Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 322/BGDĐT-GDTrH
V/v tổ chức dạy học trong học kỳ II và ôn tập thi THPT Quốc gia năm 2017

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2017

 

Kính gửi:

- Các sở giáo dục và đào tạo;
- Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng;
- Các cơ sở giáo dục trung học trực thuộc.

 

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp cơ bản được nêu tại Chỉ thị số 3031/CT-BGDĐT của Bộ trưởng về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017; hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017 đối với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên; chuẩn bị tích cực cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị các sở GDĐT và các cơ sở giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

I. Về tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục trong học kỳ II năm học 2016-2017

1. Tiếp tục chỉ đạo việc tăng cường nền nếp, kỷ cương và chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục). Đặc biệt chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm công dân đối với xã hội, cộng đồng của học sinh trung học và học viên giáo dục thường xuyên (sau đây gọi chung là học sinh).

2. Tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc kế hoạch giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục phù hợp với thực tiễn địa phương, cơ sở giáo dục; chỉ đạo các cơ sở giáo dục hoàn thành chương trình lớp 12 phù hợp với hướng dẫn Khung kế hoạch thời gian năm học 2016-2017 và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông của Bộ GDĐT; nghiêm cấm việc cắt xén chương trình.

3. Nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học trong học kỳ II năm học 2016-2017 và chuẩn bị cho năm học 2017-2018.

4. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục và giáo viên thực hiện thường xuyên, hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học tích cực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học, kỹ năng thực hành vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

5. Đối với việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên và kiểm tra học kỳ II

5.1. Các sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017 đối với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên về dạy học và kiểm tra, đánh giá; tuân thủ việc xây dựng ma trận đề kiểm tra một tiết và kiểm tra cuối học kỳ, đảm bảo kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan, gồm các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao (không được áp dụng hoàn toàn hình thức trắc nghiệm khách quan đối với các bài kiểm tra một tiết và kiểm tra học kỳ II).

5.2. Bộ đã tập huấn cho cán bộ, giáo viên cốt cán các sở GDĐT về việc xây dựng ma trận, ra đề kiểm tra, đánh giá theo hình thức trắc nghiệm khách quan, phù hợp theo quy trình ra đề chuẩn hóa. Các sở GDĐT cần tăng cường huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán đã được tập huấn làm báo cáo viên để triển khai tập huấn mở rộng (theo hình thức trực tiếp hoặc qua mạng "Trường học kết nối") cho cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục thực hiện việc ra đề kiểm tra, đánh giá theo quy trình ra đề chuẩn hóa đúng hướng dẫn của Bộ.

5.3. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, Quy chế đánh giá, xếp loại học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT ban hành kèm theo Quyết định số 02/2007/QĐ-BGDĐT ngày 23/01/2007 của Bộ trưởng Bộ GDĐT và Thông tư số 26/2014/TT-BGDĐT ngày 11/8/2014 của Bộ trưởng Bộ GDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT ban hành kèm theo Quyết định số 02/2007/QĐ-BGDĐT ngày 23/01/2007 của Bộ trưởng Bộ GDĐT; đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh.

II. Về ôn tập kỳ thi THPT quốc gia năm 2017

1. Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh học tập Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT;Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy chế để cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội nhận thức đúng về những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017; tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

2. Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, các sở GDĐTchỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Sau khi kết thúc năm học theo kế hoạch, việc ôn tập của học sinh được thực hiện theo hướng tăng cường thời gian dành cho học sinh tự học. Các sở sở GDĐT và các cơ sở giáo dục nghiên cứu và giúp học sinh làm quen với các bộ đề thi minh họa của Bộ GDĐT trong quá trình dạy học và ôn luyện kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Các cơ sở giáo dục yêu cầu tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi THPT quốc gia đánh giá rút kinh nghiệm công tác tổ chức ôn tập, thi THPT quốc gia năm 2016 để có thêm căn cứ xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập thi năm 2017; chú ý các nội dung kiến thức của chương trình đã được điều chỉnh theo Công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 01/9/2011 của Bộ GDĐT. Tổ chức việc ôn tập tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục lớp 12 cấp THPT, quan tâm giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức theo tinh thần Công văn số 8773/BGDĐT-GDTrH ngày 30/12/2010 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra theo ma trận với 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Các cơ sở giáo dục thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.

Việc tổ chức học thêm (nếu có) để phục vụ ôn thi phải thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GDĐT và các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; đặc biệt là đảm bảo tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học.

3. Đối với những học sinh đã hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp có nguyện vọng ôn tập, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ sở giáo dục tạo điều kiện tổ chức ôn tập cho các đối tượng này.

Nhận được công văn này, đề nghị các Sở GDĐT, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng, các trường phổ thông trực thuộc triển khai thực hiện đầy đủ và kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- UBND các tỉnh, TP (để phối hợp chỉ đạo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Các Cục, Vụ liên quan (để thực hiện);
- Lưu: VT, VP, Vụ GDTrH, Vụ GDTX.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguy
ễn Thị Nghĩa

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 322/BGDĐT-GDTrH về tổ chức dạy học trong học kỳ II và ôn tập thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 322/BGDĐT-GDTrH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 07/02/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Thị Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/02/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản