Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 312/TCT-CS
V/v thuế GTGT.

Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2018

 

Kính gửi:

- Cục Thuế tỉnh Yên Bái;
- Cục Thuế thành phố Hà Nội.

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 1997/CT-KTT ngày 10/7/2017 của Cục Thuế tỉnh Yên Bái và công văn số 34417/CT-PC ngày 26/5/2017 của Cục Thuế thành phố Hà Nội về chính sách thuế giá trị gia tăng. Về vấn đề này, trên cơ sở tổng hợp ý kiến Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế và Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

- Tại điểm c khoản 1 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:

“c) Sửa đổi, bổ sung khoản 23 Điều 4 như sau:

“23. Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc đã chế biến thành sản phẩm khác nhưng tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51 % giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản.

a) Tài nguyên, khoáng sản là tài nguyên, khoáng sản có nguồn gốc trong nước gồm: Khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô; khí thiên nhiên; khí than.

b) Việc xác định tỷ trọng trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trên giá thành được thực hiện theo công thức:

Tỷ trọng trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trên giá thành sản xuất sản phẩm

=

Trị giá tài nguyên, khoáng sản + chi phí năng lượng

x

100%

Tổng giá thành sản xuất sản phẩm

Trong đó:

Trị giá tài nguyên, khoáng sản là giá vốn tài nguyên, khoáng sản đưa vào chế biến; đối với tài nguyên, khoáng sản trực tiếp khai thác là chi phí trực tiếp, gián tiếp khai thác ra tài nguyên, khoáng sản; đối với tài nguyên, khoáng sản mua để chế biến là giá thực tế mua cộng chi phí đưa tài nguyên, khoáng sản vào chế biến.

Chi phí năng lượng gồm: nhiên liệu, điện năng, nhiệt năng.

Trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng được xác định theo giá trị ghi sổ kế toán phù hợp với Bảng tổng hợp tính giá thành sản phẩm.

Giá thành sản xuất sản phẩm bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung. Các chi phí gián tiếp như chi phí bán hàng, chi phí quản lý, chi phí tài chính và chi phí khác không được tính vào giá thành sản xuất sản phẩm.

Việc xác định trị giá tài nguyên, khoáng sản, chi phí năng lượng và giá thành sản xuất sản phẩm căn cứ vào quyết toán năm trước; trường hợp doanh nghiệp mới thành lập chưa có báo cáo quyết toán năm trước thì căn cứ vào phương án đầu tư.

- Tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp như sau:

“Điều 25. Tài khoản 152 - Nguyên liệu, vật liệu

1. Nguyên tắc kế toán

- Vật liệu phụ: Là những loại vật liệu khi tham gia vào quá trình sản xuất, không cấu thành thực thể chính của sản phẩm nhưng có thể kết hợp với vật liệu chính làm thay đổi màu sắc, mùi vị, hình dáng bề ngoài, tăng thêm chất lượng của sản phẩm hoặc tạo điều kiện cho quá trình chế tạo sản phẩm được thực hiện bình thường hoặc phục vụ cho nhu cầu công nghệ, kỹ thuật, bảo quản đóng gói, phục vụ cho quá trình lao động.”

“Điều 84. Tài khoản 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp

b) Chỉ hạch toán vào tài khoản 621 những chi phí nguyên liệu, vật liệu (gồm cả nguyên liệu, vật liệu chính và vật liệu phụ) được sử dụng trực tiếp để sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ trong kỳ sản xuất, kinh doanh. Chi phí nguyên liệu, vật liệu phải tính theo giá thực tế khi xuất sử dụng.”

“Điều 91. Tài khoản 641 - Chi phí bán hàng

- Tài khoản 6412 - Chi phí vật liệu, bao bì: Phản ánh các chi phí vật liệu, bao bì xuất dùng cho việc giữ gìn, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, như chi phí vật liệu đóng gói sản phẩm, hàng hóa, chi phí vật liệu, nhiên liệu dùng cho bảo quản, bốc vác, vận chuyển sản phẩm, hàng hóa trong quá trình tiêu thụ, vật liệu dùng cho sửa chữa, bảo quản TSCĐ,... dùng cho bộ phận bán hàng.

…”

Căn cứ quy định và hướng dẫn nêu trên, Cục Thuế tỉnh Yên Bái phối hợp với Cục Thuế thành phố Hà Nội: xác minh tình hình sản xuất, kinh doanh thực tế tại doanh nghiệp và đề nghị các doanh nghiệp làm rõ chi phí bao bì nằm trong quy trình sản xuất sản phẩm hay nằm trong quá trình tiêu thụ sản phẩm dùng cho bộ phận bán hàng để hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán và làm căn cứ xác định tỷ trọng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng trên giá thành sản xuất theo quy định.

Tổng cục Thuế có ý kiến để Cục Thuế tỉnh Yên Bái và Cục Thuế thành phố Hà Nội được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TCTr Cao Anh Tuấn (để báo cáo);
- Vụ PC, CST, CĐKT - BTC;
- Vụ PC, KK - TCT;
- Website Tổng cục Thuế;
- Lưu: VT, CS (3).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH




Lưu Đức Huy

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 312/TCT-CS năm 2018 về thuế giá trị gia tăng do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 312/TCT-CS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 19/01/2018
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Lưu Đức Huy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản