Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 2149/TLĐ
“V/v: Hướng dẫn khen thưởng chuyên đề Văn hoá - Thể thao”

Hà Nội, ngày 7 tháng 12 năm 2007

 

Kính gửi:

- Các LĐLĐ tỉnh, thành phố,
- Các Công đoàn Ngành Trung ương,
- Các Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc.

 

Căn cứ Thông tri số 01/TTr-TLĐ ngày 14/9/2007 của Tổng Liên đoàn về việc hướng dẫn thực hiện Quy chế khen thưởng của tổ chức Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn “Tiêu chuẩn tặng Bằng khen -  Cờ của Tổng Liên đoàn chuyên đề Văn hoá - Thể thao” hàng năm như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG THI ĐUA

Đối tượng áp dụng Hướng dẫn này là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp độc lập, có con dấu và tài Khoản riêng (có tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của Luật Kế toán), bao gồm:

1.1. Cơ quan: Cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể.

1.2. Đơn vị:

- Đơn vị sự nghiệp (công lập) do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập trong các lĩnh vực: Giáo dục - Đào tạo; Y tế; Văn hóa - Thông tin; Thể dục - Thể thao; Sự nghiệp kinh tế; đảm bảo xã hội và các sự nghiệp khác.

- Đơn vị lực lượng vũ trang và công an nhân dân.

1.3. Doanh nghiệp: Các doanh nghiệp Nhà nước, tập thể, tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Việc xét tặng Bằng khen và Cờ chuyên đề phải đảm bảo nguyên tắc: Tự nguyện, công khai, dân chủ, đúng tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục; tránh xu hướng chạy theo số lượng, thành tích.

Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW, công đoàn Tổng công ty, công đoàn các Tập đoàn kinh tế trực thuộc Tổng liên đoàn là thường trực, đầu mối liên hệ, triển khai thực hiện Hướng dẫn này.

II. NỘI DUNG VÀ TIÊU CHÍ THI ĐUA

1. Đối với cơ quan, đơn vị

1.1. Thực hiện dân chủ, kỷ cương pháp luật

a. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nội bộ đoàn kết, không có khiếu kiện trái pháp luật.

b. Gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không có người vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

c. Sinh hoạt cơ quan, đơn vị nề nếp; thực hiện tốt nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và các quy định của địa phương nơi cư trú.

d. Không có cán bộ, công chức, chiến sỹ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

1.2. Đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú

a. Thực hiện tốt các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các hình thức sinh hoạt xã hội khác. Thực hiện giao tiếp văn minh, ứng xử văn hóa, tận tụy phục vụ nhân dân.

b. Công sở xanh, sạch, đẹp, an toàn; giữ gìn vệ sinh môi trường; không để xảy ra cháy, nổ, thất thoát tài sản công và gây mất trật tự, an ninh xã hội.

c. Không thực hiện các hành vi mê tín dị đoan; không có người mắc tệ nạn xã hội; không có người sử dụng, lưu hành các sản phẩm văn hóa độc hại.

d. Đầu tư xây dựng đi đôi với phát huy hiệu quả và tổ chức tốt các thiết chế và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí; thu hút và đáp ứng nhu cầu của cán bộ, công chức, chiến sỹ trong cơ quan, đơn vị. Thường xuyên chăm lo tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao quần chúng cho CNVCLĐ ở cơ sở. Định kỳ tổ chức tốt Liên hoan nghệ thuật quần chúng, Hội thao CNVCLĐ trong đơn vị, ngành mình.

2. Đối với doanh nghiệp

2.1. Đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần đối với người lao động

a. Đảm bảo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định và tăng thu nhập cho người lao động, phù hợp với sự phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

b. Xây dựng tác phong làm việc công nghiệp, ý thức kỷ luật, lao động có kỹ thuật, năng suất, chất lượng, hiệu quả; có tinh thần đoàn kết, hợp tác, tương trợ lẫn nhau, tạo sự đồng thuận vì Mục tiêu xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

2.2. Xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa

a. Thực hiện nếp sống văn minh trong giao tiếp, ứng xử, trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các sinh hoạt xã hội khác.

b. Khuôn viên doanh nghiệp xanh, sạch, đẹp, ngăn nắp, không gây ô nhiễm môi trường.

c. Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; không để xảy chảy, nổ, mất trật tự an toàn xã hội.

d. Không có trọng án hình sự; không có người mắc tệ nạn xã hội, không sử dụng, tàng trữ, luân chuyển sản phẩm văn hóa phẩm độc hại.

e. Tạo Điều kiện cho CNVCLĐ về: nơi làm việc, chỗ ở, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia các sinh hoạt đoàn thể, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí; Tích cực hưởng ứng các phong trào văn hoá, văn nghệ, TDTT do cấp trên tổ chức; Tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ văn hoá, văn nghệ, TDTT do cấp trên tổ chức.

III. TIÊU CHUẨN DANH HIỆU THI ĐUA VÀ HÌNH THỨC XÉT TẶNG

1. Tiêu chuẩn tặng Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn LĐVN

1.1. Đối với đơn vị cơ sở:

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xét tặng Cờ hàng năm cho các đơn vị cơ sở đạt thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào “Văn hoá - Thể thao” dẫn đầu khối, cụm thi đua của Công đoàn cơ sở; đã được các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tập đoàn kinh tế, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn hoặc cấp tương đương tặng Cờ và đã được tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chuyên đề “Văn hoá - Thể thao”.

1.2. Đối với Công đoàn cấp trên cơ sở, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tập đoàn kinh tế, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xét tặng Cờ thi đua cho Công đoàn cấp trên cơ sở thuộc các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tập đoàn kinh tế, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn; Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tập đoàn kinh tế, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có thành tích trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện phong trào “Văn hoá - Thể thao” tiêu biểu dẫn đầu khối, cụm Công đoàn cấp trên cơ sở, được các cấp có thẩm quyền đánh giá xếp hạng xuất sắc về chuyên đề “Văn hoá - Thể thao” vào dịp sơ kết, tổng kết phong trào.

2. Tiêu chuẩn xét tặng Bằng khen của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2.1. Đối với cá nhân

a. Là thành viên tích cực và đạt thành tích xuất sắc, có nhiều công lao đóng góp cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục - thể thao của cơ sở.

b. Là người tiêu biểu trong số những cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Văn hoá - Thể thao” đã được các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tập đoàn kinh tế, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn hoặc cấp tương đương tặng Bằng khen.

c. Gương mẫu chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định về hoạt động “Văn hoá - Thể thao”.

2.2. Đối với tập thể

a. Thực hiện tốt 5 tiêu chuẩn trong phong trào “Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở” theo chương trình phối hợp hoạt động giữa Tổng Liên đoàn LĐVN với  Bộ Văn hoá Thông tin và Uỷ ban TDTT đã ký và ban hành ngày 14 tháng 9 năm 2005.

b. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xét tặng Bằng khen hàng năm cho đơn vị cơ sở tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào “Văn hoá - Thể thao” đã được các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tập đoàn kinh tế, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn hoặc cấp tương đương tặng Cờ cho đơn vị, Bằng khen cho cá nhân.

c. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xét tặng Bằng khen hàng năm cho Công đoàn cấp trên cơ sở thuộc các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tập đoàn kinh tế, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện phong trào “Văn hoá, Thể thao”.

Bằng khen và Cờ chuyên đề là hình thức động viên phù hợp với quy chế thi đua của Tổng Liên đoàn và các nguyên tắc của Luật Thi đua - Khen thưởng, nhằm ghi nhận, biểu dương các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào văn hoá, thể thao và xây dựng đời sống văn hóa.

Căn cứ tiêu chuẩn thi đua và các hình thức khen thưởng, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tập đoàn kinh tế, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn quy định các hình thức khen thưởng phù hợp theo thẩm quyền.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đăng ký thi đua

1.1. Hàng năm các đơn vị phải tổ chức cho các tập thể và cá nhân trong đơn vị đăng ký thi đua.

1.2. Các LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty, Công đoàn Tập đoàn kinh tế và các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn gửi bản đăng ký thi đua (theo mẫu số 14 của Thông tri hướng dẫn số: 01/TTr-TLĐ ngày 14/9/2007 của TLĐ) về Tổng Liên đoàn (qua Ban Tuyên giáo) trước ngày 28/2 hàng năm. Đơn vị nào không đăng ký thi đua thì không được xét tặng danh hiệu thi đua.

2. Công tác xây dựng kế hoạch, kiểm tra, đánh giá thực hiện phong trào “Văn hoá - Thể thao”.

2.1. Các cấp công đoàn phải xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, tổ chức tuyên truyền, phát động thi đua, đăng ký thực hiện phong trào “Văn hoá - Thể thao” với các nội dung, hình thức phù hợp với địa phương, ngành và đơn vị ngay từ đầu năm.

2.2. Công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, tiêu chí phong trào thi đua “Văn hoá - Thể thao” hàng năm, đánh giá lựa chọn các tập thể, cá nhân tiêu biểu để khen thưởng và đề nghị công đoàn cấp trên khen thưởng.

2.3. Hàng năm, các cấp công đoàn phối hợp với các cơ quan chuyên môn đồng cấp tổ chức kiểm tra, đánh giá, xem xét thực hiện phong trào; tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ theo chương trình phối hợp mà các bên đã ký kết; đánh giá lựa chọn các tập thể, cá nhân tiêu biểu để tôn vinh khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng.

2.4. Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn có trách nhiệm xem xét tham mưu, phối hợp với Ban Chính sách kinh tế – Xã hội trình Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào “Văn hoá - Thể thao”.

3. Hồ sơ đề nghị khen thưởng: Theo quy định chung của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

4. Số lượng Cờ và Bằng khen hàng năm

Căn cứ số lượng quy định tặng Cờ và Bằng khen của Tổng Liên đoàn cho các cơ sở, đơn vị, địa phương, ngành theo quy định tại Thông tri 01/TTr-TLĐ ngày 14/9/2007 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hướng dẫn thực hiện Quy chế khen thưởng, lưu ý đến đặc Điểm vùng miền, địa phương và ngành có nhiều công đoàn cơ sở và đông CNVCLĐ để hướng dẫn cho phù hợp với từng ngành, địa phương và cơ sở.

Trong quá trình thực hiện nếu có Điều gì vướng mắc, công đoàn các cấp phản ánh kịp thời về Tổng Liên đoàn (qua Ban Tuyên giáo) để xem xét giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
Như trên;
Lưu VP, Ban TG

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Hoà Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2149/TLĐ về hướng dẫn khen thưởng chuyên đề Văn hoá - Thể thao do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 2149/TLĐ
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 07/12/2007
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản