Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3321/BYT-KCB
V/v tăng cường đầu tư và phát triển công tác Phục hồi chức năng tại địa phương

Hà Nội, ngày 22 tháng 05 năm 2015

 

Kính gửi: Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản về người khuyết tật và phục hồi chức năng, đó là:

Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới có nêu các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển và hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân là “từng bước phát triển mạng lưới các khoa và bệnh viện điều dưỡng, phục hồi chức năng”.

Quyết định số 122/QĐ-TTg 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có đề cập đến nội dung: Nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, triển khai các giải pháp tổng thể để giảm quá tải bệnh viện; từng bước thiết lập lại hệ thống chuyển tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh; phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; kiện toàn mạng lưới bệnh viện chuyên khoa và các khoa ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản nhi, phục hồi chức năng; chú trọng phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

Luật Người khuyết tật được Ủy ban Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp 7, ngày 17/6/2010. Luật đã quy định rõ trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội đối với người khuyết tật, quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật trên các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ nuôi dưỡng, học văn hóa, học nghề và việc làm, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và sử dụng công trình công cộng đối với người khuyết tật. Luật quy định “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội. Người khuyết tật được Nhà nước và xã hội trợ giúp chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, tạo việc làm phù hợp và được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật”.

Ngày 28/11/2014, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật và cam kết đảm bảo quyền của người khuyết tật trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có quyền được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng.

Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 01 tháng 06 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”;

Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020. Mục tiêu chung Hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội.

Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012 - 2015, trong đó có Dự án 5: Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình Phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

Chỉ thị số 03/2007/CT-BYT ngày 28/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường công tác phục hồi chức năng, trong đó có chỉ thị về phát triển mạng lưới phục hồi chức năng thống nhất trong toàn quốc theo tuyến, mạng lưới tuyến tỉnh: đến hết năm 2008 tất cả các bệnh viện đa khoa tỉnh phải thành lập khoa Vật lý trị liệu-Phục hồi chức năng. Khuyến khích các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập bệnh viện Điều dưỡng-Phục hồi chức năng.

Quyết định số 4039/QĐ-BYT ngày 06/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch Quốc gia phát triển về Phục hồi chức năng giai đoạn 2014-2020 có quy định tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống Phục hồi chức năng và Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người bệnh và người khuyết tật.

Như vậy, theo quy hoạch hệ thống y tế của Chính phủ, mạng lưới cơ sở Phục hồi chức năng và Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cần được củng cố, đầu tư và phát triển để phục vụ công tác phục hồi chức năng cho người bệnh và người khuyết tật, đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật mà Luật Người khuyết tật, Công ước Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật mà Việt Nam là thành viên đã cam kết.

Để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật Bộ Y tế đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như sau:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm hơn nữa trong việc củng cố, đầu tư và phát triển các bệnh viện Phục hồi chức năng đã có trên địa bàn để nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ cho nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là người khuyết tật vốn đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng.

2. Đối với các tỉnh chưa thành lập bệnh viện Phục hồi chức năng, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế và các Sở liên quan có quy hoạch và thành lập bệnh viện Phục hồi chức năng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, củng cố và phát triển các khoa Phục hồi chức năng trong các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của tỉnh.

3. Giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở Lao động-Thương binh-Xã hội, Sở Giáo dục-Đào tạo và các Sở, ngành liên quan để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Quyết định số 4039/QĐ-BYT ngày 06/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch Quốc gia phát triển về Phục hồi chức năng giai đoạn 2014-2020 với 02 mục tiêu chính là:

a) Củng cố và phát triển mạng lưới phục hồi chức năng trên toàn quốc, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng.

b) Đẩy mạnh công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, chú trọng công tác phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật để cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt.

4. Chỉ đạo Sở Y tế tăng cường công tác đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học chuyên ngành phục hồi chức năng để đảm bảo có đủ nhân lực phục vụ công tác phục hồi chức năng theo quy định tại Điều 4, Thông tư số 46/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ sở phục hồi chức năng.

5. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan tăng cường đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất: Xây dựng, cải tạo nâng cấp các khoa phục hồi chức năng, trung tâm phục hồi chức năng và các bệnh viện phục hồi chức năng, từng bước hiện đại hóa bệnh viện Phục hồi chức năng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng, đảm bảo người khuyết tật tiếp cận được với các dịch vụ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng.

Bộ Y tế đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, chỉ đạo Sở Y tế và các Sở, ban, ngành liên quan để triển khai thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật và nhân dân trên địa bàn./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/cáo);
- Các Vụ/Cục: YDCT, TCCB, KHTC;
- Sở Y tế các tỉnh/thành phố;
- Các BVPHCN (để biết);
- Lưu: VT, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuyên

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3321/BYT-KCB năm 2015 về tăng cường đầu tư và phát triển công tác Phục hồi chức năng tại địa phương do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 3321/BYT-KCB
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 22/05/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Thị Xuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản