Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BAN CHỈ ĐẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/CV-BCĐTKNQ18 | Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2024 |
Kính gửi: | - Tỉnh ủy, Thành ủy thành phố trực thuộc Trung ương; |
Căn cứ chủ trương tại Kết luận số 09-KL/TW ngày 24/11/2024 và yêu cầu tại Công văn số 22-CV/BCĐ ngày 05/12/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW[1]; triển khai thực hiện Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 06/12/2024 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các địa phương triển khai xây dựng Đề án, chủ động thực hiện việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện như sau:
1. Mục đích
Sắp xếp, tinh gọn tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tương đồng với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến cấp huyện; đồng thời, thực hiện sắp xếp giảm đầu mối bên trong gắn với giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, có số lượng cơ cấu hợp lý, có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời kỳ mới.
2. Yêu cầu
a) Quán triệt chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Trung ương về việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình sắp xếp, đề xuất phương án kiện toàn tổ chức bộ máy. Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, kịp thời quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
b) Xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi có quyết định của cấp có thẩm quyền; bảo đảm việc sắp xếp không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đặc biệt các nhiệm vụ liên quan đến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
c) Người đứng đầu Tỉnh ủy (thành ủy), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm về lộ trình, kế hoạch và kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện của địa phương mình.
3. Nguyên tắc
a) Bám sát định hướng sắp xếp theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, của Ban Chỉ đạo Trung ương; định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.
b) Tổ chức hợp lý các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; đồng thời, rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong các sở, ban, ngành (phấn đấu giảm khoảng 15% số đầu mối tổ chức bên trong) theo định hướng của Trung ương, quy định của Chính phủ và phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng địa phương, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
c) Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn phải gắn với giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời kỳ mới.
Trên cơ sở định hướng và nguyên tắc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, căn cứ tình hình, đặc điểm của cơ quan, đơn vị và yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ định hướng, gợi ý việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện như sau:
1. Đối với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1.1. Duy trì 03 sở (có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong), gồm: Sở Tư pháp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Sở Văn hóa, Thể thao đối với các địa phương duy trì Sở Du lịch); Thanh tra tỉnh; Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
1.2. Định hướng, gợi ý hợp nhất đối với một số sở, ngành tương đồng với sắp xếp các Bộ ở Trung ương, cụ thể:
(1) Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính
a) Về tên gọi của Sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Kinh tế - Tài chính
b) Về chức năng, nhiệm vụ: Sở Kinh tế - Tài chính tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất.
(2) Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng
a) Về tên gọi của Sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Xây dựng và Giao thông
b) Về chức năng, nhiệm vụ: Sở Xây dựng và Giao thông tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất.
(3) Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Về tên gọi của Sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Nông nghiệp và Môi trường.
b) Về chức năng, nhiệm vụ: Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất.
(4) Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ
a) Về tên gọi của Sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông
b) Về chức năng, nhiệm vụ: Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất.
(5) Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ
a) Về tên gọi của Sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Nội vụ và Lao động.
b) Về chức năng, nhiệm vụ: Sở Nội vụ và Lao động thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực Nội vụ và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương; việc làm; người có công; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội; bình đẳng giới.
1.3. Định hướng, gợi ý cơ cấu, sắp xếp, chuyển nhiệm vụ đối với 03 sở tương ứng với sắp xếp các Bộ ở Trung ương, cụ thể:
(1) Sở Y tế: Tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội; trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội; quản lý sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang và tiếp nhận nhiệm vụ theo dõi, quản lý sức khỏe cán bộ của tỉnh (sau khi kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh).
(2) Sở Giáo dục và Đào tạo: Tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.
(3) Sở Công Thương: Tiếp nhận nguyên trạng Cục quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.
1.4. Định hướng, gợi ý cơ cấu, sắp xếp đối với các sở đặc thù: Ngoại vụ; Du lịch; Quy hoạch và Kiến trúc (đối với Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội), An toàn thực phẩm (được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù[2]) và Ban Dân tộc
(1) Sở Ngoại vụ: Thực hiện sắp xếp phù hợp với tình hình, đặc điểm của cơ quan tại địa phương như sau:
a) Đối với các địa phương đang có Sở Ngoại vụ thì căn cứ tình hình, đặc điểm của địa phương chủ động quyết định phương án sáp nhập vào Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc duy trì thì củng cố, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong của Sở này, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
b) Đối với các địa phương đã sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì tiếp tục thực hiện như hiện nay.
(2) Sở Quy hoạch và Kiến trúc: Thực hiện sáp nhập Sở này vào Sở Xây dựng và Giao thông. Trường hợp có yêu cầu đặc thù về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể xem xét, quyết định việc duy trì Sở Giao thông vận tải và thực hiện phương án sáp nhập Sở Quy hoạch và Kiến trúc vào Sở Xây dựng, bảo đảm phù hợp với tình hình, đặc điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
(3) Ban Dân tộc: Trên cơ sở định hướng, gợi ý của Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, đề nghị các địa phương căn cứ tình hình, đặc điểm của cơ quan tại địa phương thực hiện sắp xếp như sau:
a) Đối với các địa phương đang có Ban Dân tộc: Thực hiện sắp xếp tương đồng với Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo (ở Trung ương) theo hướng đổi tên thành Ban Dân tộc - Tôn giáo; tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ; nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
b) Đối với các địa phương không thành lập Ban Dân tộc (kể cả trường hợp đáp ứng đủ tiêu chí) thì chủ động quyết định chuyển chức năng tham mưu về công tác dân tộc từ Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về Sở Nội vụ - Lao động (sau hợp nhất) để thống nhất đầu mối tham mưu quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo và thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo.
(4) Sở Du lịch: Đối với các địa phương đang có Sở Du lịch thì căn cứ tình hình, đặc điểm của địa phương chủ động quyết định phương án hợp nhất với Sở Văn hóa, Thể thao thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc duy trì thì củng cố, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong của Sở này, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
(5) Sở An toàn thực phẩm: Trường hợp không duy trì thì chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm về Sở Y tế; các nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm chuyên ngành về các Sở: Y tế; Công Thương; Nông nghiệp và Môi trường.
Việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn nêu trên theo định hướng, gợi ý tại Văn bản này và yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương, bảo đảm tổng số sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không quá 14 sở. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 15 sở.
2. Đối với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện
2.1. Duy trì 03 Phòng chuyên môn, gồm: Phòng Tư pháp; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Thanh tra huyện; Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2.2. Định hướng, gợi ý cơ cấu, sắp xếp, tổ chức lại các Phòng chuyên môn khác tương đồng với sắp xếp các Bộ ở Trung ương và Sở, ngành ở cấp tỉnh
(1) Hợp nhất Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ
a) Về tên gọi của Phòng sau hợp nhất dự kiến là Phòng Nội vụ và Lao động.
b) Về chức năng, nhiệm vụ: Phòng Nội vụ và Lao động tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng Nội vụ và chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương; việc làm; người có công; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội; bình đẳng giới từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.
(2) Thành lập Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về xây dựng, giao thông, công thương trên địa bàn cấp huyện từ Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị (tại quận, thị xã, thành phố), Phòng Kinh tế và Hạ tầng (tại huyện) hiện nay.
(3) Thành lập Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng Văn hóa - Thông tin và chức năng, nhiệm vụ về khoa học và công nghệ từ Phòng Kinh tế (tại quận, thị xã, thành phố), Phòng Kinh tế và Hạ tầng (tại huyện) hiện nay trên địa bàn cấp huyện.
(4) Thành lập Phòng Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tài nguyên và Môi trường và chức năng, nhiệm vụ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại huyện) và chức năng, nhiệm vụ về nông nghiệp và phát triển nông thôn từ Phòng Kinh tế (tại thị xã, thành phố) hiện nay trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Riêng ở quận, thì giữ nguyên Phòng Tài nguyên và Môi trường và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai từ Phòng Kinh tế hiện nay.
(5) Phòng Y tế: Thực hiện sắp xếp phù hợp với tình hình, đặc điểm của cơ quan tại địa phương như sau:
a) Đối với các địa phương đang có Phòng Y tế thì giao Phòng này tiếp nhận chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.
b) Đối với các địa phương đã sáp nhập Phòng Y tế vào Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện thì căn cứ tình hình, đặc điểm của cơ quan tại địa phương để quyết định giao Văn phòng tiếp nhận chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay hoặc thành lập Phòng Y tế để thực hiện chức năng của Phòng này và tiếp nhận chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.
(6) Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.
(7) Phòng Dân tộc: Thực hiện tương tự như đối với cấp tỉnh.
3. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp tỉnh: Căn cứ quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đề nghị các địa phương thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ chi thường xuyên trở lên theo nguyên tắc: Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, bảo đảm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu gắn với cơ cấu lại, giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước (như: thu gọn đầu mối các đơn vị báo chí, văn hóa, thông tin; cơ cấu lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả;...).
a) Đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị của địa phương xây dựng Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương và định hướng, gợi của Ban Chỉ đạo của Chính phủ; chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, chế độ chính sách, trụ sở, tài chính, tài sản, trang thiết bị, con dấu và các điều kiện bảo đảm khác để thực hiện được ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua (dự kiến Trung ương, Quốc hội sẽ họp trong tháng 02/2025).
b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; tham mưu, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Phòng chuyên môn xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
d) Các địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan mình để trình cấp có thẩm quyền ban hành ngay sau khi có hướng dẫn thống nhất của Chính phủ, bảo đảm các điều kiện tiến hành đại hội đảng bộ các cấp.
đ) Thời gian thực hiện: Các địa phương hoàn thành việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm đồng bộ với việc hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ (dự kiến hoàn thành trước 20/02/2025 và báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ trước ngày 28/02/2025).
Từ nay đến khi triển khai việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ để tiếp tục hướng dẫn, bảo đảm việc sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được đồng bộ, thống nhất và phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Đề nghị địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và chủ động xây dựng phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo định hướng, gợi ý sắp xếp tại Văn bản này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Nội vụ và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để tổng hợp, giải đáp theo quy định.
Trên đây là một số nội dung định hướng, gợi ý sắp xếp, tinh gọn tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ngoài định hướng, gợi ý nêu trên, các địa phương căn cứ vào tình hình, đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động nghiên cứu triển khai thực hiện việc sắp xếp theo thẩm quyền./.
| KT. TRƯỞNG BAN |
[1] Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
[2] Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
- 1Quyết định 138/QĐ-BCĐTKNQ18 năm 2024 Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về " Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"
- 2Quyết định 139/QĐ-BCĐTKNQ18 năm 2024 về Kế hoạch tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ do Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ban hành
Công văn 24/CV-BCĐTKNQ18 năm 2024 định hướng, gợi ý nội dung sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện do Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ban hành
- Số hiệu: 24/CV-BCĐTKNQ18
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 18/12/2024
- Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
- Người ký: Phạm Thị Thanh Trà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra