Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3116/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2024 |
Kính gửi: Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn
(Địa chỉ: Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa)
Tổng cục Hải quan nhận được kiến nghị của Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn tại các công văn số 74CV/ĐLS-TM ngày 24/05/2024 gửi Thủ tướng Chính phủ và công văn số 76CV/ĐLS-TM ngày 24/05/2024 gửi Lãnh đạo Bộ Tài chính xin khẩn cấp giải cứu doanh nghiệp - hàng đưa vào sản xuất xuất khẩu không còn nguyên trạng; công văn số 78CV/ĐLS-TM ngày 24/05/2024 đề nghị miễn phạt hành chính, miễn phạt tiền chậm nộp thuế.
Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan trao đổi với Công ty như sau:
1. Thủ tục hải quan đối với lô hàng chuyển đổi mục đích sử dụng
Từ ngày 04/3/2021 đến ngày 24/4/2021, Công ty đã thực hiện nhập khẩu 26.000 tấn nguyên liệu đường thô theo loại hình E31.
Ngày 30/6/2021, Công ty đăng ký 02 tờ khai loại hình A42 chuyển đổi mục đích sử dụng đường tinh luyện được sản xuất từ 8.000 tấn nguyên liệu đường thô từ 26.000 tấn nguyên liệu trên. Tại thời điểm đăng ký tờ khai thay đổi mục đích sử dụng nên trên, Công ty đã nộp C/O mẫu D điện tử của tờ khai nhập khẩu ban đầu còn hiệu lực.
Khoản 1 Điều 17 Thông tư 38/2018/TT-BTC quy định:
“1. Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa do người khai hải quan nộp tại thời điểm làm thủ tục thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa từ đối tượng miễn thuế, không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế để xem xét áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Trường hợp người khai hải quan đã nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu ban đầu, cơ quan hải quan kiểm tra, xác định xuất xứ và đối chiếu với kết quả kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu ban đầu để xem xét áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt. Người khai hải quan phải làm thủ tục thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa tại Chi cục Hải quan đã đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu ban đầu theo quy định tại Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC. Hàng hóa phải được xác định chưa tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến (đảm bảo tính nguyên trạng về xuất xứ) kể từ thời điểm đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu ban đầu. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa còn hiệu lực tại thời điểm làm thủ tục thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa, trừ trường hợp có quy định khác tại Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.”
Tại thời điểm đăng ký tờ khai chuyển đổi mục đích sử dụng, hàng hóa không đảm bảo nguyên trạng theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Thông tư 38/2018/TT-BTC nên cơ quan hải quan không có cơ sở chấp nhận C/O mẫu D và áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định.
Thông tư số 33/2023/TT-BTC ngày 31/5/2023 của Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2023 và không có điều khoản áp dụng hồi tố đối với các tờ khai được đăng ký trước ngày 15/7/2023. Do vậy, đề xuất của Công ty áp dụng Thông tư số 33/2023/TT-BTC ngày 31/5/2023 đối với trường hợp này là không có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Tổng cục Hải quan đề nghị Công ty căn cứ hướng dẫn tại công văn số 1989/GSQL-GQ4 ngày 21/12/2023 để thực hiện theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 17 Thông tư 38/2018/TT-BTC đối với các tờ khai được đăng ký trước ngày 15/7/2023.
2. Miễn phạt hành chính, miễn phạt tiền chậm nộp thuế
Căn cứ quy định tại Điều 11, Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính, trường hợp hành vi vi phạm hành chính được thực hiện xuất phát trực tiếp từ điều kiện, hoàn cảnh khách quan do dịch bệnh và tổ chức, cá nhân vi phạm phải chứng minh đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không ngăn được hành vi vi phạm xảy ra thì có thể xem xét thuộc trường hợp bất khả kháng. Do vậy, trường hợp Công ty khai sai quy định của pháp luật dẫn đến nộp thiếu số tiền thuế phải nộp nên không đủ cơ sở xác định thuộc trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính.
Căn cứ quy định tại Khoản 27 Điều 3 và Khoản 8 Điều 59 Luật Quản lý thuế, trường hợp của Công ty không có thiệt hại vật chất do gặp dịch bệnh nên không thuộc trường hợp được miễn tiền chậm nộp.
Tổng cục Hải quan trao đổi để Công ty biết, thực hiện./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1Thông tư 38/2015/TT-BTC Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3Thông tư 38/2018/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4Thông tư 33/2023/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Công văn 3116/TCHQ-GSQL năm 2024 vướng mắc C/O do Tổng cục Hải quan ban hành
- Số hiệu: 3116/TCHQ-GSQL
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 28/06/2024
- Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
- Người ký: Nguyễn Văn Thọ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra