Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/BKHCN-VP
V/v Trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hải Phòng

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2023

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng

Trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhận được Công văn số 1418/BDN ngày 07/11/2022 của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải quyết kiến nghị của cử tri Thành phố Hải Phòng. Bộ KH&CN xin trả lời như sau:

Nội dung kiến nghị: Cử tri kiến nghị nghiên cứu, xem xét xây dựng các cơ chế bảo đảm duy trì 2% ngân sách chi địa phương cho KH&CN; các cơ chế xây dựng dự toán, sử dụng ngân sách đặc thù đối với hoạt động nghiên cứu đến sản phẩm cuối cùng; cơ chế hỗ trợ đặc thù đối với các hoạt động KH&CN như thương mại hóa đối với các sản phẩm, hàng hóa tạo ra từ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Trả lời:

1. Về việc nghiên cứu, xem xét xây dựng các cơ chế bảo đảm duy trì 2% ngân sách chi địa phương cho KH&CN:

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho KH&CN. Giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư cho hoạt động KH&CN duy trì vào khoảng 2% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm, xấp xỉ 0,5% GDP nếu tính gồm cả chi quốc phòng an ninh và chi dự phòng. Ngân sách nhà nước chi cho KH&CN bao gồm kinh phí sự nghiệp KH&CN và kinh phí đầu tư phát triển KH&CN.

Đầu tư cho KH&CN trong những năm qua đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong đóng góp của xã hội, nhất là từ khu vực doanh nghiệp. Nếu như khoảng 10 năm trước đây, NSNN chiếm khoảng 70% đến 80% tổng đầu tư cho KH&CN thì đến nay đầu tư cho KH&CN từ NSNN và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%.

Trong đầu tư cho KH&CN, tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển (NC&PT) là một chỉ tiêu chính được sử dụng để đánh giá cường độ NC&PT của một quốc gia. Qua điều tra gần đây nhất được thực hiện vào năm 2019 về NC&PT cho thấy tổng chi quốc gia cho NC&PT của Việt Nam năm 2019 là 32.102 tỷ đồng, bằng 0,53% GDP, trong đó NSNN chiếm tỷ lệ 28,6% tương đương khoảng 0,15% GDP. Tỷ lệ giữa tổng chi quốc gia cho NC&PT trên GDP đã liên tục tăng ổn định từ mức 0,44% năm 2015 lên 0,53% năm 2019 chủ yếu là nhờ có sự gia tăng mạnh mẽ đầu tư của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp, tập đoàn có quy mô lớn.

Tuy nhiên, nếu so sánh với một số nước ngay trong khu vực ASEAN thì tỷ lệ tổng chi quốc gia cho NC&PT trên GDP của Việt Nam còn rất khiêm tốn (tỷ lệ này của Singapore là 1,84%, Malaysia là 1,44%, Thái Lan là 0,78%). Do đó trong giai đoạn tới, để thực hiện chủ trương đưa KH&CN trở thành động lực để phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, Việt Nam có các giải pháp tăng tỷ lệ tổng chi quốc gia cho NC&PT trên GDP. Việc này đòi hỏi những giải pháp để tăng phần tỷ trọng chi sự nghiệp KH&CN và chi đầu tư cho KH&CN trong tổng chi NSNN cho KH&CN cũng như cần có những giải pháp khơi thông nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN nói chung và cho NC&PT nói riêng.

Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ tổng hợp (Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để đề nghị Chính phủ quan tâm và bố trí kinh phí tăng thêm hơn nữa cho các địa phương, cố gắng bảo đảm theo đúng tinh thần của Luật KH&CN và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

2. Về việc xây dựng cơ chế lập dự toán, sử dụng ngân sách đặc thù đối với hoạt động nghiên cứu đến sản phẩm cuối cùng:

Bộ KH&CN đang phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi 02 Thông tư gồm: (1) Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; (2) Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của Bộ KH&CN, Bộ Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó nghiên cứu, bổ sung các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khuyến khích, thúc đẩy các nhà khoa học lựa chọn phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Dự kiến các Thông tư sửa đổi sẽ được ban hành trong năm 2023.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đang tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về việc đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết, Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014; bảo đảm tạo hành lang pháp lý xuyên suốt, thống nhất trong quá trình triển khai cơ chế khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN đến sản phẩm cuối cùng.

3. Về việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ đặc thù đối với các hoạt động KH&CN như thương mại hóa đối với các sản phẩm, hàng hóa tạo ra từ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ:

Để xây dựng cơ chế hỗ trợ đặc thù đối với hoạt động KH&CN, hiện nay, Bộ KH&CN đang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2023 Đề án “Thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh”[1]. Đề án được xây dựng theo hướng giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và trách nhiệm thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN (trừ một số trường hợp có sự điều tiết của Nhà nước liên quan đến quốc phòng, an ninh, môi trường và lợi ích cộng đồng); toàn bộ lợi nhuận thu được từ thương mại hoá được phân chia hợp lý giữa tổ chức chủ trì và các nhà khoa học/tác giả kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ (ưu tiên các nhà khoa học/tác giả kết quả nghiên cứu trực tiếp tham gia thương mại hoá kết quả nghiên cứu của mình); viên chức các đơn vị sự nghiệp được phép góp vốn bằng kết quả nghiên cứu/tài sản trí tuệ và tham gia điều hành doanh nghiệp khởi nguồn (Spin off); doanh nghiệp được quyền sử dụng kinh phí từ Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp theo thông lệ thương mại; tăng mức phân bổ ngân sách nhà nước dành cho nhiệm vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, coi đó là khoản tài trợ (không hoàn lại) cho tổ chức/cá nhân chủ trì, không phân biệt công lập hay ngoài công lập; tạo cơ chế đột phá cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp trong các viện nghiên cứu, trường đại học.

Bên cạnh đó để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN trước khi thương mại hóa đối với sản phẩm, hàng hóa KH&CN ra thị trường, Bộ KH&CN đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 70/2018/NĐ-CP, trong đó có sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước.

Trên đây là ý kiến trả lời của Bộ KH&CN đối với ý kiến của cử tri Thành phố Hải Phòng. Bộ KH&CN xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của cử tri và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cử tri Thành phố Hải Phòng đối với sự nghiệp phát triển KH&CN nước nhà trong thời gian tới./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban dân nguyện;
- Vụ KHTC, Cục PTTTDN;
- Lưu: VT, VP.

BỘ TRƯỞNG




Huỳnh Thành Đạt

 



[1] Nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 (khoản 1 mục IV).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 28/BKHCN-VP năm 2023 trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 28/BKHCN-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/01/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: Huỳnh Thành Đạt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/01/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản