Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2119/BTC-HCSN
V/v hướng dẫn về trích 40% từ nguồn thu hoạt động dịch vụ để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2016

 

Kính gửi: Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam

Trả lời công văn số 2481/STC-STC ngày 13/10/2015 của Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam về việc hướng dẫn trích 40% từ nguồn thu hoạt động dịch vụ để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương; Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về việc thực hiện trích tối thiểu 40% chênh lệch thu chi hoạt động dịch vụ:

Căn cứ quy định tại Thông tư số 104/2013/TT-BTC ngày 2/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện Điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ, Điều chỉnh trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 73/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ; Thông tư số 32/2015/TT-BTC ngày 17/3/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện Điều chỉnh tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống, thì đối với đơn vị sự nghiệp có số thu dịch vụ, thực hiện trích 40% chênh lệch thu, chi từ hoạt động dịch vụ để thực hiện cải cách tiền lương. Như vậy, đơn vị tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động cũng phải thực hiện trích 40% chênh lệch thu chi để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.

2. Về phương pháp trích 40% chênh lệch thu chi:

Căn cứ quy định về dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương thì đơn vị thực hiện trích 40% chênh lệch thu chi từ hoạt động dịch vụ để thực hiện cải cách tiền lương trước, sau đó mới thực hiện trích các Quỹ và thu nhập tăng thêm cho người lao động theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Về thẩm quyền cho phép sử dụng kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư:

Theo quy định tại Thông tư số 32/2015/TT-BTC ngày 17/3/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện Điều chỉnh tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống, thì thẩm quyền cho phép sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của đơn vị sự nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (Điểm e Khoản 2 Điều 3). Nguyên tắc xử lý là các đơn vị tự đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình của Chính phủ, không bổ sung ngân sách để thực hiện cải cách tiền lương. Như vậy, theo quy định nêu trên thì thẩm quyền cho phép sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư đối với đơn vị tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Bộ Tài chính trả lời để Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Bộ (để b/c);
- Vụ NSNN;
- Lưu: VT, Vụ HCSN.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ TÀI CHÍNH
HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Lại Văn Dương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2119/BTC-HCSN năm 2016 hướng dẫn về trích 40% từ nguồn thu hoạt động dịch vụ tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 2119/BTC-HCSN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/01/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Lại Văn Dương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản