Hệ thống pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 300/TANDTC-V1
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2023

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương (do Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến tại Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023) với các nội dung:

1. Nội dung thứ nhất:

“Vấn đề xác định căn cứ áp dụng tình tiết “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định... ” đối với tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 của Bộ luật Hình sự trong trường hợp người phạm tội khai nhận không sử dụng rượu, bia và không có căn cứ nào khác xác định người phạm tội có sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông nhưng trong kết quả xét nghiệm lại có nồng độ trong máu là 6,674mmol/l (trị số này dưới 10,9mmol/l là trị số xét nghiệm nồng độ cồn trong máu bình thường theo quy định tại Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23/01/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn quy trình Kỹ thuật chuyên ngành Hóa sinh”). Trường hợp này có áp dụng tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự đối với người phạm tội hay không?

Về nội dung này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xin trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộkhoản 6 Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, thì “Hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là hành vi bị cấm, là vi phạm pháp luật. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định các mức phạt tiền tương ứng với mức độ của nồng độ cồn đo được trong máu hoặc hơi thở. Cụ thể, Điều 5 của Nghị định này quy định đối với người điều khiển xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng; vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng,... Tại Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23/02/2014 của Bộ Y tế ban hành tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Hóa sinh” quy định về định lượng nồng độ cồn trong máu và có nhận định dưới 10,9mmol/lít là trị số bình thường (tương đương dưới 50 miligam/100mililit máu). Tuy nhiên, đây chỉ là sự phân loại các mức nồng độ cồn tương ứng với mức độ biểu hiện ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng theo chuyên môn y tế, không đồng nghĩa với cách hiểu dưới mức nêu trên là nồng độ cồn mà người bình thường có trong cơ thể.

Tình tiết “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định (...)” là tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự. Để áp dụng tình tiết này thì phải có chứng cứ, tài liệu chứng minh tại thời điểm gây tai nạn người phạm tội có sử dụng rượu, bia và có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá mức quy định. Do đó, mặc dù trong kết quả xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu là 6,674mmol/l nhưng người phạm tội khai nhận không sử dụng rượu, bia và không có căn cứ nào khác xác định người phạm tội có sử dụng rượu, bia vượt quá mức quy định khi tham gia giao thông, nên chưa đủ cơ sở áp dụng tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự đối với người phạm tội.

2. Nội dung thứ hai:

“Về quy định xét tha tù trước thời hạn có điều kiện “không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội” theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn việc áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự. Cử tri cho rằng việc xác định phạm nhân nếu được tha tù trước thời hạn có điều kiện có ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự hay không khi hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào nhận định của chính quyền địa phương, nơi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú, mà chưa có những căn cứ pháp lý cụ thể gây khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn. Mặt khác, quy định pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể đối với cơ quan nào có trách nhiệm và thẩm quyền xác minh các điều kiện theo luật định như “không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội” điều này gây ra rất nhiều khó khăn khi tiến hành xem xét.”

Về nội dung này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xin trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự, người đang chấp hành án phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, mà không phải cứ đủ các điều kiện theo quy định nêu trên là được tha tù trước thời hạn.

Tại khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn “7. Khi xét tha tù trước thời hạn có điều kiện phải xem xét thận trọng, chặt chẽ để bảo đảm việc tha tù trước thời hạn có điều kiện không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là đối với các trường hợp phạm tội về ma túy, tham nhũng, phạm tội có tổ chức, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố, chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm”. Việc hướng dẫn này là để lưu ý với các cơ quan có thẩm quyền cần phải cẩn trọng, kỹ càng trong việc xem xét từng trường hợp tha tù trước thời hạn có điều kiện. Bởi lẽ sau khi được tha tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải trình diện và chịu sự quản lý, giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương (cụ thể là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi người này về cư trú; do đó, ý kiến của chính quyền địa phương về việc người này cư trú tại địa phương có ảnh hưởng như thế nào đến an ninh, trật tự an toàn xã hội có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan tư pháp và chính quyền địa phương trong quá trình thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Mặc dù, pháp luật không quy định cụ thể Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan có thẩm quyền nhận xét về việc có hay không có ảnh hưởng an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhưng theo quy định tại Điều 36 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có nhiệm vụ, thẩm quyền là bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân; thực hiện các biện pháp quản lý dân cư trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật. Do đó, Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan phù hợp để nhận xét về việc tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với một trường hợp cụ thể có ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội hay không.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xin chân thành cảm ơn ý kiến góp ý của cử tri tỉnh Bình Dương. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của cử tri và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đối với công tác của Tòa án, qua đó, sẽ giúp Tòa án nhân dân tối cao đề ra các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống.

Trân trọng./

 


Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Ban Dân nguyện Ủy ban thường vụ Quốc hội (để báo cáo);
- Cổng thông tin điện tử TANDTC;
- Lưu: VP, Vụ GĐKT I (2bMTrg).

CHÁNH ÁN




Nguyễn Hòa Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 300/TANDTC-V1 năm 2023 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương do Tòa án nhân dân tối cao ban hảnh

  • Số hiệu: 300/TANDTC-V1
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 10/08/2023
  • Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
  • Người ký: Nguyễn Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản