Hệ thống pháp luật

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 204/VKSTC-V11
V/v: Giải đáp khó khăn, vướng mắc qua tổng kết công tác năm 2022

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2023

 

Kính gửi:

- Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Viện kiểm sát Quân sự Trung ương

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao tại Văn bản số 393/VKSTC-VP ngày 16/12/2022 về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của VKSND các cấp qua tổng kết công tác năm 2022;

Trên cơ sở nghiên cứu những nội dung khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất của VKSND địa phương về công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính (THADS, HC), VKSND tối cao (Vụ 11) giải đáp như sau:

1. Việc đối chiếu số liệu giữa Viện kiểm sát và Cơ quan THADS phục vụ báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao tại các kỳ họp Quốc hội gặp nhiều khó khăn, số liệu không trùng khớp do kỳ báo cáo, thống kê giữa 02 cơ quan khác nhau dẫn đến số liệu báo cáo có sự chênh lệch, cụ thể: Đối với chế độ thống kê theo Quyết định số 560/QĐ-VKSTC ngày 13/11/2019 (thay thế cho Quyết định số 188/QĐ- VKSTC ngày 06/4/2016) của VKSND tối cao quy định kỳ thống kê 12 tháng số liệu được tính từ ngày 01/12 của năm trước đến hết ngày 30/11 của năm kế tiếp. Chế độ thống kê của Cơ quan THADS thực hiện theo Thông tư số 06/2019/TT-BTP ngày 21/11/2019 của Bộ Tư pháp và chế độ thống kê liên ngành theo Thông tư liên tịch số 06 quy định kỳ báo cáo thống kê 12 tháng tính từ ngày 01/10 của năm trước đến hết ngày 30/9 của năm kế tiếp.

Trả lời: Liên quan đến việc thống kê về THADS giữa Viện kiểm sát, Tòa án và Cơ quan THADS, ngày 29/12/2021, Bộ Tư pháp, VKSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 12/2021/TTLT-BTP-VKSND-TANDTC (Thông tư liên tịch số 12/2021), thay thế Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTP-VKSND-TANDTC ngày 31/5/2016, hướng dẫn phối hợp trong thống kê THADS, trong đó đã hướng dẫn chi tiết thời điểm chung để chốt số liệu thống kê, báo cáo về THADS của cả ba ngành để phục vụ việc báo cáo Quốc hội. Do vậy, Viện kiểm sát các cấp phải chủ động phối hợp với Cơ quan THADS và Tòa án cùng cấp, thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin, rà soát đối chiếu số liệu để đảm bảo thống nhất với các tiêu chí trong biểu mẫu thống kê, đảm bảo việc thống kê, báo cáo được chính xác, kịp thời đúng quy định.

Việc thực hiện chế độ thống kê, báo cáo trong Ngành theo Quyết định số 560/QĐ-VKSTC ngày 13/11/2019 là thống kê, báo cáo về hoạt động kiểm sát THADS, HC của Viện kiểm sát và thực hiện theo năm công tác của Ngành.

2. Quyết định số 94/QĐ-VKSNDTC ngày 22/3/2021 của VKSND tối cao quy định về Quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan THADS và kỹ năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS, HC (Quy định 94) nhưng:

1) Chưa quy định cụ thể về việc kiểm tra quỹ tiền mặt;

2) Chưa quy định mẫu sổ ghi nhật ký Đoàn trực tiếp kiểm sát, điều này gây khó khăn trong trình tự của cuộc kiểm sát và không thống nhất trong việc ghi sổ nhật ký kiểm sát.

3) Tại mục 5 Điều 11 quy định về phúc tra việc thực hiện Kết luận trực tiếp kiểm sát, nhưng hiện nay trong hệ thống biểu thống kê (Biểu 28) và hệ thống biểu mẫu về THADS chưa có mẫu về việc phúc tra Kết luận trực tiếp kiểm sát mà chi có mẫu phúc tra việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị. Do đó, khó khăn trong việc thống kê THADS.

Trả lời:

2.1. Hiện tại, VKSND tối cao (Vụ 11) chưa có các quy trình hướng dẫn cụ thể về kiểm sát công tác kế toán THADS nói chung và kiểm tra quỹ tiền mặt của về THADS nói riêng của Cơ quan THADS. Tuy nhiên, căn cứ các văn bản quy định về công tác kế toán hiện hành, trong đó có Thông tư số 78/2020/TT-BTC ngày 14/8/2020 của Bộ Tài chính về hướng dẫn kế toán nghiệp vụ THADS và các quy định liên quan trong quá trình tổ chức THADS, thì khi tiến hành kiểm tra quỹ tiền mặt, Kiểm sát viên cùng Thủ quỹ thực hiện trực tiếp việc kiểm quỹ tại két sắt Cơ quan THADS; thực hiện việc kiểm đếm, tiến hành lập biên bản ghi nhận số tiền thực tế còn tồn trong quỹ tiền mặt, biên bản cần có xác nhận của Thủ trưởng Cơ quan THADS, Kế toán nghiệp vụ thi hành án (THA) và Thủ quỹ. Sau đó, yêu cầu Thủ quỹ cung cấp sổ quỹ tiền mặt do Thủ quỹ lập, Kế toán nghiệp vụ THA cung cấp sổ quỹ tiền mặt do Kế toán lập; kiểm tra biên bản kiểm kê, chốt quỹ tiền mặt; đối chiếu số tiền đã thu, chi và còn tồn trên sổ sách kế toán với tiền mặt thực tế còn tồn quỹ trong két (đến thời điểm kiểm tra).

Đồng thời, yêu cầu cung cấp các chứng từ thu, chi hàng tháng và đối chiếu với sổ quỹ tiền mặt; kiểm tra việc cập nhật, ghi chép thu, chi trên sổ quỹ tiền mặt đảm bảo tính chính xác, kịp thời; đối chiếu biên lai thu tiền với tiền nộp trên sổ quỹ tiền mặt... Trên cơ sở kiểm tra sổ quỹ tiền mặt để xác định các khoản đã thu trong tháng nhung chưa nộp, chưa gửi theo quy định; khoản tiền mặt chênh lệch (nếu có); việc kịp thời nộp tiền THA vào quỹ; việc đề nghị chi và thanh toán tiền THA có thực hiện đúng thủ tục quy định không; việc để các khoản tiền tồn ở quỹ tiền mặt có đúng quy định không ...

2.2. Đối với Sổ ghi nhật ký Đoàn trực tiếp kiểm sát là việc ghi chép lại các hoạt động kiểm sát của Đoàn, cập nhật những việc của Đoàn thực hiện hàng ngày trong quá trình trực tiếp kiểm sát. Hiện tại, trong hệ thống Mẫu nghiệp vụ ban hành theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao chưa có Mẫu sổ ghi nhật ký Đoàn trực tiếp kiểm sát, Vụ 11 sẽ tổng hợp để kiến nghị bổ sung khi sửa đổi, bổ sung hệ thống Mẫu nghiệp vụ của Ngành. Trước mắt, quá trình tiến hành trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan THADS, Đoàn trực tiếp kiểm sát cần thực hiện linh hoạt trong việc ghi Sổ nhật ký.

2.3. Quyết định phúc tra thực hiện Kết luận trực tiếp kiểm sát thực hiện theo Mẫu số 08 Ban hành kèm theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao.

3. Một số vụ việc tòa án tuyên thi hành đối với tổ chức, nhưng khi bản án có hiệu lực pháp luật chuyển sang Cơ quan THADS để thi hành, Chấp hành viên tiến hành xác minh thì tên tổ chức đó không có trong thực tế hoặc cơ quan, tổ chức đó đã sát nhập, chia tách hoặc giải thể, không xác định được người phải THA dẫn đến việc tổ chức THA gặp khó khăn.

Trả lời: Về xác minh điều kiện THA đối với đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án là tổ chức đã được quy định cụ thể tại điểm d khoản 4 Điều 44 Luật THADS, Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP). Theo đó, tùy từng trường hợp mà Cơ quan THADS sẽ tiếp nhận, từ chối, đình chỉ, tạm đình chỉ THA... theo quy định của pháp luật.

4. Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về hoạt động, phương thức kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động thẩm định giá, đấu giá tài sản THA nhằm phát hiện các vi phạm pháp luật trong hoạt động này. Đến nay, Bộ Tư pháp vẫn cho rằng Tổ chức đấu giá tài sản không phải là tổ chức có liên quan đến hoạt động THA và hoạt động bán đấu giá tài sản THA của Tổ chức đấu giá tài sản không thuộc đối tượng kiểm sát của VKSND dẫn đến việc thực hiện chức năng, quyền hạn của VKSND gặp nhiều khó khăn.

Đề nghị ban hành quy định về quy trình, kỹ năng kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án; tổng hợp các dạng vi phạm trong toàn ngành để các đơn vị tham khảo và áp dụng thực hiện; hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc và có những giải pháp, kiến nghị để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm sát.

Trả lời: Quy chế số 810 và Quy định số 94 đã quy định cụ thể về quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan THADS.

Hiện nay, Luật Tổ chức VKSND và Luật THADS đã quy định thẩm quyền kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động THADS, nhưng Luật THADS mới chỉ quy định chung chung, chưa có quy định cụ thể về hoạt động thẩm định giá và bán đấu giá tài sản THA là hoạt động liên quan đến THADS, thuộc đối tượng kiểm sát của VKSND, dẫn đến việc nhận thức và áp dụng pháp luật trong trường hợp này còn chưa thống nhất. VKSND tối cao đang thực hiện trình tự kiến nghị để sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể thẩm quyền này của VKSND khi sửa đổi toàn diện Luật THADS trong thời gian tới. Kỹ năng kiểm sát đối với hoạt động thẩm định giá và bán đấu giá tài sản THA đang được Vụ 11 phối hợp với Vụ 14 nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao ban hành Quy định về quy trình, kỹ năng kiểm sát trong thời gian tới để thực hiện thống nhất trong toàn Ngành.

Hàng năm, Vụ 11 đều tổng hợp các dạng vi phạm để ban hành Thông báo rút kinh nghiệm toàn Ngành. Đồng thời, tại các Hội nghị Sơ kết, tổng kết công tác của Ngành, Hội nghị tập huấn nghiệp vụ, Vụ 11 đã tổng hợp, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các VKSND địa phương; tại các tài liệu tập huấn theo chuyên đề cũng đã nêu rõ các dạng vi phạm của Cơ quan THADS, cơ quan, tổ chức có liên quan được tổng hợp qua công tác kiểm sát của VKSND các cấp.

5. Hiện nay, Viện kiểm sát địa phương đang gặp một số khó khăn do chưa có một số biểu mẫu, mẫu sổ... trong thống kê THADS và kiểm sát THADS, HC, cụ thể:

1) Chưa có biểu mẫu kiểm sát quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước của Tòa án?

2) Tại cột số 11 Thông tư liên tịch số 12/2021/TTLT-BTP-VKSNDTC- TANDTC ngày 29/12/2021 quy định phối hợp trong thống kê THADS, theo dõi THAHC (dòng số 9 và dòng số 15) thể hiện số việc/tiền chưa có điều kiện (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) việc quy định trên là chưa hợp lý dẫn đến bỏ lọt số liệu, ảnh hưởng đến tổng số liệu chung của cả kỳ thống kê.

3) Về lĩnh vực kiểm sát THAHC, các nội dung ghi theo Mẫu sổ 61 không đủ dữ liệu để nắm và theo dõi tình hình khi thực hiện các báo cáo, nhất là báo cáo phục vụ kỳ họp Quốc hội, như: bản án hành chính có nhiêu nội dung thi hành, đã thi hành một phần nhưng không biết ghi thế nào cho chính xác.

4) Cơ quan THADS hai cấp (tỉnh và huyện) đang thực hiện việc báo cáo thống kê quy đổi tài sản, tang vật thành tiền trên cơ sở phiếu hạch toán tài sản, tang vật do kế toán nghiệp vụ THA lập (Mẫu C01-THA ban hành kèm theo Quyết định số 2030/QĐ-BTP ngày 30/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp). Nhưng khi Viện kiểm sát thụ lý kiểm sát thì thực tế theo Quyết định THA không có quy đổi tiền đối với những việc có tài sản, tang vật, dẫn đến khó khăn trong công tác đối chiếu số liệu giữa hai ngành.

5) Hiện tại, chưa có phần mềm quản lý THADS, HC nên công tác theo dõi, sang sổ, kiểm sát sổ thụ lý gặp nhiều khó khăn.

Trả lời:

5.1. Hiện nay, trong hệ thống biểu mẫu văn bản tố tụng, nghiệp vụ tạm thời ban hành kèm theo Quyết định 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của VKSND tối cao, có 36 mẫu về công tác kiểm sát THADS, HC nhưng chưa có biểu mẫu kiểm sát quyết định miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước của Tòa án. Vụ 11 đang thực hiện tổng hợp để tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao sửa đổi, bổ sung mẫu về công tác kiểm sát THADS, HC. Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung, VKSND các địa phương nghiên cứu và áp dụng Điều 5 và Điều 17 Quy chế 810.

5.2. Đối với “số việc/tiền chưa có điều kiện” tại cột số 11 Thông tư liên tịch số 12/2021/TTLT, VKSND tối cao sẽ nghiên cứu, tổng hợp để kiến nghị sửa đổi khi sửa đổi biểu mẫu.

5.3. Đối với Mẫu sổ 61- Kiểm sát THAHC, Vụ 11 sẽ tổng hợp để xem xét để tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao sửa đổi, bổ sung hệ thống Mẫu sổ.

5.4. Về khó khăn trong công tác đối chiếu số liệu giữa Viện kiểm sát và Cơ quan THADS do Quyết định THA không có quy đổi tiền đối với những việc có tài sản, tang vật và chưa có phần mềm quản lý THADS, HC, trong thời gian tới VKSND tối cao (Vụ 11) sẽ tổng hợp để trao đổi với Tổng cục THADS- Bộ Tư pháp thống nhất hướng dẫn thực hiện và sớm xây dựng phần mềm quản lý THADS, HC.

6. Đề nghị Vụ 11 phối hợp với Tổng cục THADS có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp người phải THA là người nước ngoài.

Trả lời: Pháp luật về THADS hiện hành chưa quy định cụ thể về THA có yếu tố nước ngoài và một số quy định còn bất cập liên quan đến việc xác minh điều kiện THA có yếu tố nước ngoài, ủy thác tư pháp... Đối với các trường hợp THA cụ thể có người phải THA là người nước ngoài, trong thời gian chờ sửa đổi toàn diện Luật THADS, khắc phục các bất cập về nội dung này, Vụ 11 sẽ phối hợp với Tổng cục THADS để thống nhất hướng dẫn.

Trên đây là nội dung giải đáp về những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đề xuất của VKSND các cấp trong lĩnh vực kiểm sát THADS, HC qua tổng kết công tác năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Viện trưởng VKSTC (để b/cáo);
- Đ/c Nguyễn Duy Giảng, PVT VKSTC (để b/cáo);
- Vụ 14, T1, T2, T3, Văn phòng VKSTC (để biết);
- Lưu: VT, V11.
S-90b

TL. VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ




Nguyễn Kim Sáu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 204/VKSTC-V11 năm 2023 giải đáp khó khăn, vướng mắc qua tổng kết công tác năm 2022 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 204/VKSTC-V11
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/01/2023
  • Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Nguyễn Kim Sáu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/01/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản