Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2277/BTM-QLCL
V/v ghi nhãn hàng hoá phụ tùng xe máy& xe máy

Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 2001

 

Kính gửi : Bộ Công nghiệp

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 294/CP-KTTH ngày 17/04/2001 và trả lời công văn số 1824/CV-CNCL ngày 11/05/2001 của quý Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại đã nghiên cứu bản dự thảo Thông tư hướng dẫn ghi nhãn hàng hoá xe gắn máy và phụ tùng xe gắn máy của quý Bộ và tham gia các ý kiến sau đây:

I- Quy định ghi nhãn hàng hoá đối với phụ tùng xe gắn máy:

Tất cả các loại phụ tùng xe gắn máy đưa ra lưu thông trên thị trường đều phải có nhãn hàng hoá. Nhãn hàng hoá được in chìm in nổi trên hàng hoá trên bao bì bao gói hoặc được đính, cài, kèm theo hàng hoá nơi bán hàng.

Trên nhãn hàng hoá phải ghi đầy đủ các nội dung sau đây:

1- Tên hàng hoá: Ghi tên nói về công dụng kèm theo thương hiệu (nhãn hiệu)

2- Tên và địa chỉ của cơ sở sản xuất: Nếu là hàng nhập khẩu để tiêu thụ trong nước thì phải ghi tên địa chỉ cơ sở kinh doanh nhập khẩu theo giấy phép kinh doanh.

3- Chỉ tiêu chất lượng: Ghi rõ thông số kỹ thuật cơ bản của phụ tùng được ứng dụng trong lắp ráp. Độ cứng, độ bền kéo đứt, các chỉ tiêu cần thiết khác, v.v... (đã quy định trong tiêu chuẩn). Số hiệu tiêu chuẩn là nội dung không bắt buộc ghi nhãn nhưng có thể ghi thêm nếu thấy cần thiết.

4- Định lượng hàng hoá: Gồm số lượng phụ tùng cùng loại trong bao gói: số lượng và tên các loại phụ tùng đối với thiết bị đồng bộ cụm hoặc tổng thể.

5- Ngày sản xuất (ngày hoàn thành sản phẩm)

6- Hướng dẫn sử dụng: Đối với các chi tiết phụ tùng có tính chất phức tạp cần phải hướng dẫn sử dụng trong lắp ráp.

7- Xuất xứ nước sản xuất hàng hoá: Nếu là phụ tùng nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải ghi xuất xứ nước sản xuất.

II. Quy định ghi nhãn đối với xe gắn máy nguyên chiếc:

- Tất cả các loại xe gắn máy đưa ra lưu thông trên thị trường đều phải có nhãn hàng hoá treo ở xe tại cửa hàng bán.

- Trên nhãn hàng hoá treo phải ghi đầy đủ các nội dung sau đây:

1- Tên hàng hoá: Gồm tên nói về công dụng kèm theo tên thương hiệu (nhãn hiệu)

Ví dụ: Xe gắn máy Honda Dream; xe gắn máy Suzuki.

2- Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, lắp ráp (theo giấy phép kinh doanh): Nếu là xe nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ cơ sở kinh doanh nhập khẩu xe gắn máy nguyên chiếc hoặc nhập khẩu phụ tùng CKD, IKD; cơ sở lắp ráp xe gắn máy.

3- Định lượng hàng hoá: chiều cao và chiều dài của xe: khối lượng toàn bộ xe.

4- Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của xe gắn máy nguyên chiếc: Ghi rõ nội dung tích buồng đốt (Xi lanh); nhiên liệu tiêu tốn.... lít xăng/100 km; hàm lượng khói xả và tiếng ồn; vận tốc cực đại xe vượt được; góc dốc cực đại xe vượt được; hiệu quả của phanh; độ cân bằng xe.

Số hiệu tiêu chuẩn chất lượng không bắt buộc ghi nhãn có thể ghi thêm nếu thấy cần thiết

5- Ngày sản xuất (ngày hoàn thành sản xuất, lắp ráp hoặc xuất xưởng)

6- Hướng dẫn sử dụng và bảo quản xe (tài liệu thuyết minh kỹ thuật kèm theo xe)

7- Xuất xứ của xe gắn máy:

- Nếu xe nhập khẩu nguyên chiếc để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam thì ghi tên nước sản xuất.

- Nếu xe nhập khẩu phụ tùng IKD, CKD và lắp ráp tại Việt Nam thì ghi tên nước sản xuất linh kiện, phụ tùng đồng bộ.

- Nếu xe nhập khẩu linh kiện phụ tùng và lắp ráp tại Việt Nam thì ghi rõ tên các loại phụ tùng linh kiện nhập khẩu và tên nước sản xuất; tên các loại phụ tùng nội địa hoá và cơ sở chế tạo.

III- Quy định về tài liệu kỹ thuật thuyết minh (Catalo) của xe gắn máy;

1- Thương nhân phải cung cấp đầy đủ các tài liệu thuyết minh kỹ thuật của xe gắn máy khi bán xe cho người mua. Nếu là xe nhập khẩu nguyên chiếc để tiêu thụ tại Việt Nam thì ngoài tài liệu thuyết minh kỹ thuật bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo tài liệu dịch đầy đủ ra tiếng Việt Nam.

2- Tài liệu thuyết minh kỹ thuật của xe gắn máy cung cấp cho người mua phải bao gồm đầy đủ các nội dung sau đây:

2.1- Các nội dung như đã quy định tại điểm 1, 2, 3, 4,.7 Mục II

2.2- Bổ sung thêm các nội dung sau đây:

- Hình ảnh kiểu dáng xe nguyên chiếc

- Hình ảnh và chỉ dẫn chi tiết cấu cụm phụ tùng của xe

- Thông số kỹ thuật cơ bản của các chi tiết, phụ tùng được ứng dụng trong lắp ráp hoặc khi cần thay thế. Các chỉ tiêu chất lương chủ yếu của các cụm phụ tùng và phụ tùng như: Động cơ, khung xe, vành bánh xe, bộ giảm xóc, dây xích, côn, trục, vòng bi, bánh răng, hệ thống điện, hệ thống phanh, các chi tiết phụ tùng nhựa. Số hiệu tiêu chuẩn đạt chất lượng của các cụm phụ tùng hoặc phụ tùng có thể công bố thêm nếu thấy cần thiết.

- Hướng dẫn bảo dưỡng xe

3- Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung ghi trên nhãn hàng hoá và tài liệu thuyết minh kỹ thuật kèm theo xe.

Trên đây là ý kiến đề nghị của Bộ Thương mại về ghi nhãn hàng hoá xe gắn máy nguyên chiếc và phụ tùng xe gắn máy đưa vào lưu thông.

Đề nghị quý Bộ Công nghiệp sớm hoàn chỉnh Thông tư hướng dẫn và ban hành./.

 

 

KT BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Lê Danh Vĩnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2277/BTM-QLCL về việc ghi nhãn hàng hoá phụ tùng xe máy và xe máy do Bộ Thương mại ban hành

  • Số hiệu: 2277/BTM-QLCL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/06/2001
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Lê Danh Vĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản