Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2105/TCT-KK
V/v hoàn thuế GTGT

Hà Nội, ngày 21 tháng 06 năm 2011

 

Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Bến Tre.

Trả lời công văn số 702/CT-KTr ngày 03/11/2010 và công văn số 257/CT-KTr ngày 20/5/2011 của Cục Thuế tỉnh Bến Tre liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) hàng hóa đã xuất khẩu bị trả lại và đã bán trong nước đối với Công ty TNHH một thành viên XNK Hải Vân (Công ty Hải Vân), Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Đối với giao dịch xuất khẩu gạo ra nước ngoài:

Căn cứ hướng dẫn tại Điểm 2 Mục I Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT hướng dẫn thời điểm xác định thuế GTGT như sau: “Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”.

Căn cứ hướng dẫn tại Điểm 1.1 và 1.2 Mục IV Phần B Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 31/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 của Chính phủ quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn:

“1.1. Tổ chức, cá nhân khi bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ phải lập hóa đơn theo quy định và giao cho khách hàng.

1.2. Thời điểm lập hóa đơn: Hóa đơn phải được lập ngay khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu tiền phát sinh theo quy định”.

Căn cứ Điểm 2.4 Mục I Phần B Thông tư số 61/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử lý vi phạm pháp luật về thuế hướng dẫn xử phạt đối với hành vi khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế như sau: “Phạt tiền 1.750.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 500.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 3.000.000 đồng đối với trường hợp có nhiều hành vi vi phạm đồng thời tại các điểm 2.1, 2.2, 2.3 Mục này”;

Căn cứ hướng dẫn tại Thông tư 04/2009/TT-BTC ngày 13/01/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện hoàn thuế GTGT theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ;

Theo đó, trường hợp Công ty Hải Vân đã được Hải quan thành phố Hồ Chí Minh xác nhận thực xuất khẩu gạo theo Tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 65352/XK/XKD/KVI ngày 10/10/2009 và xác nhận tái nhập khẩu theo Tờ khai hàng hóa nhập khẩu số 10264/NK/KD/KVI ngày 18/12/2009, nếu Công ty không xuất hóa đơn GTGT hàng hóa xuất khẩu, không ghi nhận giá vốn, hạch toán doanh thu hàng hóa xuất khẩu; không kê khai vào tờ khai thuế GTGT tháng 10/2009 thì Công ty bị xử phạt về hành vi khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế theo hướng dẫn nêu trên do lập hồ sơ khai thuế ghi sai các chỉ tiêu làm căn cứ xác định nghĩa vụ thuế trên: tờ khai thuế (Điểm 2.3 Mục I Phần B Thông tư số 61/2007/TT-BTC), các tài liệu, chứng từ khác liên quan đến nghĩa vụ thuế (Điểm 2.1 và 2.2 Mục I Phần B Thông tư số 61/2007/TT-BTC).

Trường hợp Công ty mua gạo của Công ty lương thực Tiền Giang nhưng bên bán không lập hóa đơn ngay khi giao hàng (khi chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa) mà sau khi hàng hóa đã được Công ty xuất khẩu ra nước ngoài (ngày 15/10/2009) mới xuất hóa đơn GTGT giao cho Công ty (ngày 19/10/2009) thì Công ty không được khấu trừ thuế GTGT của hóa đơn GTGT người bán xuất mà phải tính vào chi phí xuất khẩu hàng hóa.

Trường hợp Công ty đã tái nhập khẩu số gạo thực xuất khẩu trước khi có hồ sơ đề nghị hoàn thuế gửi cơ quan thuế thì không thuộc trường hợp được tạm hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu trong thời gian chưa được phía nước ngoài thanh toán qua ngân hàng theo hướng dẫn tại Thông tư này; Công ty cũng không được xét hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa xuất khẩu.

Đề nghị Cục Thuế thu hồi hoàn số thuế GTGT có liên quan theo chế độ quy định.

2. Đối với giao dịch mua bán gạo trong nước:

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 89/2002/NĐ-CP của Chính phủ nêu trên: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ các trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định không phải lập hóa đơn”.

Căn cứ hướng dẫn tại Điểm 2.20 Mục IV Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC nêu trên: “Đối với cơ sở kinh doanh xuất hàng hóa dưới các hình thức cho, vay, mượn hoặc hoàn trả hàng hóa thì phải viết hóa đơn GTGT theo quy định như trường hợp mua, bán hàng hóa thông thường”.

Căn cứ hướng dẫn tại Điểm 2 Phần C Thông tư số 120/2002/TT-BTC nêu trên:

“Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại Điều 12, 13, 14, 15, 16 của Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 của Chính phủ, ngoài việc bị xử phạt hành chính theo quy định tại các Điều trên nếu làm thất thoát tiền thuế của Ngân sách Nhà nước thì:

2.1. Bị truy thu đủ số thuế trốn.

2.2. Bị xử phạt về thuế theo quy định tại các Luật thuế. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ hướng dẫn tại Điểm 1.8 Mục IV Phần B Thông tư số 61/2007/TT-BTC nêu trên về xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế, bao gồm: “Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế”.

Theo đó, trường hợp Công ty Hải Vân có mượn gạo của Công ty lương thực Tiền Giang để giao cho khách hàng trong nước và sau đó trả lại bằng gạo nhưng trong quá trình mượn-trả hai bên không lập hóa đơn GTGT theo quy định thì Công ty và Công ty lương thực Tiền Giang, bị xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế, bị truy thu đủ số tiền thuế trốn theo chế độ quy định.

Công ty được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đã nộp ở khâu tái nhập khẩu hàng hóa xuất khẩu bị trả lại, thuế GTGT đầu vào có liên quan phát sinh trước khi xuất khẩu hướng dẫn tại Điểm 1 nêu trên (không bao gồm số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT của Công ty Lương thực Tiền Giang lập liên quan đến hàng hóa xuất khẩu nêu tại Điểm 1 Công văn này) và thuế GTGT phát sinh sau khi tái nhập khẩu của hàng hóa bán ra nếu đảm bảo các điều kiện và thủ tục về kê khai thuế, khấu trừ và hoàn thuế theo chế độ quy định.

Đề nghị Cục Thuế tỉnh Bến Tre kiểm tra hồ sơ cụ thể, trong đó bao gồm việc giao dịch mua bán trong nước và xuất khẩu, tái nhập khẩu; việc theo dõi, thực hiện hạch toán kế toán đối với hoạt động mua bán; việc lập hóa đơn mua, bán hàng hóa của các bên có liên quan để xác định các giao dịch mua bán hàng hóa là có thật hay không. Trường hợp phát hiện có vi phạm về chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, kê khai thuế, gian lận, trốn thuế,… thì tùy theo tính chất, mức độ thực hiện xử phạt vi phạm pháp luật về thuế (bao gồm cả áp dụng các biện pháp khắc phục có liên quan) hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt để giải quyết khấu trừ, hoàn thuế theo chế độ quy định.

Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế tỉnh Bến Tre biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ Pháp chế (BTC);
- Các Vụ: PC, CS (TCT);
- Lưu: VT, KK.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Văn Trường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2105/TCT-KK về hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa đã xuất khẩu bị trả lại và đã bán trong nước do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 2105/TCT-KK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 21/06/2011
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Vũ Văn Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/06/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản