Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3010/VKSTC-V14 | Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 2017 |
Kính gửi: | - Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương; |
Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (sau đây viết tắt là Luật số 12/2017/QH14) và Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 41/2017/QH14).
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của Nghị quyết số 41/2017/QH14. Trong quá trình thực hiện, lưu ý một số nội dung sau đây:
I. Kể từ ngày Luật số 12/2017/QH14 được công bố, tiếp tục triển khai các nội dung sau:
1. Thực hiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14, khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, không đề nghị áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội khi phạm một số tội mà Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi chung là Bộ luật Hình sự năm 2015) đã bỏ hình phạt tử hình (Điều 133. Tội cướp tài sản; Điều 157. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm; Điều 194. Tội tàng trữ trái phép, chiếm đoạt chất ma túy; Điều 231. Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Điều 316. Tội chống mệnh lệnh; Điều 322. Tội đầu hàng địch - Bộ luật Hình sự năm 1999); không đề nghị áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
2. Thực hiện quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14, phối hợp với Tòa án cùng cấp, trại giam, trại tạm giam và cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền rà soát đầy đủ, chính xác những trường hợp đã tuyên hình phạt tử hình đối với những người được nêu tại mục 1 Phần I Công văn này và bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành án để Tòa án đã xét xử sơ thẩm báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân cho người bị kết án.
3. Thực hiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14, phối hợp với Tòa án cùng cấp đã xét xử sơ thẩm rà soát đầy đủ, chính xác những trường hợp đã tuyên hình phạt tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn) để Tòa án báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân cho người bị kết án.
4. Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp rà soát đầy đủ, chính xác để bảo đảm không xử lý hình sự đối với người đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14. Lưu ý các trường hợp sau đây:
a) Về “hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14:
Ví dụ 1: Nguyễn Văn A đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá 80.000.000 đồng theo khoản 1 Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 1999. Nhưng do khoản 1 Điều 180 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã thay đổi yếu tố cấu thành tội phạm, hành vi vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự; vì vậy, hành vi của Nguyễn Văn A không cấu thành tội phạm nữa.
Ví dụ 2: Phạm Văn B (chưa có tiền án, tiền sự) đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đánh bạc giá trị 4.000.000 đồng theo khoản 1 Điều 248 Bộ luật Hình sự năm 1999. Nhưng do khoản 1 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã thay đổi yếu tố cấu thành tội phạm, hành vi đánh bạc giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự; vì vậy, hành vi của Phạm Văn B không cấu thành tội phạm nữa.
b) Về “trường hợp đã áp dụng quy định có lợi của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội về lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà Luật số 12/2017/QH14 không quy định là tội phạm nữa” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14:
Ví dụ 3: Trần Văn C đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể là 31% theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 và đã được áp dụng các quy định có lợi (lần 1) theo khoản 4 Điều 260 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (điều khoản này không quy định hình phạt tù) nhưng kể từ ngày Luật số 12/2017/QH14 được công bố, bỏ khoản 4 Điều 260 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; vì vậy, Trần Văn C tiếp tục được áp dụng quy định có lợi (lần 2) theo Luật số 12/2017/QH14, theo đó hành vi của Trần Văn C không cấu thành tội phạm vì luật không quy định là tội phạm nữa.
5. Trường hợp người thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 mà đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì xử lý như sau:
a) Nếu vụ án đang điều tra thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng một trong các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14, khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999 và điểm a khoản 2 Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án; trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ không liên quan đến tất cả các bị can, thì đình chỉ vụ án đối với từng bị can.
Trường hợp đã khởi tố bị can mà Viện kiểm sát chưa phê chuẩn thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra hoặc tự mình áp dụng một trong các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14, Điều 126 và Điều 112 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can.
b) Nếu vụ án đang trong giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát áp dụng một trong các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14, khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 169 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 ra quyết định đình chỉ vụ án; trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ không liên quan đến tất cả các bị can, thì đình chỉ vụ án đối với từng bị can.
c) Nếu vụ án đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì Viện kiểm sát áp dụng một trong các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14, khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 181 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án.
d) Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên áp dụng một trong các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14, khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 195 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 rút toàn bộ quyết định truy tố; trong trường hợp vụ án có nhiều bị cáo, bị cáo phạm nhiều tội thì sau khi đọc cáo trạng, Kiểm sát viên trình bày việc rút toàn bộ quyết định truy tố đối với bị cáo hoặc rút quyết định truy tố đối với một hoặc một số hành vi của bị cáo thuộc trường hợp quy định tại một trong các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14.
đ) Tại phiên toà phúc thẩm, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng một trong các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 và Điều 251 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đình chỉ vụ án, đình chỉ vụ án đối với bị cáo.
e) Đối với người được quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 mà đang bị truy nã thì xử lý như sau:
- Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can ra quyết định đình nã;
- Trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can thì yêu cầu cơ quan đã ra quyết định truy nã ra quyết định đình nã;
- Trường hợp trong giai đoạn xét xử thì Viện kiểm sát thông báo cho Tòa án yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định đình nã;
- Trường hợp trong giai đoạn thi hành án thì Viện kiểm sát yêu cầu Giám thị trại giam, Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh ra quyết định đình nã.
Quy định tại điểm e này không áp dụng đối với trường hợp đối tượng còn bị truy nã về hành vi phạm tội khác.
g) Trường hợp hủy bỏ quyết định khởi tố bị can hoặc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án nêu tại các điểm a, b, c, d, đ và h Mục này thì các vấn đề liên quan khác như: xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người được hủy bỏ quyết định khởi tố, được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; xử lý vật chứng, trả lại tài sản...; hoặc việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm khác, bị can, bị cáo khác (nếu có) trong vụ án vẫn phải tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật.
h) Trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can hoặc ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ vụ án đối với bị can thì Viện kiểm sát phải giải thích cho người được hủy bỏ quyết định khởi tố bị can, người được đình chỉ vụ án biết việc đình chỉ là do thay đổi chính sách hình sự của Nhà nước và họ không thuộc trường hợp được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
6. Khi kiểm sát việc thi hành án, phải kiểm sát chặt chẽ việc miễn chấp hành hình phạt; đồng thời phối hợp với Tòa án cùng cấp rà soát đầy đủ, chính xác các trường hợp được miễn chấp hành hình phạt (kể cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung) quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14. Lưu ý một số trường hợp sau đây:
a) Đối với người đang chấp hành án phạt tù thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, nơi người đó đang chấp hành án, đề nghị Tòa án cùng cấp ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
Trường hợp người bị kết án đang thi hành án treo thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự cấp khu vực nơi người bị kết án đang chấp hành hình phạt rà soát và báo cáo để Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu đề nghị Tòa án cùng cấp ra quyết định miễn chấp hành hình phạt tù đang được hưởng án treo.
b) Đối với người bị xử phạt tù đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt hoặc chưa chấp hành hình phạt, thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc đề nghị Tòa án cùng cấp ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
c) Đối với người đang chấp hành án cải tạo không giam giữ thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực, nơi người đó cư trú hoặc làm việc, đề nghị Tòa án cùng cấp ra quyết định miễn chấp hành hình phạt.
d) Khi kiểm sát việc miễn chấp hành hình phạt cần lưu ý, đối với các trường hợp quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 chỉ quy định việc miễn chấp hành hình phạt (cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung nếu có), những vấn đề khác liên quan như: việc bồi thường thiệt hại của người được miễn chấp hành hình phạt, việc xử lý vật chứng, trả lại tài sản... thì người được miễn chấp hành hình phạt vẫn phải thi hành.
7. Thực hiện quy định tại điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khi ban hành các văn bản, quyết định tố tụng hoặc thực hiện các hành vi tố tụng thuộc thẩm quyền trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, Viện kiểm sát phải áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015, điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 và các điều, khoản khác có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015 làm căn cứ để quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Ví dụ 4: Đối với Tội tàng trữ trái phép chất ma túy, phải áp dụng khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015, điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 và khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015 (điều khoản có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015 so với khoản 1 Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999).
8. Thực hiện quy định tại điểm i khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14, chỉ áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các quy định khác của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có lợi cho người phạm tội so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 nhưng không phải để thi hành các quy định có lợi của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì cũng chưa áp dụng.
Ví dụ 5: Áp dụng ngay thủ tục xét tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Điều 368 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Ví dụ 6: Chưa áp dụng thời hạn tạm giam để điều tra là 05 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng (kể cả gia hạn) theo Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (thời hạn này ngắn hơn 01 tháng so với Điều 120 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, theo đó quy định là 06 tháng).
9. Phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp rà soát những vướng mắc phát sinh trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày Luật số 12/2017/QH14 được công bố cho đến khi Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có hiệu lực thi hành, báo cáo lãnh đạo liên ngành trung ương để chỉ đạo thống nhất.
II. Kể từ ngày 01/01/2018 (Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực), lưu ý một số nội dung sau:
1. Thực hiện quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14, đối với những hành vi phạm tội mà Tòa án đã áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xét xử và bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01/01/2018, thì không căn cứ vào những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 khác với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm.
Ví dụ 7: Lê Văn D bị kết án về tội sử dụng trái phép tài sản theo khoản 3 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 1999 (chứng minh được gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng) và bản án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01/01/2018. Từ ngày 01/01/2018, không căn cứ vào khoản 3 Điều 177 Bộ luật Hình sự năm 2015 (tương ứng về hình phạt) quy định “sử dụng trái phép tài sản trị giá 1,5 tỉ đồng trở lên” để kháng nghị giám đốc thẩm bởi vì tình tiết này khác với tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 1999.
2. Thống nhất áp dụng đồng bộ các quy định của các Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có hiệu lực pháp luật.
III. Tổ chức thực hiện
1. Công văn này thay thế Công văn số 172/VKSTC-V14 ngày 18/01/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung trong Nghị quyết thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Công văn số 5003/VKSTC-V14 ngày 02/12/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015.
2. Nhận được Công văn này, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai, quán triệt trong cơ quan, đơn vị mình để bảo đảm thi hành đúng Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc cần kịp thời báo cáo về VKSND tối cao (qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để giải thích, hướng dẫn, bổ sung kịp thời./.
| KT. VIỆN TRƯỞNG |
- 1Quyết định 272/QĐ-TTg năm 2016 Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 5003/VKSTC-V14 năm 2016 hướng dẫn áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội trong Bộ luật hình sự 2015 và quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thi hành quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự 2015 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3Công văn 148/TANDTC-PC năm 2017 triển khai, thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết 41/2017/QH14 do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 4Quyết định 151/QĐ-TANDTC năm 2017 về Kế hoạch triển khai, thi hành Bộ luật Hình sự 100/2015/QH13 đã được sửa đổi theo Luật 12/2017/QH14 và Nghị quyết 41/2017/QH14 trong Tòa án nhân dân do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 5Công văn 196/TANDTC-PC năm 2018 về áp dụng điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 1Bộ Luật Hình sự 1999
- 2Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003
- 3Bộ luật hình sự 2015
- 4Bộ luật tố tụng hình sự 2015
- 5Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015
- 6Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015
- 7Quyết định 272/QĐ-TTg năm 2016 Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017
- 9Nghị quyết 144/2016/QH13 về lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự 100/2015/QH13, Bộ luật tố tụng hình sự 101/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 99/2015/QH13; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 94/2015/QH13 và bổ sung dự án Bộ luật hình sự 100/2015/QH13 sửa đổi vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 do Quốc hội ban hành
- 10Nghị quyết 41/2017/QH14 thi hành Bộ luật Hình sự 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 94/2015/QH13 do Quốc hội ban hành
- 11Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
- 12Công văn 148/TANDTC-PC năm 2017 triển khai, thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết 41/2017/QH14 do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 13Quyết định 151/QĐ-TANDTC năm 2017 về Kế hoạch triển khai, thi hành Bộ luật Hình sự 100/2015/QH13 đã được sửa đổi theo Luật 12/2017/QH14 và Nghị quyết 41/2017/QH14 trong Tòa án nhân dân do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 14Công văn 196/TANDTC-PC năm 2018 về áp dụng điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
Công văn 3010/VKSTC-V14 năm 2017 về hướng dẫn thực hiện nội dung trong Nghị quyết 41/2017/QH14 về thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: 3010/VKSTC-V14
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 09/08/2017
- Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Người ký: Trần Công Phàn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/08/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra