Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3431/SGDĐT-GDTrH
V/v Quy định về công tác tổ chức và quản lý thi nghề phổ thông năm học 2022-2023

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 9 năm 2022

 

Kính gửi:

- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện và thành phố Thủ Đức;
- Hiệu trưởng các trường THPT; trường phổ thông nhiều cấp học (có cấp THPT);
- Giám đốc các Trung tâm GDTX; Trung tâm GDNN-GDTX.

Căn cứ văn bản số 10945/BGDĐT-GDTrH ngày 27/11/2008 của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo về việc hướng dẫn thi và cấp giấy chứng nhận nghề phổ thông; Sở Giáo dục và Đào (GDĐT) tạo quy định về công tác tổ chức và quản lý thi nghề phổ thông kể từ năm học 2022-2023 như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN DỰ THI

1. Đối tượng dự thi:

Học sinh các trường Trung học có tham gia khóa học nghề tại một trong các cơ sở giáo dục: các trường THCS, trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) hoặc cơ sở dạy nghề (đã đăng ký và được phép của Sở GDĐT về dạy nghề phổ thông cho học sinh trung học) có xưởng trường, phòng học bộ môn tương ứng với nghề dạy, có đủ điều kiện về cơ sở vật chất theo yêu cầu của chương trình và được sự chỉ đạo, quản lý chuyên môn của phòng GDĐT quận, huyện (cấp THCS) và Sở GDĐT (cấp THPT).

2. Điều kiện dự thi:

Học sinh phải học đủ thời gian và nội dung chương trình nghề phổ thông theo quy định của Bộ GDĐT, hội đủ 2 điều kiện dưới đây:

- Đã học hết chương trình nghề phổ thông (cấp THCS: 70 tiết, cấp THPT: 105 tiết), có điểm tổng kết cuối khóa học nghề phổ thông từ trung bình (5,0 điểm) trở lên.

- Không nghỉ học quá 10% tổng số tiết của chương trình nghề phổ thông (cấp THCS không quá 7 tiết, cấp THPT không quá 11 tiết).

II. CÁC MÔN (NGHỀ) THI:

1. Cấp THCS: Điện dân dụng, Vẽ kỹ thuật, Vẽ kiến trúc, Tin học văn phòng, Photoshop, Tự động hóa ứng dụng, Chăn nuôi - Thú y, Trồng trọt, Thêu, Nhiếp ảnh, Nấu ăn, Cắt - uốn tóc, Thủ công mỹ nghệ.

2. Cấp THPT: Điện dân dụng, Vẽ kỹ thuật trên máy vi tính (Autocad), Vẽ kiến trúc, Vẽ kỹ thuật, Tin học văn phòng, Tự động hóa ứng dụng, Chăn nuôi - Thú y, Trồng trọt, Làm vườn, Cắt may, Nhiếp ảnh, Nấu ăn, Thủ công mỹ nghệ.

III. ĐĂNG KÝ THI

1. Đối với học sinh THCS:

- Hiệu trưởng các trường THCS, trường phổ thông nhiều cấp học (có cấp THCS) lập danh sách thí sinh gửi về Hội đồng thi quận, huyện, thành phố nơi trường hoặc cơ sở của trường đang hoạt động.

- Thời hạn đăng ký do phòng GDĐT quy định. Các quận, huyện tập hợp danh sách học sinh có đủ điều kiện dự thi, báo cáo với Sở GDĐT (Phòng Giáo dục Trung học).

2. Đối với học sinh THPT: Hiệu trưởng các trường THPT, Giám đốc các Trung tâm GDTX, Trung tâm GDNN - GDTX, các cơ sở giáo dục có tổ chức dạy nghề phổ thông cho học sinh THPT đăng ký thi và ghi danh sách học sinh trên cổng thông tin điện tử và gửi về Sở GDĐT (Phòng Giáo dục Trung học).

IV. TỔ CHỨC THI

1. Cấp THCS

Mỗi quận, huyện và thành phố Thủ Đức thành lập một Hội đồng thi và các Ban của kỳ thi (Ban coi thi, Ban chấm thi, Ban Thư ký, Ban làm phách ...). Tùy theo số lượng học sinh đăng ký thi, mỗi quận, huyện có thể thành lập một hay nhiều Điểm coi thi và chỉ thành lập một Ban chấm thi cho tất cả các Trung tâm, các Trường, các cơ sở có dạy nghề phổ thông cho học sinh THCS thuộc quận huyện đó. Tùy hoàn cảnh cụ thể Sở GDĐT sẽ chỉ đạo việc thành lập Hội đồng thi.

Phòng GDĐT tham mưu để Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức ra Quyết định thành lập Hội đồng thi và các Ban của kỳ thi.

Hội đồng thi chịu trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện các công việc của kỳ thi.

2. Cấp THPT

Theo Quyết định của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

V. NHIỆM VỤ CỦA ĐIỂM COI THI

Tổ chức và điều hành các công việc liên quan đến thi. Chủ yếu:

1. Tổ chức kiểm tra hồ sơ học sinh dự thi, xét duyệt và kết luận điều kiện dự thi của của học sinh thuộc Điểm thi. Lưu ý có kiểm tra tính chính xác các thông tin về nhân thân của học sinh (ngày tháng năm sinh, nơi sinh...).

2. Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ kỳ thi (thành lập phòng thi, trang thiết bị, dụng cụ và nguyên vật liệu, bảo vệ, an ninh, y tế, nguồn điện...).

3. Thực hiện các nghiệp vụ tổ chức, quản lý và điều hành công tác thi lý thuyết, coi và chấm thi thực hành (chấm điểm thao tác thực hành, chấm điểm thao tác và điểm sản phẩm thi theo hướng dẫn riêng của Ban Chỉ Đạo thi).

4. Quản lý hồ sơ và sản phẩm thi, chuyển giao các hồ sơ và sản phẩm thi về Ban chấm thi.

VI. NHIỆM VỤ BAN CHẤM THI

Tổ chức và thực hiện các công việc về công tác chấm thi. Cụ thể:

1. Tiếp nhận hồ sơ và sản phẩm thi từ các Điểm coi thi chuyển đến.

2. Xét và giải quyết tiếp các bất thường trong thi do Điểm coi thi chuyển đến.

3. Hướng dẫn biểu điểm chấm thi, làm mã bài thi, tổ chức và điều hành công tác chấm thi, nhập điểm, so dò ... xử lý kết quả. Tập hợp tình hình kỳ thi, chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác tổng kết và xét duyệt kết quả thi.

VII. THỜI GIAN THI VÀ ĐỀ THI

Sở GDĐT có Kế hoạch xác định ngày thi và tiến độ các công việc phải thực hiện (thông báo sau).

1. Thời gian làm bài thi: (đối với THCS và THPT)

- Thi lý thuyết: 60 phút.

- Thi thực hành: từ 60 phút đến 180 phút tùy theo đặc thù riêng của môn (nghề) thi.

2. Đề thi:

Đề thi có cấu trúc gồm 2 phần: lý thuyết và thực hành do Sở GDĐT ra, in phát đến từng thí sinh.

VIII. ĐIỂM THI VÀ XÉT DUYỆT KẾT QUẢ THI

1. Điểm thi:

- Điểm bài thi lý thuyết (LT): 10 điểm.

- Điểm bài thi thực hành (TH): 10 điểm. Bao gồm điểm thao tác (TT) và điểm sản phẩm (SP). Hai điểm này sẽ có tỷ lệ điểm cụ thể và được quy định trong đề thi và bản hướng dẫn chấm thi của từng môn (nghề) thi.

- Điểm tổng kết bài thi =

Điểm LT (Điểm TH) x 3

4

- Điểm bài thi lý thuyết và thực hành không làm tròn.

- Điểm tổng kết bài thi được làm tròn 0,5 điểm (theo qui tắc làm tròn điểm).

2. Xếp loại thi:

Tất cả các học sinh dự thi có điểm tổng kết bài thi đạt từ 5,0 điểm và không có bài thi (LT hoặc TH) điểm dưới 3,0 đều được cấp giấy chứng nhận nghề phổ thông và được xếp loại theo tiêu chuẩn như sau:

- Giỏi: Điểm tổng kết bài thi đạt từ 9,0 trở lên.

- Khá: Điểm tổng kết bài thi đạt từ 7,0 đến dưới 9,0 điểm và điểm bài thi lý thuyết từ 5,0 điểm trở lên.

- Trung bình: Các trường hợp được công nhận kết quả nghề phổ thông còn lại.

- Hỏng: Điểm tổng kết thi dưới 5,0 điểm hoặc một trong các bài thi LT hoặc TH có điểm dưới 3.

3. Xét duyệt kết quả thi:

3.1. Cấp THCS: Hồ sơ xét duyệt công nhận kết quả thi được gửi về Sở GDĐT (Phòng Giáo dục Trung học).

- Biên bản xét duyệt điều kiện dự thi của các Điểm thi.

- Biên bản họp tổng kết thi và xét duyệt kết quả thi của Hội đồng thi các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

- Hai bảng ghi danh sách thí sinh và kết quả điểm thi (đóng thành quyển) của toàn quận, huyện có kèm dĩa CD hoặc USB (đã ghi đủ thông tin).

- Các biên bản bất thường của Hội đồng thi, Ban chấm thi....

3.2. Cấp THPT: Thực hiện theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo thi.

IX. KINH PHÍ TỔ CHỨC KỲ THI

1. Cấp THCS: Phòng Giáo dục và Đào tạo trình Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức kế hoạch tổ chức thi nghề phổ thông và xin ý kiến phê duyệt kinh phí để tổ chức thực hiện.

2. Cấp THPT: Sở Giáo dục và Đào tạo trình Ủy ban nhân dân Thành phố kế hoạch tổ chức thi nghề phổ thông và xin ý kiến phê duyệt kinh phí để tổ chức thực hiện.

X. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng Giáo dục Trung học

- Tham mưu các văn bản, Kế hoạch tổ chức Kỳ thi nghề phổ thông cấp THPT năm học 2022-2023.

- Thực hiện công tác ra đề thi (cấp THCS và THPT), lập danh sách thí sinh dự thi, phân chia phòng thi, danh sách thành viên tham gia Ban ra đề thi, Ban in sao đề thi, Ban coi thi, Ban chấm thi.

- Trình Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo kết quả Kỳ thi.

2. Phòng Giáo dục Thường xuyên - Chuyên nghiệp và Đại học.

Phối hợp Phòng Giáo dục Trung học thực hiện các công tác tổ chức kỳ thi.

3. Phòng Kế hoạch Tài chính

- Phối hợp với Phòng Giáo dục Trung học, Văn phòng Sở chuẩn bị kinh phí thực hiện Kỳ thi.

- Phối hợp với Văn phòng Sở thực hiện công tác tài chính, các chế độ, chính sách cho các thành viên tham gia các Ban chỉ đạo, Ban ra đề thi, Ban coi thi, Ban in sao đề thi, Ban chấm thi và các thành phần có trong quyết định của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về tổ chức Kỳ thi.

3. Thanh tra Sở

Thực hiện công tác thanh tra, giám sát các công tác tổ chức kỳ thi đảm bảo đúng Quy chế hiện hành.

4. Văn Phòng Sở

- Chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động cho các Ban của Kỳ thi.

- Phối hợp với Phòng Giáo dục Trung học tổ chức công tác vận chuyển đề thi đến các Điểm thi và hướng dẫn vận chuyển bài thi đến Ban chấm thi.

- Phối hợp hướng dẫn, thực hiện công tác tài chính, các chế độ, chính sách cho các thành viên tham gia tổ chức kỳ thi.

5. Phòng Chính trị Tư tưởng

- Phối hợp thực hiện các công tác tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh trong thời gian diễn ra kỳ thi.

- Tham mưu văn bản hướng dẫn, kế hoạch xử lý tình huống phát sinh các trường hợp phòng chống dịch bệnh trong thời gian diễn ra kỳ thi.

6. Phòng Tổ chức Cán bộ:

Tham mưu Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Ban ra đề thi, Ban in sao đề thi, Ban coi thi, Ban mật mã, Ban làm phách, Ban chấm thi và các thành phần tham gia công tác tổ chức kỳ thi.

7. Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng

Phối hợp Phòng Giáo dục Trung học trong công tác coi thi và chấm thi.

8. Trung tâm Thông tin và Chương trình Giáo dục

Phối hợp Phòng Giáo dục Trung học trong công tác chấm thi và xử lý kết quả thi.

9. Các trường được chọn làm Điểm thi, chấm thi

Chuẩn bị cơ sở vật chất; kiểm tra, rà soát số lượng phòng thi và các điều đảm bảo phục vụ công tác tổ chức thi.

Trường THPT làm Điểm chấm thi chuẩn bị cơ sở vật chất, rà soát số lượng phòng và các điều kiện đảm bảo phục vụ công tác chấm thi.

10. Các trường THPT, trường phổ thông nhiều cấp học (có cấp THPT) các Trung tâm GDTX, GDNN-GDTX

- Đơn vị có thí sinh tham dự kỳ thi: Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về đối tượng dự thi, đảm bảo chính xác thông tin học sinh, thực hiện nghiêm túc, đúng thời hạn đăng ký dự thi và hướng dẫn, tổ chức cho học sinh tham gia kỳ thi an toàn, đúng quy chế. Tổ chức in và ký Phiếu báo thi cho thí sinh dự thi của đơn vị, kiểm tra và chuẩn bị hồ sơ thí sinh gửi về Điểm thi trước ngày diễn ra kỳ thi.

- Đơn vị có cán bộ, giáo viên tham gia Ban ra đề thi, Ban in sao đề thi, Ban coi thi, Ban mật mã, Ban làm phách, Ban chấm thi: Thủ trưởng đơn vị đảm bảo cử đúng đối tượng theo điều động của Sở Giáo dục và Đào tạo. Trường hợp phải thay đổi nhân sự, lãnh đạo đơn vị gửi văn bản đề nghị về Ban chỉ đạo kỳ thi và lãnh đạo các Ban mà cán bộ, giáo viên tham gia.

Các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị đăng ký dự thi, đề nghị liên hệ ông Trần Thanh Phong, Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo, để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Giám đốc “để báo cáo”;
- Thanh tra Sở “để phối hợp thực hiện”;
- Các Phòng thuộc Sở GDĐT;
- Lưu: VP, GDTrH (Phong).

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Nguyễn Bảo Quốc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3431/SGDĐT-GDTrH năm 2022 quy định về công tác tổ chức và quản lý thi nghề phổ thông năm học 2022-2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 3431/SGDĐT-GDTrH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 21/09/2022
  • Nơi ban hành: Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Bảo Quốc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/09/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản