Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25539/CTHN-TTHT
V/v thuế GTGT đối với hoạt động nhận viện trợ

Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 2022

 

Kính gửi: Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES)
(Địa chỉ: Nhà 16, ngõ 34/23 đường Nguyên Hồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội; MST: 0103639905)

Trả lời văn bản số 02.2022/CV-CECODES ngày 09/5/2022 và văn bản số 01.2022/CV-CECODES ngày 30/3/2022 của Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES) (sau đây gọi tắt là Trung tâm) vướng mắc về thuế GTGT đối với hoạt động nhận viện trợ, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ khoản 6 Điều 1 Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

“6. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 10. Thuế suất

1. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại Điều 13 của Luật này.

Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% quy định tại khoản này chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

2. Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá hai mươi tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%.

Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là doanh thu của năm trước liền kề.

3. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.”

- Căn cứ Nghị định số 80/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức (sau đây gọi tắt là viện trợ) thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại Điều 1 Nghị định này.

2. Bên cung cấp viện trợ trong Nghị định này là các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thiện chí tôn trọng và chấp hành luật pháp Việt Nam, bao gồm:

a) Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức phi lợi nhuận, các quỹ xã hội, quỹ tư nhân được thành lập theo luật pháp nước ngoài;

b) Các cá nhân nước ngoài, bao gồm cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

c) Các doanh nghiệp, công ty được thành lập theo luật pháp nước ngoài không bao gồm các tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư;

d) Các tổ chức nghiên cứu và đào tạo được thành lập theo luật pháp nước ngoài (bao gồm cả các viện nghiên cứu, tổ chức hợp tác thuộc chính phủ nước ngoài);

đ) Các bộ, cơ quan, tổ chức thuộc chính phủ nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao của các nước tại Việt Nam trực tiếp cung cấp khoản viện trợ, hoặc ủy quyền cho các tổ chức pháp nhân nước ngoài quản lý các khoản viện trợ mà việc tiếp nhận và thực hiện khoản viện trợ không yêu cầu phải ký kết chính thức theo quy định của Luật Điều ước quốc tế hoặc không yêu cầu bên Việt Nam ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Bên tiếp nhận viện trợ trong Nghị định này là các cơ quan, tổ chức Việt Nam được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ và hoạt động phù hợp với mục tiêu và nội dung của khoản viện trợ tiếp nhận:

a) Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động;

b) Các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ và quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập hợp pháp theo các quy định của pháp luật Việt Nam về hội, tổ chức khoa học và công nghệ, quỹ xã hội, quỹ từ thiện;

c) Doanh nghiệp xã hội tiếp nhận viện trợ để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường;

d) Các đối tượng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.”

Tại khoản 5 điều 3 quy định về giải thích từ ngữ

3. “Cơ quan chủ quản” bao gồm:

a) Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị và các cơ quan trực thuộc; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao; cơ quan trực thuộc Quốc hội; Kiểm toán Nhà nước; Văn phòng Chủ tịch nước; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh);

b) Trường hợp các khoản viện trợ nhân đạo không có địa chỉ cụ thể, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan chủ quản;

c) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định thành lập các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khoa học - công nghệ, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện và tổ chức khoa học và công nghệ;

d) Cơ quan trung ương của các tổ chức hội hoặc Liên hiệp hội được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

đ) Trường hợp bên tiếp nhận khoản viện trợ là doanh nghiệp xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh là cơ quan chủ quản.

4. “Chủ khoản viện trợ” là đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, thực hiện khoản viện trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ khoản viện trợ được gọi là “Chủ Dự án” trong trường hợp khoản viện trợ thực hiện theo phương thức chương trình, dự án.

5. “Khoản viện trợ” thuộc phạm vi của Nghị định này là hỗ trợ tài chính hoặc hàng hóa và dịch vụ không phải hoàn lại mà Bên cung cấp viện trợ dành cho Bên tiếp nhận viện trợ để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhân đạo, không nhằm mục đích thương mại, lợi nhuận.

- Căn cứ Điều 4 quy định nguyên tắc trong quản lý và sử dụng viện trợ

“1. Quản lý và sử dụng viện trợ phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Các khoản viện trợ chỉ được tiếp nhận, thực hiện, sử dụng khi đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt. Nguồn tiền viện trợ phải là nguồn tiền, tài sản hợp pháp.

3. Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm toàn diện trong quản lý và sử dụng hiệu quả khoản viện trợ.

4. Dòng tiền tiếp nhận và chi ra cho khoản viện trợ phải được thực hiện thông qua tài khoản tiếp nhận viện trợ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, được báo cáo đầy đủ theo quy định tại các Chương III, IV, V Nghị định này.

5. Viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước phải được dự toán, hạch toán, quyết toán đầy đủ vào ngân sách nhà nước.

6. Đối với các khoản viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước, Chủ khoản viện trợ được phép tự quản lý và chịu trách nhiệm về mục đích sử dụng viện trợ, kết quả sử dụng viện trợ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết với các nhà tài trợ. Chủ khoản viện trợ định kỳ báo cáo Cơ quan chủ quản để tổng hợp, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung.

…”

Tại khoản 2 Điều 7 quy định:

“2. Người đứng đầu cơ quan chủ quản phê duyệt:

a) Các khoản viện trợ không quy định tại khoản 1 Điều này và các khoản viện trợ khắc phục hậu quả được viện trợ trực tiếp cho một bộ, ngành, địa phương không phụ thuộc vào quy mô khoản viện trợ.

b) Các khoản viện trợ mà bên tiếp nhận là các tổ chức do cơ quan chủ quản ra quyết định cho phép thành lập hoặc phê duyệt điều lệ hoặc cấp Giấy đăng ký hoạt động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bên tiếp nhận viện trợ, trừ các tổ chức do Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập.”

Tại điều 25 quy định:

“Điều 25. Thuế đối với các khoản viện trợ

Thuế đối với các khoản viện trợ thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.”

- Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:

Tại Điều 4 quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ

“1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này”

- Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT:

Tại khoản 1 Điều 5 quy định trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT:

“Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT:

1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.

Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.

Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.”

Tại khoản 15 Điều 10 quy định:

“Điều 10. Thuế suất 5%

...15. Dịch vụ khoa học và công nghệ là các hoạt động phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ; chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn bức xạ, hạt nhân và năng lượng nguyên tử; dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội theo hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ quy định tại Luật Khoa học và công nghệ, không bao gồm trò chơi trực tuyến và dịch vụ giải trí trên Internet.”

Tại điều 11 quy định về đối tượng chịu thuế GTGT 10%:

“Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.

Các mức thuế suất thuế GTGT nêu tại Điều 10, Điều 11 được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại...”

- Căn cứ khoản 7 Điều 8 Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp như sau:

“Điều 8. Thu nhập được miễn thuế

7. Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.

Trường hợp tổ chức nhận tài trợ sử dụng không đúng mục đích các khoản tài trợ trên thì tổ chức nhận tài trợ phải tính nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên phần sử dụng sai mục đích trong kỳ tính thuế phát sinh việc sử dụng sai mục đích.

Tổ chức nhận tài trợ quy định tại Khoản này phải được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán thống kê.”

Căn cứ quy định trên và hồ sơ kèm theo của đơn vị, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

Trường hợp Trung tâm nhận tiền viện trợ không hoàn lại từ Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc để thực hiện dự án số 00100002 nghiên cứu về “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công” mà khoản viện trợ này không thuộc nguồn thu ngân sách Nhà nước và thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 80/2020/NĐ-CP của Chính phủ nêu trên thì khi nhận tiền, Trung tâm lập chứng từ thu theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 219/TT-BTC. Khoản tài trợ nhận được nếu đáp ứng quy định tại khoản 7 Điều 8 Thông tư 78/2014/TT-BTC là thu nhập được miễn thuế TNDN.

Trường hợp khoản viện trợ không đáp ứng quy định tại Nghị định số 80/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì khi cung cấp dịch vụ, Trung tâm phải lập hóa đơn, kê khai, nộp thuế GTGT, thuế TNDN theo quy định.

Đề nghị Trung tâm căn cứ các quy định của pháp luật được trích dẫn nêu trên và đối chiếu với tình hình thực tế để thực hiện đúng theo quy định.

Trong quá trình thực hiện chính sách thuế, trường hợp còn vướng mắc, Trung tâm có thể tham khảo các văn bản hướng dẫn của Cục Thuế TP Hà Nội được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn hoặc liên hệ với Phòng Quản lý hộ kinh doanh, cá nhân và thu khác để được hỗ trợ giải quyết.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES) được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng NVDTPC;
- Phòng CNTK;
- Website Cục thuế;
- Lưu: VT, TTHT(2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Tiến Trường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 25539/CTHN-TTHT năm 2022 về thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động nhận viện trợ do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 25539/CTHN-TTHT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 03/06/2022
  • Nơi ban hành: Cục thuế thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Tiến Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/06/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản