Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2390/BTTTT-THH
V/v triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng đề nghị Quý Cơ quan triển khai ngay các nhiệm vụ được giao tại Chương trình, kịp thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội sau dịch bệnh COVID-19,

Để việc triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia được đồng bộ, hiệu quả trên quy mô toàn quốc, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn Khung Chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bộ, ngành, địa phương) tại Phụ lục kèm theo.

Căn cứ Khung Chương trình Chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương có thể xây dựng văn bản riêng về chuyển đổi số như chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số hoặc lồng ghép nội dung chuyển đổi số trong các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của mình một cách phù hợp.

Trân trọng đề nghị Quý Cơ quan giao đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin (đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ), các Sở Thông tin và Truyền thông (đối với các địa phương) là đầu mối tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá thực hiện chuyển đổi số.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- Đơn vị chuyên trách về CNTT các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Lưu: VT, THH (CĐS). (193b)

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hùng

 

KHUNG CHƯƠNG TRÌNH

CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 CỦA CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ, UBND CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(Kèm theo Công văn số: 2390/BTTTT-THH ngày 29 tháng 6 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông)

Phần I

NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

Xây dựng các nội dung của Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 dựa trên các nguyên tắc sau đây:

1. Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.

2. Người dân là trung tâm của chuyển đổi số

Hình thành văn hóa số gắn với bảo vệ văn hóa, giá trị đạo đức căn bản của con người và chủ quyền số quốc gia. Chuyển đổi số là phương thức để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Các lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước.

3. Thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số

Thể chế cần phải đi trước một bước khi có thể. Cơ quan nhà nước kiến tạo thể chế, chính sách nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm cái mới; làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu.

4. Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi

Các nền tảng số tạo cơ sở để phát triển các hệ thống, ứng dụng, dịch vụ thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tạo các hệ sinh thái chuyển đổi số. Trước hết, tập trung xây dựng và khai thác hiệu quả các nền tảng thiết yếu cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

5. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là yếu tố then chốt để chuyển đổi số

An toàn, an ninh mạng bảo đảm sự thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của các nội dung chuyển đổi số.

6. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi

Kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân tán, bảo đảm sự phối hợp, đồng bộ trong triển khai chuyển đổi số các cấp. Các nội dung Chương trình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương được xây dựng dựa trên nội dung Chương trình chuyển đổi số quốc gia; lồng ghép nội dung chuyển đổi số trong các hoạt động, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương.

Phần II

CÁC NỘI DUNG CHÍNH CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Nội dung Chương trình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 bảo đảm các nguyên tắc chung nêu trên, đồng thời phải phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đặc thù của mỗi bộ, ngành, địa phương (gọi tắt là bộ/tỉnh).

Các nội dung Chương trình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương bao gồm những nội dung chính sau (những nội dung này mang tính tham khảo, không bắt buộc, các cơ quan chủ động xây dựng nội dung phù hợp nhu cầu, điều kiện thực tế của mình):

I. ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG

Đánh giá hiện trạng các nội dung làm sở cứ xây dựng tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trong giai đoạn mới, các nội dung chính đánh giá bao gồm:

1. Về nhận thức, thể chế, môi trường pháp lý triển khai công nghệ thông tin (CNTT): Đánh giá sự quan tâm chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, gương mẫu triển khai ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực của lãnh đạo các cấp; Đánh giá nhận thức, sự sẵn sàng thay đổi lề lối, phương thức làm việc của cán bộ, công chức (CBCC) trong tổ chức nhờ ứng dụng CNTT; Rà soát những kết quả đạt được, những hạn chế trong công tác xây dựng, trin khai thể chế, môi trường pháp lý tạo điều kiện cho chuyển đổi số các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt cần xác định những văn bản pháp lý cần sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

2. Về hạ tầng, nền tảng kỹ thuật CNTT: Đánh giá hiện trạng về hạ tầng mạng băng rộng, kết nối Internet cho các cơ quan nhà nước (CQNN), các khu vực trọng yếu như khu công nghiệp, trường học, bệnh viện; Các trung tâm dữ liệu của bộ/tỉnh; công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin (đã xây dựng, triển khai SOC chưa?); Hiện trạng xây dựng các cơ sở dữ liệu, kết nối chia sẻ dữ liệu trong và ngoài bộ/tỉnh (đã xây dựng LGSP, kết nối với NGSP chưa?); Hiện trạng, khả năng sẵn sàng cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật CNTT của các doanh nghiệp trên địa bàn;...

3. Về triển khai Chính phủ điện tử: Đánh giá hiện trạng trin khai Chính phủ điện tử (các ứng dụng trong hoạt động nội bộ cơ quan nhà nước như quản lý văn bản điều hành, hệ thống báo cáo; các ứng dụng nghiệp vụ quản lý như tài chính, kế toán, quản lý nhân sự,...; các ứng dụng chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương; các dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho người dân, doanh nghiệp; ứng dụng CNTT tại bộ phận một cửa điện tử, trung tâm hành chính công;...); Trong mỗi nội dung đánh giá, cần xác định các bất cập và khả năng ứng dụng công nghệ số để cải cách quy trình làm việc, cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động CQNN, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

4. Về ứng dụng CNTT phát triển kinh tế: Đánh giá hiện trạng phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn (đối với địa phương) về các mặt khác nhau (doanh thu; số lượng; sản phẩm chính/chủ lực;...); Đánh giá mức độ, hiệu quả ứng dụng CNTT của các doanh nghiệp trên địa bàn (đối với địa phương) hoặc lĩnh vực (đối với các lĩnh vực chuyên ngành của các bộ) nhằm nâng cao năng suất lao động, mức độ cạnh tranh; Đánh giá mức độ phát triển thương mại điện tử trên địa bàn hoặc lĩnh vực;...

5. Về nhân lực CNTT: Đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực trong CQNN (số lượng, trình độ cán bộ chuyên trách CNTT; đánh giá kỹ năng ứng dụng CNTT, công tác đào tạo CNTT cho CBCC); đánh giá tổng thể kỹ năng ứng dụng CNTT, và khả năng tiếp cận dịch vụ CNTT của người dân trên địa bàn hoặc lĩnh vực;...

6. Về mối quan hệ giữa Chương trình Chuyển đổi số với các văn bản khác: Xác định mối quan hệ giữa Chương trình Chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương nếu xây dựng riêng với các Chương trình, kế hoạch, đề án, dự án khác của bộ/tỉnh, đặc biệt là các chương trình/kế hoạch/đề án phát triển Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử/đô thị thông minh, bảo đảm việc triển khai các nội dung được lồng ghép, đồng bộ, tránh trùng lặp.

II. TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Xác định tầm nhìn về chuyển đổi số cho địa phương (đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) hoặc cho ngành/lĩnh vực (đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ). Lưu ý, nội dung tầm nhìn được mô tả ngắn gọn, sinh động, thể hiện rõ nét sự đổi mới, phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội của địa phương/ngành nhờ chuyển đổi số.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xác định mục tiêu, kết quả chính của chuyển đổi số cần hướng tới đến năm 2030 để hiện thực hóa tầm nhìn.

2. Mục tiêu cơ bản

2.1. Mục tiêu đến năm 2025

- Xác định các mục tiêu về chuyển đổi số đến năm 2025, bao gồm cả 3 trụ cột của chuyển đổi số là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Các mục tiêu cần bám sát, hoặc vượt mức các mục tiêu đặt ra trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

- Về mục tiêu phát triển Chính phủ số, cần xác định rõ chỉ tiêu về: tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng,..; đối với các bộ xác định mục tiêu xây dựng các CSDL quốc gia, chuyên ngành; trong đó cần xem xét, bổ sung thêm các chỉ tiêu thể hiện sự vượt trội của phát triển Chính phủ số so với giai đoạn trước (ví dụ như về sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; việc ứng dụng công nghệ số mới, như trí tuệ nhân tạo trong cung cấp dịch vụ số của CQNN; việc mở dữ liệu của CQNN; hoạt động kiểm tra của CQNN trên môi trường mạng).

- Về mục tiêu phát triển kinh tế số, cần xác định rõ các chỉ tiêu về: đóng góp kinh tế số của địa phương/ngành cho GDP (chi tiết tỷ lệ đóng góp GDP trong từng ngành nếu có thể); tỷ lệ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm của địa phương/ngành; ...

- Về mục tiêu phát triển xã hội số, cần xác định rõ các chỉ tiêu về: hạ tầng truy cập dịch vụ số của người dân/doanh nghiệp trên địa bàn đối với các địa phương (tỷ lệ truy cập mạng cáp quang băng rộng; phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh; tỷ lệ có tài khoản thanh toán điện tử); ...

- Về các chỉ tiêu chuyển đổi số trong các lĩnh vực chuyên ngành hoặc lĩnh vực ưu tiên (đối với các địa phương, có thể chọn lựa một số lĩnh vực chuyển đổi số ưu, tiên đặc thù, bảo đảm các chỉ tiêu về các lĩnh vực này phù hợp với các chỉ tiêu chuyên ngành của các bộ; đối với các bộ, cơ quan ngang bộ cần tập trung vào các chỉ tiêu chuyển đổi số chuyên ngành của mình). Các chỉ tiêu này, cũng có thể lồng ghép vào các nhóm chỉ tiêu về phát triển kinh tế số hoặc xã hội số.

2.2. Mục tiêu đến năm 2030

Cách xác định các mục tiêu đến năm 2030 tương tự như đến năm 2025, cần lưu ý một số yêu cầu sau:

- Bảo đảm kế thừa các mục tiêu đến năm 2025;

- Bổ sung các chỉ tiêu đặc thù cho giai đoạn phát triển mới ở mức cao hơn. Cụ thể như về Chính phủ số, thêm các chỉ tiêu thể hiện sự tham gia cung cấp dịch vụ công của các tổ chức ngoài nhà nước, xây dựng các nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm, tinh giảm các thủ tục hành chính,...

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

Xác định nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để đạt các mục tiêu đặt ra, cụ thể như:

1. Phát triển nền tảng cho chuyển đổi số

1.1. Chuyển đổi nhận thức

Xác định các nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để thay đổi nhận thức, tạo điều kiện cho chuyển đổi số (các hoạt động truyền thông, chuyển đổi nhận thức; xây dựng giá trị cốt lõi, văn hóa, lề lối, phương thức làm việc mới; người đứng đầu chịu trách nhiệm, nêu gương, truyền cảm hứng trong chuyển đổi số;...).

1.2. Kiến tạo thể chế

Xác định các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm môi trường pháp lý cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo (rà soát, xác định các văn bản quy phạm pháp luật và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền cần xây dựng mới hoặc sửa đổi; đề xuất hình thức Sandbox nếu cần; tập trung vào các quy định nhằm đổi mới cơ cấu tổ chức, quy trình, nghiệp vụ các cơ quan nhà nước, quy định về thuế, phí cung cấp dịch vụ số, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp trên mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, xác định trách nhiệm các tổ chức, cá nhân khi hoạt động trên môi trường mạng;...).

1.3. Phát triển hạ tầng số

Xác định các nhiệm vụ, giải pháp đế xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số như về hạ tầng truyền dẫn, trung tâm dữ liệu; hạ tầng IoT;... (Việc triển khai theo hướng sử dụng triệt để các hệ thống tập trung, dùng chung của bộ/tỉnh, tránh trùng lặp; phân định rõ trách nhiệm của CQNN, doanh nghiệp, về hình thức triển khai, ưu tiên theo hướng thuê dịch vụ, sử dụng điện toán đám mây).

1.4. Phát triển dữ liệu

Xác định các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo lộ trình phù hợp (bao gồm các cơ sở dữ liệu nội bộ, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia,...); xác định rõ các nghiệp vụ chuyên ngành khai thác dữ liệu; quy định về nội dung, phạm vi kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu, công nghệ khai thác dữ liệu, mô hình dữ liệu;..việc kết nối, chia sẻ dữ liệu tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam;...

1.5. Xây dựng nền tảng số

Xác định các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng các nền tảng cho chuyển đổi số. Các nền tảng có thể phục vụ trong nội bộ cơ quan hoặc sử dụng chung cho nhiều cơ quan trên quy mô toàn quốc. Ưu tiên triển khai các nền tảng tập trung, dùng chung, kết nối chia sẻ cho nhiều cơ quan, đơn vị (quy định rõ nội dung, phạm vi đối tượng khai thác, sử dụng nền tảng,...), về hình thức triển khai, ưu tiên theo hướng thuê dịch vụ, sử dụng điện toán đám mây; sử dụng hiệu quả, thực hiện kết nối với các nền tảng số quy mô quốc gia (ví dụ như các nền tảng chung về: tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia, định danh và xác thực điện tử quốc gia, thanh toán điện tử; giám sát, điều hành an toàn an ninh mạng; các nền tảng chuyên ngành; ...).

1.6. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng

Xác định các nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong mọi thành phần của chuyển đổi số (Xây dựng các quy định, quy chế bảo đảm an toàn an ninh mạng; tổ chức bộ máy; các hệ thống giám sát, điều hành, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hoàn thành ngay việc xây dựng SOC; hợp tác quốc tế chặt chẽ trong phát hiện, ứng cứu sự cố an toàn, an ninh mạng;...).

1.7. Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số

Xác định các nhiệm vụ, giải pháp hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số (hợp tác, đầu tư, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ); triển khai các nội dung nghiên cứu, chuyển giao, triển khai các công nghệ số mới (AI; Blockchain; VR/AR; ...);...

1.8. Phát triển nguồn nhân lực

Xác định các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho chuyển đổi số (thực hiện công tác đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho CBCC; đào tạo chuyên gia chuyển đổi số; đào tạo, phổ cập kỹ năng số cho người dân; đưa nội dung đào tạo về kiến thức, kỹ năng số vào chương trình các cấp học;...).

2. Phát triển Chính phủ số/Chính quyền số

Xác định các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính phủ số (đối với các bộ), Chính quyền số (đối với các địa phương). Bao gồm các ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động nội bộ của CQNN (hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống báo cáo; các ứng dụng nghiệp vụ quản lý như tài chính, kế toán, quản lý nhân sự,...; các ứng dụng chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương;..), hoạt động cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp (cung cấp dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng CNTT tại bộ phận một của điện tử;...); gắn kết các nội dung phát triển Chính quyền số với phát triển đô thị thông minh.

3. Phát triển kinh tế số

Xác định các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế số như phát triển các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn (đối với địa phương), hoặc lĩnh vực (đối với các lĩnh vực chuyên ngành của các bộ); ứng dụng công nghệ số toàn diện trong sản xuất, kinh doanh; phát triển thương mại điện tử trên địa bàn hoặc lĩnh vực;...

4. Phát triển xã hội số

Xác định các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nhờ chuyển đổi số (tập trung vào các công tác đào tạo, phổ cập kỹ năng số cho người dân; cung cấp các dịch vụ số thiết yếu, thông minh cho mọi đối tượng trong xã hội, làm giảm khoảng cách xã hội, trước hết là các dịch vụ an sinh xã hội; phổ cập điện thoại thông minh cho người dân;...).

5. Chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên

Xác định các nhiệm vụ, giải pháp nhằm ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số lĩnh vực có nhu cầu cao, có lợi thế cạnh tranh tại địa bàn (đối với địa phương), hoặc ngành (đối với chuyên ngành của các bộ) nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Trước hết, xem xét, chọn lựa thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên nêu trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia bao gồm các lĩnh vực: Y tế; Giáo dục; Tài chính - Ngân hàng; Nông nghiệp; Giao thông vận tải và logistics; Năng lượng; Tài nguyên và môi trường; Sản xuất công nghiệp. Một số định hướng nội dung chuyển đổi số cho các lĩnh vực ưu tiên được nêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Xác định kinh phí để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Lưu ý huy động đa dạng các nguồn kinh phí để chuyển đổi số, đặc biệt là các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước; khuyến khích xã hội hóa; ưu tiên hình thức thuê dịch vụ.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong triển khai Chương trình.

- Căn cứ Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của bộ/tỉnh, các đơn vị thuộc bộ/tỉnh đề xuất các nhiệm vụ, dự án triển khai hàng năm; trên cơ sở đó các bộ/tỉnh xây dựng và triển khai Kế hoạch chuyển đổi số hàng năm (nếu cần).

- Đơn vị chuyên trách CNTT (đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ), các Sở Thông tin và Truyền thông (đối với các địa phương) là đầu mối giúp lãnh đạo bộ/tỉnh tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình/Kế hoạch chuyển đổi số của bộ/tỉnh mình./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2390/BTTTT-THH năm 2020 triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 2390/BTTTT-THH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/06/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản