Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2732/TCT-CS
V/v chính sách thuế TNDN.

Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 2013

 

Kính gửi:

- Cục Thuế tỉnh Bình Phước;
- Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé
(Địa chỉ: xã Minh Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước)

 

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 1372/CT-KTT2 ngày 11/10/2012 của Cục Thuế tỉnh Bình Phước về khoản chi phí trợ cấp thôi việc của Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé và công văn số 128/CSSB-KTTC ngày 02/10/2012 của Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé vướng mắc giảm 30% thuế TNDN năm 2011 và năm 2012. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về chi trả trợ cấp thôi việc

Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động thì khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đi làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm tính trả trợ cấp thôi việc cho lao động, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng Iương, cộng với phụ cấp lương, nếu có. Cách tính trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003, Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ, Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 và Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tại khoản 2, khoản 4 Điều 12 Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/04/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm quy định: “2. Thời gian để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động đó đến khi bị mất việc làm. Trường hợp, người lao động trước đó có thời gian làm việc ở khu vực nhà nước mà chưa được nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm, thì thời gian đó chỉ được tính để nhận trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật Lao động, Khoản trợ cấp thôi việc này do Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm của đơn vị mà người lao động bị mất việc làm trả cùng trợ cấp mất việc làm.

4. Trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc được trả trực tiếp một lần cho người lao động tại nơi làm việc hoặc tại nơi thuận lợi nhất cho người lao động và chậm nhất không quá 7 ngày, kể từ ngày người lao động bị mất việc làm.”

Tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/04/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm quy định: “Mức trích Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm từ 1% - 3% trên quỹ tiền lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và được hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông".

Tại điểm 4a Thông tư số 82/2003/TT-BTC ngày 14/8/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn trích lập, quản lý, sử dụng và hạch toán Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm tại doanh nghiệp quy định: “Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp dùng để chi trợ cấp thôi việc, mất việc làm theo quy định tại Điều 12, Điều 13 Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/04/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về việc làm."

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 thì chính sách bảo hiểm thất nghiệp được áp dụng thực hiện bắt buộc từ 01/01/2009 đối với người lao động là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng với người sử dụng lao động có sử dụng từ mười lao động trở lên. Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về cán bộ, công chức.

Từ ngày 01/01/2009 trở đi, thời gian người lao động tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được tính để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (do quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả) thay cho việc hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo như quy định tại Bộ luật Lao động và văn bản quy phạm pháp luật liên quan trước đây.

Tại điểm 2.17, khoản 2 Mục IV Phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính về thuế TNDN quy định khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN: “2.17. Trích, lập và sử dụng quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm và chi trợ cấp thôi việc cho người lao động không theo đúng chế độ hiện hành.”.

Tại điểm 2.11, khoản 2 Điều 6 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/07/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2012) quy định khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu Thuế TNDN: "Khoản trích lập Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm (trừ trường hợp doanh nghiệp không thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật được phép trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm); khoản chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động không theo đúng chế độ hiện hành”.

Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 180/2012/TT-BTC ngày 24/10/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính về chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động lại doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2012 quy định: “Điều 3. Xử lý tài chính về chi trợ cấp mất việc làm và số dư Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm tại doanh nghiệp:

1. Khi phát sinh chi trợ cấp mất việc làm doanh nghiệp được hạch toán khoản chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Thông tư này vào chi phí quản lý doanh nghiệp và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp.

Riêng năm 2012, doanh nghiệp được sử dụng số dư Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm đã trích lập theo quy định tại Thông tư số 82/2003/TT-BTC ngày 14/8/2003 của Bộ Tài chính đến 31/12/2011 (nếu có) để chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Nếu số dư Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm không đủ hoặc doanh nghiệp không có số dư Quỹ để chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động thì toàn bộ phần chi còn thiếu doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Trường hợp khi lập báo cáo tài chính năm 2012, nếu nguồn Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp còn số dư (sau khi đã chi trợ cấp mất việc làm trong năm 2012) doanh nghiệp hạch toán tăng thu nhập khác năm 2012 của doanh nghiệp, doanh nghiệp không được chuyển số dư Quỹ sang năm sau sử dụng.”.

2. Về giảm thuế TNDN:

Cục Thuế tỉnh Bình Phước đã có công văn số 380/CT-TTHT ngày 09/4/2012 trả lời Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé là phù hợp quy định.

Đề nghị Cục Thuế căn cứ văn bản quy phạm pháp luật và điều kiện thực tế đáp ứng của đơn vị để hướng dẫn đơn vị thực hiện theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC-TCT;
- Lưu: VT, CS(2b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Vũ Văn Cường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2732/TCT-CS năm 2013 chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 2732/TCT-CS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 20/08/2013
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Vũ Văn Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản