BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 304/TCT/DNK | Hà Nội 21 tháng 1 năm 2005 |
CÔNG VĂN
CỦA TỔNG CỤC THUẾ SỐ 304/TCT/DNK NGÀY 21 THÁNG 01 NĂM 2005 Ử LÝ THU THUẾ KHÂU LƯU THÔNG
Kinh gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Thời gian qua, qua theo dõi và chỉ đạo thực hiện Thông tư liên tịch số 94/2003/TTLT/BTC-BTM-BCA ngày 8/10/2003 của Liên Bộ hướng dẫn chế độ sử dụng hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường Tổng cục Thuế nhận thấy nhiều trường hợp các ngành chức năng kiểm tra phát hiện vi phạm về hoá đơn, chứng từ nhưng do việc xác minh và xử lý rất phức tạp đã chuyển hồ sơ sang cơ quan thuế yêu cầu xử lý. Cơ quan thuế đã tiếp nhận hồ sơ nhưng có nhiều trường hợp khi tiếp nhận không đủ căn cứ để xử lý, phải điều tra xác minh thêm; dẫn đến thời gian xử lý kéo dài vừa gây phiền hà cho đối tượng vận chuyển hàng hoá vừa dẫn đến khiếu kiện; có trường hợp cán bộ thuế đã lợi dụng để nhận hối lộ.... Về việc này, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay một số việc sau:
1/ Theo Điểm 1b, Mục IV Thông tư liên tịch số 94/2003/TTLT/BTC-BTM-BCA ngày 8/10/2003 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Công an thì thẩm quyền xử lý đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường vi phạm chế độ hoá đơn, chứng từ do cơ quan kiểm soát phát hiện đảm nhiệm; vì vậy Cục thuế chỉ đạo các Chi cục thuế, Đội thuế chấm dứt việc tiếp nhận hồ sơ xử lý đối với hàng hoá nhập khẩu có vi phạm do các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện chuyển sang. Trường hợp các ngành kiểm tra, phát hiện đề nghị cơ quan thuế tham gia ý kiến về hình thức xử lý phải có công văn đề nghị thì cơ quan thuế mới tham gia. Khi tham gia phải căn cứ vào tài liệu hồ sơ do cơ quan kiểm tra phát hiện cung cấp để trả lời bằng văn bản trong thời hạn quy định.
Đối với hàng hoá sản xuất trong nước có vi phạm về hoá đơn, chứng từ do các ngành chức năng kiểm tra phát hiện chuyển sang, khi tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra, nếu đã đủ căn cứ xử lý thì tiếp nhận; khi tiếp nhận phải có biên bản bàn giao, trong biên bản phải ghi rõ các loại hồ sơ, chứng từ kèm theo. Căn cứ vào hồ sơ do các ngành kiểm tra, phát hiện chuyển sang, cơ quan thuế ra quyết định xử lý ngay và thông báo bằng văn bản cho cơ quan kiểm tra, phát hiện biết kết quả xử lý. Trường hợp hồ sơ không đủ căn cứ xử lý hoặc cần phải xác minh thêm thì yêu cầu cơ quan kiểm tra, phát hiện cung cấp thêm tài liệu hoặc đi xác minh. Nếu cơ quan chuyển giao không cung cấp thêm hồ sơ, chứng từ hoặc không xác minh làm rõ thì trả lời ngay không đủ căn cứ xử lý và không tiếp nhận hồ sơ để cơ quan bắt giữ giải quyết với người vận chuyển. Trong quá trình xem xét hồ sơ, Cơ quan thuế không được nhận thêm bất cứ một tài liệu nào do các đối tượng khác cung cấp. Nguồn tài liệu bổ sung phải do cơ quan kiểm tra, phát hiện cung cấp.
2/ Để thống nhất với các ngành trong việc phối hợp và xử lý các vi phạm về hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường, đề nghị Cục thuế giao cho một phòng (nếu tại Cục Thuế) hoặc một Đội (nếu tại Chi cục Thuế) thanh tra hoặc nghiệp vụ chuyên trách việc tiếp nhận hồ sơ của các ngành chuyển sang và đề xuất với lãnh đạo cơ quan thuế hình thức xử lý các vi phạm về hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường.
3/ Để khuyến khích lưu thông hàng hoá, góp phần ổn định giá cả, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Cục Thuế và các Chi cục Thuế không được thành lập tổ, đội hoặc cử cán bộ kiểm soát hàng hoá khi vận chuyển trên đường, không được tự phối hợp với các ngành để kiểm soát hàng hoá vận chuyển trên đường. Cơ quan thuế chỉ cử cán bộ tham gia với các ngành khi có đề nghị của thủ trưởng các ngành liên quan.
4/ Tăng cường các biện pháp tuyên truyền hướng dẫn chính sách, kiểm tra việc chấp hành của các đơn vị và cán bộ trong ngành, kịp thời phát hiện xử lý kỷ luật đối với cán bộ sai phạm.
Đề nghị Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo trong đơn vị và các Chi cục Thuế thực hiện kịp thời đúng các nội dung trên đây./.
| Phạm Văn Huyến (Đã ký) |
- 1Công văn số 2278 TCT/NV6 ngày 11/06/2002 của Bộ Tài chính - Tổng cục Thuế về việc khấu trừ thuế GTGT và hạch toán vào TNCT TNDN số thuế đã nộp ở khâu lưu thông
- 2Công văn số 1893 TCT/DNNN ngày 22/06/2004 của Tổng cục thuế về việc miễn thuế GTGT và TNDN trên khâu lưu thông đối với mặt hàng nông sản
- 3Thông tư 91/2000/TT-BTC hướng dẫn Nghị quyết 09/2000/NQ-CP về miễn thuế GTGT và thuế TNDN trên khâu lưu thông để khuyến khích tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do Bộ tài chính ban hành
- 1Công văn số 2278 TCT/NV6 ngày 11/06/2002 của Bộ Tài chính - Tổng cục Thuế về việc khấu trừ thuế GTGT và hạch toán vào TNCT TNDN số thuế đã nộp ở khâu lưu thông
- 2Công văn số 1893 TCT/DNNN ngày 22/06/2004 của Tổng cục thuế về việc miễn thuế GTGT và TNDN trên khâu lưu thông đối với mặt hàng nông sản
- 3Thông tư 91/2000/TT-BTC hướng dẫn Nghị quyết 09/2000/NQ-CP về miễn thuế GTGT và thuế TNDN trên khâu lưu thông để khuyến khích tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do Bộ tài chính ban hành
- 4Thông tư liên tịch 94/2003/TTLT-BTC-BTM-BCA hướng dẫn chế độ sử dụng hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường do Bộ Tài chính - Bộ Thương mại - Bộ Công an ban hành
Công văn 304/TCT/DNK của Tổng cục Thuế về việc xử lý thu thuế khâu lưu thông
- Số hiệu: 304/TCT/DNK
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 21/01/2005
- Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
- Người ký: Phạm Văn Huyến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/01/2005
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực