tại cộng đồng;

- Trường hợp các xã, phường tham gia thí điểm chưa có Điểm tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ điều trị tại cộng đồng thì có thể phối hợp với Trung tâm y tế quận, huyện để chuyển gửi người sử dụng ma túy vào điều trị.

VII. KINH PHÍ THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM

1. Năm 2018:

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, xây dựng, hỗ trợ tập huấn, giới thiệu mô hình “Tòa ma túy” liên quan đến mô hình chuyển gửi đang thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội;

- Hỗ trợ một phần kinh phí để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng triển khai thí điểm.

b) Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) hỗ trợ một số nội dung chi cho thí điểm mô hình tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh như sau:

- Đối với người sử dụng ma túy: được cung cấp gói hỗ trợ linh hoạt cho tham gia các dịch vụ điều trị và hồi phục. Điều phối viên căn cứ vào tình hình và nhu cầu thực tế của mỗi đối tượng sẽ quyết định cụ thể dựa trên hướng dẫn chung của SCDI và nhà tài trợ;

- Đối với chiến sĩ công an tham gia chuyển gửi: được hỗ trợ dựa trên số lượng đối tượng được công an chuyển gửi;

- Đối với điều phối viên: phụ cấp hàng tháng;

- Chi cho các tập huấn nâng cao năng lực các cán bộ tham gia mô hình thí điểm;

- Hỗ trợ theo dõi, giám sát thực hiện thí điểm ở 2 quận, huyện;

- Các mức chi và phương thức quản lý, thanh quyết toán sẽ được hướng dẫn chi tiết dựa trên các quy định của nhà tài trợ và SCDI.

2. Năm 2019:

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Hỗ trợ kinh phí từ nguồn Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội “Dự án 4 - Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán” năm 2019 hỗ trợ kinh phí cho thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh triển khai mô hình thí điểm.

b) Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) hỗ trợ một số nội dung chi cho thí điểm mô hình tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh như sau:

- Đối với người sử dụng ma túy: được cung cấp gói hỗ trợ linh hoạt cho tham gia các dịch vụ điều trị và hồi phục. Điều phối viên căn cứ vào tình hình và nhu cầu thực tế của mỗi đối tượng sẽ quyết định cụ thể dựa trên hướng dẫn chung của SCDI và nhà tài trợ;

- Đối với chiến sĩ công an tham gia chuyển gửi: được hỗ trợ dựa trên số lượng đối tượng được công an chuyển gửi;

- Đối với điều phối viên: phụ cấp hàng tháng;

- Chi cho các tập huấn nâng cao năng lực các cán bộ tham gia mô hình thí điểm;

- Hỗ trợ theo dõi, giám sát thực hiện thí điểm ở 2 quận, huyện;

- Các mức chi và phương thức quản lý, thanh quyết toán sẽ được hướng dẫn chi tiết dựa trên các quy định của nhà tài trợ và SCDI./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3650/LĐTBXH-PCTNXH năm 2018 về thực hiện mô hình thí điểm hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 3650/LĐTBXH-PCTNXH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 04/09/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/09/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản