Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2394/BNN-TCLN
V/v hướng dẫn xây dựng Dự án bảo tồn voi

Hà Nội, ngày 18 tháng 07 năm 2013

 

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đắk Lắk, Đồng Nai, Nghệ An;
- Tổng cục Lâm nghiệp.

 

- Căn cứ Quyết định số 940/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam;

- Căn cứ Quyết định số 763/QĐ-TTg ngày 21/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020".

- Ý kiến tại cuộc họp thẩm định dự án bảo tồn voi tổ chức ngày 11/6/2013 của Ban chỉ đạo Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn đề cương xây dựng dự án bảo tồn voi kèm theo. Các dự án bảo tồn voi phải được xây dựng theo quy định của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư và xây dựng công trình, Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.

Đề nghị các tỉnh: Nghệ An, Đồng Nai, Đắk Lắk và Tổng cục Lâm nghiệp khẩn trương hoàn thiện dự án trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường xem xét, thẩm định theo quy định hiện hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (B/c);
- Các Bộ: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường;
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn

 

PHỤ LỤC

ĐỀ CƯƠNG XÂY DỰNG DỰ ÁN BẢO TỒN VOI
(Ban hành kèm theo văn bản số 2394/BNN-TCLN ngày 18 tháng 07 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Phần I

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ DỰ ÁN

1. Tên dự án:

- Dự án thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tên là: Dự án Bảo tồn voi và nâng cao năng lực kiểm soát buôn bán ngà voi ở Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020.

- Dự án thuộc các tỉnh Nghệ An, Đồng Nai, Đắk Lắk có tên là: Dự án bảo tồn voi tỉnh ...... giai đoạn 2013 - 2020.

2. Chủ quản dự án:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (dự án thuộc Bộ).

- Ủy ban nhân dân các tỉnh: Nghệ An, Đồng Nai, Đắk Lắk (dự án thuộc địa phương).

3. Chủ đầu tư dự án:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp cho Tổng cục Lâm nghiệp làm chủ đầu tư dự án do Bộ quản lý.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh phân cấp cho các đơn vị trực thuộc, bao gồm: VQG Pù Mát tỉnh Nghệ An, Trung tâm bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư các dự án tương ứng.

4. Hình thức đầu tư: Đầu tư bằng hình thức trực tiếp

5. Thời gian: Từ năm 2013 - 2020.

Trong đó: Các hoạt động đầu tư của các dự án được xác định thuộc nhóm B theo Nghị định số 12/2009/NĐ-CP, do vậy thời gian đầu tư không quá 5 năm. Các hoạt động trong thời gian còn lại được xác định đầu tư bằng nguồn ngân sách khác.

6. Phạm vi, quy mô dự án

- Phạm vi: Trong các khu rừng đặc dụng có voi phân bố và các diện tích thuộc hành lang di chuyển của voi hoang dã, voi nhà thuần dưỡng hiện đang thuộc các chủ sở hữu khác nhau; các địa phương có các hoạt động mua bán trái phép ngà và mẫu vật voi.

- Quy mô dự án: Tùy theo mục tiêu của dự án để xác định quy mô phù hợp.

7. Nguồn vốn đầu tư

- Ngân sách Trung ương

- Ngân sách địa phương (địa phương chủ động cân đối nguồn ngân sách hoặc đóng góp bằng các nguồn nhân lực, lao động của địa phương)

- Nguồn vốn liên kết với các chương trình dự án khác trong cùng địa điểm, khu vực thực hiện dự án.

- Nguồn vốn tài trợ của các cá nhân và tổ chức nước ngoài.

Phần II

SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG DỰ ÁN

1. Sự cần thiết lập dự án

2. Các căn cứ pháp lý

3. Căn cứ khoa học

4. Căn cứ thực tiễn

5. Mục tiêu của dự án: Tùy theo từng dự án xác định mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể theo Quyết định số 763/QĐ-TTg ngày 21/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Phần III

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN VÀ HIỆN TRẠNG KHU DỰ ÁN

1. Điều kiện tự nhiên, dân sinh

2. Điều kiện kinh tế - xã hội

3. Hiện trạng công tác bảo tồn Voi

4. Tình hình xung đột voi/người

5. Tình hình săn bắn, buôn bán voi bất hợp pháp

Phần IV

NỘI DUNG DỰ ÁN BẢO TỒN VOI

1. Dự án Bảo tồn voi hoang dã của 3 tỉnh

- Điều tra, đánh giá số lượng, cơ cấu đàn voi, phân bố, hành lang di chuyển và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác bảo tồn voi.

- Thiết lập chương trình giám sát và theo dõi diễn biến đối với các đàn voi.

- Rà soát, quy hoạch mở rộng sinh cảnh và hành lang di chuyển của voi.

- Cải thiện sinh cảnh sống tự nhiên để đảm bảo môi trường sống ổn định bền vững cho các quần thể voi; căn cứ vào số lượng cá thể voi, tập tính ăn theo mùa để:

+ Trồng bổ sung cây thức ăn, cây thuốc trị bệnh cho voi trong phạm vi khu vực dự án bảo tồn voi.

+ Xác định diện tích trồng thức ăn bổ sung cho voi.

+ Bổ sung điểm cung cấp khoáng chất cho voi.

+ Cải thiện nguồn cung cấp nước (các ao, đầm tự nhiên, có thể xây dựng các đập giữ nước) mà không phá vỡ quy luật tự nhiên.

+ Xây dựng các công trình Phòng cháy chữa cháy rừng; ngăn chặn chăn thả gia súc, gia cầm của người dân địa phương trong vùng sinh sống của voi.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân địa phương sống vùng lân cận khu bảo tồn voi (hạn chế canh tác các loài cây là thức ăn ưa thích của voi); hạn chế tập quán canh tác truyền thống trong vùng có voi phân bố;

- Xây dựng nội dung kế hoạch và tổ chức thực hiện tuần tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi săn bắn, giết hại voi và động vật hoang dã.

- Xây dựng nội dung kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã nói chung và loài voi nói riêng.

- Chỉ xây dựng khi thật cần thiết các hạng mục công trình bảo vệ, cách ly khu vực voi phân bố với các khu dân cư nhằm ngăn chặn xung đột voi người.

- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng phòng chống xung đột voi/người.

- Trang bị một số công cụ, trang thiết bị cần thiết bị phục vụ hoạt động bảo tồn Voi và các loài động vật nguy cấp, quý hiếm.

2. Dự án bảo tồn voi nhà tỉnh Đắk Lắk

- Xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo điều kiện cho Trung tâm bảo tồn voi Việt Nam tại tỉnh Đắk Lắk nhằm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh sản cho voi nhà và thực hiện hoạt động cứu hộ voi và động vật hoang dã nói chung khi cần thiết.

- Xây dựng các chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển đàn voi nhà.

- Xây dựng các phương án tiếp quản, chăm sóc các cá thể voi thuần dưỡng nhằm thúc đẩy sinh sản phát triển quần thể voi nhà.

- Xây dựng kế hoạch đào tạo cho các bộ làm công tác bảo tồn voi đi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các nước trong khối ASEAN, Ấn Độ, Srilanka.

3. Dự án bảo tồn voi của Tổng cục Lâm nghiệp

- Điều tra bổ sung các địa điểm có voi phân bố để xác định số lượng cá thể và cơ cấu đàn từ đó làm cơ sở xây dựng hoạt động tiếp theo.

- Bảo tồn tại chỗ những quần thể voi ngoài 3 tỉnh thuộc Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam có khả năng bảo tồn và phát triển bền vững trong thời gian dài gắn với quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững của các khu rừng đặc dụng­

- Di chuyển, tái nhập đàn các cá thể voi phân bố đơn lẻ, hoặc cơ cấu đàn không cân đối cho việc phát triển ổn định lâu dài.

- Xây dựng công cụ lưu trữ, quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu cho công tác giám sát bảo tồn voi.

- Tăng cường kiểm soát hoạt động buôn bán ngà voi và các sản phẩm của voi.

- Kiểm tra, giám sát, lập hồ sơ quản lý các mẫu vật voi thu giữ từ các vụ vận chuyển, buôn bán, xuất nhập khẩu trái phép.

- Xây dựng kho lưu giữ quốc gia quản lý mẫu vật ngà voi và các loài động vật quý, hiếm khác.

- Xây dựng Kế hoạch phối hợp liên ngành, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong đấu tranh, xử lý các hành vi giết voi, buôn bán trái phép ngà voi và các bộ phận, dẫn xuất của voi.

- Thúc đẩy công tác hợp tác quốc tế về bảo tồn voi tại Việt Nam và hợp tác buôn bán quốc tế mẫu vật voi.

Phần V

GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN BẢO TỒN VOI

1. Giải pháp về quy hoạch:

- Căn cứ vào đặc tính sinh hoạt và di chuyển của voi để xây dựng Quy hoạch diện tích bảo tồn voi trong tự nhiên và hành lang di chuyển của chúng.

- Căn cứ vào nhu cầu thức ăn, nước uống, khoáng chất của một cá thể voi trong độ tuổi trưởng thành để xác định vị trí, quy mô diện tích trồng bổ sung các loài cây làm nguồn thức ăn; cung cấp bổ sung khoáng chất và nước uống cho voi.

- Xác định các tuyến di chuyển của voi để quy hoạch hành lang bảo vệ voi tránh xung đột voi/người.

2. Giải pháp về chính sách (Vốn sự nghiệp kinh tế):

- Chính sách đầu tư quản lý bảo vệ voi và sinh cảnh sống của chúng.

- Chính sách tái định cư, tái sản xuất cho các vùng dân cư sống lân cận khu vực bảo tồn voi.

- Chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân có tham gia đầu tư bảo tồn voi tại Việt Nam.

- Chính sách hỗ trợ sinh sản, phát triển đàn voi nhà.

3. Giải pháp về nguồn lực (Vốn sự nghiệp kinh tế):

- Gắn trách nhiệm của các Ban quản lý rừng đặc dụng với nhiệm vụ bảo tồn voi.

- Xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng, các cơ quan ban ngành liên quan cùng phối hợp trong công tác bảo tồn voi, ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển các sản phẩm dẫn xuất từ voi.

- Liên kết các hoạt động bảo tồn voi với các nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật, thực vật nguy cấp quý hiếm khác và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

- Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe, sinh sản, cứu hộ voi và các loài động vật hoang dã khác.

4. Giải pháp về khoa học và hợp tác quốc tế (Vốn sự nghiệp khoa học):

- Giải pháp về khoa học

+ Xây dựng hệ thống quản lý, giám sát voi có liên kết với các hoạt động khác trong cùng một khu vực (Nên xem xét áp dụng hệ thống MIST hoặc SMART, MIKE, ETIS[1] để trước mắt phục vụ cho quản lý voi sau đó cho công tác bảo tồn nói chung).

+ Gắn chíp điện tử vệ tinh để theo dõi giám sát voi hoang dã qua ảnh vệ tinh.

+ Nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ sinh sản và chăm sóc sức khỏe cho voi nhà.

+ Xây dựng kho lưu trữ quốc gia để lưu trữ mẫu vật voi và các loài nguy cấp quý hiếm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, sưu tầm, tổ chức trưng bày, tham quan, giáo dục đào tạo và thông tin tuyên truyền.

- Quan hệ, hợp tác quốc tế:

+ Xây dựng và thực hiện hợp tác song phương và đa phương với các nước Lào, Campuchia về bảo tồn voi và động vật hoang dã.

+ Hợp tác với các nước có voi trong khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, Srilaka về trao đổi kinh  nghiệm và đào tạo nguồn nhân lực cho cộng tác bảo tồn voi.

+ Thu hút các nguồn tài trợ quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo tồn voi nói riêng.

Phần VI

NHU CẦU ĐẦU TƯ VÀ NGUỒN VỐN

1. Nhu cầu đầu tư cho các nội dung hoạt động của dự án

Căn cứ vào nội dung hoạt động cụ thể của từng dự án và các quy định hiện hành để xác định nhu cầu vốn đầu tư cần thiết.

Các nội dung chi theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Nghị định số 112/2009/NĐ-CP và quy định tại Khoản 3, Điều 4, Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, gồm các nội dung chi chính sau: Chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí khác và chi phí dự phòng (Chi phí xây dựng bao gồm: Xây dựng cơ bản hạ tầng, công trình hàng rào bảo vệ và xây dựng các công trình lâm sinh cải tạo môi trường sống của voi).

2. Lập tổng mức đầu tư

Lập tổng mức đầu tư theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP và quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2009/TT-BXD. Đối với chi phí quản lý áp dụng theo Mục 15 Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg; cụ thể như sau: vốn quản lý dự án tính bằng 10% vốn đầu tư xây dựng, chi phí bồi thường, chi phí tái định cư (Chủ dự án 8%, tỉnh 1,3%, Ban chỉ đạo kế hoạch khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi của Bộ nông nghiệp và PTNT 0,7%).

Tổng mức đầu tư của các chủ quản dự án theo Quyết định số 763/QĐ-TTg ngày 21/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020" và thuyết minh Đề án, quy định cụ thể sau:

- Tỉnh Đồng Nai: Tối đa không vượt quá 73 tỷ đồng;

- Tỉnh Nghệ An: Tối đa không vượt quá 70 tỷ đồng;

- Tỉnh Đắk Lắk: Tối đa không vượt quá 85 tỷ đồng;

- Các dự án của Tổng cục Lâm nghiệp: Tối đa không vượt quá 50 tỷ

3. Phân bổ các nguồn đầu tư

- Nguồn ngân sách Trung ương: Chiếm khoảng 70 - 80% tổng mức đầu tư dự án.

- Nguồn ngân sách địa phương (vốn đóng góp lao động của địa phương): Đáp ứng khoảng 20-30% tổng đầu tư dự án.

- Nguồn liên kết với chương trình, hoạt động bảo vệ và bảo tồn khác trong cùng khu vực bảo tồn voi (được tính trong tổng đầu tư của dự án, nhưng được trừ ra không tính vào tỷ lệ đầu tư giữa Trung ương và địa phương).

- Vốn hợp tác, đầu tư hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước (được tính trong tổng đầu tư của dự án, nhưng được trừ ra không tính vào tỷ lệ đầu tư giữa Trung ương và địa phương).

- Nguồn đóng góp của các chủ sở hữu voi nhà (Dự án bảo tồn voi nhà tỉnh Đắk Lắk).

Phần VII

TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ

1. Tổ chức quản lý

- Ủy ban nhân dân các tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai, Nghệ An quản lý và phân cấp đầu tư cho các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện Dự án bảo tồn voi ở địa phương.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân quản lý cấp đầu tư dự án cho Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện các dự án do Bộ quản lý.

2. Hiệu quả đầu tư:

- Hiệu quả môi trường

- Hiệu quả kinh tế xã hội

- Hiệu quả quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học

Phần VIII

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ



[1]MIST: Công cụ giám sát thông tin đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn thiên nhiên; SMART: Bản nâng cấp của MIST; MIKE: Giám sát hoạt động săn, bắn voi bất hợp pháp; ETIS: Giám sát buôn bán ngà và các sản phẩm từ voi bất hợp pháp.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2394/BNN-TCLN năm 2013 hướng dẫn xây dựng Dự án bảo tồn voi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

  • Số hiệu: 2394/BNN-TCLN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/07/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Hà Công Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/07/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản