BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2128/LĐTBXH-KHTC | Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2012 |
Kính gửi: | Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương |
Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 18/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước 3 năm 2013-2015, Bộ yêu cầu Giám đốc các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch năm 2013 theo các nội dung sau:
1. Yêu cầu trong xây dựng Kế hoạch năm 2013
- Tổ chức đánh giá nghiêm túc kết quả thực hiện kế hoạch năm 2011, 6 tháng đầu năm 2012 và dự báo 6 tháng cuối năm và ước thực hiện cả năm 2012. Trong đó xác định rõ những chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt thấp; những tồn tại, yếu kém trong quá trình tổ chức thực hiện; những cơ chế, chính sách cần điều chỉnh, bổ sung… Đặc biệt phân tích làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới không đạt chỉ tiêu kế hoạch.
- Xác định mục tiêu và nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 về lao động, người có công và xã hội căn cứ vào các mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 của địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố thông qua; đồng thời dựa trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2012 và dự báo tình hình kinh tế xã hội của địa phương, trong nước và thế giới trong thời gian tới.
- Xây dựng kế hoạch lao động, người có công và xã hội năm 2013 gắn với khả năng cân đối nguồn lực và khả năng thực hiện của các cấp cơ sở để đảm bảo tính khả thi, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nâng cao khả năng xã hội hóa các nguồn lực để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội.
- Việc xây dựng kế hoạch lao động, người có công và xã hội năm 2013 phải đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của địa phương; bảo đảm tỉnh công khai, minh bạch và công bằng trong xây dựng kế hoạch và phân bổ nguồn lực, ngân sách. Đồng thời đảm bảo tiến độ, thời gian quy định.
2. Định hướng mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch năm 2013
2.1. Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013
Nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế đi đôi với việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự xã hội.
2.2. Định hướng mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 về lao động, người có công và xã hội
(1). Tổ chức triển khai hướng dẫn thực hiện Bộ luật lao động (sửa đổi); tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, tạo việc làm, dạy nghề gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động trong nước, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động; tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống Trung tâm giới thiệu việc làm; đa dạng hoá các hoạt động giao dịch việc làm; tiếp tục phát huy và nâng cao năng lực hoạt động sàn giao dịch việc làm, góp phần tích cực kết nối cung - cầu lao động.
Phát triển thị trường xuất khẩu lao động; đổi mới công tác đào tạo, tạo nguồn lao động xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Theo dõi, kịp thời cập nhật tình hình biến động lao động trong các doanh nghiệp, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các thành phố lớn, lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; kịp thời đề xuất giải pháp xử lý những vấn đề mới phát sinh.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh, giảm tranh chấp lao động, đình công; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn lao động.
(2). Phát triển hệ thống dạy nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, hiện đại hoá, chuẩn hoá, xã hội hoá và hội nhập khu vực, quốc tế; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề theo 3 cấp trình độ; phát triển mạnh các hình thức dạy nghề cho lao động nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới dạy nghề về quy mô, cơ cấu cấp trình độ, ngành nghề đến năm 2020 phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tiến trình tái cơ cấu kinh tế của cả nước, ngành, vùng, tiểu vùng đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước, xuất khẩu lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về dạy nghề theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, gắn với trách nhiệm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đảm bảo sự giám sát của cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân.
(3). Tập trung triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); tiếp tục xử lý các trường hợp còn tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công; xây dựng và thực hiện đề án hỗ trợ nhà ở cho các gia đình chính sách chưa có nhà ở kiên cố; đề án tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; đề án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng 200 xã có nhiều người bị nhiễm chất độc hoá học; thực hiện báo tin mộ liệt sỹ đến gia đình liệt sỹ. Tiếp tục đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình - phục hồi chức năng đáp ứng yêu cầu điều trị, phục hồi sức khoẻ, hoà nhập cộng đồng cho người có công; đầu tư xây dựng, sửa chữa, tôn tạo và nâng cấp các công trình tưởng niệm liệt sỹ đảm bảo ổn định, lâu dài, phát huy tính giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng.
(4). Tập trung nguồn lực đầu tư, thực hiện giảm nghèo bền vững: thông qua các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành đảm bảo hợp lý chênh lệch về phát triển và giàu nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư, các dân tộc; lồng ghép các chương trình, dự án mở rộng và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề cho người nghèo để tạo việc làm tại chỗ, tham gia lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động; thực hiện đầy đủ các chính sách đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
(5). Tăng cường hoạt động bảo trợ, trợ giúp xã hội: thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành cho đối tượng yếu thế; nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung chính sách, nâng mức trợ cấp xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước và địa phương; cải thiện, nâng cao mức sống cho đối tượng xã hội, tạo điều kiện để các đối tượng tự khắc phục khó khăn vươn lên hoà nhập cộng đồng.
Thực hiện tốt công tác cứu trợ đột xuất, bảo đảm người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời; xây dựng, triển khai nhân rộng các mô hình phòng tránh và cứu trợ phù hợp để kịp thời ứng phó và hạn chế các tác động xấu của thiên tai, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống, cứu giúp lẫn nhau khi gặp thiên tai.
(6). Tạo môi trường thuận lợi để thực hiện toàn diện quyền trẻ em; tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em, phát hiện xử lý nghiêm minh các hành động bạo lực, xâm hại trẻ em; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc thường xuyên ngoài gia đình (từ cộng đồng và nhà nước); giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; giám sát đảm bảo 100% trẻ em dưới 6 tuổi được tiếp cận các dịch vụ y tế nhà nước không phải trả tiền.
(7). Thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; lồng ghép, đưa các nhiệm vụ về bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp, các ngành, cụ thể hoá bằng các chỉ tiêu và gắn với nguồn lực nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu Bình đẳng giới trong Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; tăng cường công tác giáo dục truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người về bình đẳng giới, pháp luật về các quyền của phụ nữ để họ tự bảo vệ mình; phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành động bạo lực xâm hại phụ nữ.
(8). Giảm phát sinh mới tệ nạn xã hội; nâng cao chất lượng cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai; phòng chống tệ nạn mại dâm. Mở rộng và nâng cao hiệu quả cuộc vận động xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội; phát động phong trào toàn dân phát hiện người nghiện, vận động đối tượng nghiện và gia đình người nghiện tự khai báo và đăng ký hình thức cai nghiện; xây dựng lực lượng tình nguyện viên ở các xã, phường. Đưa công tác cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai, phòng chống mại dâm vào chỉ tiêu đánh giá hoàn thành nhiệm vụ đối với cấp uỷ, chính quyền các cấp.
Nâng cao năng lực các trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội hiện có; khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển các mô hình, các hình thức cai nghiện phục hồi gắn với dạy nghề, tạo việc làm, giảm tái nghiện và hoà nhập cộng đồng sau cai.
Cùng với thuyết minh đánh giá kết quả thực hiện năm 2011, 2012 và kế hoạch năm 2013, Bộ yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp đầy đủ số liệu vào các phụ lục kèm theo công văn này.
Để đảm bảo yêu cầu tiến độ theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ yêu cầu Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 đúng nội dung, yêu cầu và gửi về Bộ trước ngày 13/7/2012 đồng thời gửi thư điện tử theo địa chỉ e-mail: phongkh_molisa@yahoo.com.
Mọi vướng mắc xin phản ánh về Bộ (Vụ Kế hoạch - Tài chính, điện thoại 04.3.8269.544)./.
Nơi nhận: | TL.BỘ TRƯỞNG |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1Công văn 4723/BKHĐT-TH xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 2Công văn 1964/LĐTBXH-KHTC xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 3Công văn 2126/LĐTBXH-KHTC năm 2014 xây dựng kế hoạch phát triển ngành lao động - thương binh xã hội năm 2015 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 1Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2012 xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước năm 2013 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 4723/BKHĐT-TH xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 3Công văn 1964/LĐTBXH-KHTC xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 4Công văn 2126/LĐTBXH-KHTC năm 2014 xây dựng kế hoạch phát triển ngành lao động - thương binh xã hội năm 2015 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Công văn 2128/LĐTBXH-KHTC xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- Số hiệu: 2128/LĐTBXH-KHTC
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 26/06/2012
- Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Người ký: Chu Quang Cường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/06/2012
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực