Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2353/BXD-PTĐT
V/v báo cáo tình hình triển khai đô thị thông minh bền vững

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2022

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Ngày 26/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá sơ kết tình hình triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, trên cơ sở tổng hợp báo cáo về tình hình triển khai đô thị thông minh của các Bộ, ngành, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; tổng hợp, rà soát tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 (sau đây gọi tắt là Đề án 950) của các Bộ, ngành liên quan, Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng cụ thể như sau:

1. Tình hình triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam

1.1. Tình hình chung

Từ năm 2016, việc phát triển đô thị thông minh đã được đề cập tại Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 01/11/2016 Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” cụ thể là “ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh”.

Một số địa phương, đô thị lớn đã đi đầu như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ, Quảng Ninh, Bắc Ninh... đã ban hành các đề án/chương trình/kế hoạch phát triển đô thị thông minh. Theo đó, các đề án đã đưa ra lộ trình ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để giải quyết những bức xúc xã hội về giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, môi trường... đem lại môi trường sống văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất bao gồm 05 lĩnh vực như sau: (1) Giáo dục thông minh; (2) Y tế thông minh; (3) Giao thông thông minh; (4) Dịch vụ công thông minh, Hành chính công và Chính quyền điện tử; (5) Du lịch thông minh. Ngoài ra, còn có một số lĩnh vực khác cùng được chú ý như: An toàn thông tin; Trung tâm giám sát điều hành thông minh... Một điểm chung của các địa phương là bắt đầu từ hoàn thiện Chính quyền điện tử trong đó xây dựng trung tâm hành chính công, triển khai dịch vụ công trực tuyến theo các cấp độ. Các hoạt động triển khai phát triển đô thị thông minh chủ yếu là xây dựng đề án, tại một số khu vực đã có những bước đầu triển khai tập trung vào Chính quyền điện tử. Các nội dung chính được quan tâm trong triển khai phát triển đô thị thông minh về cơ bản của các địa phương là giống nhau.

Ngày 01/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 950), chính thức huy động các Bộ, ngành, các địa phương để cùng vào cuộc xây dựng các cơ chế, chính sách, định hướng, chiến lược, xác định các mục tiêu cụ thể cho phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam đi đúng hướng, phù hợp với bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội trong nước.

Sau khi Đề án 950 được ban hành, các mục tiêu, quan điểm về phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam được chỉ rõ với các quan điểm chỉ đạo về các nội dung trọng tâm xây dựng đô thị thông minh bền vững Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đến năm 2025, đó là: Quy hoạch đô thị thông minh; Xây dựng và quản lý đô thị thông minh; Cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với Cơ sở nền tảng là Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên. Đề án đã xác định 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được phân công cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương.

1.2. Tình hình nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn về phát triển đô thị thông minh

Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực của Đề án đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nội dung của Đề án, giới thiệu Đề án tại nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các Bộ: Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Công thương đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 9501, phân giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, có kế hoạch thực hiện cụ thể. Các Bộ: Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ duy trì sự kết nối thường xuyên, phối hợp trong triển khai các chương trình, kế hoạch nghiên cứu về phát triển đô thị thông minh.

- Bộ Xây dựng thực hiện các nhiệm vụ được giao, tới thời điểm này, đã nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng 2014, trong đó bổ sung quy định về việc khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, quy định về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng đô thị thông minh; Hoàn thiện việc “Xây dựng danh mục hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam”, là cơ sở để cụ thể hóa trong Đề án hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng; ban hành “Hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh” phục vụ mục tiêu thiết lập, duy trì và vận hành cơ sở dữ liệu trên nền GIS tại các đô thị; Hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu “Tiêu chí đánh giá các đô thị thông minh tại Việt Nam ” và đang dự thảo Hướng dẫn áp dụng Bộ Tiêu chí đô thị thông minh bền vững - phiên bản 1.0, trong đó hướng dẫn quy trình và phương pháp đánh giá các tiêu chí đô thị thông minh bền vững. Bộ Xây dựng cũng đang khẩn trương hoàn thiện các đề tài nghiên cứu trong năm 2022, cụ thể gồm: (i) Quy chế quản lý đầu tư phát triển Khu đô thị thông minh; (ii) Xây dựng cơ chế thí điểm hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông dân cư, đất đai, giao thông, quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng phát triển đô thị hướng đến phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam; (iii) Xây dựng nhiệm vụ trọng tâm chương trình thí điểm phát triển đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long thông minh. Kết quả của các đề tài nghiên cứu là cơ sở để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển đô thị thông minh theo Đề án 950.

- Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành nghiên cứu và ban hành: Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0); Công bố Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0); Hướng dẫn các địa phương triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh; Hướng dẫn mô hình tổng thể, yêu cầu chức năng, tính năng của Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh, cấp bộ (phiên bản 1.0); Phê duyệt Đề án Bảo đảm an toàn thông tin cho đô thị thông minh giai đoạn 2022-2025. Về tình hình triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các nội dung khác có liên quan đến phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số: Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Hướng dẫn triển khai một số nhiệm vụ thực thi Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; Chỉ thị về tăng cường bảo đảm an toàn thông tin tại các điểm truy cập wifi Internet công cộng; Hướng dẫn ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây và thuê dịch vụ điện toán đám mây trong cơ quan nhà nước; Hướng dẫn yêu cầu về chức năng, tính năng kỹ thuật của Nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp bộ, cấp tỉnh (phiên bản 1.0).

- Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nghiên cứu, công bố 46 TCVN phục vụ phát triển đô thị thông minh, gồm: 21 tiêu chuẩn chuyển dịch và kế thừa từ các tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế ISO, BSI về đô thị thông minh, đô thị và cộng đồng bền vững, hạ tầng cộng đồng thông minh; 07 TCVN về công nghệ thông tin; 09 TCVN về quản lý cấp thoát nước và tái sử dụng nước; 11 TCVN về lưới điện thông minh; Theo kế hoạch xây dựng TCVN năm 2022-2023, triển khai xây dựng 04 TCVN về hệ thống cấp, thoát nước phục vụ đô thị thông minh. Xây dựng Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng CNTT phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh” giai đoạn 2021-2030, và đô thị thông minh là một trong ba trụ cột chính của Chương trình. Xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đang xây dựng Kế hoạch triển khai “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Bộ Khoa học và công nghệ. Ưu tiên các nhiệm vụ phát triển đô thị thông minh trong quá trình thực hiện Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ: hàng năm đã tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST và có làng Đô thị thông minh từ năm 2019, trong đó kết nối các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân, hình thành nền tảng ứng dụng thông minh phục vụ quản lý và điều hành đô thị như giao thông, an ninh, môi trường, giáo dục, tiết kiệm năng lượng. Trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử (mã số KC.01/16-20) đã triển khai một số nhiệm vụ nghiên cứu hỗ trợ xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, bao gồm: xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá đô thị thông minh; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam; phát triển dịch vụ hỗ trợ và quản lý du khách nhằm phát triển du lịch bền vững theo định hướng thành phố thông minh. Hiện các nhiệm vụ đã đạt được một số kết quả và đang được ứng dụng vào thực tế như: Bộ chỉ số KPI đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0) đã được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố; Hệ thống cửa tự động thu phí bằng thẻ NFC khi vào tham quan các điểm du lịch thông qua giải pháp ví điện tử dùng thẻ NFC nạp tiền và quẹt thẻ vào đầu đọc được gắn trên cửa tự động thanh toán vé vào cửa, cùng hệ thống Kiosk thông tin quảng bá du lịch, du khách có thể sử dụng để tìm kiếm các điểm du lịch nổi tiếng, nhà hàng, khách sạn, nơi mua sắm... đang được lắp đặt thử nghiệm tại một số địa điểm du lịch trọng điểm của Đà Nẵng; Dự thảo hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ phát triển đô thị thông minh đang trong quá trình hoàn thiện theo quy định trước khi ban hành.

- Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu, ban hành được các tiêu chuẩn, gồm các tiêu chuẩn về: Hệ thống thu phí điện tử (TCVN 10849:2015); Hệ thống giám sát, điều hành giao thông trên đường cao tốc (TCVN 10850:2015); Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đường cao tốc (TCVN 10851:2015); Biển báo giao thông điện tử trên đường cao tốc (TCVN 10852:2015); Hệ thống thông tin liên lạc trên đường cao tốc (TCVN 12191:2018); Hệ thống thông điệp dữ liệu giao thông trên đường cao tốc (TCVN 12192:2018); Kiến trúc mô hình tham chiếu cho hệ thống giao thông thông minh - phần 1 - các miền dịch vụ, nhóm dịch vụ và dịch vụ ITS (TCVN 12836-1: 2019). Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục nghiên cứu, dự thảo một số tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) liên quan tới hệ thống giao thông thông minh. Từng bước nghiên cứu, đưa vào sử dụng các nhiên liệu thông minh (nhiên liệu sinh học, điện năng và năng lượng mặt trời để thay thế xăng, dầu); thúc đẩy việc đưa vào sử dụng các hệ thống phương tiện chạy bằng điện (xe đạp điện, xe máy, ô tô điện); nghiên cứu, triển khai các hệ thống ứng dụng giao thông thông minh trong đô thị như: xây dựng các trung tâm điều hành và giám sát giao thông thực hiện việc thu thập dữ liệu giao thông, xử lý dữ liệu và khai thác thông tin cho việc quản lý và điều hành, tổ chức giao thông; các hệ thống thông tin hành khách quản lý và điều hành, tổ chức giao thông; các hệ thống thông tin hành khách theo thời gian thực cho phép các hành khách lựa chọn loại hình vận tải và tuyến đường hiệu quả nhất để đi tới địa điểm dịch; triển khai các hệ thống thanh toán điện tử như thu phí tự động không dừng; hệ thống bãi đỗ xe thông minh; các hệ thống đặt vé trực tuyến...

- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia”2. Nghiên cứu dự án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu không gian phục vụ phát triển đô thị thông minh” với mục tiêu là: Xây dựng các quy định và triển khai thí điểm đô thị thông minh. Hướng dẫn, phát triển các ứng dụng chia sẻ dữ liệu trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong phát triển đô thị thông minh; Đang thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ về “Nghiên cứu đề xuất xây dựng nền tảng dữ liệu không gian đô thị trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển đô thị thông minh” với 02 mục tiêu là xây dựng khung cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực tài nguyên môi trường phục vụ phát triển đô thị thông minh và xây dựng thí điểm Cổng thông tin để chia sẻ dữ liệu về tài nguyên môi trường.

- Bộ Công an đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định đối với các Chương trình, Đề án, dự án cụ thể liên quan đến phát triển đô thị thông minh, xác định rõ trọng tâm lấy bảo đảm Quốc phòng, An ninh làm gốc để tạo nền móng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Các Bộ, ngành khác như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... đã cùng tham gia góp ý, phối hợp các Chương trình, Đề án, dự án cụ thể liên quan đến phát triển đô thị thông minh theo chức năng quản lý nhà nước được giao.

1.3. Tình hình xây dựng, phát triển đô thị thông minh tại các địa phương trên cả nước

a) Tình hình triển khai phát triển đô thị thông minh ở cấp toàn đô thị

Đến thời điểm hiện nay, cả nước có 48/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, gồm đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh hoặc đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh. Cụ thể:

- 14/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh trước thời điểm ban hành Đề án 9503;

- 20/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 9504.

- 16/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang triển khai lập đề án5.

Về triển khai phát triển tiện ích đô thị thông minh, dịch vụ thông minh, có khoảng 57 địa phương (tăng 17 địa phương so với năm 2020) và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo. 19 tỉnh triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh theo hướng dẫn về triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh6 tại văn bản số 4176/BTTTT-THH ngày 22/11/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Việc phát triển các tiện ích thông minh đã giúp nâng cao chất lượng sống và trải nghiệm của người dân. Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như: sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỷ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng...

Một số địa phương tiêu biểu đã phát triển tiện ích đô thị thông minh phục vụ người dân như: Thành phố Đà Nẵng từ trước khi Đề án 950 được ban hành, thành phố đã có những chỉ đạo đi trước như phê duyệt Đề án xây dựng thành phố thông minh hơn tại thành phố Đà Nẵng (năm 2014) và triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh về giao thông, giáo dục, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm... Sau khi Đề án 950 được ban hành, Đà Nẵng đã tiếp tục phê duyệt và triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến 20307 với mục tiêu sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh, thông minh hóa các ứng dụng. Tỉnh Bình Phước cùng đã phát triển các tiện tích thông minh cho dân cư đô thị ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, dịch vụ công. Hiện tỉnh xếp thứ nhất cả nước về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai, chứng thực điện tử và kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia. Về chỉ số chuyển đổi số, tỉnh đứng thứ 3 khu vực Đông Nam bộ; thứ 6 trong các tỉnh phía Nam về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

- Về công bố công khai quy hoạch, tra cứu thông tin quy hoạch và xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển đô thị thông minh:

Việc ứng dụng cơ sở dữ liệu đô thị trên hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác quản lý, phát triển đô thị đã được áp dụng tại khoảng 43 thành phố/thị xã tại các địa phương (trong số đó có 38 Sở Xây dựng các địa phương). Đa số các địa phương không có cán bộ chuyên trách xử lý công việc.

Ví dụ như tại Bắc Ninh, tỉnh đã tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ dùng chung thống nhất cho toàn tỉnh, triển khai theo mô hình tập trung tại trung tâm dữ liệu tỉnh; xây dựng, ban hành các Quy chế, quy định quản lý, vận hành các hệ thống thông tin dùng chung nhằm tăng cường kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu, giảm thiểu tình trạng manh mún, phân mảnh ứng dụng và cát cứ dữ liệu. Đây là nội dung quan trọng, là cơ sở để triển khai các ứng dụng Chính quyền điện tử, các ứng dụng của Trung tâm điều hành (IOC), các nền tảng kết nối người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, trên nhiều lĩnh vực như: cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quản lý trên nền GIS dùng chung về lĩnh vực công thương, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, thông tin quy hoạch, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu v.v... Các tỉnh Bình Dương, Bình Phước chính quyền tỉnh cũng xác định việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông minh là nền tảng cho phát triển đô thị thông minh, tỉnh đã hoàn thiện và đưa vào khai thác hệ thống GIS quản lý thông tin địa lý trên quy mô toàn tỉnh với dữ liệu ở các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, thông tin nhà ở và bất động sản, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc ứng dụng GIS đã giúp quản lý, cập nhật thông tin nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ người dân tra cứu thông tin, phát huy hiệu quả của việc giám sát cộng đồng.

Việc công bố công khai quy hoạch đang được thực hiện ở nhiều địa phương, các dữ liệu về quy hoạch đô thị đã cho phép người dân có thể truy cập và tìm thông tin một cách nhanh chóng, đẩy mạnh tính minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân. Như tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng đã xây dựng hoàn thiện và đưa vào vận hành dữ liệu ở 12 phường và 4 xã được công bố trên Cổng thông tin công bố quy hoạch thành phố Đà Lạt tại địa chỉ http://quyhoach.dalat.vn, phần mềm trên thiết bị di động “Thông tin quy hoạch Đà Lạt”; xây dựng cơ sở dữ liệu không gian theo mô hình dữ liệu tập trung nhằm nâng cao công tác quản lý quy hoạch và công bố thông tin cho người dân như dữ liệu các lĩnh vực: quy hoạch đất đai, quy hoạch kiến trúc xây dựng, dữ liệu lớp giao thông, thông tin giá đất, xây dựng các khu chung cư mới, quy hoạch các khu đô thị, di dời nhà ở, tái kiến thiết các khu vực... trên nền tảng GIS; đến nay đã số hóa dữ liệu: 116.848 thửa đất cho 12 phường và 4 xã; số hóa dữ liệu quy hoạch cho 17 phân khu và quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã được UBND tỉnh phê duyệt; số hóa dữ liệu giao thông: 207 đường, 577 cung đường và 625 hẻm. Cổng thông tin công bố quy hoạch thành phố Đà Lạt cung cấp các thông tin liên quan đến các dự án về chỉnh trang đô thị như: xây dựng các khu chung cư mới, quy hoạch các khu đô thị, di dời nhà ở, tái kiến thiết các khu vực,...; Số lượt truy cập website tính từ tháng 01/2019 đến 13/8/2021 là 587.705 lượt xem trang, trung bình mỗi ngày hơn 520 lượt, số lượt tải ứng dụng tổng cộng 31.333. Việc công bố công khai quy hoạch trên Cổng thông tin trực tuyến đã giúp người dân và doanh nghiệp không phải đối mặt với những vấn đề bức xúc; giúp chính quyền thành phố xây dựng một hình ảnh minh bạch trong mắt người dân, đồng thời giúp cơ quan quản lý giám sát, quản lý thông tin nhanh chóng, thuận lợi.

- Về quản lý đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ quản lý cấp thoát nước, chiếu sáng đô thị, xử lý rác thải ... đã được triển khai ở một số địa phương, bước đầu đem lại hiệu quả khi giám sát được chất lượng môi trường theo thời gian thực giúp nhanh chóng hơn có biện pháp xử lý các tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Trong chống ngập, các hệ thống cảnh báo và giám sát ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp theo dõi và cung cấp các thông tin về dòng chảy và thực hiện cảnh báo khi xuất hiện các tổ hợp bất lợi cho thành phố như mưa, triều cường và mực nước dâng cao để áp dụng các kịch bản ứng phó phù hợp của hệ thống quản lý tình huống khẩn cấp. Các kênh thông tin tương tác theo thời gian thực giữa chính quyền và người dân cũng giúp cung cấp những dự báo, cảnh báo về khả năng xảy ra ngập cũng như các kiến thức về phòng chống ứng phó với ngập lụt.

Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý cấp thoát nước, quan trắc môi trường được thực hiện tại một số địa phương như thành phố Cần Thơ với việc thí điểm hệ thống Giám sát và cảnh báo chất lượng môi trường (01 trong 08 hệ thống thí điểm của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh), sử dụng các cảm biến IoT giúp tự động thu thập dữ liệu về nước, chất thải, không khí, đồng thời cho phép xây dựng các mô hình cảnh báo về chất lượng môi trường với độ chính xác cao, thành phố cùng xây dựng kế hoạch triển khai cơ sở dữ liệu về cấp nước bằng hệ thống GIS, đến nay có 02/05 đơn vị cung cấp nước sạch đô thị đang tiến hành triển khai thực hiện việc ứng dụng đồng hồ cấp nước thông minh, thanh toán tiền điện thông minh và triển khai quản lý dữ liệu hệ thống cấp nước bằng phần mềm GIS và trên điện thoại.

Hệ thống chiếu sáng thông minh được áp dụng tại một số địa phương đem lại hiệu quả tiết kiệm kinh phí. Như tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, việc đầu tư, thay thế hệ thống đèn chiếu sáng công cộng hiện hữu bằng hệ thống đèn Led công nghệ cao, kết hợp xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng điều khiển thông minh nhằm tiết kiệm năng lượng, tiên tiến trong quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng trên địa bàn.

Việc ứng dụng công nghệ BIM đã được các chủ đầu tư thực hiện rộng rãi. Trong một số dự án đầu tư xây dựng được lựa chọn theo Đề án “Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình”8 việc ứng dụng BIM được đánh giá về một số hiệu quả như: giúp giảm chi phí cho 100% các dự án, tiết kiệm chi phí xây dựng, tiết kiệm vật liệu so với không áp dụng BIM; Góp phần rút ngắn thời gian thực hiện cho 89,5% các dự án, rút ngắn thời gian thiết kế cho 38,8% các dự án; Giảm yêu cầu sửa đổi do sự không phù hợp của thiết kế đối với 100% các dự án. Việc áp dụng BIM cũng đem lại thuận lợi trong quá trình trao đổi thông tin thực hiện đối với 100% các dự án, đem lại thuận lợi trong quá trình lựa chọn, bảo vệ phương án thiết kế đối với 76,2% các dự án; Thuận lợi trong quá trình thẩm định, phê duyệt đối với 57,14% số dự án; Thuận lợi trong quá trình tổ chức, lựa chọn phương án thi công đối với 83,3% số dự án và thuận lợi trong quá trình quản lý chất lượng thi công xây dựng (giám sát, phối hợp giữa các bên...) đối với 100% số dự án.

Việc đầu tư xây dựng các trung tâm quản lý, điều hành, xử lý tập trung dữ liệu đô thị, đa nhiệm (Trung tâm IOC) đã được triển khai tại 50 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với quy mô triển khai ở cấp tỉnh hoặc cấp đô thị, một số địa phương triển khai ở cả hai cấp. Việc thiết lập Trung tâm IOC tại các địa phương chủ yếu do các tổ chức tư vấn về công nghệ thông tin trong nước như FPT, VNPT, Viettel thực hiện. Có thể thấy Trung tâm IOC được thiết lập tại các địa phương là nơi tập trung hạ tầng công nghệ thông tin giúp thực hiện các chức năng chủ yếu như giám sát, điều hành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, phục vụ điều hành các dịch vụ hành chính công, an toàn giao thông, tiếp nhận xử lý phản ánh của người dân, tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị ở nhiều lĩnh vực giúp phân tích dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định. Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh sớm thành lập trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh sau khi phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh của tỉnh9. Trung tâm IOC của tỉnh có chức năng tổng hợp, giám sát, điều hành dịch vụ đô thị thông minh; thực hiện các nhiệm vụ sự nghiệp về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; cung cấp các giải pháp, dịch vụ, ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và các dịch vụ đô thị thông minh; thực hiện giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng toàn tỉnh; triển khai ứng dụng Hue-S hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên điện thoại (hỗ trợ cảnh báo người dân trong phòng chống thiên tai, bão lụt; chống dịch COVID-19, công khai chỉ số về môi trường không khí, chất lượng nước v.v...)

- Về lập kế hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng và quản lý phát triển hạ tầng đô thị thông minh: Nội dung đề án phát triển đô thị thông minh của các địa phương đều thể hiện rõ nguồn kinh phí đầu tư không chỉ từ nguồn ngân sách nhà nước. Nguồn kinh phí dự kiến triển khai Đề án đô thị thông minh của các địa phương rất khác nhau, tùy vào mức độ đầu tư (đầu tư cho các nội hàm chính của đô thị thông minh: quy hoạch thông minh, quản lý thông minh, ứng dụng thông minh, cơ sở dữ liệu; đầu tư cho các hạng mục dùng chung của đô thị thông minh, chuyển đổi số, chính phủ điện tử: hạ tầng công nghệ số, chi phí duy trì - vận hành công nghệ...) và bao gồm vốn ngân sách và vốn hợp pháp khác (vốn vay, vốn tài trợ).

- Bên cạnh việc triển khai Đề án ở cấp tỉnh cho các đô thị trong toàn tỉnh (do các Sở ngành liên quan phụ trách), một số địa phương đã giao cho các đô thị trực thuộc triển khai phát triển đô thị thông minh ở cấp độ thành phố/thị xã/quận (cụ thể tại một số địa phương như: thành phố Việt Trì, Phú Thọ; thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk; thành phố Nha Trang, Khánh Hòa...) để thực hiện thí điểm trước khi triển khai nhân rộng ở quy mô toàn tỉnh.

b) Tình hình triển khai xây dựng khu đô thị thông minh

Năm 2020, 2021 trong bối cảnh COVID-19, các doanh nghiệp công nghệ trong nước như VNPT, FPT, Viettel, CMC là những đơn vị tiên phong cung cấp các ứng dụng dịch vụ phục vụ người dân và cung cấp các giải pháp tư vấn phát triển đô thị thông minh cho các địa phương, lập Đề án phát triển đô thị thông minh, xây dựng Trung tâm điều hành thành phố thông minh.

Từ 2020 tới nay, trên địa bàn cả nước chưa có biến động nhiều về các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị thông minh, các Dự án được đề xuất tại một số tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương10, tuy nhiên chủ yếu cũng mới đang ở bước ban đầu chấp thuận chủ trương đầu tư, lập quy hoạch chi tiết dự án hoặc chỉ mới đang nghiên cứu, xây dựng đề xuất như: Dự án đầu tư “Thành phố thông minh” tại huyện Đông Anh, Hà Nội (Quyết định chủ trương đầu tư số 3003/QĐ-UBND ngày 16/6/2018; tổ chức lễ động thổ và công bố dự án ngày 06/10/2019) với quy mô khoảng 271,45 ha; Dự án Khu công viên phần mềm tại huyện Đông Anh, Hà Nội với quy mô 78,14 ha. Bên cạnh đó một số dự án như: Dự án Khu đô thị công nghệ cao FPT tại Đà Nẵng (do FPT làm chủ đầu tư); Dự án Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (do Trung Nam Group làm chủ đầu tư); Dự án Thành phố thông minh tại phân khu mới của Ecopark: Khu trung tâm thương mại 70ha (Chủ đầu tư là Tập đoàn Ecopark, Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Ecotek và đối tác Fundacion Metropoli đến từ Tây Ban Nha), Dự án Vinhomes Smart City tại Hà Nội (Chủ đầu tư là Tập đoàn Vingroup)... đang từng bước được triển khai xây dựng, bước đầu có lồng ghép một số yếu tố thông minh, về cơ bản, việc đề xuất các khu đô thị thông minh và triển khai của một số nhà đầu tư còn gặp khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách đầu tư, hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí về đô thị thông minh dẫn tới băn khoăn, lúng túng của nhà đầu tư và chính quyền địa phương.

1.4. Thúc đẩy đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực và phát triển nghiên cứu chế tạo, ứng dụng khoa học công nghệ đô thị thông minh và tuyên truyền, triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án 950:

- Việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy công nghệ và công nghiệp sản xuất hướng tới phát triển đô thị thông minh đang được tất cả các cấp các ngành, các địa phương quan tâm. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu “Xây dựng tài liệu bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị thông minh cho cán bộ lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp”; Triển khai lồng ghép chuyên đề: “Định hướng phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó biển đối khí hậu” vào các lớp nâng cao năng lực thuộc Chương trình 1961 “Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010-2015”. Do diễn biến kéo dài của dịch Covid-19 nên trong các năm 2020, 2021 việc đào tạo, bồi dưỡng phối hợp với các cơ quan, tổ chức nước ngoài chủ yếu được thực hiện dưới hình thức trực tuyến. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng Chương trình bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin và an toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin.

- Một số địa phương đẩy mạnh phát triển đô thị thông minh đã chủ động xây dựng các tổ chức, cơ quan chuyên trách như tại Bình Dương đã xây dựng Trung tâm sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp, là hướng đi giúp địa phương chủ động duy trì, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ vận hành đô thị thông minh trong tương lai.

- Việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về đô thị thông minh được các địa phương triển khai qua các kênh thông tin báo chí, truyền hình, các hội nghị, hội thảo. Đối tượng phổ biến là các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân.

1.5. Thúc đẩy hợp tác quốc tế và thu hút nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh

Từ năm 2018, Việt Nam đã chính thức gia nhập Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN)11. Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao và 3 thành phố thành viên đã tích cực phát huy vai trò và tham gia các hoạt động chung của ASCN; tham gia các hoạt động hợp tác mở rộng như hợp tác ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Hàn Quốc ... về đô thị thông minh.

Năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN đồng thời đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị thường niên của ASCN 2020 theo hình thức trực tuyến trong tháng 7/2020 với sự tham gia của Đại diện 10 quốc gia thành viên ASEAN, 26 đô thị thành viên của Mạng lưới và Ban Thư ký ASEAN. Tại hội nghị, các nước thành viên ASCN đã thông qua các tài liệu gồm: Khung giám sát và đánh giá ASCN; Khung quy định ASCN hợp tác với các đối tác bên ngoài; Văn bản ghi chép mở rộng thành viên Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN.

Năm 2021 và nửa đầu 2022 trước diễn biến phức tạp do dịch COVID-19, các cơ quan, ban ngành đã tiếp tục tham gia các hoạt động, hội nghị, hội thảo của ASCN theo hình thức trực tuyến.

2. Nhận định, đánh giá tổng thể phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam tới nay

2.1. Khó khăn, tồn tại:

Bên cạnh những nỗ lực chung đã đạt được và sự ghi nhận của quốc tế, việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn còn gặp một số khó khăn, tồn tại sau:

- Về nhận thức và thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên: các địa phương chủ yếu mới đang triển khai ở những bước cơ bản, nội dung thực hiện chủ yếu xoay quanh việc ứng dụng công nghệ và các tiện ích phục vụ cho đô thị thông minh, các nội dung liên quan đến quy hoạch thông minh và quản lý xây dựng phát triển đô thị thông minh còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện (do hạn chế về nguồn lực, dữ liệu cho đô thị thông minh...). Đồng thời, mặc dù đã có nhiều ứng dụng, tiện ích, tuy nhiên, chưa nhiều đầu tư cho các hệ thống cảnh báo sớm để hạn chế thiệt hại do bão lũ, thiên tai, ngập lụt. Chưa có nhiều công cụ để kiểm soát và bảo vệ tài nguyên tự nhiên của đô thị như cây xanh, mặt nước. Chưa có nhiều dự án gắn kết giữa các hoạt động đổi mới, sáng tạo với phát triển đô thị để tạo nên hệ sinh thái kinh tế mới, khai thác lợi thế của công nghệ ICT.

- Về nguồn lực: thiếu quy định cho việc sử dụng, huy động nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh; chưa có cơ sở thực tiễn để tổng kết đánh giá nhằm ban hành các cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn lực để thống nhất triển khai thực hiện đô thị thông minh.

- Về phối hợp chia sẻ: chưa có hình thức liên kết, kết nối khối doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong phát triển đô thị thông minh nên việc phát huy nguồn lực từ xã hội còn riêng rẽ, chưa đồng bộ, hệ thống hóa. Tính kết nối, cơ chế chia sẻ kinh nghiệm giữa các đô thị đang tiến hành xây dựng đô thị thông minh còn chưa cao.

2.2. Nguyên nhân

- Việc triển khai hiện nay vẫn đang thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, đầu tư công, ứng dụng công nghệ thông tin... trong khi chưa có nhiều thực tiễn tốt để làm cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng cho xây dựng đô thị thông minh.

- Chưa có các chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích phát triển đô thị thông minh, nhất là việc huy động vốn và phân bổ nguồn lực, chưa xác định rõ các hạng mục sử dụng ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương) và hạng mục sử dụng nguồn lực xã hội, doanh nghiệp.

- Lực lượng cán bộ quản lý và chuyên môn chuyên sâu, có kinh nghiệm về quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị thông minh còn hạn chế về số lượng.

- Mặc dù nhận thức của toàn xã hội về phát triển đô thị thông minh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đây vẫn là vấn đề rất mới và không dễ tiếp cận không chỉ đối với Việt Nam mà cả trên thế giới, do đó cần có thêm thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu thực hiện thí điểm và áp dụng.

3. Đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh:

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển đô thị thông minh bền vững trong giai đoạn tới, đề xuất cần đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ sau:

a) Về đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển đô thị thông minh bền vững:

- Cần thống nhất nhận thức xuyên suốt, phát triển đô thị thông minh là để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị tại địa phương, lấy người dân làm trung tâm nhưng phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, không tách rời. Quán triệt các quan điểm chỉ đạo phát triển đô thị thông minh bền vững đã được xác định tại Quyết định số 950/QĐ-TTg.

- Phát triển đô thị thông minh cần được bắt đầu từ công tác quy hoạch. Quyết tâm xây dựng đô thị thông minh phải được khẳng định trong các đồ án quy hoạch xây dựng và các chương trình, đề án, dự án phát triển đô thị. Cần có các quy chế, quy chuẩn đảm bảo các cấu phần đô thị thông minh có thể kết nối với nhau thành một tổng thể đô thị thông minh bền vững.

- Cần coi đô thị thông minh như một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả, không phải một tập hợp rời rạc các ứng dụng công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành. Các vấn đề trong đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau nên không thể giải quyết riêng rẽ các vấn đề giao thông, giáo dục, y tế, môi trường,...

- Cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác. Một hạ tầng thông tin mạnh, thống nhất và an toàn là nền tảng để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong không gian đô thị.

- Việc xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các cấp các ngành, không phải nhiệm vụ riêng của bất kỳ ngành hay cơ quan cụ thể nào.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích của việc triển khai đô thị thông minh. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, hướng dẫn cho các đối tượng người sử dụng là cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ.

b) Về nội dung triển khai xây dựng đô thị thông minh bền vững:

Tập trung vào các nhiệm vụ để triển khai trọng tâm xây dựng theo Đề án 950, đó là:

- Các địa phương phải chủ động xác định những vấn đề của mình để xem xét các nội dung, giải pháp phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương mình và xác định thứ tự ưu tiên trong triển khai. Các nội dung triển khai đô thị thông minh phải hướng đến phục vụ người dân, cần được đề xuất, thiết kế dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và cách người dân muốn tương tác với chính quyền. Xây dựng công cụ cho phép đo lường mức độ quan tâm, mức độ hài lòng và mức độ sử dụng dịch vụ của người sử dụng để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ.

- Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu cấp tỉnh phục vụ cho cả chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh. Thu hút, bồi dưỡng các chuyên gia phân tích dữ liệu để khai thác dữ liệu được chia sẻ hiệu quả.

c) Về việc tổ chức triển khai:

- Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam cần sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ và xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Trong đó cơ quan trung ương chỉ xây dựng chính sách, các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn để thúc đẩy phát triển, địa phương phải chủ động trong triển khai phù hợp với thực tế và đồng bộ với tiến trình chuyển đổi số của địa phương mình.

- Người đứng đầu địa phương phải trực tiếp vào cuộc để xác định tầm nhìn, chiến lược dài hạn cho phát triển đô thị thông minh. Trực tiếp chỉ đạo tổ chức triển khai và giám sát, đánh giá kết quả, hiệu quả triển khai đô thị thông minh tại địa phương.

- Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam phải có sự tham gia của các bên liên quan. Người dân phải được tham gia ngay từ đầu trong quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng Đề án đô thị thông minh bền vững.

- Tiến hành dần từng bước, tổ chức thí điểm điển hình, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu phát triển dài hạn của đô thị với nhu cầu bức thiết của người dân; đảm bảo hiệu quá đầu tư ngắn hạn và dài hạn, không phát triển tự phát, tràn lan, theo phong trào.

4. Kiến nghị

Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành văn bản đôn đốc các địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu tại Mục 3 các báo cáo này.

Trên đây là báo cáo tình hình triển khai xây dựng, phát triển đô thị thông minh bền vững. Bộ Xây dựng kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị (để b/c);
- Các Bộ: Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ (để p/h);
- Lưu: VP, PTĐT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quang Hùng

 



1 Quyết định số 1627/QĐ-BXD ngày 27/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; số 2160/QĐ-BTTTT ngày 19/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; số 2199/QĐ-BCT ngày 19/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Công thương.

2 Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 09/01/2020.

3 Đề án quy mô toàn tỉnh (10 địa phương): Lào Cai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Hồ Chí Minh, Long An. Quy mô đô thị (04 đô thị): Phú Thọ, Lâm Đồng, Tiền Giang, Kiên Giang.

4 Đề án quy mô toàn tỉnh (15 địa phương): Bắc Giang, Yên Bái, Sơn La, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Bình Thuận, Bình Phước, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu; quy mô đô thị (5 địa phương): Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Bình, Gia Lai, Đắk Lắk.

5 Đang triển khai quy mô toàn tỉnh (09 địa phương): Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Đồng Nai, Cà Mau. Quy mô đô thị (05 đô thị): Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Tháp. Cả 02 quy mô đô thị và toàn tỉnh (01 đô thị): Cao Bằng.

6 Các tỉnh triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM (19 địa phương): Cao Bằng, Hà Giang, Nam Định, Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Định, Vĩnh Long, Đồng Nai, Bình Phước, Bến Tre

7 Quyết định số 6439/QĐ-UBND ngày 29/12/2018;

8 Quyết định phê duyệt số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ

9 Quyết định số 1779/QĐ-UBND 10/8/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

10 Hà Nội, Hưng Yên, Đà Nẵng.

11 Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN) chính thức được thành lập tại Một nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 32 diễn ra tháng 4/2018 tại Singapore. Việt Nam là thành viên của mạng lưới với 03 dại diện gồm các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Bộ Xây dựng là dại diện quốc gia của Việt Nam.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2353/BXD-PTĐT năm 2022 về báo cáo tình hình triển khai đô thị thông minh bền vững do Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 2353/BXD-PTĐT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/06/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Lê Quang Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản