Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH LÀO CAI
SỞ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 271/SXD-QLCL
Về việc áp dụng Tiêu chuẩn thiết kế chịu động đất và thực hiện bảo trì các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Lào Cai, ngày 13 tháng 4 năm 2011

 

Kinh gửi:

- Các Chủ đầu tư,
- Các đơn vị hoạt động tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra TKKTTC các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

 

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/ 11/ 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật;

Căn cứ Quyết định số 28/2006/QĐ-BXD ngày 11/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành TCVN 375 : 2006 “Thiết kế công trình chịu động đất”;

Căn cứ Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06/12/2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng.

Xuất phát từ thực tế diễn biến phức tạp của tình hình khí hậu và địa chất toàn cầu trong những năm gần đây. Để đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng, hạn chế thiệt hại về tài sản và bảo vệ sinh mạng con người khi có động đất xảy ra, Sở Xây dựng Lào Cai yêu cầu các Chủ đầu tư, các đơn vị hoạt động tư vấn thiết kế công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai khi thiết kế xây dựng công trình phải thực hiện tính toán khả năng chịu động đất theo TCVN 375 : 2006 “Thiết kế công trình chịu động đất” và thực hiện quy trình bảo trì đối với các công trình xây dựng, một số nội dung cụ thể sau:

I/. THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH CHỊU ĐỘNG ĐẤT (Theo TCVN 375 : 2006):

1. Phạm vi áp dụng Tiêu chuẩn thiết kế công trình chịu động đất.

Tiêu chuẩn này áp dụng để thiết kế nhà và công trình xây dựng trong vùng có động đất. Mục đích của tiêu chuẩn này là để bảo đảm trong trường hợp có động đất thì: Sinh mạng con người được bảo vệ, các hư hỏng được hạn chế, những công trình quan trọng có chức năng bảo vệ dân sự vẫn có thể duy trì hoạt động.

(Những công trình đặc biệt như nhà máy điện hạt nhân, công trình ngoài khơi và các đập lớn nằm ngoài phạm vi quy định của tiêu chuẩn này).

2. Yêu cầu về tính năng và các tiêu chí cần tuân theo:

- Kết cấu công trình trong vùng có động đất phải được thiết kế và thi công sao cho thoả mãn những yêu cầu sau đây:

+ Yêu cầu không sụp đổ: Kết cấu phải được thiết kế và thi công để chịu được tác động động đất thiết kế mà không bị sụp đổ cục bộ hay sụp đổ toàn phần, đồng thời giữ được tính toàn vẹn của kết cấu và còn một phần khả năng chịu tải trọng sau khi động đất xảy ra.

+ Yêu cầu hạn chế hư hỏng: Công trình phải được thiết kế và thi công để chịu được tác động động đất có xác suất xảy ra lớn hơn so với tác động động đất thiết kế, mà không gây hư hại và những hạn chế sử dụng kèm theo vì những chi phí khắc phục có thể lớn hơn một cách bất hợp lý so với giá thành bản thân kết cấu.

- Giới hạn các trạng thái cực hạn và trạng thái hạn chế hư hỏng phải được kiểm tra để thỏa mãn những yêu cầu cơ bản cho kết cấu công trình trong vùng có động đất:

+ Các trạng thái cực hạn là các trạng thái liên quan tới sự sụp đổ hoặc các dạng hư hỏng khác của kết cấu có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của con người.

+ Các trạng thái hạn chế hư hỏng là các trạng thái liên quan tới sự hư hỏng mà vượt quá sẽ làm cho một số yêu cầu sử dụng cụ thể không còn được thoả mãn.

3. Mức độ và hệ số tầm quan trọng các công trình khi tính toán chịu động đất:

Phụ lục F (Theo TCVN 375 : 2006)

Mức độ quan trọng

Công trình

Hệ số tầm quan trọng (γi)

Đặc biệt

Công trình có tầm quan trọng đặc biệt, không cho phép hư hỏng do động đất

- Đập bêtông chịu áp chiều cao >100m;

- Nhà máy điện có nguồn nguyên tử;

- Nhà để nghiên cứu sản xuất thử các chế phẩm sinh vật kịch độc, các loại vi khuẩn, mầm bệnh thiên nhiên và nhân tạo (chuột dịch, dịch tả, thương hàn .v.v…);

- Công trình cột, tháp cao hơn 300 m;

- Nhà cao tầng cao hơn 60 tầng.

Thiết kế với gia tốc lớn nhất có thể xảy ra

I

Công trình có tầm quan trọng sống còn với việc bảo vệ cộng đồng, chức năng không được gián đoạn trong quá trình xảy ra động đất

- Công trình thường xuyên đông người có hệ số sử dụng cao: công trình mục I-2.a, I-2.b, I-2.d, I-2.h, I-2.k, I-2.l, I-2.m có số tầng, nhịp, diện tích sử dụng hoặc sức chứa phân loại cấp I;

- Công trình mà chức năng không được gián đoạn sau động đất: Công trình công cộng I-2.c diện tích sử dụng phân loại cấp I;

- Công trình mục II-9.a, II-9.b; công trình mục V-1.a, V-1.b phân loại cấp I;

- Kho chứa hoặc tuyến ống có liên quan đến chất độc hại, chất dễ cháy, dễ nổ: công trình mục II-5.a, II-5.b, mục II-5.c phân loại cấp I, II;

- Nhà cao tầng cao từ 20 tầng đến 60 tầng, công trình dạng tháp cao từ 200 m đến 300 m.

1,25

II

Công trình có tầm quan trọng trong việc ngăn ngừa hậu quả động đất, nếu bị sụp đổ gây tổn thất lớn về người và tài sản

- Công trình thường xuyên đông người, có hệ số sử dụng cao: công trình mục I-2.a, I-2.b, I-2.d, I-2.h, I-2.k, I-2.l, I-2.m có nhịp, diện tích sử dụng hoặc sức chứa phân loại cấp II;

- Trụ sở hành chính cơ quan cấp tỉnh, thành phố, các công trình trọng yếu của các tỉnh, thành phố đóng vai trò đầu mối như: Công trình mục I-2.đ, I-2.g, I-2.h có nhịp, diện tích sử dụng phân loại cấp I, II;

- Các hạng mục quan trọng, lắp đặt các thiết bị có giá trị kinh tế cao của các nhà máy thuộc công trình công nghiệp mục II-1 đến II-4, từ II-6 đến II-8; từ II-10 đến II-12, công trình năng lượng mục II-9.a, II-9.b; công trình giao thông III-3, III-5; công trình thuỷ lợi IV-2; công trình hầm III-4; công trình cấp thoát nước V-1 tất cả thuộc phân loại cấp I, II;

- Các công trình quốc phòng, an ninh;

- Nhà cao tầng cao từ 9 tầng đến 19 tầng, công trình dạng tháp cao từ 100 m đến 200 m.

1,00

III

Công trình không thuộc mức độ đặc biệt và mức độ I, II, IV

- Nhà ở mục I-1, nhà làm việc mục I-2.đ, nhà triển lãm, nhà văn hoá, câu lạc bộ, nhà biểu diễn, nhà hát, rạp chiếu bóng, rạp xiếc phân loại cấp III;

- Công trình công nghiệp mục II-1 đến II-4, từ II-6 đến II-8; từ II-10 đến II-12 phân loại cấp III diện tích sử dụng từ 1000 m2 đến 5000 m2;

- Nhà cao từ 4 tầng đến 8 tầng, công trình dạng tháp cao từ 50 m đến 100 m;

- Tường cao hơn 10 m.

0,75

IV

Công trình có tầm quan trọng thứ yếu đối với sự an toàn sinh mạng con người

- Nhà tạm: cao không quá 3 tầng;

- Trại chăn nuôi gia súc 1 tầng;

- Kho chứa hàng hoá diện tích sử dụng không quá 1000 m2

- Xưởng sửa chữa, công trình công nghiệp phụ trợ; từ mục II-1 đến II-4, từ II-6 đến II-8; từ II-10 đến II-12 phân loại cấp IV;

- Công trình mà sự hư hỏng do động đất ít gây thiệt hại về người và thiết bị quý giá.

Không yêu cầu tính toán kháng chấn

Ghi chú: Công trình ứng với mục có mã số kèm theo xem chi tiết trong Phụ lục G (TCVN 375 : 2006).

4. Bảng phân vùng gia tốc nền theo địa danh hành chính:

Địa danh

Toạ độ

Gia tốc nền (*)

Kinh độ

Vĩ độ

- Thị xã Lào Cai

(P. Cốc Lếu)

103.968527

22.507091

0.1116

- Thị xã Cam Đường

(P. Pom Hán)

104.015955

22.418044

0.0972

- Huyện Bắc Hà

(TT. Bắc Hà)

104.291493

22.539511

0.0593

- Huyện Bảo Thắng

(TT. Phố Lu)

104.186728

22.318476

0.1094

- Huyện Bảo Yên

(TT. Phố Ràng)

104.476475

22.237354

0.1132

- Huyện Bát Xát

(TT. Bát Xát)

103.893608

22.537018

0.1042

- H.Mường Khương

(TT. Mường Khương)

104.102986

22.771342

0.0384

- Huyện Sa Pa

(TT. Sa Pa)

103.845575

22.335158

0.0427

- Huyện Văn Bàn

(TT. Khánh Yên)

104.250796

22.091811

0.0567

- Huyện Si Ma Cai

(Si Ma Cai)

104.294585

22.697517

0.0291

(*) - Đỉnh gia tốc nền agR đã được quy đổi theo gia tốc trọng trường.

Từ đỉnh gia tốc nền agR có thể chuyển đổi sang cấp động đất theo thang MSK-64, thang MM hoặc các thang phân bậc khác, khi cần áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế chịu động đất khác nhau.

Theo giá trị gia tốc nền thiết kế ag = gi.agR, chia thành ba trường hợp động đất:

- Động đất mạnh ag ³ 0,08g, phải tính toán và cấu tạo kháng chấn

- Động đất yếu 0,04g £ ag < 0,08g, chỉ cần áp dụng các biện pháp kháng chấn đã được giảm mhẹ.

- Động đất rất yếu ag < 0,04g, không cần thiết kế kháng chấn.

(Tuy nhiên không thiết kế chịu động đất như nhau đối với mọi công trình mà công trình khác nhau thì thiết kế chịu động đất khác nhau. Tuỳ theo mức độ, tầm quan trọng của công trình cụ thể để áp dụng hệ số tầm quan trọng γi thích hợp).

5. Bảng chuyển đổi từ đỉnh gia tốc nền sang cấp động đất

- Phụ lục k (Theo TCVN 375 : 2006)

Thang MSK-64

Thang MM

Cấp động đất

Đỉnh gia tốc nền (a)g

Cấp động đất

Đỉnh gia tốc nền (a)g

V

0,012 - 0,03

V

0,03 - 0,04

VI

> 0,03 - 0,06

VI

0,06 - 0,07

VII

> 0,06 - 0,12

VII

0,10 - 0,15

VIII

> 0,12 -0,24

VIII

0,25 - 0,30

IX

> 0,24 - 0,48

IX

0,50 - 0,55

X

> 0,48

X

> 0,60

Trên đây là trích lược một số nội dung về phạm vi áp dụng, những yêu cầu về tính năng và các tiêu chí cần tuân thủ theo tiêu chuẩn Thiết kế công trình chịu động đất - TCVN 375 : 2006; phân vùng gia tốc nền (cấp động đất) theo địa danh hành chính các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai, làm cơ sở cho việc áp dụng tính toán chịu động đất cho các công trình.

II/. BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG (Theo Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06/12/2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng):

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06/12/2010 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng về bảo trì công trình xây dựng; áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan tới quản lý, khai thác và sử dụng công trình xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Yêu cầu về bảo trì công trình:

a). Công trình và các bộ phận công trình khi đưa vào khai thác, sử dụng phải được bảo trì theo quy định của Nghị định số 114/2010/NĐ-CP.

Các công trình đã đưa vào khai thác, sử dụng trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thực hiện bảo trì theo quy định tại Điều 15 Nghị định này, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

b). Quy trình bảo trì công trình được lập phù hợp với các bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình, loại, cấp công trình và mục đích sử dụng của công trình.

c). Việc bảo trì công trình phải đảm bảo an toàn về người và tài sản và đảm bảo tối đa sự vận hành liên tục và an toàn của công trình.

3. Trách nhiệm lập quy trình bảo trì công trình:

a) Nhà thầu thiết kế xây dựng công trình có trách nhiệm lập và bàn giao cho chủ đầu tư quy trình bảo trì công trình, bộ phận công trình do mình thiết kế cùng với hồ sơ thiết kế;

b) Nhà thầu cung cấp thiết bị lắp đặt vào công trình có trách nhiệm lập và bàn giao cho chủ đầu tư quy trình bảo trì đối với thiết bị do mình cung cấp trước khi lắp đặt vào công trình;

c) Trường hợp nhà thầu thiết kế xây dựng công trình, nhà thầu cung cấp thiết bị lắp đặt vào công trình không lập được quy trình bảo trì thì chủ đầu tư có thể thuê tổ chức tư vấn khác có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật để lập quy trình bảo trì cho các đối tượng nêu trên và có trách nhiệm chi trả chi phí tư vấn…..

4. Trách nhiệm bảo trì công trình của các tổ chức, cá nhân:

a). Những tổ chức, cá nhân sau đây có trách nhiệm bảo trì công trình:

- Chủ sở hữu công trình;

- Người quản lý công trình hoặc người sử dụng công trình khi được chủ sở hữu ủy quyền;

- Người sử dụng công trình trong trường hợp chưa xác định được chủ sở hữu công trình.

b). Trường hợp công trình có nhiều chủ sở hữu thì ngoài việc chịu trách nhiệm bảo trì phần công trình thuộc sở hữu riêng của mình, các chủ sở hữu có trách nhiệm bảo trì cả phần công trình thuộc sở hữu chung theo quy định của pháp luật có liên quan.

c). Người có trách nhiệm bảo trì công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự cố hay xuống cấp của công trình do không thực hiện bảo trì công trình theo các quy định của Nghị định này….

Sở Xây dựng Lào Cai xin trích lược và giới thiệu một số nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, yêu cầu về bảo trì công trình, trách nhiệm lập quy trình bảo trì và thực hiện công tác bảo trì công trình của các tổ chức, cá nhân theo Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06/12/2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng.

Đề nghị các Chủ đầu tư quan tâm triển khai thực hiện áp dụng việc thiết kế chịu động đất các công trình khi lập dự án đầu tư xây dựng, triển khai công tác bảo trì, đảm bảo an toàn, tăng tuổi thọ cho các công trình xây dựng, hạn chế thiệt hại về tài sản và tính mạng con người trong quá trình sử dụng, đặc biệt khi có động đất xảy ra;

Yêu cầu các tổ chức tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra nghiên cứu nội dung chi tiết, những quy định trong thiết kế đối với từng loại công trình, từng loại kết cấu công trình cụ thể theo tiêu chuẩn Thiết kế công trình chịu động đất - TCVN 375 : 2006 để áp dụng trong tính toán thiết kế cho phù hợp; Nghiên cứu lập và thẩm tra các nội dung về quy trình bảo trì cho các công trình, tuân thủ theo Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06/12/2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- UBND tỉnh (b/c);
- Cục Giám định - Bộ XD (b/c)
- Đ/c Nguyễn Thanh Dương-PCT UBND tỉnh (b/c);
- Sở Tài chính; KBNN tỉnh; Sở Giao thông; Sở KH&ĐT; Sở Công nghiệp; Sở NN&PTNT; (p/h);
- UBND các huyện, thành phố;
- Phòng công thương các huyện, phòng QLĐT thành phố;
- Lãnh đạo Sở;
- Lưu VP, QLCL;
- Đăng trên trang thông tin điện tử Sở Xây dựng Lào Cai
(http://egov.laocai.gov.vn/sites/soxaydung). Văn

KT.GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Phạm Duy Hộ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 271/SXD-QLCL áp dụng Tiêu chuẩn thiết kế chịu động đất và thực hiện bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai ban hành

  • Số hiệu: 271/SXD-QLCL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 13/04/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Phạm Duy Hộ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản