Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3081/BTP-BTTP
V/v thực hiện quy định pháp luật về công chứng, bán đấu giá tài sản giao dịch bảo đảm

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2015

 

Kính gửi: Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách nhà nước năm 2015 trong đó có mục tiêu “đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xu dưới 3%”, trong thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu như phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu, thành lập và đưa vào hoạt động Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), giao các Bộ, ngành liên quan ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ, ngành để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu, nâng cao quản trị rủi ro của hệ thống các tổ chức tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh; triển khai các giải pháp để tạo điều kiện xử lý nhanh nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/6/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm, Thông tư số 18/2014/TT-BTP ngày 08/9/2014 hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; trình Quốc hội khóa XIII thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; chủ trì xây dựng dự án Bộ luật dân sự sửa đổi, Luật đấu giá tài sản trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến giao dịch bảo đảm, thế chấp tài sản, bán đấu giá tài sản góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; tham gia góp ý, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử lý nợ xấu; tích cực chỉ đạo việc xử lý các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng, việc thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm được nhanh chóng, đúng pháp luật.

Trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, VAMC, Bộ Tư pháp nhận được phản ánh về một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc bán đấu giá tài sản giao dịch bảo đảm phải có sự đồng ý hoặc ủy quyền của bên bảo đảm và việc công chứng giao dịch bảo đảm của người đại diện doanh nghiệp khi người này dùng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp do mình đại diện.

Để đảm bảo việc bán đấu giá tài sản giao dịch bảo đảm. thực hiện công chứng giao dịch bảo đảm thống nhất theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số công việc sau đây:

1. Có văn bản đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức bán đấu giá tài sản tại địa phương thực hiện đúng quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT- NHNN ngày 06/6/2014 hướng dẫn một số vấn đề xử lý tài sản bảo đảm, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Theo đó, khi bán đấu giá tài sản giao dịch bảo đảm, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức bán đấu giá tài sản không được yêu cầu việc bán đấu giá tài sản giao dịch bảo đảm phải có sự đồng ý hoặc ủy quyền của bên bảo đảm.

2. Có văn bản đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương thực hiện đúng quy định tại khoản 5 Điều 144 của Bộ luật dân sự, theo đó, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chứng giao dịch bảo đảm trong trường hợp người đại diện doanh nghiệp dùng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp do mình làm đại diện.

3. Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với hoạt động bán đấu giá tài sản, hành nghề công chứng tại địa phương; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn tại địa phương theo thẩm quyền hoặc phản ánh về Bộ Tư pháp để xem xét, có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo.

Trên đây là một số công việc triển khai để góp phần vào việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, VAMC có hiệu quả, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, thực hiện./.

 

 
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc (để b/c);
- Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế;
- Cổng thông tin Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, BTTP.

TL. BỘ TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC BỖ TRỢ TƯ PHÁP




Đỗ Hoàng Yến

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3081/BTP-BTTP năm 2015 thực hiện quy định pháp luật về công chứng, bán đấu giá tài sản giao dịch bảo đảm do Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 3081/BTP-BTTP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 25/08/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Đỗ Hoàng Yến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/08/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản