Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 341/BNN-TCLN
V/v quy hoạch Bảo tồn và phát triển bền vững Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang đến năm 2020

Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2013

 

Kính gửi: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được Tờ trình số 16/SNNPTNT ngày 07/1/2013 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang xin ý kiến đồng thuận về Quy hoạch bảo tồn và Phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đến năm 2020; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:

1. Báo cáo Quy hoạch bảo tồn và Phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng phù hợp với quy định tại Khoản e, Điều 2 của Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.

2. Một số ý kiến cần chỉnh sửa, bổ sung như sau:

a) Về đánh giá hiện trạng điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và tài nguyên rừng: trong báo cáo có đề cập hiện trạng các loại đất, loại rừng (trang 5, 6) tuy nhiên cần đề cập chi tiết thực trạng tài nguyên rừng hiện nay theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (số 13/2002/QĐ-TTg ngày 14/01/2002) với diện tích 2.805,37 ha, trong đó Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 976,28 ha; phân khu phục hồi sinh thái 963,45 ha; phân khu dịch vụ hành chính 401,61 ha và phân khu nghiên cứu khoa học 461,03 ha.

Lung Ngọc Hoàng có 3 kiểu thảm thực vật chính: Rừng tràm, đầm lầy và trảng cỏ. Rừng tràm có diện tích lớn nhất, hầu hết diện tích này là rừng trồng Tràm thương mại, có giá trị đa dạng sinh học không cao. Diện tích còn lại là đầm lầy và trảng cỏ. Kết quả điều tra nghiên cứu khu hệ động thực vật rừng của khu bảo tồn kế thừa số liệu từ năm 2001 nên không được cập nhật cần xem xét bổ sung.

b) Về luận chứng quan điểm, xác định mục tiêu tổ chức, quản lý, bảo tồn, sử dụng bền vững khu rừng đặc dụng

- Phần mục tiêu của Báo cáo cần bám sát, phù hợp với mục tiêu của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng tại Quyết định thành lập số 13/2002/QĐ-TTg ngày 14/1/2002 của Thủ tướng Chính phủ;

- Bổ sung luận giải về sử dụng bền vững khu BTTN Lung Ngọc Hoàng;

- Đề nghị tách riêng phần Quy hoạch các phân khu chức năng (trong phần thứ 3) thành một phần riêng và là "Quy hoạch", không phải "rà soát"; việc rà soát các phân khu chức năng được thực hiện tại phần thứ hai.

c) Quy hoạch các phân khu chức năng: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phân khu phục hồi sinh thái; phân khu dịch vụ - hành chính.

- Quy hoạch các phân khu chức năng được tách riêng thành một phần;

- Nêu rõ quan điểm, mục tiêu của Quy hoạch các phân khu chức năng;

- Chỉ rõ quá trình điều chỉnh diện tích của khu BTTN Lung Ngọc Hoàng sau khi có kết quả rà soát 3 loại rừng;

- Bổ sung đặc điểm, hiện trạng diện tích rừng và đất rừng các phân khu chức năng được Quy hoạch;

- Bổ sung biện pháp quản lý cho từng phân khu chức năng.

d) Các nội dung quy hoạch các hạng mục về bảo vệ, phục hồi sinh thái, cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch sinh thái, tổ chức các hoạt động giám sát, quy hoạch nguồn nhân lực và vùng đệm đã được đề cập đầy đủ trong Báo cáo.

đ) Về di dời, tái định cư các hộ gia đình sống ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt ra khu sản xuất

Việc điều chỉnh một phần diện tích phân khu dịch vụ hành chính để bố trí khu tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là cần thiết. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 869/BNN-KTHT ngày 01/4/2011 về việc xây dựng khu tái định cư của khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang và văn bản số 976/BNN-TCLN ngày 15/4/2011 về việc xây dựng khu tái định cư và khu sản xuất để di dời các hộ đang sinh sống trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang.

Để đảm bảo hoàn thiện các thủ tục di dời, tái định cư và bố trí đất sản xuất cho các hộ dân đang sinh sống trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt sang phân khu dịch vụ hành chính của khu bảo tồn; đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát lại diện tích đất của các hộ dân đang sinh sống trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, hoàn thiện đầy đủ các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang mục đích di dân tái định cư theo quy định tại các Điều 16, 18 của Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng và Khoản 3, Điều 4 của Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/NĐ-CP.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang hoàn thiện Báo cáo theo các ý kiến nêu trên; trình Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang phê duyệt theo quy định hiện hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (đề b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- UBND tỉnh Hậu Giang;
- Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng;
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 341/BNN-TCLN quy hoạch Bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 341/BNN-TCLN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/01/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Hà Công Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/01/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản