Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2401/LĐTBXH-LĐTL
V/v Trợ cấp thôi việc cho người lao động

Hà Nội, ngày 08 tháng 07 năm 2014

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ

Trả lời công văn số 2840/UBND-VX ngày 13/6/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

1. Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trước thời điểm Bộ luật lao động năm 2012 có hiệu lực thì doanh nghiệp áp dụng quy định tại Bộ luật lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006 và 2007) và các văn bản hướng dẫn thi hành để chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.

2. Bộ luật Lao động năm 1994 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1995, theo đó từ ngày Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành, không còn chế độ chuyển công tác đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động. Khi người lao động thôi việc ở doanh nghiệp thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp sau đó người lao động chuyển sang doanh nghiệp khác làm việc thì thực hiện giao kết hợp đồng lao động mới.

3. Theo quy định tại Điều 43 của Bộ luật lao động năm 1994Điều 15 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt như: trả trợ cấp thôi việc đối với người lao động đã làm việc trong nhiều doanh nghiệp; doanh nghiệp chấm dứt hoạt động hoặc một trong hai bên gặp thiên tai, hỏa hoạn mà phải thanh toán các khoản trợ cấp thôi việc, bồi thường và khoản nợ khác thì việc thực hiện thanh toán không được kéo dài quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Căn cứ các quy định nêu trên và đối chiếu với từng trường hợp theo đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố cần Thơ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị:

a) Trường hợp của ông Nguyễn Việt Đức là Phó giám đốc Công ty cổ phần bao bì PP Cần Thơ được điều chuyển sang làm việc tại Công ty Du lịch Cần Thơ theo Quyết định số 930/QĐ.BTCCQ ngày 12/8/2002 của Ban tổ chức chính quyền tỉnh Cần Thơ, vì vậy khi ông Đức chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ thì Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Cần Thơ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho ông Đức đối với thời gian ông Đức làm việc tại Xí nghiệp Xi măng Cần Thơ, Nhà máy bao bì PP Cần Thơ và Công ty cổ phần bao bì PP Cần Thơ theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

b) Trường hợp bà Trần Ngọc Thúy được thuyên chuyển công tác sang làm việc tại Công ty Du lịch cần Thơ theo Quyết định số 03/QĐ.LT.2000 ngày 24/7/2000 của Công ty Lương thực Cần Thơ (thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Nam) nhưng chưa được thanh toán trợ cấp thôi việc theo quy định. Vì vậy, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ hướng dẫn bà Thúy liên hệ với Tổng công ty Lương thực Miền Nam để được xem xét, giải quyết trợ cấp thôi việc do Công ty Lương thực Cần Thơ đã giải thể (tháng 5/2005).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời để Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ biết và hướng dẫn các đơn vị thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Tài chính;
- Sở LĐ-TB&XH Tp. Cần Thơ;
- Thanh tra Bộ;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu VT, Vụ LĐTL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Minh Huân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2401/LĐTBXH-LĐTL năm 2014 trợ cấp thôi việc cho người lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 2401/LĐTBXH-LĐTL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 08/07/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Phạm Minh Huân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản