Hệ thống pháp luật

 BỘ NỘI VỤ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 353/BNV-TCBC
V/v thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo nghị quyết 16/2000/NQ-CP và nghị quyết số 09/2003/NQ-CP

 

Hà Nội, ngày 22 tháng 2 năm 2005

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 353/BNV-TCBC NGÀY 22 THÁNG 02 NĂM 2005 VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TINH GIẢN BIÊN CHẾ THEO NGHỊ QUYẾT 16/2000/NQ-CP VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 09/2003/NQ-CP

Kính gửi:

 

- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Để đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000 và Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP ngày 28/7/2000 của Chính phủ về việc tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, Nghị định số 203/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Nghị định 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp trong các công ty Nhà nước, Nghị định 155/2004/NĐ-CP ngày 10/8/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước. Sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan; Bộ Nội vụ hướng dẫn như sau:

1. Áp dụng chính sách tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000 của Chính phủ và Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP ngày 28/7/2003 của Chính phủ đối với các chức danh thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, thành viên Ban kiểm soát của các công ty Nhà nước theo quy định tại Điều 1, Nghị định số 155/2004/NĐ-CP ngày 10/8/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước trong diện phải sắp xếp tinh giản biên chế.

Thời điểm xác định tiền lương và các khoản phụ cấp lương (nếu có) để thực hiện chính sách đối với các chức danh trên theo hướng dẫn tại Thông tư số 19/2004/TT-BLĐTBXH ngày 22/11/2004 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 về chính sách đối với lao động dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 155/2004/NĐ-CP ngày 10/8/2004 của Chính phủ.

Nguồn kinh phí chi trả chế độ đối với các chức danh thuộc diện sắp xếp nêu trên được bố trí từ Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư quy định tại Nghị định 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ;

2. Không áp dụng chính sách nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP và Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP của Chính phủ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong diện thực hiện theo Chỉ thị 668/TTg ngày 11/11/1994 và Chỉ thị số 18/2002/CT-TTg ngày 5/9/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.

3. Việc xác định thời gian để tính trợ cấp thôi việc đối với những tháng lẻ tính đến 31 tháng 12 năm 2002 và kể từ 1/1/2003 trở đi được tính như sau:

a. Tổng thời gian tính trợ cấp thôi việc tính theo quy định tại Thông tư số 73/2000/TTLT-BTCCBCP-BTC ngày 28/12/2000 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và Bộ Tài chính.

b. Thời gian kể từ ngày 01/10/2004 đến ngày nghỉ thôi việc để tính mức trợ cấp thôi việc với mức lương tối thiểu là 290.000 đồng/tháng được xác định theo nguyên tắc: số tháng lẻ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn là 1 năm với hệ số lương, phụ cấp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, số tháng lẻ từ đủ 6 tháng trở xuống thì được cộng vào thời gian trước ngày 01/10/2004.

c. Thời gian từ ngày 01/01/2003 đến ngày 30/9/2004 và số tháng lẻ từ đủ 6 tháng trở xuống nêu tại điểm b (nếu có) để tính mức trợ cấp thôi việc với mức lương tối thiểu là 290.000 đồng/tháng được xác định theo nguyên tắc: số tháng lẻ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn là 1 năm, số tháng lẻ từ đủ 6 tháng trở xuống thì cộng vào thời gian trước ngày 01/01/2003.

d. Thời gian để tính mức trợ cấp thôi việc với mức lương tối thiểu là 210.000 đồng/tháng được tính bằng tổng thời gian tính trợ cấp trừ đi thời gian tính mức trợ cấp thôi việc với mức lương tối thiểu 290.000 đồng/tháng.

4. Phương pháp tính toán mức tiền lương cấp bậc, phụ cấp theo lương (nếu có) theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 60/2003/TTLT/BNV-BTC ngày 25/9/2003 hướng dẫn bổ sung chính sách, đối tượng tinh giản biên chế và Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức là lực lượng vũ trang. Cụ thể:

a. Mức lương tối thiểu để tính lương tháng trả trợ cấp thôi việc theo số năm có đóng bảo hiểm xã hội cho những người thôi việc do tinh giản biên chế quy định như sau:

- Mức lương tối thiểu 210.000 đồng/tháng để tính lương tháng trả trợ cấp thôi việc theo số năm có đóng bảo hiểm xã hội từ trước ngày 01/01/2003.

- Mức lương tối thiểu 290.000đ/tháng để tính lương tháng trả trợ cấp thôi việc theo số năm có đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2003 trở đi.

b. Khoản trợ cấp thôi việc theo số năm có đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/10/2004 trở đi; trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp khi được cử sang làm việc ở các cơ sở bán công; trợ cấp tìm việc làm; trả lương cho thời gian đi học để tìm việc làm và trợ cấp 6 tháng đối với trường hợp đi học để chuyển nghề trước khi thôi việc từ ngày 01/10/2004 trở đi được tính theo hệ số lương và phụ cấp lương mới chuyển xếp theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 01/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và mức lương tối thiểu 290.000 đồng/tháng.

Ví dụ: Ông Trần Văn D, Trưởng phòng Sở A, thuộc tỉnh K, thuộc diện tinh giản biên chế, được giải quyết thôi việc ngay từ ngày 01/5/2005. Ông Trần Văn D đã xếp lương cũ hệ số 2,58, bậc 4/10 ngạch chuyên viên và hệ số phụ cấp chức vụ 0,3. Theo chế độ tiền lương mới ông D được chuyển xếp vào bậc 4, hệ số lương 3,33 ngạch chuyên viên và hệ số phụ cấp chức vụ 0,5. Tính đến ngày thôi việc ông Trần Văn D đã công tác 10 năm 2 tháng có đóng bảo hiểm xã hội. Chế độ trợ cấp thôi việc của ông D được xác định như sau:

a. Việc xác định thời gian để tính trợ cấp thôi việc của ông D như sau:

Tổng thời gian tính trợ cấp thôi việc của ông D là 10 năm 2 tháng, chia ra:

- Thời gian kể từ ngày 01/10/2004 đến ngày nghỉ thôi việc là 7 tháng (làm tròn là 1 năm)

- Thời gian kể từ ngày 01/01/2003 đến ngày 30/9/2004 là 1 năm 8 tháng (làm tròn là 2 năm).

- Thời gian để tính mức trợ cấp thôi việc với mức lương tối thiểu 210.000 đồng/tháng là 7 năm 2 tháng (10 năm 2 tháng - 3 năm = 7 năm 2 tháng).

b. Chế độ trợ cấp thôi việc của ông D được tính như sau:

- Tiền lương tháng và phụ cấp của ông D hưởng trước ngày 01/01/2003 như sau:

210.000 đồng x (2,58 + 0,3) = 604.800 đồng

- Tiền lương tháng và phụ cấp của ông D hưởng từ ngày 01/01/2003 đến 30/9/2004 như sau:

290.000 đồng x (2,58 + 0,3) = 835.200 đồng

- Tiền lương tháng và phụ cấp của ông D hưởng từ ngày 01/10/2004 như sau:

290.000 đồng x (3,33 + 0,5) = 1.110.700 đồng

b1. Số tiền trợ cấp theo Nghị định 96/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về chế độ thôi việc đối với cán bộ, công chức.

- Trợ cấp tìm việc làm.

1.110.700 đồng x 3 tháng = 3.332.100 đồng

- Trợ cấp thôi việc.

(604.800 đồng x 7 tháng) + (835.200 đồng x 2 tháng) + (1.110.700 đồng x 1 tháng) = 7.014.700 đồng

b2. Trợ cấp thôi việc theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000 và Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP ngày 28/7/2000 của Chính phủ.

(604.800 đồng x 7 tháng) + (835.200 đồng x 2 tháng) + (1.110.700 đồng x 1 tháng) = 7.014.700 đồng

Tổng số tiền ông D được nhận khi thôi việc là (b1 + b2).

3.332.100 đồng + 7.014.700 đồng + 7.014.700 đồng = 17.361.500 đồng

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP và Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các trường hợp giải quyết sai đối tượng, sai chế độ, chính sách tinh giản biên chế quy định thì người ký quyết định giải quyết ngoài việc phải bồi hoàn số tiền đã chi trả cho ngân sách Nhà nước còn phải chịu kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.

 

 

Đỗ Quang Trung

(Đã Ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 353/BNV-TCBC của Bộ Nội vụ về việc thực hiện chính sách tinh giảm biên chế theo Nghị quyết 16/2000/NQ-CP

  • Số hiệu: 353/BNV-TCBC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 22/02/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Đỗ Quang Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản