Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2852/UBND-VX
Về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 7 năm 2020

 

Kính gửi:

- Thủ trưởng các Sở - ban - ngành;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn.

Thực hiện Thông báo số 257/TB-VPCP ngày 27 tháng 7 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và ý kiến kết luận của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Thành phố ngày 28 tháng 7 năm 2020; Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở - ban - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn tiếp tục nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:

1. Tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác; tiếp tục quán triệt thực hiện kiên trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly- Khoanh vùng - Dập dịch (đặc biệt chú trọng khâu phát hiện) chỉ đạo theo phương châm phù hợp trong tình hình mới là “phòng dịch sớm - phát hiện kịp thời - cách ly triệt để”. Phát huy tinh thần "mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch", phải tự giác bảo vệ chính bản thân và gia đình trước nguy cơ dịch bệnh.

2. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo tại Công văn số 2820/UBND-VX ngày 26 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Giao Sở Y tế - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố về phòng, chống dịch COVID-19 chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện khẩn cấp và kịp thời các nội dung cụ thể sau:

a. Tăng cường giám sát, lấy mẫu và xét nghiệm tất cả các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp hoặc viêm phổi trong cơ sở y tế, các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tổ chức giám sát trên diện rộng để phát hiện nguồn lây, đặc biệt khi ghi nhận chùm ca có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp trong khu dân cư. Yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc nhắc nhở người có triệu chứng viêm hô hấp cấp đến mua thuốc chủ động đến cơ sở y tế khai báo và kiểm tra sức khỏe; chủ động ghi nhận thông tin và báo cho phòng y tế và trung tâm y tế địa phương để giám sát, theo dõi.

b. Lực lượng y tế triển khai các quy trình xử lý chuẩn và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong thời gian tiếp theo; đảm bảo năng lực truy vết, xét nghiệm nhanh để kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để khi phát sinh ca bệnh; sẵn sàng các cơ sở cách ly tập trung tại quận, huyện để tổ chức cách ly người tiếp xúc với ca bệnh, ca nghi ngờ.

c. Chỉ đạo, hướng dẫn tất cả cơ sở khám chữa bệnh củng cố, tăng cường hoạt động phân luồng, sàng lọc thông qua khai báo y tế để phát hiện người đến từ Đà Nẵng và các địa phương có phát sinh ca bệnh nhiễm COVID-19, đặc biệt là người có triệu chứng viêm hô hấp cấp để phát hiện, xử lý kịp thời theo hướng dẫn giám sát, cách ly điều trị và xét nghiệm của ngành y tế, đồng thời không để xảy ra lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế; sẵn sàng các khu vực cách ly tạm thời, khu cách ly điều trị trong cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo năng lực tiếp nhận người nghi ngờ mắc bệnh. Đề nghị Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh bị nhiễm COVID-19, đặc biệt là trường hợp bệnh nặng.

d. Tiếp tục tổ chức tốt hoạt động cách ly tập trung và giám sát chặt chẽ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong việc tiếp nhận công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước và chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao được nhập cảnh làm việc tại Thành phố, theo đúng hướng dẫn mới của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tại Công văn số 3949/CV-BCĐ ngày 24 tháng 7 năm 2020 về tăng cường đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 cho chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam làm việc (chuyên gia phải được xét nghiệm kiểm tra trước khi nhập cảnh).

đ. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát và cách ly người nhập cảnh; tuyên truyền, vận động, tăng cường giám sát trong cộng đồng nhằm phát hiện kịp thời người nhập cảnh bằng đường bộ không khai báo, chưa được cách ly kiểm dịch theo quy định để thực hiện cách ly và giám sát, ngăn ngừa nguy cơ xâm nhập dịch bệnh qua biên giới đường bộ, đường thủy lây lan trong cộng đồng.

e. Phát động toàn ngành tập trung mọi lực lượng phòng chống dịch COVID-19, đồng thời chú ý phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết, không để bùng phát, lan rộng trên địa bàn Thành phố.

4. Giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức về các biện pháp phòng chống dịch như vệ sinh khử khuẩn cá nhân, đeo khẩu trang nơi công cộng và hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, khuyến cáo người dân nếu không có việc gì cấp thiết thì không nên đến nơi có dịch, thông tin kịp thời về tình hình dịch trong giai đoạn mới. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin không đúng, sai sự thật về dịch COVID-19 gây hoang mang trong dư luận, nhất là đối với các cơ quan báo chí.

5. Giao Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao chủ động phối hợp với Sở Y tế để kịp thời xin ý kiến về việc tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người để được hướng dẫn cụ thể về công tác phòng, chống dịch phù hợp với tình hình hiện nay.

6. Đề nghị Sở Giao thông vận tải phối hợp Công an Thành phố và Sở Y tế thống nhất việc tổ chức giám sát đường bộ (xe du lịch, xe hợp đồng, các bến xe) đối với các tuyến xe từ Đà Nẵng và các địa phương có dịch vào Thành phố Hồ Chí Minh.

7. Giao Sở Công Thương tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến thị trường, đảm bảo đủ nguồn cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn Thành phố, tuyên truyền để người dân biết, an tâm và không tích trữ hàng hóa không cần thiết.

8. Đề nghị các sở, ngành tiếp tục triển khai thực hiện các Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với các lĩnh vực, gồm: hoạt động du lịch; giao thông vận tải; hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống; an toàn tại chợ đầu mối, chợ truyền thống (có nhà lồng), siêu thị, trung tâm thương mại; hoạt động bảo tàng, di tích; thư viện, phòng đọc sách và tổ chức tập luyện của các đơn vị hoạt động thể dục thể thao; cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, cần áp dụng linh hoạt và phù hợp với tình hình diễn biến của dịch.

9. Đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện duy trì chế độ báo cáo khẩn khi có trường hợp phát sinh và chế độ báo cáo định kỳ (03 ngày/ lần) cho Ủy ban nhân dân Thành phố, đồng thời gửi Sở Y tế - cơ quan thường trực để theo dõi và kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở - ban - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn chịu trách nhiệm triển khai thực hiện, các nội dung nêu trên. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn, đề nghị phản ánh về Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố) để được hướng dẫn cụ thể./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ; (để báo cáo)
- Bộ Y tế; (để báo cáo)
- Thường trực Thành ủy; (để báo cáo)
- Thường trực HĐND TP; (để báo cáo)
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB: CPVP;
- Các phòng NCTH;
- Lưu: VT, (VX-VNga)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Liêm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2852/UBND-VX năm 2020 về tiếp tục thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 2852/UBND-VX
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/07/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Thanh Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/07/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản