Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3059/BTNMT-ĐCKS
V/v cấp phép hoạt động khoáng sản đối với một số điểm quặng sắt tại tỉnh Bắc Kạn

Hà Nội, ngày 16 tháng 08 năm 2011

 

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

Phúc đáp Văn bản số 3765/VPCP-KTN ngày 08 tháng 6 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ về việc cấp phép khai thác khoáng sản một số điểm mỏ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn phục vụ cho dự án chế biến sâu, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:

Các điểm quặng sắt nêu tại Công văn số 1315/UBND-TH1 ngày 02 tháng 6 năm 2011 và số 1019/UBND-TH1 ngày 06 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn không thuộc Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 124/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2006.

Trên cơ sở kiểm tra, rà soát tài liệu địa chất đã có và đối chiếu với các quy định của pháp luật về khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất giải quyết như sau:

1. Các điểm quặng sắt: Kéo Nàng (36,5 ha), xã Bản Thi; Khuổi Khem (113,2 ha), xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn đã điều tra đánh giá tiềm năng khoáng sản thuộc Báo cáo “Thăm dò tỉ mỉ chì - kẽm vùng Chợ Điền - Bắc Thái”, năm 1984; điểm Tây nam Nà Áng (60,86 ha), xã Đồng Lạc và Bành Tượng (61,78 ha), xã Xuân Lạc, xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn thuộc Báo cáo “Tìm kiếm quặng chì - kẽm vùng Nà Tùm - Quảng Bạch, Bắc Kạn”, năm 1995; điểm Kéo Lếch (5,32 ha) và Bản Tàn (17,24 ha), xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn thuộc Báo cáo “Tìm kiếm quặng chì - kẽm vùng nam Chợ Đồn - Bắc Kạn”, năm 1996. Theo tài liệu địa chất đã có, các điểm quặng sắt nêu trên thuộc dạng mũ sắt có quy mô nhỏ, phân bố không tập trung, hàm lượng quặng Fe nghèo.

Do mức độ điều tra địa chất các điểm quặng sắt trên còn hạn chế, vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị phải tổ chức khảo sát, đánh giá bổ sung triển vọng tài nguyên, chất lượng quặng sắt làm cơ sở thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật khoáng sản.

2. Khu vực quặng sắt Thom Ong - Lũng Páng (40 ha), xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm nằm trong diện tích đang điều tra đánh giá khoáng sản, không đủ điều kiện để giải quyết việc cấp phép hoạt động khoáng sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 1148/BTNMT-ĐCKS ngày 08 tháng 4 năm 2010.

3. Các khu vực quặng sắt: Lũng Viền, xã Cốc Đán; Pen Kít, xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn; Tây nam Đèo An, xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn; Nà Pa, Bắc Khuổi Nùng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm và Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới được phát hiện theo tài liệu lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000, chưa đủ số liệu địa chất về triển vọng quặng, do vậy, không đủ cơ sở để xem xét, giải quyết.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về cấp phép hoạt động khoáng sản một số điểm quặng sắt tại tỉnh Bắc Kạn, đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Công Thương;
- UBND tỉnh Bắc Kạn;
- Sở TNMT tỉnh Bắc Kạn;
- Lưu: VT, ĐCKS (Ngh.06).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Linh Ngọc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3059/BTNMT-ĐCKS năm 2011 về cấp phép hoạt động khoáng sản đối với điểm quặng sắt tại tỉnh Bắc Kạn do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 3059/BTNMT-ĐCKS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/08/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Người ký: Nguyễn Linh Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/08/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản