Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2443/TCHQ-GSQL
V/v xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng trong địa bàn hoạt động hải quan

Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2018

 

Kính gửi: Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh.

Trả lời công văn số 3836/HQHCM-GSQL ngày 19/12/2017 của Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh báo cáo vướng mắc trong quá trình xử lý hàng hóa phế liệu tồn đọng trong địa bàn hoạt động hải quan. Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài Chính hướng dẫn xử lý hàng tồn đọng; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quản lý chất thải nguy hại; trên cơ sở ý kiến của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại công văn số 463/TCMT- KSON ngày 09/3/2018 về xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng trong địa bàn hoạt động hải quan, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện việc xử lý hàng hóa tồn đọng phế liệu như sau:

1. Đối với các chi cục Hải quan nơi có hàng tồn đọng:

Chủ trì phân loại theo chủng loại, số lượng, khối lượng, thành phần, tính chất hàng hóa, phế liệu (phế liệu trong danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, phế liệu không trong danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, hàng hóa không phải là phế liệu, hàng hóa là chất thải nguy hại...) báo cáo Hội đồng xử lý hàng tồn đọng để thực hiện việc xác lập quyền sở hữu nhà nước về tài sản đối với các container hàng hóa đã được phân loại theo quy định của pháp luật hiện hành về xử lý hàng tồn đọng tại cảng biển, cửa khẩu.

2. Trên cơ sở các container hàng hóa phế liệu tồn đọng đã được phân loại, Hội đồng xử lý hàng tồn đọng lập, phê duyệt phương án xử lý theo hướng:

a) Về hình thức bán hàng hóa tồn đọng: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được xác lập sở hữu toàn dân.

b) Đối với chủng loại phế liệu trong danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất:

Bán thanh lý cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có năng lực sản xuất, xử lý, tái chế loại hàng hóa, phế liệu tương ứng, trực tiếp sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu tham gia đấu thầu thu mua.

c) Đối với chủng loại phế liệu không nằm trong danh sách phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; là chất thải thông thường, chất thải nguy hại, chất thải đi kèm phức tạp, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao:

- Chỉ các doanh nghiệp có năng lực xử lý, tái chế đối với loại hàng hóa, phế liệu tương ứng hoặc có năng lực xử lý loại chất thải tương ứng và đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, xác nhận đủ năng lực tham gia đấu thầu thu mua. Trong trường hợp không có đối tượng thu mua, thì tiến hành xử lý tiêu hủy theo quy định.

3. Trong trường hợp hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu có chủng loại, thành phần phức tạp, chất thải đi kèm rất phức tạp, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, các cơ sở tham gia đấu thầu thu mua phải có chức năng, kinh nghiệm và năng lực xử lý, tái chế loại hàng hóa phế liệu này: Yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện tương tự như xử lý đối với lốp ô tô cũ trước đây theo hướng lập danh sách thống kê báo cáo Tổng cục Hải quan số lượng hàng hóa tồn đọng, chủng loại để Tổng cục Hải quan phối hợp với Tổng cục Môi Trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục quản lý Công sản - Bộ Tài chính, tiến hành phân loại, xây dựng hồ sơ đăng ký thẩm định năng lực xử lý hàng hóa, phế liệu tồn đọng, tiếp nhận hồ sơ và đánh giá năng lực của những cơ sở tham gia đấu thầu thu mua để xử lý, tái chế hàng hóa, phế liệu tồn đọng theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Đối với các container hàng hóa hoàn toàn là chất thải thông thường, chất thải nguy hại, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính đối với chủ sở hữu theo quy định, phải yêu cầu chủ sở hữu chịu mọi phí tổn tiêu hủy. Nếu container hàng hóa loại này được khai báo là phế liệu có ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu thì sử dụng kinh phí đã ký quỹ để phục vụ việc xử lý, tiêu hủy theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tổng cục Hải quan có ý kiến, để Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục QLCS Bộ Tài chính (để p/h);
- Cục HQ các tỉnh, TP (để thực hiện);
- Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG





Hoàng Việt Cường

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2443/TCHQ-GSQL năm 2018 về xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng trong địa bàn hoạt động hải quan do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 2443/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 07/05/2018
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Hoàng Việt Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/05/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản