Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 3090/BTM-TTTN
V/v thực hiện Nghị định của Chính phủ số 55/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2007

 

Kính gửi: Sở Thương mại các tỉnh, thành phố

Ngày 06/4/2007 Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2007; để việc hiểu các nội dung của Nghị định này và triển khai thực hiện một cách thống nhất, Bộ Thương mại có một số ý kiến như sau:

1. Điều 32 Nghị định số 55/2007/NĐ-CP quy định bãi bỏ Quyết định số 187/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/9/2003 và các quy định trước đây về quản lý kinh doanh xăng dầu trái với quy định tại Nghị định này. Theo đó, Thông tư số 14/1999/TT-BTM ngày 07/7/1999 của Bộ Thương mại không còn giá trị thi hành kể từ ngày 01/5/2007.

Như vậy, từ ngày Nghị định số 55/2007/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, việc cấp mới hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu (GCNĐĐK KDXD) đều phải thực hiện theo các quy định của Nghị định số 55/2007/NĐ-CP. Theo quy định chuyển tiếp tại Điều 33 của Nghị định thì chỉ những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu đang hoạt động theo Quyết định số 187/2003/QĐ-TTg mà không đáp ứng các điều kiện quy định của Nghị định mới được phép tiếp tục hoạt động đến hết năm 2007 (là thời gian để các doanh nghiệp bổ sung các điều kiện còn chưa bảo đảm). Từ ngày 01/01/2008 tất cả các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xăng dầu phải có đủ các điều kiện theo quy định của Nghị định số 55/2007/NĐ-CP, các doanh nghiệp không đủ điều kiện đều phải ngừng hoạt động. Một số Sở Thương mại dự định tiếp tục cấp GCNĐĐK KDXD tạm thời theo Thông tư 14/1999/TT-BTM cho các doanh nghiệp là việc làm vi phạm Nghị định số 55/2007/NĐ-CP. Việc GCNĐĐK KDXD như thế nào trong các trường hợp cụ thể, xem Điểm 3 dưới đây.

2. Để đổi mới quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 55/2007/NĐ-CP được ban hành theo hướng Nghị định không có Thông tư hướng dẫn, chỉ giao cho các Bộ ngành liên quan ban hành các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, bao gồm:

- Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 55/2007/NĐ-CP giao Bộ Thương mại ban hành Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu. Thực hiện quy định này, ngày 22/5/2007 Bộ trưởng Bộ Thương mại đã ký Quyết định số 11/2007/QĐ-BTM về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu ban hành kèm theo Quyết định số 1505/2003/QĐ-BTM ngày 17/11/2003. Như vậy, Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Nghị định số 55/2007/NĐ-CP, tiếp tục có hiệu lực thi hành vào giữa tháng 6/2007.

- Khoản 3 Điều 28 Nghị định số 55/2007/NĐ-CP giao Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện tiêu chuẩn về cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu và quy định thống nhất trong cả nước. Hiện nay, Tiêu chuẩn Việt Nam về cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu đã được ban hành từ năm 1998 và đang được thi hành (tham khảo TCVN 4530 : 1998 tại Thông tư 14/1999/TT-BTM); khi nào Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chuẩn mới và quy định thực hiện, thì áp dụng theo tiêu chuẩn mới. Sở Thương mại cần liên hệ với Sở Khoa học và Công nghệ để cập nhật tình hình.

Như vậy, Bộ Thương mại cũng như các Bộ khác không được phép hướng dẫn gì thêm về Nghị định số 55/2007/NĐ-CP, các Sở Thương mại cần chủ động nghiên cứu kỹ các quy định của Nghị định để thực hiện và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện cho đúng. Ví dụ: về hồ sơ đề nghị cấp GCNĐĐK KDXD phải có Bản kê trang thiết bị của cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu thì theo Khoản 2 Điều 15 của Nghị định “trang thiết bị của cửa hàng phải theo đúng các quy định về tiêu chuẩn cửa hàng, trạm kinh doanh xăng dầu do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành”. Sở Thương mại có thể nghiên cứu TCVN 4530: 1998 hiện hành để yêu cầu thương nhân nộp Bảng kê theo quy định cho phù hợp. Hoặc, trong hồ sơ phải có tài liệu về đầu tư xây dựng cửa hàng thì Sở Thương mại cần liên hệ với Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Xây dựng để xác định các tài liệu chứng minh tính hợp pháp về đầu tư và xây dựng cửa hàng gồm những tài liệu gì theo quy định của ngành và của địa phương. Trong đó, cần xem xét trước hết địa điểm của cửa hàng có phù hợp quy hoạch về mạng lưới kinh doanh xăng dầu đã được phê duyệt hay không.

3. Để giảm bớt các giấy phép không thật cần thiết, Nghị định số 55/2007/NĐ-CP chỉ quy định cấp GCNĐĐK KDXD cho cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu, còn các hoạt động kinh doanh xăng dầu khác Nghị định chỉ quy định điều kiện, doanh nghiệp phải tự giác chấp hành, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm. Việc cấp GCNĐĐK KDXD mới theo Nghị định số 55/2007/NĐ-CP cho cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu cần chú ý như sau:

- Theo quy định của Nghị định GCNĐĐK KDXD cấp cho cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu, nhưng cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu không phải là pháp nhân độc lập được kinh doanh xăng dầu, mà thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, sản xuất chế biến xăng dầu, hoặc doanh nghiệp tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu. Vì vậy, người đứng tên xin cấp GCNĐĐK KDXD phải là chủ doanh nghiệp sở hữu cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu. Các đối tượng khác không phải là doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật không được xem xét cấp GCNĐĐK KDXD cho cửa hàng, trạm bán lẻ thuộc sở hữu.

- Đối với cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu mới xây dựng sau thời điểm Nghị định số 55/2007/NĐ-CP có hiệu lực, phải bảo đảm đầy đủ ngay các điều kiện của Nghị định mới được cấp GCNĐĐK KDXD, Sở phải thực hiện xét cấp theo quy định mới của Nghị định và sử dụng mẫu GCNĐĐK KDXD mới.

- Theo quy định tại Điều 33 của Nghị định số 55/2007/NĐ-CP, kể từ ngày 01/01/2008 chỉ các doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của Nghị định mới được phép hoạt động kinh doanh xăng dầu, vì vậy, GCNĐĐK KDXD cũ (cấp theo Thông tư 14/1999/TT-BTM) không còn giá trị thi hành. Đối với các cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu đang hoạt động theo GCNĐĐK KDXD cũ có thời hạn hiệu lực sau năm 2007 thì Sở Thương mại cần tiến hành cấp đổi GCNĐĐK KDXD mới cho các cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu đủ điều kiện; nên bắt đầu cấp đổi sớm từ tháng 12/2007 cho những cửa hàng đã có đủ điều kiện và cần hoàn thành việc cấp đổi trong tháng 1/2008. GCNĐĐK KDXD mới có thời hạn hiệu lực là 5 năm đến hết năm 2012.

- Những cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu có GCNĐĐK KDXD cũ hết hạn trong năm 2007, nếu có đủ các điều kiện theo Nghị định số 55/2007/NĐ-CP thì Sở Thương mại cấp ngay GCNĐĐK KDXD mới, còn những cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu chưa đủ điều kiện thì Sở Thương mại gia hạn GCNĐĐK KDXD cũ đến hết năm 2007 để họ có thời gian chuẩn bị, bổ sung các điều kiện để đến đầu năm 2008 được cấp đổi GCNĐĐK KDXD mới như các doanh nghiệp khác. Không được tiếp tục cấp GCNĐĐK KDXD theo Thông tư 14/1999/TT-BTM (kể cả cấp tạm thời) vì vi phạm Nghị định số 55/2007/NĐ-CP như đã nói ở Điểm 1 trên đây.

- GCNĐĐK KDXD mới thực hiện theo Mẫu số 4 ban hành kèm theo Nghị định số 55/2007/NĐ-CP do Sở Thương mại tự ban hành theo quy định của tỉnh, thành phố (nếu có) về kích cỡ, màu sắc, phông chữ… Việc thu lệ phí cấp GCNĐĐK KDXD theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính.

Trong đợt cấp đổi GCNĐĐK KDXD sắp tới, Sở Thương mại cần kiên quyết loại trừ các doanh nghiệp không bảo đảm các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định của Nghị định số 55/2007/NĐ-CP, nhất là các cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu có địa điểm không đúng với quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, hoặc không bảo đảm an toàn PCCC và văn minh thương mại. Từ năm 2008 không còn tồn tại cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu vi phạm các điều kiện của Nghị định số 55/2007/NĐ-CP.

4. Về các cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu trên sông, trên biển cần chú ý như sau:

- Đối với những cửa hàng, trạm cố định dọc theo sông, biển thì địa điểm phải theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt; các phương tiện nổi dùng để làm cửa hàng phải được neo đậu chắc chắn và có đầy đủ các phương tiện chống tràn dầu ra sông, biển theo quy định.

- Các cửa hàng, trạm di động chỉ được phép hoạt động trong phạm vi vùng nước được chuyển tải, sang mạn xăng dầu do Bộ Giao thông vận tải quy định theo Khoản 7 Điều 9 Nghị định số 55/2007/NĐ-CP.

Do đó, Sở Thương mại chỉ xem xét cấp GCNĐĐK KDXD cho các cửa hàng, trạm bảo đảm các quy định trên và đủ các điều kiện theo Điều 15 của Nghị định số 55/2007/NĐ-CP. Ngoài ra, các phương tiện nổi dùng làm cửa hàng phải bảo đảm các tiêu chuẩn để vận chuyển xăng dầu, làm kho chứa xăng dầu, được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, cho phép lưu hành theo quy định của pháp luật. Không cấp GCNĐĐK KDXD cho cửa hàng, trạm di động mà không xác định được khu vực hoạt động hoặc hoạt động ngoài khu vực theo quy định tại Khoản 7 Điều 9 Nghị định số 55/2007/NĐ-CP.

5. Về quy định của Nghị định số 55/2007/NĐ-CP “Cán bộ, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được học nghiệp vụ về bảo quản, đo lường, chất lượng xăng dầu, kỹ thuật an toàn phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường, thời gian học tối thiểu 3 (ba) tháng”, có thể hiểu như sau:

- Đối tượng phải học là những người thường xuyên tiếp xúc với xăng dầu trong kinh doanh, bao gồm toàn bộ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm việc tại các cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu, cảng tiếp nhận, kho xăng dầu, phương tiện vận tải xăng dầu (kể cả cửa hàng trưởng, trạm trưởng, trưởng kho, thuyền trưởng). Cán bộ quản lý doanh nghiệp không trực tiếp làm việc hàng ngày tại các cơ sở trên không nhất thiết bắt buộc phải học.

- Nội dung học gồm 3 nội dung chính: (1) nghiệp vụ bảo quản, đo lường, chất lượng xăng dầu, (2) kỹ thuật an toàn PCCC và (3) bảo vệ môi trường. Thời gian học tối thiểu là 3 tháng cho cả 3 nội dung trên, nhưng không nhất thiết phải có chứng chỉ chung 3 tháng cho cả 3 nội dung mà có thể học từng nội dung, học xong nội dung nào thì được cấp chứng chỉ nội dung đó, tổng hợp lại được học đủ 3 nội dung với thời gian tổng cộng tối thiểu là 3 tháng. Như vậy, ai còn thiếu nội dung nào hoặc học chưa bảo đảm thời gian thì phải học bổ sung cho đủ, không nhất thiết tất cả phải học lại một lớp 3 tháng.

- Chứng chỉ phải do các trường có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ xăng dầu và có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật (việc này trước đây Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Thương mại đã có hướng dẫn).

Để thực hiện nghiêm chỉnh quy định này, Sở Thương mại cần thông báo cho các doanh nghiệp và tập hợp nhu cầu đào tạo bồi dưỡng, chủ động liên hệ với các trường đào tạo trong khu vực để mở các lớp từ nay đến hết năm 2007, hoặc báo cáo gấp với Bộ Thương mại (Vụ Tổ chức cán bộ) để Bộ xem xét có kế hoạch làm việc với các trường trực thuộc Bộ mở các lớp và thông báo cho các doanh nghiệp cử người đi học.

6. Sau khi nghiên cứu kỹ các quy định của Nghị định số 55/2007/NĐ-CP. Sở Thương mại cần xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Nghị định một cách cụ thể; phối hợp với các Sở, Ban ngành có liên quan (đặc biệt là các Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải) để xử lý cụ thể các quy định của Nghị định; tổ chức phổ biến, quán triệt đến tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Đồng thời chú trọng công tác “hậu kiểm”, tăng cường phối hợp kiểm tra xử lý các doanh nghiệp vi phạm Nghị định số 55/2007/NĐ-CP, nhất là các hoạt động không phải cấp GCNĐĐK KDXD nhưng phải bảo đảm các điều kiện quy định của Nghị định.

Bộ Thương mại thông báo như trên và đề nghị Sở Thương mại các tỉnh, thành phố nghiên cứu kỹ các quy định Nghị định số 55/2007/NĐ-CP để tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị định./.

(Công văn này là văn bản trả lời chung cho các văn bản của các Sở Thương mại hỏi Bộ về Nghị định 55/2007/NĐ-CP).

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, Vụ CSTTTN.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH TTTN
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Sáng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3090/BTM-TTTN thực hiện Nghị định 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu do Bộ Thương mại ban hành

  • Số hiệu: 3090/BTM-TTTN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 30/05/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Nguyễn Văn Sáng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/05/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản