HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU NHÀ NƯỚC CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2472/HĐNTNN | Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2009 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (HĐNTNN), kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả khắc phục sự cố và các khiếm khuyết kỹ thuật của thiết bị và tình hình vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất như sau:
1- Việc khắc phục sự cố rò rỉ trên thân van bít PV-1501 (do nhà cung cấp Remosa- Ý sản xuất) tại phân xưởng Cracking xúc tác (RFCC- U015).
Khi vào kiểm tra nhà máy, Thủ tướng đã được nghe báo cáo trực tiếp về sự cố hỏng van PV- 1501. Nhà thầu một mặt vừa tiến hành sửa chữa phục hồi để phục vụ cho việc chạy thử, vừa đặt hàng mới toàn bộ van từ nhà sản xuất Remosa, kèm theo một số vật tư phụ tùng thay thế thiết yếu nhất cho việc sửa chữa phục hồi van. Cuối tháng 9/2009 toàn bộ van đã được sửa chữa phục hồi và lắp đặt trở lại để chạy thử. Từ đó đến nay van hoạt động bình thường, không phát hiện hư hỏng; việc thay thế van mới mua do chủ đầu tư và nhà thầu thống nhất thực hiện vào một thời điểm thích hợp.
2- Kết quả khắc phục các khiếm khuyết kỹ thuật khác.
a) Một số van trong hệ thống xuất sản phẩm xăng bị rò rỉ, các van này ở vị trí đầu ra để tính khối lượng sản phẩm xuất ra khỏi nhà máy nên không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Mặt khác các dòng sản phẩm xăng, dầu diezenl, dầu hỏa (kerosen), dầu FO có đường dẫn riêng hoàn toàn độc lập với nhau, không thể trộn lẫn được. Sản phẩm dầu hỏa sạch phải được một tổ chức Quốc tế độc lập (sheell) cấp chứng chỉ thì mới được dùng cho máy bay.
Hiện nay 13 van bị rò rỉ phải thay thế với thời gian mất khoảng 3 tháng, tuy nhiên việc rò rỉ này không ảnh hưởng đến vận hành an toàn của nhà máy, chủ đầu tư cần chủ động phối hợp với nhà thầu lập kế hoạch thay thế các van này vào thời điểm thích hợp.
b) Tại phân xưởng Crăcking xúc tác (RFCC- U015): sau khi vận hành trở lại có 01 thiết bị lọc xúc tác trong dầu cặn bị rò rỉ, nhà thầu đã nhanh chóng khắc phục xong, hiện nay phân xưởng hoạt động bình thường; sản phẩm dầu cặn sau khi tách xúc tác đạt tiêu chuẩn dự án. Không phát hiện hiện tượng ăn mòn đường ống sau khi kiểm tra toàn bộ hệ thống. Chủ đầu tư cần thường xuyên lấy mẫu kiểm tra, đảm bảo xúc tác không lẫn vào hệ thống cung cấp dầu nhiên liệu cho nhà máy và cần có quy trình vận hành phù hợp.
c) Phân xưởng thu hồi lưu huỳnh (SRU- U022): do nhiên liệu đầu vào (dầu thô), được khai thác ở mỏ mới cung cấp cho nhà máy, có phần dầu nhẹ tăng hơn, phần dầu nặng giảm đi, do đó trong thời gian chạy thử vừa qua các phân xưởng chỉ hoạt động ở 60- 70% công suất, nên khí thải không ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay nhà thầu Technip đã điều chỉnh hoạt động của thiết bị phản ứng của phân xưởng thu hồi lưu huỳnh bảo đảm chạy 100% công suất thiết kế với các loại dầu ngọt có ở các mỏ của Việt Nam. Sau này khi nhập dầu chua của nước ngoài, sẽ phải mở rộng phân xưởng để xử lý, thu hồi lưu huỳnh.
d) Phao nhập dầu không bến (U-082): do 2 bình chứa chất lỏng thủy lực bị rò rỉ, làm giảm áp suất đóng mở van của phao (van UV-506/508/509) và 05 thiết bị hiển thị công tắc hành trình van (Limit Switch) bị hỏng; vì vậy việc nhập dầu thô phải thao tác bằng tay, hoặc phải thường xuyên cung cấp khí nitơ để giữ áp suất đóng mở van. Nhà thầu có kế hoạch thay 2 bình chứa chất lỏng thủy lực bị rò rỉ vào giữa tháng 11/2009; mua mới các thiết bị hiển thị công tắc hành trình và đã đưa về công trường, nhưng phải chờ điều kiện thời tiết cho phép (khoảng tháng 2/2010) mới thay được, do có dòng chảy mạnh ở khu vực phao.
e) Phân xưởng cung cấp nước biển làm mát (U-034): sau cơn bão số 9 vừa qua, có xuất hiện hiện tượng cát xâm nhập lại vào phân xưởng, nhà thầu đã tích cực bơm hút cát (khối lượng cát được hút ra khoảng 20 tấn). Trước cơn bão số 11, không còn cát lắng đọng và xâm nhập vào thiết bị trong phân xưởng; sau cơn bão số 11, chưa kiểm tra lại được; trường hợp có cát xâm nhập, lại tiếp tục bơm hút cát. Việc cát xâm nhập vào phân xưởng chỉ có thể xảy ra trong mùa mưa bão. Hiện nay các thiết bị vẫn làm việc bình thường, về lâu dài chủ đầu tư cần có giải pháp ngăn cát xâm nhập vào vùng hút của bơm nước biển làm mát.
f) Phân xưởng xử lý nước thải (U-058): Hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp vi sinh đang vận hành theo thiết kế; nước nhiễm dầu được xử lý qua các bể xử lý vi sinh, sau đó qua bể lắng, từ bể lắng chuyển qua bể lọc cát, từ bể lọc cát chuyển ra bể lắng làm trong trước khi thải ra ngoài. Vừa qua nhà máy đã dùng nước (nước cứu hỏa) pha loãng nước thải ở giai đoạn xử lý vi sinh, nhằm mục đích điều chỉnh độ PH tạo điều kiện cho vi sinh phát triển trong giai đoạn đầu; khi vi sinh hoạt động ổn định chỉ cần điều chỉnh độ PH bằng hóa chất (axit hoặc kiềm) mà không phải pha loãng. Kết quả phân tích nước thải cho thấy các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép; không có việc pha loãng nước nhiễm dầu để thải trực tiếp ra biển.
g) Nhà máy điện của Nhà máy lọc dầu (U-040): Nhà máy lọc dầu Dung Quất có Nhà máy điện riêng để phục vụ vận hành với 4 tổ máy tổng công suất 108MW. Nhà máy chỉ sử dụng tối đa để vận hành là 52MW, công suất dự phòng còn lớn.
Việc kết nối với lưới điện Quốc gia nhằm tạo nguồn dự phòng khi có sự cố Nhà máy điện. Tuy nhiên hiện nay chưa kết nối được với lưới điện Quốc gia do có sự khác biệt lớn về tần số giữa 2 hệ thống. Để kết nối với lưới điện Quốc gia tạo nguồn dự phòng về điện thì chủ đầu tư cần có ý kiến của nhà chế tạo về điều chỉnh tần số và mời chuyên gia của họ phối hợp với EVN để có giải pháp hợp lý.
h) Đê chắn sóng: qua kết quả quan trắc sau bão số 9, Đê chắn sóng có dịch chuyển từ 3- 10cm, đặc biệt có 1 vị trí dịch chuyển hơn 1m; độ lún lớn nhất đo được ở 1 vị trí là 66,6cm. Trước bão số 9, đê làm việc bình thường, chuyển dịch kể trên do sóng biển lớn của bão số 9 gây ra. Chủ đầu tư đang mời nhà thầu Hà Lan (nhà thầu thi công) sang để khảo sát và có giải pháp khắc phục. Các hạng mục xây dựng khác đang hoạt động bình thường, không bị ảnh hưởng của bão.
i) Về công tác xử lý các điểm tồn tại nhỏ khác (Punch list): ngoài các khiếm khuyết nêu ở trên, còn có các điểm tồn tại nhỏ; theo báo cáo của chủ đầu tư tính đến ngày 5/11/2009 còn 2800 điểm; trong đó tồn tại loại A đã được xử lý xong, loại B còn 22 điểm, tồn tại loại C còn lại là 2778 điểm. Các điểm tồn tại loại A, B phải sửa chữa trước khi nghiệm thu, điểm tồn tại loại C chủ đầu tư cần lập danh mục phân loại để có kế hoạch sửa chữa cụ thể.
3. Kết luận.
Các khiếm khuyết nêu ở trên không ảnh hưởng đến vận hành an toàn của nhà máy, hiện nay nhà máy đang chạy thử đạt 100% công suất tại các phân xưởng công nghệ chính gồm: Chưng cất dầu thô (CDU); Refoocming xúc tác (CCR); Crắcking xúc tác (RFCC); Xử lý Naptha từ CDU bằng hyđro (NHT); Đồng phân hóa (ISOM); Xử lý LCO bằng hyđro (LCO-HDT); Thu hồi Propylene (PRU); và các sản phẩm đã sản xuất ra đạt tiêu chuẩn thiết kế.
4- Một số lưu ý với chủ đầu tư.
- Khẩn trương khắc phục các khiếm khuyết khi thời tiết thuận lợi mà không phải chờ đến tháng 2/2010.
- Hoàn thiện chặt chẽ quy trình vận hành các phân xưởng, bảo đảm nhà máy vận hành an toàn, sản phẩm đảm bảo chất lượng.
- Nồng độ CO tại phân xưởng RFCC cao hơn bình thường, cần phải sửa chữa van của bộ phận đốt CO (Coboiller) khi dừng nhà máy theo kế hoạch trong thời gian tới.
- Cần phải chạy phân xưởng thu hồi lưu huỳnh để đánh giá hiệu quả xử lý, thu hồi lưu huỳnh.
- Chủ đầu tư cần kiểm tra tổng thể, lập danh mục các tồn tại cần sửa chữa hoặc thay thế, ngoài các tồn tại đã nêu, để khắc phục vào lúc dừng nhà máy theo kế hoạch sắp tới để tránh dừng nhà máy nhiều lần.
- Các tồn tại đã nêu và đã lập thành danh mục, chủ đầu tư cần phân loại, làm rõ các tồn tại bắt buộc phải khắc phục trước khi nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng; các tồn tại có thể để lại trong thời gian vận hành và báo cáo HĐNTNN.
Trên đây là kết quả kiểm tra hiện trường trong thời gian vừa qua, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU |
- 1Công văn 6411/VPCP-KTN năm 2013 khắc phục sự cố tai nạn tại khu Đòng Vông, tỉnh Quảng Ninh do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 11060/VPCP-KTN năm 2013 vỡ đường ống cấp nước Nhà máy nước Sông Đà do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công điện 1633/CĐ-TTg năm 2016 về tập trung khắc phục sự cố công trình thủy điện sông Bung 2 trên địa bàn huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam do Thủ tướng Chính phủ điện
- 1Công văn 6411/VPCP-KTN năm 2013 khắc phục sự cố tai nạn tại khu Đòng Vông, tỉnh Quảng Ninh do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 11060/VPCP-KTN năm 2013 vỡ đường ống cấp nước Nhà máy nước Sông Đà do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công điện 1633/CĐ-TTg năm 2016 về tập trung khắc phục sự cố công trình thủy điện sông Bung 2 trên địa bàn huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam do Thủ tướng Chính phủ điện
Công văn 2472/HĐNTNN khắc phục sự cố và các khiếm khuyết kỹ thuật của thiết bị Nhà máy lọc dầu Dung Quất do Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng ban hành
- Số hiệu: 2472/HĐNTNN
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 12/11/2009
- Nơi ban hành: Hội đồng nghiệm thu nhà nước
- Người ký: Nguyễn Hồng Quân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/11/2009
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực