QUỐC HỘI KHÓA XV | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 331/TTKQH-TTTH | Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2021 |
Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng.
Tổng Thư ký Quốc hội nhận được kiến nghị của cử tri của thành phố Hải do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ chuyển đến (Công văn số 276/BDN ngày 30/8/2021), nội dung cụ thể như sau:
Cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan triển khai quyết liệt hơn nữa Đề án Quốc hội điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân được tiếp cận nguồn thông tin kịp thời, đồng thời tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động của Quốc hội thông qua hình thức trực tuyến trong thời gian tới.
Về nội dung trên, Tổng Thư ký Quốc hội xin trả lời như sau:
Thực hiện chủ trương của Lãnh đạo Quốc hội về việc xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử. Ngày 19/10/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết số 588/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử (Gọi tắt là Ban chỉ đạo).
Trong thời gian qua, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo Văn phòng Quốc hội triển khai nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ, phục vụ các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Sản phẩm và kết quả nghiên cứu bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực được các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao như:
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và ứng dụng phục vụ việc tổ chức khai thác, trao đổi thông tin, tài liệu điện tử thông qua thiết bị di động (máy tính bảng, điện thoại thông minh ...) thay cho hình thức tài liệu giấy truyền thống tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Ứng dụng công nghệ chuyển giọng nói thành văn bản, xây dựng hệ thống ghi âm gỡ băng phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu biên bản tại các Kỳ họp Quốc hội các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Xây dựng hệ thống kỹ thuật phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành các kỳ họp, phiên họp theo hình thức trực tuyến. Đặc biệt đã phục vụ Lãnh đạo Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội thực hiện tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến từ nhà Quốc hội tới các địa phương nơi đại biểu Quốc hội ứng cử.
- Xây dựng hệ thống ứng dụng với các tính năng: đăng ký phát biểu, đăng ký tranh luận, xin ý kiến về dự thảo luật, biểu quyết điện tử phục vụ Đại biểu Quốc hội sử dụng thuận tiện và làm tăng hiệu quả các kỳ họp, phiên họp trực tuyến.
Cử tri có thể tiếp cận thông tin về các Kỳ họp Quốc hội, Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội thông qua các phương tiện truyền thông nói chung và cơ quan truyền thông thuộc Văn phòng Quốc hội nói riêng đó là Báo Đại biểu Nhân dân và Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Bên cạnh đó Thư viện Quốc hội và Tạp chí nghiên cứu lập pháp cũng là các kênh thông tin để cử tri theo dõi, đóng góp ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, khai thác các thông tin khoa học lập pháp...
* Truyền hình Quốc hội Việt Nam thực hiện tuyên truyền qua ba hình thức chính: Truyền hình, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội và qua trang web quochoitv.vn.
- Truyền hình Quốc hội Việt Nam là một trong bảy kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Quốc gia, phát sóng 24 giờ/ngày. Khung chương trình cơ bản bao gồm: Tin tức, thời sự (tường thuật trực tiếp các kỳ họp Quốc hội; thông tin về hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp, các hoạt động của cử tri hướng về kỳ họp, các vấn đề cử tri hỏi, kiến nghị tới Quốc hội HĐND; thông tin, phản ánh tình hình thực hiện các chính sách kinh tế xã hội... đưa ra những khuyến cáo, dự báo về các bất cập trong chính sách hiện hành ...); chuyên đề (các chương trình về công tác xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật; tư vấn, phổ biến văn bản chính sách, kiến thức pháp luật; các chương trình về lịch sử hình thành Quốc hội, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, quyền bầu cử, quyền của cử tri; giới thiệu chân dung các Đại biểu dân cử; các chương trình về chính sách, pháp luật liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, đời sống … nhằm thúc đẩy, phát triển đất nước..,).
- Cổng Thông tin điện tử Quốc hội (www.quochoi.vn) tuyên truyền, giới thiệu về Quốc hội (chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, Đại biểu Quốc hội …); tin hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, hoạt động giám sát, hoạt động của Văn phòng Quốc hội... Đặc biệt, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội có dẫn đường truyền hình trực tiếp của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Trong các kỳ họp Quốc hội, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát sóng trực tiếp một số phiên họp và cử tri có thể theo dõi các phiên họp trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội.
- Trang web quochoitv.vn, Truyền hình Quốc hội Việt Nam liên tục đăng tải, cập nhật các tin tức, chương trình chuyên đề đã được phát sóng trên sóng truyền hình để cử tri có thể theo dõi. Ngoài ra, cử tri còn có thể xem các chương trình đang phát sóng trực tiếp trên sóng truyền hình qua trang web quochoitv.vn.
* Báo Đại biểu Nhân dân có Tòa soạn điện tử (Địa chỉ truy cập https://daibieunhandan.vn/), Báo điện tử ĐBND có tính chắt lọc tập trung thông tin về hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp; thông tin mang tính hệ thống, sinh động, toàn diện và có tính tương tác với bạn đọc, cử tri cao. Bên cạnh các chuyên mục chính mang đậm bản sắc của tờ báo cơ quan dân cử: Chính trị, Quốc hội và Cử tri, Hội đồng Nhân dân ..., Báo điện tử còn có các chuyên trang cung cấp cho độc giả thông tin chuyên sâu về hoạt động của Quốc hội và HĐND: Quốc hội, Đại biểu- Cử tri, Hội đồng Nhân dân, Nghị viện thế giới.
* Thư viện Quốc hội: Hiện tại, người dân và cử tri cả nước có thể tiếp cận dễ dàng và tham gia, đóng góp ý kiến cho các dự thảo luật, pháp lệnh và Nghị quyết của Quốc hội thông qua trang thông tin điện tử “Lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết” (duthaoonline.quochoi.vn). Bên cạnh đó, hiện Thư viện Quốc hội đang xây dựng hoàn thiện phần mềm điều tra xã hội học, thông qua phần mềm này, cử tri có thể tham gia, đóng góp ý kiến qua các câu hỏi của Phiếu điều tra, khảo sát để Thư viện Quốc hội tổng hợp, gửi đến đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 của Chính phủ, hiện nay, Thư viện Quốc hội đang xây dựng Dự án “Hiện đại hóa và tự động hóa Thư viện Quốc hội”, với mục tiêu xây dựng, thiết kế phương án tổng thể hệ thống phần mềm, trang thiết bị hiện đại, tích hợp, kết nối đồng bộ và ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong quản lý các nghiệp vụ, tự động hóa các hoạt động cơ bản của Thư viện Quốc hội nhằm tận dụng lợi thế, xu hướng, lợi ích và yêu cầu đổi mới sáng tạo của Cách mạng Công nghiệp 4.0 để nâng cao năng lực nghiên cứu, cung cấp thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đồng thời hướng tới cung cấp các dịch vụ Thư viện đến rộng rãi người dân.
* Tạp chí nghiên cứu lập pháp: Trang tin điện tử đăng tải miễn phí toàn bộ các bài viết trên ấn phẩm in của Tạp chí trên trang web http://lapphap.vn, góp phần quảng bá thông tin nghiên cứu khoa học lập pháp, chính sách, pháp luật tới đông đảo bạn đọc (đăng tải, cung cấp, trao đổi thông tin khoa học lập pháp và tuyên truyền, phổ biến thông tin khoa học lập pháp, thực tiễn lập pháp và văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành; biên soạn các ấn phẩm, công trình nghiên cứu khoa học, tài liệu nghiên cứu).
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp tục tham mưu và tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Quốc hội phục vụ công tác lãnh đạo điều hành; tiếp nhận trả lời ý kiến cử tri trên nền tảng số; giải thích pháp luật; tham quan Quốc hội điện tử ...
Trên đây là ý kiến trả lời của Tổng Thư ký Quốc hội đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, Tổng Thư ký Quốc hội trân trọng gửi tới Quý Đoàn đại biểu Quốc hội để trả lời cử tri.
Xin trân trọng cám ơn./.
| TỔNG THƯ KÝ |
- 1Nghị quyết 468/NQ-UBTVQH15 năm 2022 về kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 2Chỉ thị 2/CT-TTg năm 2022 về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 4507/BGTVT-TTCNTT về triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số Bộ Giao thông vận tải 8 tháng cuối năm 2022
- 1Nghị quyết 468/NQ-UBTVQH15 năm 2022 về kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 2Chỉ thị 2/CT-TTg năm 2022 về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 4507/BGTVT-TTCNTT về triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số Bộ Giao thông vận tải 8 tháng cuối năm 2022
Công văn 331/TTKQH-TTTH năm 2021 về triển khai Đề án Quốc hội điện tử do Tổng Thư ký Quốc hội ban hành
- Số hiệu: 331/TTKQH-TTTH
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 28/10/2021
- Nơi ban hành: Tổng Thư ký Quốc hội
- Người ký: Bùi Văn Cường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/10/2021
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực