Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CỤC QLXD&CLCTGT
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2900/CQLXD-DAĐT1
Về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng, tiến độ khi triển khai công tác khảo sát, thiết kế lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng do Bộ GTVT là cấp quyết định đầu tư.

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2021

 

Kính gửi:

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
- Các Ban quản lý dự án: 2; 6; 85; Đường sắt;
- Sở Giao thông vận tải: Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Quán triệt chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 23/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Để thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư xây dựng, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng; đồng thời tăng cường công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân; Ban cán sự Đảng Bộ GTVT ban hành Chỉ thị 05-CT/BCSĐ ngày 26/8/2020; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Chỉ thị số 07/CT-BGTVT ngày 25/8/2020, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ tại các Chỉ thị nêu trên;

Để nâng cao chất lượng hồ sơ khảo sát, lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, khắc phục các tồn tại, vướng mắc làm ảnh hưởng đến chất lượng hồ sơ BCNCKT, tiến độ thực hiện thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, Cục QLXD & CLCTGT đề nghị các Chủ đầu tư thực hiện một số nội dung sau:

1. Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12, Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14. Tại khoản 2, Điều 18 Nghị định số 40/2020/NĐ- CP ngày 06/4/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công: “…ý kiến của cộng đồng dân cư quy định tại điểm c, khoản 1 điều này…”, điểm c, khoản 1, Điều 18 NĐ số 40/2020/NĐ-CP quy định: “Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổng hợp ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án…”;

2. Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 (điểm a, khoản 2, Điều 76) quy định: “Chủ đầu tư có nghĩa vụ lựa chọn nhà thầu khảo sát xây dựng, giám sát khảo sát xây dựng trong trường hợp không tự thực hiện khảo sát xây dựng, giám sát khảo sát xây dựng”. Tại Khoản 2, Điều 28, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định: “Tùy theo quy mô và loại hình khảo sát, Chủ đầu tư được tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực hành nghề phù hợp với loại hình khảo sát để giám sát khảo sát xây dựng”. Căn cứ quy định của Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020 (điểm c, khoản 3, Điều 71); Khoản 8, Điều 15 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ, đề nghị Chủ đầu tư lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra các nội dung cần thiết của BCNCKT phục vụ thẩm định dự án đầu tư theo quy định;

3. Theo yêu cầu riêng của từng dự án, Chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải thực hiện các thủ tục, yêu cầu theo quy định của pháp luật có liên quan ở giai đoạn chuẩn bị dự án, trình cơ quan chủ trì thẩm định làm cơ sở xem xét, thẩm định BCNCKT đầu tư xây dựng. Để hạn chế việc điều chỉnh, bổ sung trong quá trình khảo sát; lập hồ sơ BCNCKT; tổ chức thẩm định, phê duyệt BCNCKT, đề nghị các Chủ đầu tư kiểm soát chặt chẽ ngay từ khi phê duyệt đề cương nhiệm vụ, phương án khảo sát xây dựng, tính toán chi phí công tác khảo sát, thiết kế lập BCNCKT, quy định cụ thể các nội dung công việc cho phù hợp quy định, khi lập BCNCKT đầu tư xây dựng gồm[1]:

- Văn bản thỏa thuận cấp điện, thông tin, cấp nước, thoát nước thải, đấu nối giao thông, các văn bản thỏa thuận về kết nối hạ tầng khác (nếu có);

- Văn bản chấp thuận độ cao công trình theo quy định của Chính phủ về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam (nếu có);

- Kết quả thẩm định đối với dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;

- Văn bản thẩm duyệt hoặc ý kiến về giải pháp phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy;

- Kết quả thực hiện thủ tục về đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Kết quả thực hiện các thủ tục khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

4. Quá trình thẩm định BCNCKT, Cơ quan thẩm định kiểm tra, rà soát, hồ sơ BCNCKT thường gặp một số tồn tại, để khắc phục ngay tình trạng này, đề nghị các Chủ đầu tư, TVTK và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát thực hiện một số nội dung sau:

- Về sự phù hợp với quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt: Chủ đầu tư, tư vấn thiết kế cập nhật đầy đủ trong BCNCKT các quy hoạch liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Khung tiêu chuẩn áp dụng cho dự án phải được người quyết định đầu tư xem xét, chấp thuận khi quyết định đầu tư (khoản 3, Điều 6 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13). Chủ đầu tư, tư vấn thiết kế khi trình thẩm định BCNCKT cập nhật đầy đủ quyết định phê duyệt khung tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án theo quy định;

- Thủ tục liên quan đến việc thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật (viễn thông, điện, cấp nước, thoát nước,…), đấu nối giao thông, luồng Đường thủy, Hàng hải, Hàng không,… khi trình thẩm định BCNCKT thực hiện đầy đủ theo quy định;

- Các thủ tục về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường được thực hiện theo nguyên tắc đồng thời, không yêu cầu bắt buộc xuất trình các văn bản này tại thời điểm trình hồ sơ thẩm định, nhưng phải có kết quả gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng trước thời hạn thông báo kết quả thẩm định. Việc thực hiện thẩm định tại các đơn vị chuyên ngành (Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Sở Tài nguyên & Môi trường,…), thường kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt dự án, do đó Chủ đầu tư, TVTK, các đơn vị liên quan chủ động thực hiện[2];

- Thủ tục giám sát đầu tư của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án theo quy định tại Điều 74 Luật Đầu tư công;

- Thủ tục liên quan đến huy động và khả năng cân đối vốn để thực hiện dự án theo đúng tiến độ, thời gian quy định.

5. Thực trạng, các tồn tại trong công tác khảo sát, thiết kế, các giải pháp khắc phục trong quá trình lập BCNCKT:

5.1. Một số tồn tại trong quá trình khảo sát, lập hồ sơ thiết kế:

- Đề cương nhiệm vụ khảo sát, phương án khảo sát chưa nêu cụ thể và đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật và các giải pháp thực hiện. Thiếu số liệu về đăng ký cầu, cống cũ, đường cũ, hệ thống các tuyến đường giao thông trong khu vực; chưa cập nhật đầy đủ số liệu thủy văn qua các đợt mưa lũ lịch sử, chưa cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, cốt cao độ quy hoạch của các đô thị, quy hoạch mỏ vật liệu xây dựng thông thường, quy hoạch các vị trí đổ thải vật liệu,.... Số liệu khảo sát, thí nghiệm các mỏ vật liệu xây dựng chưa đầy đủ, tiềm ẩn nguy cơ khó khăn về vật liệu xây dựng trong quá trình thi công. Công tác khảo sát các đường giao thông nội tuyến, ngoại tuyến sử dụng làm đường công vụ thi công thiếu, chưa làm việc với các cơ quan quản lý, địa phương để có phương án hoàn trả nguyên trạng; chưa đánh giá các ảnh hưởng của phương án thiết kế đến đời sống sinh hoạt của người dân, nứt nhà dân, ảnh hưởng hạ lưu các cống thoát nước,…do đó gặp nhiều khó khăn trong bước triển khai tiếp theo;

- Trong quá trình thực hiện dự án còn một số tồn tại về chất lượng dịch vụ tư vấn, từ khâu khảo sát, điều tra (sai khác về địa hình, địa chất, thủy văn) đến khâu thiết kế, lập dự án đầu tư. Những tồn tại này đã dẫn đến việc phát sinh khối lượng, làm tăng kinh phí, kéo dài thời gian thi công,... TVTK chưa chú trọng khảo sát kỹ lưỡng lưu lượng, thành phần xe, phân bổ lưu lượng xe giữa các tuyến đường trong khu vực dự án3, chưa đưa ra các kịch bản dự báo lưu lượng giao thông, do đó khi tính toán đề xuất cường độ mặt đường yêu cầu (Eyc) và quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án,... chưa có cơ sở để xem xét, quyết định. Khi thiết kế kết cấu áo đường chưa làm đủ các thí nghiệm chỉ tiêu cơ lý của các loại vật liệu phục vụ xây dựng; chưa có giải pháp chủ động phòng chống sạt trượt mái taluy hoặc ảnh hưởng của nước ngầm, xử lý nền đất yếu,…Đối với các tuyến đường đang khai thác khi nâng cấp, mở rộng việc khảo sát tình trạng đường cũ, đánh giá nguyên nhân hư hỏng mặt đường cũ chưa quan tâm đúng mức, do đó đã đưa ra các giải pháp thiết kế chưa phù hợp, phải điều chỉnh trong quá trình triển khai các bước tiếp theo. Đối với các tuyến mới phạm vi khảo sát chưa đầy đủ, chưa có đủ số liệu để nghiên cứu so sánh, lựa chọn phương án phù hợp;

- Trong công tác lập dự án còn thiếu và yếu về khâu “Tổng thể” nên các dự án luôn bị rơi vào tình trạng thiếu đồng bộ, phải điều chỉnh, bổ sung nhiều trong quá trình thực hiện; phát sinh nhiều vấn đề trong quá trình khai thác, đặc biệt là vấn đề an toàn giao thông và phát triển bền vững. Đặc biệt dự án có nhiều đơn vị tư vấn tham gia, chưa có đơn vị tư vấn tổng thể để ban hành các hồ sơ mẫu hướng dẫn thiết kế chung. Do đó, hồ sơ thiết kế chưa có sự thống nhất, đồng bộ về giải pháp kỹ thuật;

- Công tác giám sát của Chủ đầu tư, TVGS trong quá trình khảo sát dự án chưa quan tâm đúng mức; chưa kịp thời yêu cầu TVTK khắc phục các tồn tại, bổ sung số liệu khảo sát, thiết kế,... theo đề cương và hợp đồng đã ký kết;

- Công tác khảo sát, thiết kế tiến độ luôn bị yêu cầu cao về thời gian, khối lượng công tác khảo sát bị hạn chế, đặc biệt khi so sánh, lựa chọn các phương án tuyến, phương án vị trí cầu, các điểm khống chế (khu di tích lịch sử, khu vực tâm linh, công trình điện, đập thủy lợi,…) chưa thực hiện đầy đủ.

5.2. Giải pháp khắc phục:

Để khắc phục ngay tình trạng nêu trên, đề nghị Chủ đầu tư, TVTK, các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát và thực hiện một số nội dung sau:

- Khẩn trương lập kế hoạch cụ thể để triển khai khắc phục các tồn tại, vướng mắc nêu tại mục 5.1 văn bản này; khi trình hồ sơ BCNCKT có đầy đủ hồ sơ tài liệu cần thiết theo quy định, tránh tình trạng sửa chữa, cập nhật nhiều lần, các thủ tục nêu trên làm kéo dài thời gian thực hiện dự án; Chủ đầu tư chịu trách nhiệm kết quả thực hiện của mình trong quá trình triển khai dự án;

- Các Chủ đầu tư khi lựa chọn các tổ chức tư vấn thiết kế cần chủ động đề ra các tiêu chí cụ thể, năng lực kinh nghiệm của các tổ chức tư vấn thiết kế phù hợp với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án;

- Kiên quyết loại bỏ những đơn vị TVTK không đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm,… khi tham gia các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông;

- Chấn chỉnh, khắc phục kịp thời các thiếu sót, tồn tại, nêu tại mục 5.1 của văn bản này; nâng cao chất lượng của dịch vụ tư vấn, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, tiến độ, chất lượng góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án;

- Các chủ thể tham gia quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) phải nâng cao trách nhiệm và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình từ khảo sát, giám sát, thiết kế dự án đầu tư, tổ chức lựa chọn tư vấn thiết kế,…;

- Các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án: Tổ chức thực hiện nghiêm, tuân thủ các quy định của pháp luật đã được ban hành, siết chặt kỷ cương, bảo đảm quản lý chặt chẽ trong hoạt động đầu tư xây dựng; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có vi phạm quy trình về trình tự, thủ tục, chất lượng, tiến độ, quản lý chi phí theo quy định; nghiêm cấm các hành vi can thiệp vào các hoạt động đầu tư xây dựng trái pháp luật;

- Kiểm soát và xác định rõ: nguồn gốc, xuất xứ của vật liệu, vị trí mỏ vật liệu sử dụng cho công trình đảm bảo tuân thủ đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án. Chấn chỉnh công tác khảo sát nguồn vật liệu xây dựng, khi điều tra các mỏ vật liệu phải khảo sát kỹ lưỡng về vị trí, trữ lượng, chất lượng, đường vận chuyển,…;

- Nếu có thay đổi phương án thiết kế trong quá trình triển khai khảo sát, thiết kế bước BCNCKT so với quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, các Chủ đầu tư báo cáo Bộ GTVT xem xét, quyết định làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo; thực hiện nghiêm túc các nội dung trong báo cáo thẩm định, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Bộ GTVT;

- Tổ chức báo cáo đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ để kịp thời xử lý các tồn tại, khó khăn vướng mắc trong quá trình khảo sát, lập hồ sơ BCNCKT, để hạn chế tối đa các tồn tại, khiếm khuyết khi trình thẩm định, phê duyệt BCNCKT tại Bộ GTVT, đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu.

6. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư:

- Trong quá trình lập BCNCKT Chủ đầu tư, tư vấn kiểm tra rà soát kỹ lưỡng, tính toán chính xác khối lượng, phạm vi ảnh hưởng GPMB, tái định cư (nếu có), đất rừng tự nhiên (nếu có),…; làm việc với các cơ quan có liên quan quản lý hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, cáp quang, đường ống xăng dầu,…) để lập phương án di dời cho phù hợp, tránh tình trạng điều chỉnh nhiều lần ảnh hưởng đến TMĐT, tiến độ dự án;

- Thực hiện việc lập khung chính sách GPMB (nếu có) trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; làm việc với các sở, ngành chính quyền địa phương nơi dự án đi qua để cập nhật kế hoạch sử dụng đất, đơn giá đất, vật kiến trúc trên đất, hoa màu,… được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế;

- Rà soát thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đất đai năm 2013, NĐ số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật thực hiện nghiêm túc theo các quy định tại Nghị định của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các quy định khác có liên quan.

7. Tổ chức thực hiện dự án:

- Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đề nghị các Chủ đầu tư khẩn trương lập kế hoạch triển khai dự án (phê duyệt kế hoạch lựa chọn TVTK, phê duyệt đề cương KSTK, kế hoạch triển khai đánh giá tác động môi trường, giám sát cộng đồng, khung chính sách GPMB (nếu có), khảo sát, điều tra hiện trạng rừng tự nhiên, hồ sơ chuyển đổi đất rừng (nếu có), thời gian khảo sát, thiết kế, tiến độ báo cáo đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ, tiến độ trình duyệt BCNCKT,…), gửi về Bộ GTVT trước ngày 15/10/2021 để theo dõi, chỉ đạo theo yêu cầu;

- Khẩn trương phê duyệt đề cương nhiệm vụ, phương án kỹ thuật, dự toán chi phí công tác khảo sát, thiết kế BCNCKT gửi về Bộ GTVT (qua Cục QLXD & CLCTGT) để theo dõi;

- Thực hiện nghiêm túc kế hoạch triển khai dự án do các Chủ đầu tư lập báo cáo Bộ GTVT, là cơ sở theo dõi, chỉ đạo điều hành, đáp ứng mục tiêu, đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu trong quá trình triển khai dự án. Lập kế hoạch triển khai các nhiệm vụ nêu tại văn bản này, Chủ đầu tư kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa các tồn tại, khiếm khuyết đã được chỉ ra trong quá trình triển khai dự án;

- Trong quá trình triển khai dự án nếu có khó khăn, vướng mắc Chủ đầu tư kịp thời báo cáo Bộ GTVT xem xét, quyết định.

Để nâng cao chất lượng, tiến độ, giá thành khi triển khai dự án KCHTGT, đề nghị Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các Sở giao thông vận tải và các cơ quan, các đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng, tiến độ, giá thành xây dựng công trình và các nội dung của Chỉ thị số 05-CT/BCSĐ ngày 26/8/2020; Chỉ thị 07/CT-BGTVT ngày 25/8/2020, các Chỉ thị, văn bản chỉ đạo có liên quan của Bộ Giao thông vận tải./.

(Gửi kèm theo là các Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 23/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị 05-CT/BCSĐ ngày 26/8/2020 của Ban cán sự Đảng Bộ GTVT; Chỉ thị 07/CT-BGTVT ngày 25/8/2020 của Bộ GTVT).

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông (để b/c);
- Thứ trưởng Lê Đình Thọ (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm (để b/c);
- PCT Lê Quyết Tiến;
- Các Vụ: KHĐT, KHCN, KCHTGT, Môi trường (để p/h);
- Các Ban QLDA trực thuộc các tỉnh (Sở GTVT các tỉnh sao gửi);
- Các đơn vị có liên quan (Chủ đầu tư sao gửi);
- Các đơn vị trong Cục QLXD&CL CTGT;
- Lưu: VP, DAĐT1(Trình).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Bách Tùng

 



[1] Khoản 5, Điều 12 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

[2] Điểm d, khoản 3, Điều 14 Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

3 Quyết định số 543/QĐ/BGTVT ngày 21/3/2018 của Bộ GTVT.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2900/CQLXD-DAĐT1 năm 2021 về tăng cường công tác quản lý chất lượng, tiến độ khi triển khai công tác khảo sát, thiết kế lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng do Bộ Giao thông vận tải là cấp quyết định đầu tư của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông ban hành

  • Số hiệu: 2900/CQLXD-DAĐT1
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/10/2021
  • Nơi ban hành: Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông
  • Người ký: Nguyễn Bách Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản