Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2805/BYT-KH-TC
V/v thông báo chương trình tín dụng đầu tư ưu đãi của BIDV cho y tế

Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2015

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,

Thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 04/3/2015 với Bộ Y tế và một số bộ, ngành về thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2015, chủ trương xã hội hóa để có bước đột phá đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Bộ Y tế đã làm việc với Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng dự kiến sẽ triển khai chương trình tín dụng đầu tư ưu đãi đối với ngành y tế, quy mô khoảng 20.000 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị nhằm giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Hiện nay, số giường bệnh trên 1 vạn dân mới đạt khoảng 23,5 giường (thực kê khoảng 28,1 giường), thấp hơn nhiều so với nhu cầu và khuyến cáo của WHO là 39 giường nên nhiều bệnh viện thuộc Bộ Y tế và một số bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đang trong tình trạng quá tải, có nhu cầu đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để giảm quá tải, phát triển các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao. Một số bệnh viện tuyến tỉnh trong hệ thống bệnh viện vệ tinh chưa được Ủy ban nhân cấp tỉnh bố trí ngân sách đối ứng, rất cần mua sắm trang thiết bị để thực hiện các kỹ thuật do các bệnh viện hạt nhân đào tạo, chuyển giao như phẫu thuật tim, can thiệp mạch, xạ trị, hóa trị....

Mặt khác, trong thời gian tới, giá dịch vụ y tế sẽ từng bước được tính đúng, tính đủ, bao gồm cả khấu hao; người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng chính sách xã hội đã được nhà nước mua và hỗ trợ mua thẻ BHYT, hầu hết chi phí khám, chữa bệnh sẽ do BHYT chi trả, nên các bệnh viện nếu vay vốn sẽ có nguồn để trả nợ vốn vay từ khấu hao.

Do đó việc vay vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị trong khi nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA còn hạn chế là rất cần thiết và có khả năng thực hiện được. Bộ Y tế thông báo nội dung của gói tín dụng nêu trên và đề nghị Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

1. Giao Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện nghiên cứu chương trình tín dụng đầu tư (kèm theo công văn này) để triển khai các nội dung sau:

a) Đối với các bệnh viện có nhu cầu vay vốn đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị để giảm tải, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hoặc vay vốn để hợp tác đầu tư theo các hình thức đã được quy định trong Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ nêu trên: Bệnh viện xây dựng Đề án báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt chủ trương và làm việc với BIDV để vay vốn.

b) Đối với các bệnh viện vệ tinh: căn cứ tình hình thực tế, nhu cầu trang thiết bị cần thiết phục vụ việc tiếp nhận và thực hiện các kỹ thuật đã được các bệnh viện hạt nhân đào tạo, chuyển giao kỹ thuật để xây dựng Đề án, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt chủ trương và làm việc với BIDV để vay vốn.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư, phương án vay và trả nợ vốn vay, bố trí ngân sách địa phương hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để bảo đảm phần vốn của chủ đầu tư theo các quy định hiện hành.

3. Trong khi chờ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt chủ trương, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư: đề nghị các bệnh viện có nhu cầu vay vốn có văn bản đăng ký, trong đó nêu rõ mục đích vay, số vốn dự kiến vay gửi về Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch Tài chính) trước ngày 28/5/2015 để Bộ Y tế tổng hợp và làm việc với BIDV về kế hoạch vốn.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Lưu: VT, KH-TC.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Kim Tiến

 

CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG DÀNH CHO Y TẾ

(Kèm theo công văn)

1. Quy mô chương trình: doanh số giải ngân 20.000 tỷ đồng. Cụ thể như sau:

- Cấu phần đầu tư trang thiết bị ngành y tế: 12.000 tỷ đồng;

- Cấu phần đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cơ sở hạ tầng bệnh viện và các phương án khác: 8.000 tỷ đồng;

2. Đối tượng cho vay:

- Đối tượng 1:

+ Các đơn vị sự nghiệp y tế có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư phát triển. Bao gồm các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện vệ tinh.

+ Các cơ sở thực hiện xã hội hóa của đơn vị sự nghiệp y tế công lập được hạch toán độc lập, tự chủ trong thu chi, có tư cách pháp nhân.

- Đối tượng 2:

+ Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế đủ điều kiện vay vốn.

3. Mục đích vay vốn: cơ cấu tài chính/cho vay để thực hiện đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ khám chữa bệnh; đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cơ sở hạ tầng bệnh viện; các dự án đầu tư, mua sắm khác phục vụ y tế.

4. Thời gian triển khai: bắt đầu từ ngày 01/5/2015 đến hết ngày 31/12/2017.

5. Đồng tiền giải ngân: VND.

6. Kỳ hạn cho vay:

- Đối với Cấu phần đầu tư trang thiết bị ngành y tế (đầu tư, nâng cấp máy móc thiết bị tiên tiến): tối đa 10 năm.

- Đối với Cấu phần đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cơ sở hạ tầng bệnh viện và các phương án khác: tối đa 20 năm.

7. Phương án trả nợ:

- Phương thức trả nợ gốc:

+ Thời gian ân hạn nợ gốc: Tối đa bằng thời gian thi công hoàn thành dự án.

+ Nợ gốc: Trả hàng Quý

- Phương thức trả nợ lãi:

+ Lãi trong thời gian ân hạn nợ gốc: nhập gốc 3 tháng/lần (trong trường hợp chưa trả được lãi).

+ Lãi trong thời gian hoạt động: trả hàng Quý

8. Về lãi suất cho vay:

Hai (02) năm đầu kể từ ngày giải ngân đầu tiên: áp dụng lãi suất cố định theo lãi suất tiết kiệm 12 tháng trả sau tại thời điểm ký HĐTD cộng (+) biên 1%/năm, tối đa 7,5%/năm.

- Từ năm thứ 3 đến hết thời gian vay vốn: áp dụng lãi suất cho vay thả nổi, lãi suất cho vay được xác định bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng trả sau cộng (+) lãi suất biên 2%/năm.

9. Mc cho vay tối đa:

- Đối với Cấu phần đầu tư trang thiết bị ngành y tế (đầu tư, nâng cấp máy móc thiết bị tiên tiến): có thể xem xét cho vay tối đa 100% tổng mức đầu tư.

- Đối với Cấu phần đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cơ sở hạ tầng bệnh viện và các phương án khác: Theo chính sách khách hàng của BIDV trong từng thời kỳ, tối đa 85% tổng mức đầu tư.

- Mức vốn tham gia cụ thể sẽ được quyết định trên cơ sở kết quả thẩm định của BIDV đối với từng dự án.

10. Điều kiện được cho vay theo chương trình tín dụng ưu đãi

- Khách hàng có đủ nguồn thu (từ phương án vay vốn hoặc từ nguồn ngân sách hỗ trợ thanh toán, nguồn thu hoạt động khác) đảm bảo trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng.

- Khách hàng được phép và cam kết chuyển tối thiểu toàn bộ doanh thu của phương án vay vốn qua tài khoản của khách hàng mở tại BIDV, sử dụng toàn bộ các dịch vụ ngân hàng liên quan đến phương án vay vốn tại BIDV.

- Khách hàng ưu tiên phối hợp cùng BIDV xây dựng và triển khai hệ thống thẻ Y tế thông minh có chức năng thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng khác của BIDV gồm: Thanh toán lương tự động; Lắp đặt máy POS tại các quầy thu ngân; Thu hộ tại địa điểm; Tiền gửi có kỳ hạn; Thanh toán trong nước; Thanh toán hóa đơn dịch vụ (điện, nước, cước viễn thông,...).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2805/BYT-KH-TC năm 2015 về chương trình tín dụng đầu tư ưu đãi của BIDV cho y tế do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 2805/BYT-KH-TC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 27/04/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản