Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3228/BNN-BVTV
V/v: Hướng dẫn một số biện pháp cơ bản phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại ngô

Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2010

 

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh/ thành phố trực thuộc TW
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc TW

 

Bệnh lùn sọc đen do rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh, không những gây hại trên lúa mà còn phát sinh, gây hại trên ngô. Từ vụ Đông năm 2009, bệnh đã phát sinh trên ngô tại nhiều tỉnh phía Bắc và Nam Trung bộ. Đến nay, bệnh đang tiếp tục có xu thế lây lan nhanh trên diện rộng tại các tỉnh phía Bắc, Nam Trung bộ - Tây Nguyên và có xu hướng lan vào các tỉnh phía Nam. Đây là bệnh hại nguy hiểm, nguy cơ gây hại cao trên ngô, nếu như không có các biện pháp xử lý kịp. Vì vậy, để chủ động phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại ngô, bảo vệ sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số biện pháp cơ bản phòng, trừ bệnh lùn sọc đen hại ngô như sau:

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CHÍNH VỀ BỆNH LÙN SỌC ĐEN HẠI NGÔ

1. Triệu chứng và tác hại

Cây ngô bị bệnh có biểu hiện chung là cây thấp lùn, lá có màu xanh đậm, phiến lá dày và giòn hơn.

Từ giai đoạn 5 lá trở đi, cây bị bệnh có u sáp sần sùi trên đốt thân, dọc gân ở mặt sau lá, lá bao bắp; một số cây mọc thêm nhiều chồi phụ; cổ lá và cổ bông cờ sếp xít nhau. Bị bệnh nặng, cây không ra bắp hoặc có bắp nhưng hạt thưa và nhỏ.

2. Tác nhân gây bệnh

Tác nhân gây bệnh lùn sọc đen hại trên ngô là do vi rút gây bệnh lùn sọc đen phương Nam gây ra, vi rút này thuộc nhóm Fijivirus-2 họ Reoviridae

3. Môi giới truyền bệnh và cơ chế lan truyền của bệnh

Rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen từ lúa sang ngô và ngược lại. Cả rầy non và rầy trưởng thành đều truyền bệnh.

Rầy lưng trắng sau khi đã nhiễm vi rút có thể truyền bệnh đến khi chết. Vi rút không truyền qua trứng rầy.

Bệnh không truyền qua hạt giống ngô, không truyền qua đất và tiếp xúc giữa cây bệnh và cây khỏe.

4. Tn tại của bệnh trên đng ruộng

Ngoài lúa và ngô, bệnh lùn sọc đen còn gây hại trên lúa mì, cỏ lồng vực, cỏ chát, cỏ đuôi phụng .... vì các cây này cũng là ký chủ của rầy lưng trắng và cũng là nguồn vi rút để rầy lưng trắng truyền sang lúa, ngô. Bệnh cũng có thể lưu tồn trên lúa chét của cây lúa bị bệnh trước đó.

Rầy lưng trắng mang vi rút có thể sống qua Đông, vi rút vẫn tồn tại trong cơ thể rầy và di chuyển rất xa theo gió, bão để gây bệnh cho lúa, ngô và một số loài cây khác ở các vùng khác hoặc vụ tiếp theo.

II. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ BỆNH LÙN SỌC ĐEN HẠI NGÔ

1. Các biện pháp phòng bệnh

1.1. Vệ sinh đồng ruộng:

Trên những diện tích ngô trồng tại đất lúa và đất bãi gần những ruộng vụ trước đã xuất hiện bệnh trên lúa cần vùi gốc rạ ngay sau khi gặt để diệt lúa chét, lúa tái sinh; dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước; tiêu hủy tàn dư thực vật để tiêu diệt triệt để mầm bệnh. Đối với ngô rẫy, ngô đồi cần phát dọn có trước khi trồng.

1.2. Phòng ngừa rầy môi giới truyền bệnh:

- Không làm ngô bầu ở gần những ruộng đang có nguồn bệnh.

- Tăng cường công tác điều tra đồng ruộng, kết hợp với theo dõi bẫy đèn để xác định quy luật và dự báo rầy di trú, lấy mẫu xét nghiệm nguồn rầy mang vi rút và có biện pháp phòng trừ môi giới truyền bệnh, đặc biệt khi cây ngô còn non.

- Theo dõi phát hiện, phòng trừ kịp thời môi giới truyền bệnh, đặc biệt trên hoặc gần những diện tích lúa, ngô đã xuất hiện bệnh vụ trước.

1.3. Các biện pháp canh tác:

- Không gieo trồng những giống ngô đã xác định bị bệnh hại nặng, nên sử dụng các giống kháng (chống chịu) rầy hoặc ít nhiễm rầy.

- Đảm bảo mật độ, khoảng cách trồng hợp lý theo quy định của từng loại giống; bón phân cân đối để giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, tăng tính chống chịu của cây ngô đối với dịch hại;

Thực hiện dự phòng ngô trên ruộng để dặm bù những cây bị mất khoảng hoặc bị bệnh khi cây còn nhỏ.

- Ở những vùng trồng ngô thường xuyên nhiễm bệnh nặng, cần xem xét thay thế bằng cây đậu tương hoặc cây trồng khác phù hợp với điều kiện từng vùng.

2. Các biện pháp trừ bệnh

2.1. Trừ bệnh khi ngô xuất hiện bệnh

a) Giai đoạn ngô từ gieo hạt đến xoáy nõn

- Thường xuyên kiểm tra các vùng trồng ngô để phát hiện và tiêu hủy kịp thời những cây ngô bị bệnh, nếu cây ngô dưới 5 lá có thể dặm bằng cây trồng ngắn ngày khác.

- Chỉ đạo phun trừ rầy trên diện tích ngô bị bệnh và các ruộng ngô xung quanh trong thời gian sớm nhất sau khi phát hiện có rầy lưng trắng gây hại. Tùy theo tuổi phát dục của rầy và điều kiện cụ thể để xác định sử dụng loại thuốc trừ rầy có tác dụng chống lột xác hoặc nội hấp cho phù hợp.

b) Giai đoạn ngô từ xoáy nõn đến phun râu

- Thường xuyên kiểm tra trên các vùng trồng ngô để kịp thời phát hiện và tiêu hủy những cây bị bệnh.

- Khi phát hiện rầy lưng trắng có mật độ cao trên diện tích ngô bị bệnh, căn cứ vào tuổi, pha phát dục của rầy và điều kiện cụ thể do cơ quan BVTV địa phương xác định để chỉ đạo phun thuốc chống lột xác hoặc nội hấp trên diện tích ngô bị bệnh và phun thuốc các diện tích xung quanh.

2.2. Tiêu hủy những diện tích ngô bị bệnh:

Những diện tích ngô bị bệnh nặng, không còn khả năng cho năng suất cần tiến hành tiêu hủy cả ruộng bằng cách chặt bỏ, thu gom và tiêu hủy tàn dư cây bệnh; trước khi tiêu hủy phải phun thuốc trừ rầy bằng các loại thuốc tiếp xúc, nếu có rầy lưng trắng.

Tiêu hủy và tiến hành gieo, trồng lại nếu còn thời vụ. Trường hợp hết thời vụ gieo, trồng hoặc chuyển sang trồng cây khác nếu điều kiện cho phép.

3. Các loại thuốc trừ rầy

Sử dụng các loại thuốc trừ rầy có trong danh mục các hoạt chất phổ biến trừ rầy ban hành kèm theo Thông tư quy định biện pháp phòng, trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Chủ động trích ngân sách địa phương chi cho công tác thiết lập và duy trì hoạt động hệ thống bẫy đèn; thông tin, tuyên truyền, tập huấn, in ấn tài liệu hướng dẫn và công tác phòng, chống bệnh.

- Huy động cả hệ thống chính trị, mọi nguồn nhân lực ở địa phương thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật phòng, trừ bệnh theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Giao trách nhiệm cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn; phát huy tốt vai trò của đoàn thể và nông dân trong việc tuyên truyền, chỉ đạo và phòng trừ dịch hại.

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở địa phương; phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

- Chỉ đạo ngành nông nghiệp, cơ quan thông tin đại chúng của địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn về việc phòng trừ bệnh đến hộ nông dân; duy trì chế độ thông tin 2 chiều thông suốt từ tỉnh tới cơ sở.

2. Đối với các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2.1 Cc Bảo vệ thực vật

- Chỉ đạo các Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều tra diễn biến bệnh lùn sọc đen trên ngô, cung cấp thông tin nhanh và hướng dẫn các biện pháp xử lý kịp thời;

- Cử cán bộ giúp các địa phương kiểm tra, giám sát tình hình bệnh đối với từng địa bàn trọng điểm, vùng dịch.

- Chỉ đạo các Trung tâm BVTV vùng, Trung tâm phân tích giám định của Cục phối hợp chặt chẽ với các Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh tiến hành kiểm tra đồng ruộng, thu thập mẫu để xác định vi rút gây bệnh.

- Tổ chức tập huấn tại thực địa về phương pháp nhận biết và biện pháp kỹ thuật phòng trừ bệnh lùn sọc đen, các bệnh vi rút khác trên lúa.

- Củng cố hệ thống báo cáo dịch bệnh từ cơ sở, cập nhật thông tin tình hình dịch hại hằng ngày trên trang Web của Cục.

2.2. Cục Trồng trọt

- Theo dõi tình hình sản xuất ngô ở địa phương để phối hợp chỉ đạo, bố trí cơ cấu cây trồng cho phù hợp, thời gian gieo trồng và các biện pháp canh tác để có các khuyến cáo kịp thời về các biện pháp kỹ thuật.

- Đối với những diện tích ngô bị bệnh đã tiêu hủy toàn bộ, hướng dẫn việc gieo trồng lại nếu còn thời vụ; nếu thời vụ ngô không còn thì hướng dẫn chuyển trồng cây khác nếu có thể.

2.3. Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Chỉ đạo Viện Bảo vệ thực vật thu mẫu ở các địa phương để xét nghiệm vi rút gây bệnh và báo cáo kết quả xét nghiệm về Bộ; chủ trì phối hợp với Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Cục Bảo vệ thực Vật để điều phối, củng cố hệ thống xét nghiệm vi rút gây bệnh.

- Chỉ đạo, điều phối các Viện thành viên tham gia công tác giám sát dịch bệnh tại các địa phương khi có yêu cầu, tiến hành nghiên cứu thuốc bảo vệ thực vật trừ rầy lưng trắng, đánh giá tính kháng rầy của các giống ngô, chọn tạo giống ngô kháng rầy, kháng bệnh.

- Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan chức năng trong nước thực hiện nhiệm vụ Hợp tác Quốc tế về nghiên cứu bệnh lùn sọc đen và các biện pháp quản lý bệnh cũng như côn trùng môi giới.

2.3. Trung tâm Khuyến nông quốc gia

- Triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn.

- Xây dựng các mô hình về phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại ngô.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ tổ chức thực hiện các nội dung trên, thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật)./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW;
- Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc TW;
- Cục BVTV, Trồng trọt;
- Viện KHNNVN;
- Trung tâm KNQG;
- Đại học NN Hà Nội;
- Lưu: VT, BVTV.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Bá Bổng

 

PHỤ LỤC

MỘT SỐ TRIỆU CHỨNG BỆNH LÙN SỌC ĐEN HẠI NGÔ
(Ban hành kèm theo Hướng dẫn biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại ngô ngày    tháng    năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn )

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3228/BNN-BVTV năm 2010 hướng dẫn biện pháp cơ bản phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại ngô do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 3228/BNN-BVTV
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/10/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Bùi Bá Bổng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản