Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23472/CT-TTHT
V/v chi phí lãi vay được trừ đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2019

 

Kính gửi: Công ty CP chứng khoán Thiên Việt
(Địa chỉ: Tòa nhà TĐL, số 22 Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội - MST: 0102114648)

Cục Thuế TP Hà Nội nhận được công văn số 21-19/TVS-KT đề ngày 12/03/2019 của Công ty CP chứng khoán Thiên Việt hỏi về chính sách thuế. Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính Phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:

+ Tại Điều 2 quy định về đối tượng áp dụng:

“1. Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (sau đây gọi chung là người nộp thuế) là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai và có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.”

+ Tại Điều 4 về giải thích từ ngữ:

“3. “Giao dịch liên kết” là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; ... chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết. ”

+ Tại Điều 5 quy định về các bên có quan hệ liên kết:

“1. Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:

a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;

2. Các bên liên kết tại khoản 1 Điều này được quy định cụ thể như sau:

a) Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;

c) Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia;...”

- Căn cứ Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/04/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính Phủ hướng dẫn kê khai mẫu số 01 Thông tin quan hệ liên kết và giao dịch liên kết.

- Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) quy định:

Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt...

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:...

2.17. Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.

2.18. Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh. Chi trả lãi tiền vay trong quá trình đầu tư đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư.

Trường hợp doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

…”

Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội trả lời theo nguyên tắc sau:

1. Hoạt động vay với các đơn vị khác không phải là Công ty quản lý quỹ Thiên Việt để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh:

Trường hợp Công ty thuộc đối tượng điều chỉnh theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP thì Công ty xác định chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật thuế TNDN và không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. Trong đó chi phí lãi vay xác định theo nguyên tắc nêu trên là tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của Công ty (không phân biệt chi phí lãi vay phát sinh từ các bên liên kết hay từ các bên độc lập).

Trường hợp Công ty không phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết thì việc xác định chi phí được trừ đối với chi phí vay vốn sản xuất kinh doanh được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính nêu trên.

2. Việc kê khai các chỉ tiêu tại Mẫu số 01 Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết (kèm theo Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp số 03/TNDN) được thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/04/2017 của Bộ Tài chính.

3. Việc xác định giao dịch ký quỹ có thuộc đối tượng điều chỉnh của Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP:

Nội dung này, Cục Thuế TP Hà Nội đang có văn bản báo cáo xin ý kiến Tổng cục Thuế, khi Tổng cục Thuế hướng dẫn, Cục Thuế TP Hà Nội sẽ hướng dẫn đơn vị thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, nếu còn vướng mắc, đề nghị đơn vị liên hệ trực tiếp với Phòng Thanh tra kiểm tra số 8 để được hướng dẫn.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty CP chứng khoán Thiên Việt được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- P.TKT2; P.TKT8
- P.DTPC;
- Lưu: VT, TTHT(2).

CỤC TRƯỞNG




Mai Sơn