Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2999/LĐTBXH-BTXH
V/v triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng CSDL quốc gia về ASXH, ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách ASXH đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030”

Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 2017

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030” (Sau đây gọi tắt là Đề án 708), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:

1. Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội và các cơ quan chuyên môn có liên quan tại địa phương xây dựng, trình Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án, ưu tiên thực hiện một số nhiệm vụ sau:

a) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về vai trò, tác dụng của số an sinh xã hội, thẻ an sinh xã hội điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.

Cơ sở quốc gia về an sinh xã hội bao gồm thông tin cơ bản về công dân Việt Nam là đối tượng của các chính sách: Trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Định hướng đến năm 2030, mở rộng cơ sở dữ liệu Quốc gia về an sinh xã hội bao gồm: trẻ em, dạy nghề, việc làm, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội và các lĩnh vực khác của an sinh xã hội theo quy định của pháp luật

b) Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội

- Đối với những tỉnh, thành phố có điều kiện về kinh tế - xã hội thuận lợi, xây dựng, triển khai phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; bảo đảm kết nối với số và thẻ an sinh xã hội điện tử chung cả nước; ban hành quy chế tạm thời về cập nhật, quản lý, vận hành và truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, bảo đảm kết nối liên thông, tích hợp và chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

- Cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội gồm các thông tin sau đây:

+ Các thông tin về đối tượng và chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các văn bản pháp luật có liên quan.

+ Các thông tin về đối tượng và chính sách giảm nghèo theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản pháp luật có liên quan.

+ Các thông tin về đối tượng và chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản pháp luật có liên quan.

+ Các thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Luật việc làm và các văn bản hướng dẫn Luật.

c) Tích hợp các thông tin sau đây vào cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội:

+ Các thông tin định danh công dân theo quy định tại Điều 9 Luật căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn Luật.

+ Các thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm xã hội theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản pháp hướng dẫn Luật.

+ Các thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm y tế theo quy định tại Luật bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn Luật.

d) Xây dựng hệ thống chỉ tiêu, chỉ số đầu vào, đầu ra, bảo đảm các cơ sở dữ liệu thành phần cập nhật, quản lý, tích hợp và trao đổi cơ sở dữ liệu an sinh xã hội.

đ) Giai đoạn 2017 - 2018, đối với những tỉnh, thành phố có điều kiện về kinh tế - xã hội thuận lợi, đăng ký và thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về kế hoạch thí điểm cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử; bảo đảm cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử cho công dân Việt Nam là đối tượng của an sinh xã hội giai đoạn 2019 - 2020.

e) Xây dựng Cổng Thông tin điện tử An sinh xã hội trên địa bàn tỉnh để thực hiện: Giải quyết các chính sách an sinh xã hội cho người dân; cung cấp thông tin về chính sách, đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội; tích hợp cung cấp dịch vụ trực tuyến và kết nối hệ thống thông tin thống kê về an sinh xã hội của các bộ, ngành, địa phương.

g) Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chi trả chính sách, xây dựng cơ sở dữ liệu; lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ công bảo đảm chi trả theo yêu cầu, thực hiện theo cơ chế thu hồi vốn đầu tư thông qua thu phí cung cấp dịch vụ chi trả chính sách; hướng dẫn, hỗ trợ người dân tự đăng ký và nhập liệu các trường thông tin cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.

h) Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên trong việc ứng dụng, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội.

i) Tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội của các cấp, các ngành.

2. Kinh phí thực hiện đề án được bảo đảm từ các nguồn: Vốn doanh nghiệp, chi phí dịch vụ chi trả các chính sách an sinh xã hội, nguồn vốn ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm theo phân cấp của Luật ngân sách nhà nước, nguồn huy động, tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức thực hiện

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ngành trực thuộc tại địa phương:

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện dự án; hướng dẫn các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; kiểm tra, giám sát và tổ chức sơ kết hàng năm, tổng hợp báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả thực hiện. Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án vào năm 2020 trước khi tiếp tục triển khai giai đoạn tiếp theo đến năm 2030.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan lựa chọn đơn vị có mạng lưới cơ sở vật chất và nhân lực trải rộng đến cấp xã trên cả nước, có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ chi trả trợ cấp xã hội, các chính sách an sinh xã hội và bảo đảm xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh xã hội thống nhất để cung cấp dịch vụ chi trả các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

b) Các Sở, ngành liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo, triển khai hoặc phối hợp thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của Đề án theo nhiệm vụ quản lý.

c) Sở Y tế, Công an tỉnh, thành phố và Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích hợp các thông tin tại điểm c khoản 1 Mục II Điều 1 của Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030” vào cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.

Kế hoạch thực hiện Đề án 708 gửi về Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 31/7/2017 (Có mẫu xây dựng Kế hoạch kèm theo). Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Đề án nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về số điện thoại 0243.7478675 để giải đáp, hướng dẫn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Bộ: TC, TTTT, Y tế, CA, KHĐT (để phối hợp);
- Sở LĐTBXH, Sở TTTT, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ (để thực hiện);
- Lưu: VT, BTXH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trọng Đàm

 

MẪU KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ AN SINH XÃ HỘI, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀO GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo công văn số: 2999/LĐTBXH-BTXH ngày 19 tháng 7 năm 2017)

Phần I. Đánh giá khái quát cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội (thuộc lĩnh vực cơ quan/đơn vị phụ trách)

1. Tình hình đối tượng an sinh xã hội (ASXH) và dự báo đến năm 2020

2. Khái quát thực trạng xây dựng cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội thuộc lĩnh vực cơ quan/đơn vị phụ trách

a) Công tác chỉ đạo, xây dựng luật pháp, chính sách về hình thành cơ sở dữ liệu ASXH

b) Hệ thống chỉ tiêu theo dõi, quản lý chính sách ASXH.

c) Hệ thống phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu thành phần về ASXH.

d) Hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu về ASXH.

đ) Ngân sách dành cho ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu ASXH.

3. Khó khăn, vướng mắc

4. Kinh nghiệm hợp tác quốc tế

Phần II. Mục tiêu và các nội dung của kế hoạch

1. Mục tiêu

2. Các nội dung chính của kế hoạch

2.1. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản để triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.

2.2. Nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh xã hội.

2.3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu an sinh xã hội thuộc lĩnh vực cơ quan/đơn vị phụ trách.

a) Xây dựng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu an sinh xã hội.

b) Cập nhật, tích hợp cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội thuộc lĩnh vực cơ quan/đơn vị phụ trách.

c) Xây dựng hệ thống chỉ tiêu, chỉ số đầu vào, đầu ra, bảo đảm các cơ sở dữ liệu thành phần cập nhật, quản lý, tích hợp và trao đổi cơ sở dữ liệu an sinh xã hội.

d) Quản lý, lưu trữ, bảo mật và phân phối hiệu quả cơ sở dữ liệu thành phần và cơ sở dữ liệu quốc gia về ASXH.

đ) Tổ chức nhập liệu hồ sơ đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH.

2.4. Phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử; xây dựng số ASXH nhằm quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu về ASXH.

2.5. Xây dựng Cổng Thông tin điện tử ASXH.

2.6. Tổ chức chi trả trợ giúp xã hội thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ công.

2.7. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về vai trò, tác dụng của số an sinh xã hội, thẻ an sinh xã hội điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.

2.8. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên trong việc ứng dụng, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội.

2.9. Trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm của các nước đã áp dụng thành công việc sử dụng thẻ an sinh xã hội điện tử.

2.10. Giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh xã hội.

Phần III. Tổ chức thực hiện

1. Phân công trách nhiệm

2. Kinh phí thực hiện

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2999/LĐTBXH-BTXH năm 2017 thực hiện Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 2999/LĐTBXH-BTXH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 19/07/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Trọng Đàm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản